Phóng sự
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ:
tâm linhNhiều người dân đang 'mù mờ' về tâm linh
08:31, 01/03/2019 (GMT+7)
Đầu năm lại nóng câu chuyện vấn nạn ở lễ hội, dâng sao giải hạn ở các đền chùa. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ về vấn đề này, hy vọng góp một tiếng nói giúp mọi người hiểu rõ hơn về niềm tin "tâm linh" mà họ đang theo đuổi.
- Đầu năm lại nói đến câu chuyện lễ hội và dường như năm nào chúng ta cũng phải đối diện với những vấn nạn nhức nhối của lễ hội đầu năm, chen lấn, xô đẩy, tranh dành nhau ấn (Đền Trần), cướp phết, cướp chiếu để lấy may… Theo ông, vì sao nhận thức của người dân vẫn không thay đổi và vấn nạn vẫn tiếp diễn mỗi khi mùa lễ hội đến?
+ Tiêu cực lễ hội có nhiều biểu hiện và nguyên nhân. Biểu hiện là ách tắc giao thông, chen lấn xô đẩy, bạo lực tranh giành, rượu bia cờ bạc, chặt chém, trộm cắp... đặc biệt là mê tín mê muội. Nguyên nhân thì có nhiều: thứ nhất là lượng người đổ về các lễ hội quá đông vì dân số gia tăng, giao thông thuận lợi... tạo nên sự lộn xộn đến mức không kiểm soát được; thứ hai là công việc tổ chức và kịch bản lễ hội không chu đáo và chi tiết; thứ ba là tâm thế con người thấm đẫm mặt trái của kinh tế thị trường, lòng tham bùng nổ, giá trị đảo lộn; thứ tư là sự mê tín ngày càng lan tỏa, sự rủi may ngày càng phổ biến trong một xã hội đang vặn mình lấy tăng trưởng làm cứu cánh...
Còn vấn đề nhận thức của nhân dân thì muôn đời vẫn vậy, có người thế này và có người thế khác, xã hội nào cũng vậy thôi. Đừng trách nhân dân.
Chen chúc nhau đi chùa là cảnh tượng phổ biến đầu năm. |
- Phải chăng, tâm thế của người đi lễ hội bây giờ đã khác, họ không phải đi để khám phá, trải nghiệm mà cầu cạnh, xin xỏ. Họ mê tín và mê muội trong niềm tin tâm linh?
+ Tâm thế con người nói chung cũng có nhiều biến động. Cuộc cạnh tranh coi sự giàu có là đỉnh cao của hạnh phúc đẩy con người vào Tham - Sân - Si, vào guồng quay chóng mặt mưu cầu giàu có bất chấp những giá trị cao quý khác. Đó là mảnh đất cho mê tín mê muội phát triển. Không tin được vào sự quy củ, ngăn nắp của chế định xã hội thì họ bấu víu vào thần phật, ma quỷ, cầu xin những điều ảo tưởng. Đó là nguồn gốc tạo nên những tâm thức tiêu cực.
- Vậy theo ông, gốc gác của các lễ hội ngày xưa như thế nào?
+ Đọc những tài liệu, mô tả qua các sách du ký của người phương Tây khi họ tiếp xúc với nước ta vào thế kỷ XVII - XVIII, hoặc những ghi chép nhân học đầu thế kỷ XX thì ta thấy một xã hội cuối thời phong kiến lạc hậu, mê muội, hèn kém và u buồn. Xem ảnh chụp các lễ hội như ở Yên Sở, Phù Đổng, đến cả triều đình Huế... ta cũng thấy được sự xác xơ, rệu rã của đời sống xã hội.
Nghiên cứu các bản ghi dân tục được Viễn Đông bác cổ lưu giữ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì ta thấy thương tâm đến kỳ lạ. Đừng tô hồng quá khứ mà phủ định hiện tại. Chỉ có điều, ta lọc lấy trong đó những giá trị tích cực, thấu hiểu nó để bảo tồn lấy các giá trị mà phát triển nó tốt đẹp hơn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ. |
Những gì ngày xưa hèn yếu thì phải vượt qua mà xây dựng những giá trị tốt đẹp hơn trong ngày nay. Hôm nay sẽ là ngày xưa của trăm năm sau. Bất cứ thời đoạn nào trong lịch sử cũng sẽ tạo nên những giá trị cho tương lai. Ngày nay lại phải càng như thế khi điều kiện sáng sủa hơn nhiều rồi. Tôi vững tin như vậy.
