Phóng sự
Nở rộ trào lưu nuôi búp bê Kumanthong: Đón tài lộc hay rước họa vào thân?
Khoảng vài năm trở lại đây, một bộ phận giới trẻ Việt Nam đặc biệt quan tâm, thậm chí trở nên "nghiện" búp bê Kumanthong (hay còn gọi là Quỷ Linh Nhi) có xuất xứ từ Thái Lan. Đây là một loại bùa ngải phổ biến ở đất nước xứ Chùa vàng.
Nhiều người tin rằng, khi "nuôi" một con búp bê này trong nhà thì tài lộc ngút trời, làm việc gì cũng hanh thông. Điều đặc biệt là, "nuôi" Kumanthong chẳng khác nào nuôi một đứa trẻ, tức là cũng phải cho ăn, cho uống, dỗ dành, trò chuyện và đưa đi chơi… Nhiều người đã không ngại ngần bỏ ra một số tiền lớn để rước được một em Kumanthong về nhà "nuôi" mà không biết rằng rất có thể họ đang rước họa vào thân.
Rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Chỉ cần vào google gõ chữ "Kumanthong" lập tức hiện ra hàng loạt trang web và fanpage rao bán búp bê Kumanthong. Và nhấp vào bất kỳ một trang fanpage nào bạn cũng sẽ thấy những lời giới thiệu cực kỳ "có cánh" về sự linh nghiệm của loại búp bê này. Cụ thể là: Kumanthong được người Thái gọi là cậu bé vàng hay là Những thiên thần nhỏ…
Kumanthong là những Linh nhi có tâm hồn trong sáng và thánh thiện được các Luang PouCao tăng có đạo hành và thần lực dày công tế luyện và trì trú thành cho nên các bé có những khả năng đặc biệt có thể giúp ích được cho cha mẹ thờ phụng bé như: đem lại vận may, chiêu tài, gọi lộc, thu hút, gọi khách, giúp ích rất nhiều trong công việc làm ăn; Phòng tránh và bảo vệ cha mẹ khỏi những tai ương; Bảo vệ gia đình khỏi những điều dơ bẩn, vong linh, ma quỷ cũng như các thế lực đen tối hãm hại… Giá bán cho mỗi loại Kamanthong có sự dao động lớn, có thể từ vài triệu cho tới hàng trăm triệu đồng.
Theo truyền thuyết của Thái Lan, nguồn gốc của búp bê Kumanthong bắt nguồn từ một gia đình có người vợ mang thai nhưng thai nhi chết yểu. Sau đó cặp vợ chồng này đã mang thai nhi đi làm khô rồi để trong nhà thể hiện sự thương tiếc cho đứa trẻ xấu số.
Người ta tin rằng đứa trẻ sẽ phù hộ cho cha mẹ và đem đến cho gia đình sự may mắn, tốt lành. Thế nên theo đồn thổi của nhiều người, để làm Kumanthong đầu tiên phải lấy một bào thai đã chết từ bụng mẹ rồi trải qua một buổi lễ.
Buổi lễ này phải được thực hiện bởi một người được đào tạo và nắm rõ được những bí mật cổ xưa của người Thái là gọi hồn trong một nghĩa trang vào ban đêm với các em bé đã chết khô và rang trên lửa được các pháp sư tụng thần chú và những câu thần chú bí mật này sẽ ràng buộc linh hồn của đứa trẻ chết non. Sau khi niệm thần chú xong các bào thai khô này sẽ được đặt trong một hộp đựng sơn mài bằng vàng.
Kumanthong được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt), Kính ái (tạo tình cảm), Tức tai (bảo hộ thân chủ trong những trường hợp gặp nguy hiểm), Hàng phục (phá phách đối thủ, gây bệnh tật), Câu triệu (gọi người đi xa)…
Nhiều trang fanpage được lập ra để chia sẻ về cách “nuôi” Kumanthong đúng cách. |
Theo đó, khi một người đã quyết định sẽ "nuôi" một Kumanthong thì sẽ phải lập một ngôi đền cho nó và thờ cúng như nó một đứa con đã mất của mình. Nếu không chăm sóc nó tử tế thì Kumanthong có thể ném cơn giận dữ vào chính chủ nhân "nuôi" nó và hậu quả thật khôn lường. Thức ăn mà Kumanthong ưa thích thường là bánh kẹo, hoa quả và những loại nước có màu đỏ như Cocacola. Tương truyền loại nước màu đỏ nó giống như một cách dâng hiến cho linh hồn của thai nhi.
Không chỉ phải cung cấp đầy đủ đồ ăn, thức uống ưa thích mà những người "nuôi" Kumanthong còn phải cưng nựng, nói chuyện với nó như với một đứa trẻ mỗi ngày. Họ còn phải mua đồ chơi, sắm quần áo cho Kumanthong thường xuyên. Trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, mua sắm đồ cho Kumanthong, rồi họ tự hào khoe ảnh "con".
Trên trang fanpage Nhóm nuôi và chăm sóc Kumanthong đúng cách tại Việt Nam, có bạn hỏi: "Mình giờ không có điều kiện chăm sóc bé nữa thì phải làm sao ạ? Vì sự bất tiện trong gia đình nên khó tiếp tục chăm bé, có cha mẹ nào muốn rước bé về chăm sóc thay mình không ạ?" Ngay sau khi câu hỏi được đưa ra thì chủ nhân fanpage Nhóm nuôi và chăm sóc Kumanthong đúng cách tại Việt Nam đã trả lời rằng: "Tất cả mọi người khi nuôi con phải xuất phát từ tâm mình trước đã và ít nhất khi nuôi cũng phải từ 3 đến 5 năm chứ không phải thích thì nuôi, không thích thì bỏ đâu".
