Phóng sự

Chuyến đi kinh hoàng

10:21, 09/04/2019 (GMT+7)
Mặc dù được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền, chỉ rõ thủ đoạn lừa phỉnh của bọn phản động nhưng trên địa bàn Gia Lai thời gian qua vẫn có một số người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép, trốn sang Thái Lan với hy vọng có cuộc sống sung sướng và có thể được đi nước thứ 3 định cư. Thế nhưng chuyến đi của họ là một chuỗi ngày kinh hoàng, ám ảnh.

Trở về với gia đình đã gần 1 tháng nhưng Siu Nan ở làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh vẫn chưa nguôi ám ảnh về những ngày tháng kinh hoàng ở Thái Lan. Trong câu chuyện kể với chúng tôi và các chiến sỹ an ninh, Siu Nan cho biết do nhẹ dạ, cả tin nên giữa tháng 11 năm 2017, khi nghe người thân ở nước ngoài gọi điện bảo trốn qua Thái Lan sẽ được bảo lãnh đi Mỹ, Nan liền rủ Kpuih Plem và Rah Lan Chíu (ở cùng làng) cùng đi với số tiền phải trả cho các đối tượng môi giới dẫn đường, mỗi người hơn 15 triệu đồng.

Siu Nan (áo ngăn tay, ngoài cùng) tại buổi phát động.
Siu Nan (áo ngăn tay, ngoài cùng) tại buổi phát động.

Tại Thái Lan, họ sống trong căn nhà trọ tồi tàn, rách nát và xin làm phụ hồ với thu nhập khoảng 200 ngàn đồng/ngày. “Ăn uống bên đó rất khổ cực vì mình sống lén lút, sợ Cảnh sát Thái Lan bắt. Đi làm được vài lần nhưng người Thái không trả tiền vì họ biết mình không có giấy tờ tùy thân, sống bất hợp pháp, không được ai bảo vệ” - Siu Nan nhớ lại.

Vì sức khỏe yếu, công việc phụ hồ nặng nhọc, chủ thuê lao động lại quỵt tiền công nên làm được ít hôm Siu Nan đã bỏ việc, hàng ngày phải ra đường xin ăn. Sau gần 8 tháng sống đắng cay, tủi nhục, điều Siu Nan lo sợ đã xảy ra. Ngày 07/03/2019, Nan đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ.

Với ánh mắt vẫn còn sợ hãi, Nan kể lại khoảng thời gian đó: “5 giờ sáng, lúc em đang ngủ thì Cảnh sát Thái Lan phá cửa xông vào. Họ nói không có giấy tờ thì phải bị bắt, rồi đưa vào Trại Tamo. Do quá sợ nên em xỉu 2 lần, xỉu tại vì không biết đường nào để về. Ở đó, cơm ăn là cơm thừa được ủ làm rượu, gà thì gà thúi nó cho mình ăn, biết ăn là đau bụng nhưng đói thì vẫn phải ăn…”

Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và lực lượng Công an, ngày 07/03/2019, Siu Nan được bảo lãnh, cho hồi hương. Trước đại diện chính quyền và đông đảo bà con dân làng Tai Pêr, Siu Nan đã tố giác thủ đoạn lừa phỉnh của bọn phản động và sự thật về cuộc sống của người vượt biên ở Thái Lan.

Nhiều người dân đến dự đã động viên Siu Nan vượt qua mặc cảm, sớm ổn định cuộc sống, đồng thời đề nghị chính quyền, Công an xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo. Anh Siu A Mek nói: “Qua câu chuyện của Siu Nan và những người trong làng đi Thái Lan trở về, chúng tôi đã hiểu bọn xấu lừa bà con đi Thái Lan chỉ để lấy tiền môi giới chứ đi Thái Lan không ai sung suớng và cũng không ai được đi nước thứ 3 nào cả. Bọn chúng chỉ lừa bà con mình thôi”.

Cũng như nhiều địa phương khác, đến nay trên địa bàn xã Ia Hla, huyện Chư Pưh có 04 trường hợp vượt biên trái phép sang Thái Lan đã hồi hương. Những người trở về được dân làng và chính quyền mở rộng vòng tay nhân ái, tha thứ lỗi lầm và tạo điều kiện giúp đỡ để sớm ổn định cuộc sống.

Thượng tá Vũ Thọ Hanh – Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết: “Từ đầu tháng 4 năm 2018, Chính quyền Thái Lan đã ban hành luật lao động mới, quy định người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tiền lên đến 3.000 đô la Mỹ và chịu 5 năm tù giam. Trước đó, ngày 01/12/2017, Chính quyền Thái Lan ra sắc lệnh tăng cường bắt, truy quét tất cả những người nhập cư và người lao động bất hợp pháp. Hiện tại cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở Gia Lai nhập cư trái phép sang Thái Lan đã và đang rơi vào cùng quẫn, đầy rủi ro và ngày càng mù mịt. Vì vậy, bà con cần cảnh giác, không nghe, không tin những lời xúi dục, tuyên truyền của bọn phản động, tránh rơi vào hoàn cảnh tiền mất, tật mang”.

 

Nguồn: Công an Gia Lai

Các tin khác