- Ông có cảm nghĩ như thế nào về việc đầu năm, người dân chen nhau đi lễ chùa, dâng sao giải hạn?
+ Tôi tìm trong các từ điển liên quan tới Phật giáo thì chưa thấy có khái niệm "giải hạn". Nó có lẽ thuộc đạo giáo Trung Hoa chăng mà nhà chùa chúng ta kiêm nhiệm làm luôn vì nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng. Tín ngưỡng được thực hành thành lễ nghi ở một số chùa Bắc Bộ này được tiến hành rôm rả, mà thực chất chỉ là mê tín mà thôi.
Trên đất nước ta, nhiều nơi không làm nghi lễ này và trên thế giới lại càng nhiều nơi không làm. Chả nhẽ ở những nơi đó, sao La Hầu hay Kế Đô chiếu cho họ lụn bại đi hết cả sao? Họ vẫn sống, vẫn mưu cầu hạnh phúc và văn minh rất phát triển. Ông cha ngày xưa dạy rằng, "vô thư vô sách, quỷ thần bất trách". Trót tin thì làm cho yên lòng, chỉ được một phần tâm lý thôi.
- Câu chuyện dâng sao giải hạn của khắp các chùa, mà điển hình là tổ đình Phúc Khánh đặt ra câu hỏi, phải chăng đang có sự trục lợi tâm linh? Theo ông, thực chất của việc dâng sao giải hạn là như thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà chùa không có vai trò trong việc thực hiện dâng sao giải hạn?
+ Vấn đề là ở chỗ "buôn thần bán Phật" là chính. Hai chữ "tâm linh" phổ biến gần 30 năm nay, tạo thành một khái niệm mù mờ nhất và dễ bị lợi dụng nhất. Trong các từ điển Hán Việt, nó dùng để chỉ trí tuệ mẫn tiệp của con người, con dùng dịch tiếng Tây thì nó chỉ các chuyện hồn ma bóng quỷ, như "văn học tâm linh" chẳng hạn, một trào lưu nghệ thuật ngôn từ.
Còn ở ta, nghĩa nó nghe mơi mới, thiêng thiêng, là lạ và túm vào một bị, trong đó mọi tín ngưỡng, mê tín, đồng bóng, mê muội, thiêng liêng hòa trộn với nhau. Chính sự mù mờ "tâm linh" đó, nhiều người, nhiều nhóm đã trục lợi tín ngưỡng, làm giàu mà hầu như nằm ngoài mọi kiểm toán, thuế má cũng như quản lý kinh tế nhà nước. Họ có "tâm linh" chống lưng.
- Theo ông, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong vấn đề này như thế nào?
+ Giáo hội Phật giáo có những người phản đối trục lợi tín ngưỡng, có những quy định, những khuyến nghị. Nhưng đạo cũng như đời, khi thực hành thì nó phức tạp, tốt xấu lẫn lộn. Trong giới sư sãi cũng có nhiều người chân tu nhưng cũng có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân xung khắc quyết liệt.
Gần đây, báo chí đã phải lên tiếng một số trường hợp. Không ít lần tôi gặp những người tu hành, vừa kể sự tình vừa tức tưởi khóc vì bị chèn ép, thậm chí bị dùng bạo lực xúc phạm thân thể. Nhiều khi biết rõ câu chuyện mà không cứu giúp được. Thật tội tình.
- Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra một bộ quy tắc ứng xử về đi chùa, tham gia lễ hội hay không thưa ông? Và nếu có, chúng ta sẽ kiểm soát nó ra sao?
+ Rất nhiều chùa, cũng như trường học, cơ quan có những quy định hành vi ứng xử khi đi lễ chùa và ghi hẳn thành bảng lớn, nhưng nhiều người không có thói quen đọc và thực hành những quy định đó. Nếu chùa là di tích văn hóa lịch sử thì chính quyền cần có quy định hợp với luật pháp về di tích, di sản văn hóa và phải thể hiện sự quản lý nhà nước của mình.
