Tôi tin rằng ngay cả những người lạc quan nhất, cũng không thể nào nghĩ được dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng công cuộc chống tham nhũng lại có thể diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy.
Vì chống tham nhũng chính là cuộc chiến khó khăn nhất, cam go nhất với tầng tầng lớp lớp những dích dắc phản kháng, những nhóm lợi ích cấu kết chặt chẽ.
Nhưng rồi với sự hợp lý chậm mà chắc, với phương pháp khoa học, với sự nhất quán giữa nói và làm, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã loại dần những cán bộ lãnh đạo không tu dưỡng rèn luyện, không vì nhân dân phục vụ, chỉ biết chăm chăm lo cho “bộ lông cánh” của mình ra khỏi bộ máy, ra khỏi các chức vụ mà họ đã leo cao luồn sâu chiếm giữ bấy lâu nay.
1. Cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ có dẹp được tệ tham nhũng, chiến thắng được thứ giặc nội xâm này thì quốc gia mới không bị kìm hãm sự phát triển, tổ chức mới không lâm vào tình trạng một người làm mấy người níu lại, tính dân chủ trong nội bộ mới được phát huy đúng nghĩa.
Trên thực tế, không phải là nhiều năm nay Đảng không đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, chống cán bộ thoái hóa biến chất. Tuy nhiên, đáng tiếc là vì lý do này hay lý do khác (mà tựu trung tôi cho rằng do nể nang nhau, do người kế nhiệm ngại ngần người tiền nhiệm, lại thêm tâm lý “đã về hưu tức là hạ cánh an toàn, không cần nhắc đến nữa”), nên công tác chống tham nhũng không thu về được những hiệu quả như mong muốn.
Mãi cho đến Đại hội XII, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thời điểm đó phát động phong trào chống tham nhũng, thì cả bộ máy đã rần rần chuyển động theo, lòng người dân cũng chuyển động theo, không ai có thể đứng ngoài cuộc được nữa.
Thậm chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nói rất rõ ràng minh định và sòng phẳng “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Những phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn làm nức lòng nhân dân, như: “Lò đã nóng lên, củi tươi cũng phải cháy”, “Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm”, “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát”, “Phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “Công khai chống tham nhũng là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương”...
2. Bất chấp những luận điệu xuyên tạc, thiếu thiện chí hay vu vạ của những cá nhân mãi mãi không muốn quốc gia minh bạch, thì dòng chủ lưu thông tin mỗi tuần mỗi tháng của năm 2018 vẫn là chuyện “củi – lò”.
Không ai có thể mường tượng đến một ngày những cái tên tưởng chừng như bất khả xâm phạm, chỉ tồn tại trong những câu chuyện trà dư tửu hậu như Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ, Vũ “nhôm” Phan Văn Anh Vũ… những quyền uy ngông nghênh như Hà Văn Thắm, như Trần Bắc Hà… lại có ngày bị vạch sai phạm, phơi mặt trước công luận.
Cũng không ai có thể nghĩ những ủy viên Trung ương Đảng, những nguyên bộ trưởng hay thứ trưởng đương nhiệm phải trả giá cho những sai phạm của chính họ.
Những chủ tịch UBND tỉnh hay phó chủ tịch thành phố, cũng đã bị kỷ luật hay bị thành củi, những quan hệ mua bán công sản mờ ám bị phanh phui, những khoản thất thoát của ngân sách đang dần được thu hồi.
Một không khí phấn khởi lan rộng trong nhân dân với niềm tin cuộc chiến chống tham nhũng nhất định sẽ thắng lợi. Tất nhiên, đâu đó vẫn còn những tiếng nói lạc lõng, những luận điệu xuyên tạc thanh trừng hay phe phái đánh nhau.
Nhưng tôi cho rằng, những tiếng nói luận điểm lăng nhăng ấy chỉ có thể tự nói tự nghe, còn hành động và thực tiễn vẫn là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất của Đảng.
3. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương IX, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 5 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”.
“Sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới”, nghĩa là câu chuyện củi lò vẫn còn tiếp diễn. Nghĩa là lò vẫn sẽ nóng cho đến khi đốt được toàn bộ giặc nội xâm, cho đến khi không còn bất cứ hình dáng củi tươi hay củi khô nào trong bộ máy.
Với tinh thần nhất quán này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nước Nguyễn Phú Trọng, song song cùng một Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 có quá nhiều tiền đề thuận lợi để hy vọng đạt được nhiều thành tựu mới.