20 năm trước, trong quá trình đấu tranh với các đối tượng xâm nhập biên giới, Trung úy Nguyễn Cảnh Dần, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An đã anh dũng hi sinh. Giờ đây, xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, đã khởi sắc hơn nhiều, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong sự bình yên, ấm no, đồng bào các dân tộc vẫn luôn nhắc tên Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần, cán bộ Biên phòng đã ngã xuống vì chủ quyền, an ninh biên giới, khi tuổi đời còn rất trẻ.
Già làng Lầu Xia Phia (thứ 2 bên trái sang) kể lại câu chuyện. Ảnh: Hải Thượng |
Đêm đông, bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn chìm trong màn sương trắng, núi rừng im ắng, tĩnh mịch. Ánh đèn điện từ những ngôi nhà của đồng bào Mông chỉ đủ làm nên điểm sáng mờ trong làn sương dày đặc. Cái dễ cảm nhận nhất là tiếng loa đài, ti vi phát ra khá vui nhộn. Trong ngôi nhà kiên cố ở trung tâm bản, già làng Lầu Xia Phia vẫn ngồi bên bếp lửa hồng trò chuyện với những cán bộ Biên phòng phụ trách địa bàn. Ở góc nhà, vợ và các con ông đang xem chương trình truyền hình nói về ngày truyền thống QĐND Việt Nam. Trong căn phòng khác, mấy đứa cháu nội, ngoại của ông đang học bài dưới ánh sáng của điện lưới quốc gia.
Trong câu chuyện vui với những cán bộ Biên phòng, già Phia nói rằng, sinh ra, lớn lên ở bản làng biên giới, ông cũng không nghĩ rằng, đời mình được chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương. Mọi thứ diễn ra nhanh quá, giờ đây, bản làng đã có đường giao thông đi lại thuận lợi, mọi nhà có điện lưới chiếu sáng, có ti vi để xem, có điện thoại để thông tin liên lạc đến khắp mọi nơi... “Cuộc sống của bà con thay đổi là nhờ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với miền núi, với đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với đó là sự đóng góp công sức, xương máu của nhiều thế hệ cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần là một trong những người như vậy” - Già làng Lầu Xia Phia khẳng định.
Nói rồi ông bắt đầu kể lại câu chuyện của bản làng mình những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, khi các ổ nhóm phỉ bị lực lượng chức năng nước bạn Lào tấn công truy quét làm cho tan rã, rất nhiều đối tượng đã ra đầu thú. Tuy nhiên, một số nhóm nhỏ vẫn ngoan cố, chúng dạt về khu vực rừng núi biên giới tiếp giáp với các xã Tam Hợp (huyện Tương Dương), Nậm Càn và Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) để hoạt động.
Ý định lâu dài của chúng là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc Mông để tuyền truyền thành lập cái gọi là vương quốc riêng. Đồng thời chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, lấy khu vực rừng núi biên giới hiểm trở giữa Nghệ An (Việt Nam) và Xiêng Khoảng (Lào) để xây dựng lực lượng hoạt động chống phá cách mạng hai nước Việt - Lào. Để thực hiện ý đồ trên, những nhóm phỉ đã vượt biên, móc nối, lôi kéo một số phần tử xấu ở các bản làng biên giới nước ta tham gia cung cấp, tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho chúng.
Điều này đã làm cho tình hình an ninh trật tự ở các bản làng như Huồi Sến, Tân Sơn, Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương), Nậm Khiên (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) trở nên phức tạp. Trước tình hình đó, BĐBP Nghệ An đã triển khai thực hiện Kế hoạch KT 02 tăng cường tuần tra, đấu tranh, ngăn chặn, chặt đứt mọi đường dây tiếp tế cho phỉ trên các cánh rừng biên giới. Tuy nhiên, một số đối tượng ở xã biên giới Nậm Càn, Tam Hợp... vẫn lén lút cung cấp lương thực, thực phẩm cho các nhóm phỉ. Với quyết tâm bắt giữ các đối tượng để răn đe, giáo dục, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã triển khai lực lượng tăng cường bám sát địa bàn, đối tượng, kịp thời đấu tranh với các hoạt động tiếp tế cho bọn phỉ.
Ngày 22-12-2008, nhận được nguồn tin, nội trong ngày sẽ có một nhóm người thường xuyên tham gia tiếp tế cho bọn phỉ trên đất bạn, sẽ nhập biên, vào các bản làng, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác gồm 4 đồng chí, do Trung úy Nguyễn Cảnh Dần làm Tổ trưởng, mật phục bắt giữ các đối tượng. Tổ công tác được chia làm 2 mũi, mỗi mũi 2 người để chặn đường tiến, khóa đường lùi của các đối tượng. Đến 20 giờ cùng ngày, thấy các đối tượng đã xuất hiện đi vào trận địa mật phục, Trung úy Nguyễn Cảnh Dần xuất hiện, yêu cầu các đối tượng dừng lại để kiểm tra.
BĐBP Nghệ An thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc mẹ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần. Ảnh: Hải Thượng |
Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, chúng đã phá vòng vây, bỏ chạy. Ngay lập tức, Trung úy Dần và đồng đội đã đuổi theo, khi gần áp sát được thì bất ngờ đối tượng rút súng bắn vào lực lượng làm nhiệm vụ. Phát súng trong cự ly gần khiến Trung úy Dần bị trúng đạn. Dù bị thương, nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng, đuổi theo bắt được đối tượng, khi hắn định lao xuống vực. Trong khoảnh khắc đó, anh đã vật lộn khống chế, tra được còng số 8 vào tay đối tượng. Trong cơn đau, anh vẫn cùng đồng đội áp tải đối tượng về đơn vị để khai thác phục vụ công tác đấu tranh với phỉ trước mắt và lâu dài.
“Mặc dù Trung úy Dần đã được đơn vị khẩn trương sơ cứu, chuyển lên tuyến trên cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên anh đã hi sinh. Tấm gương hi sinh của Trung úy Nguyễn Cảnh Dần đã làm cho mọi người thán phục. Cũng từ đó, nhân dân ở địa bàn biên giới đã đoàn kết hơn đấu tranh với các hành động tham gia và tiếp tế cho các nhóm phỉ trên biên giới. Bị mất đường tiếp tế, sau đó chúng đã tự tan rã, cuộc sống bình yên đã trở lại với các bản làng. Không chỉ tôi, còn nhiều thế hệ nhân dân ở đây sẽ còn nhắc mãi tên Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần” - Gia làng Lầu Xia Phia khẳng định.