Những chùa khác thì nên theo những giới luật tôn giáo mà quy định hoặc khuyến nghị. Vấn đề là tuyên truyền và có động tác nhắc nhở. Như gần đây, có bức ảnh chụp mấy cô đi lễ chùa mà mặc quần tất. Ôi thôi, người đâu mà dáng dấp kì dị thế không biết! Họ không tự đứng trước gương mà ngắm cái thân thể mình được à. Tốt đẹp thì phô ra, xấu xa thì đậy lại chứ.
- Giáo sư Nguyễn Văn Huy cho rằng, không nên đi bằng con đường tâm linh để phát triển văn hóa, du lịch. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
+ Ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Huy tôi hoàn toàn đồng cảm. Phát triển kinh tế du lịch tín ngưỡng hay kinh doanh qua du lịch tín ngưỡng là một hướng phát triển. Nhưng phải tuân thủ định chế pháp luật về kinh doanh của nhà nước. Không thể mượn hai chữ "tâm linh" mù mờ về nội hàm mà nằm ngoài các định chế quốc gia để chiếm dụng công thổ, trốn nghĩa vụ thuế, phục vụ lợi ích nhóm. Tóm lại, tôn giáo không thể đứng trên, đứng ngoài sự quản lý của nhà nước. Trên thế giới đều vậy.
Ngày xưa, vua phong sắc cho bách thần. Sau cách mạng tư sản Pháp, luật pháp nhà nước là thượng tôn và phương Tây đã vận hành xã hội như vậy. Tôn giáo là một bộ phận của văn hóa, nó vận hành trong sự phát triển của tổng thể văn hóa quốc gia, văn hóa dân tộc.
Con đường phát triển chắc chắn phải là khoa học, kỹ thuật và nhân văn. Chúng ta cứ lẽo đẽo với khói hương "tâm linh" thì bao giờ cho bằng nước người được. Chúng ta có bằng "tâm linh" để bước vào phát triển 4.0 được không? Hay "tâm linh" ăn theo công nghệ và khoa học?
- Là một nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa, lễ hội, theo ông, có giải pháp hữu hiệu nào để giảm thiểu những vấn nạn đầu năm của lễ hội, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội, đi đền, chùa hay không?
+ Giải pháp hữu hiệu bắt đầu từ thiết chế văn hóa và những con người hoạt động trong thiết chế đó. Lễ hội, cũng như nhiều giá trị truyền thống khác, đó là tài nguyên tinh thần cho chúng ta xây dựng đời sống văn hóa - xã hội hôm nay. Trước đây, nhiều thế hệ nghiên cứu chủ yếu làm những công việc rất cơ bản là mô tả văn hóa truyền thống, lý giải khoa học các lĩnh vực văn hóa đó, trong đó có lễ hội truyền thống, khuyến nghị những giá trị cần bảo tồn, chỉ ra nhiều bản sắc văn hóa.
Bây giờ, cần quan niệm đó là một dạng "tài nguyên tinh thần", cần khai thác, chế biến, sáng tạo, quảng bá...phục vụ sự phát triển. Muốn vậy cần có chủ trương tập hợp đội ngũ, cần có kế hoạch phát huy, phát triển trên khối tài nguyên phong phú đó. Lòng dân đồng thuận vì lễ hội sống trong lòng họ, nhân tài không hiếm vì được đào tạo ở rất nhiều nền khoa học và nghệ thuật khác nhau.
Vấn đề là có định hướng và sự tổ chức của thiết chế. Từ dân dã nâng tầm thành tinh hoa và từ tinh hoa lại lan tỏa vào đời sống dân gian. Trong cách mạng và chiến tranh, trí tuệ anh tú và tinh thần nhân dân đã hòa kết tạo nên những thành quả lớn lao.
Lẽ gì trong thời buổi hôm nay, chúng ta không huy động được sức mạnh đó. Nói thật, khi về với dân, giúp dân hoạt động, chúng tôi thấy 4 chữ "chiến sĩ văn hóa" thôi thúc mạnh mẽ mình trong lĩnh vực rất phức tạp này. Khi một thiết chế vận hành đúng đắn, các giá trị tốt đẹp sẽ nảy nở, trường tồn, đẩy lùi những tiêu cực và sẽ là truyền thống quý báu cho tương lai.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông
Nguồn: V. Hà (thực hiện)/CAND