Trên nhiều diễn đàn trao đổi về nuôi Kumanthong đúng cách, nhiều người còn đăng tải những hình ảnh và clip đưa "con" đi chơi, đi ăn cùng bạn bè, người thân. Nhiều người khi đến quán cà phê còn gọi riêng một cốc nước để cho "con" của họ uống cùng. Thậm chí, ngay cả khi đi máy bay, họ cũng sẵn sàng mua một ghế riêng cho "con" của mình được ngồi đàng hoàng. Trong suy nghĩ của hầu hết những người "nuôi" Kuamanthong thì búp bê này được coi và đối xử đúng như một đứa trẻ. Nhiều người "nuôi" Kumanthong trong nhà thường gặp những điều kỳ lạ như nghe thấy âm thanh cười nói của một đứa trẻ hoặc tiếng bước chân chạy loanh quanh, tiếng đóng mở cửa…
Người ta thường hay cho Kumanthong uống thứ nước màu đỏ như 1 cách dâng hiến cho linh hồn thai nhi. |
Niềm tin mù quáng và những tuyệt vọng ma quái
Mới đây, tại chung cư Gold View, đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh, một cô gái trẻ 24 tuổi được phát hiện rơi từ tầng 17 xuống đất tử vong. Điều đặc biệt là, cái chết bất thường của cô gái này được cho là có liên quan tới việc nạn nhân nuôi búp bê Kumanthong trong nhà và yêu thương nó như con đẻ.
Cụ thể trong một tin nhắn gửi tới bạn của mình, cô gái trẻ này tự hào khoe: "Con em ngoan hiền lắm, tình cảm. Em may mắn lắm con mới chọn em để nuôi". Nhưng trong một loạt các tin nhắn khác gửi bạn mình, cô gái trẻ này lại thể hiện sự tuyệt vọng về thế giới này. Thậm chí còn có cảm giác như bị dính vào ma quỷ, bùa ngải gì đó. Nội dung tin nhắn là: "Em muốn chết anh ạ. Em không biết có ai bỏ bùa em không, lúc nào em cũng nghĩ đến cái chết. Em sợ quá anh ạ. Em sợ cái thế giới này …".
Sau khi cô gái trẻ tìm đến cái chết, trên nhiều trang mạng xã hội đã truyền tai nhau về việc nạn nhân đã bị búp bê Kumanthong "hành". Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ: "Tôi cũng từng gặp và chữa cho nhiều trường hợp được cho là bị Kumanthong hành. Bệnh nhân kể rằng nếu không cúng nhiều, không chăm sóc cưng chiều Kumanthong thì bản thân họ sẽ lâm vào khủng hoảng tâm lý, có những cử chỉ bất thường thậm chí là thể trạng suy sụp".
Theo lý giải của Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh thì tình trạng này xuất phát từ việc họ cảm thấy bất an vì đã không "chăm sóc" cho Kumanthong được tốt nên trong đầu luôn bị ám ảnh việc mình sẽ bị ma hành.
Giá của Kumanthong dao động từ vài triệu đến cả trăm triệu. |
Tài lộc đâu chưa thấy nhưng những hệ lụy mà Kumanthong đem lại là rất rõ. Chẳng hạn như trong một gia đình không phải ai cũng đồng ý "nuôi" Kumanthong. Bởi nhiều người cho rằng "nuôi" Kumanthong là nuôi ma trong nhà. Hơn nữa việc sử dụng thai nhi làm bùa ngải chính là sự biến tướng của những người làm thương mại.
Chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh việc thờ cúng xác chết trong nhà là đem lại may mắn cho người sống. Hơn nữa đứng ở góc độ văn hóa thì quá trình làm nên những búp bê Kumanthong là một quá trình vô nhân đạo. Trong Phật giáo không có chuyện yểm bùa. Quan niệm yểm bùa trong búp bê chỉ là những điều thiếu căn cứ, nếu chúng ta nghe và làm theo sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh doanh bất chính hưởng lợi.
Thực hư về năng lực siêu nhiên của búp bê Kumanthong chưa ai có thể kiểm chứng. Và việc chế tạo ra một Kumanthong theo cách truyền thống cũng đã bị cấm tại đất nước Chùa Vàng. Mỗi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng nếu thứ gì đó được coi là linh thiêng thì không thể được giao bán đại trà, tràn lan. Không nên bỏ ra một số tiền lớn để mua về những thứ không chắc đã có lợi cho mình. Làm vậy chẳng khác nào tự biến mình thành con mồi béo bở để người khác lợi dụng và kinh doanh phi pháp.
Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nêu rõ việc hành nghề mê tín dị đoan trong đó có cả việc kinh doanh "bùa ngải" là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, hậu quả mà đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để ngăn chặn hành vi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi bất chính, cơ quan chức năng cần sớm có các quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, đặc biệt là chế tài xử lý đối với các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, để tránh "tiền mất, tật mang", mỗi cá nhân cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời đồn thổi mất tiền mua "bùa ngải", kẻo lợi đâu chẳng thấy lại rước họa vào mình". Tín ngưỡng thì chủ chương là không có ngăn cấm, nhưng với tín ngưỡng không đem lại lợi ích mà còn gây ra điều xấu, ảnh hưởng tiêu cực thì phải lên án, có biện pháp ngăn ngừa". |
Nguồn: CSTC/Báo CAND