Phóng sự
Ế như… nhà ở xã hội
14:49, 15/11/2018 (GMT+7)
Giữa tháng 10 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê nhà ở xã hội tại Dự án Khu nhà ở xã hội ở huyện Quốc Oai.
Theo thông báo của Sở Xây dựng, dự án này có tổng số 432 căn hộ, trong đó có 346 căn hộ nhà ở xã hội để bán, 86 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Tuy nhiên, sau 14 lần mở bán, chủ đầu tư mới bán được 188 căn hộ và chưa cho thuê được căn hộ nào.
Lần mở bán thứ 15 này, chủ đầu tư bán 158 căn và cho thuê 86 căn hộ. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký cho lần mở bán và cho thuê thứ 15 này sẽ kéo dài đến ngày 17-11; giá bán tạm tính là 9.960.000 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì); giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Minh họa Lê Tâm |
Một dự án nhà ở xã hội khác cũng đang phải mở bán đến đợt 5 là nhà 19T1 thuộc dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng - quận Hà Đông. Dự án này có tổng số 432 căn hộ, sau 4 đợt mở bán mới bán được 261 căn; vì vậy đợt 5 chủ đầu tư tiếp tục mở bán tiếp 171 căn còn lại với giá bán (tạm tính) 13.000.000 đồng/ 1m2 chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì.
Cũng trong tình cảnh ế ẩm như vậy, dự án Nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư Đông Hội, xã Đông Hội, Đông Anh cũng đang phải mở bán đến lần thứ 4. Dự án này có tổng số 504 căn hộ, trong đó có 405 căn hộ để bán và 99 căn hộ cho thuê. Nhưng sau 3 lần mở bán mới chỉ có 126 căn có chủ và chưa cho thuê được căn nào.
Vì vậy đợt 4 này chủ đầu tư cũng mở bán toàn bộ 279 căn với giá 15.136.923 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và chưa có 2% phí bảo trì) và cho thuê 99 căn với giá 66.617 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Nhưng đây chỉ là 3 trong số nhiều dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội lâm vào cảnh phải mở bán nhiều lần vẫn chưa hết trong thời gian qua. Đây là một nghịch lý bởi thực tế hiện nay, ở Hà Nội vẫn còn hàng trăm ngàn người có nhu cầu mua nhà.
Sở dĩ những dự án này phải bán trong cảnh lay lắt như vậy bởi ngoài nguyên nhân như đối tượng được mua bị thu hẹp, giá lại không rẻ hơn nhà thương mại cùng khu vực, trong khi lại bị ràng buộc điều kiện là phải 5 năm mới được chuyển nhượng thì một lý do quan trọng nhất là các dự án đều nằm ở các quận, huyện ngoại thành và khá xa trung tâm, nơi hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Như dự ở huyện Quốc Oai, cách trung tâm thành phố tới gần 20km; vì vậy, với những người đang làm việc ở tại nội thành dù chưa có nhà nhưng cũng không thể mua nhà về đây để ở được vì phải di chuyển quá xa.
Bình luận về nghịch lý này, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nhà ở chỉ là một phần của nơi ở. Cái người dân cần là nơi ở chứ không phải chỉ là nhà ở. Nơi ở phải có hạ tầng giao thông, điện nước, trường học, những cái đó không tốt thì cũng không ai ở, thứ hai là môi trường xung quanh phải đáp ứng nhu cầu làm việc của con người.
“Thị trường là phải cân bằng cung cầu, có cầu thì có cung. Trong khi đó, nhà ở xã hội mà đưa ra bên ngoài ngoại ô xa tít, đất ở đó rẻ nhưng sau khi mua nhà người dân kiếm ăn ở đâu? Cho nên người dân không ra ở đó, bán không ai mua, chỉ có một số ít người gần đấy thì may ra họ mua thôi”, ông Liêm nói.
Tại Hội nghị Bất động sản quốc tế - IREC 2018 tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K Group cho rằng có rất nhiều người lao động đến các đô thị lớn để làm việc nhưng họ phải lựa chọn việc đi xa các khu trung tâm để sinh sống và con cái họ có thể sẽ không được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất.
Chính vì vậy, khi phát triển nhà ở xã hội cần có sự gắn kết việc phát triển nhà và các cơ sở giáo dục. Ông Trân cho rằng mỗi dự án nhà ở thương mại nên ra khoảng 10% để dành cho những người thu nhập thấp. Và ở đó không ai biết là ai giàu, ai nghèo, tránh tạo ra những bức tường phân biệt trong xã hội.
Thực tế, dù đã có quy định các dự án phát triển nhà ở thương mại rộng hơn 10ha phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hộ, nhưng do cơ quan chức năng quản lý chưa nghiêm nên chủ đầu tư thường tìm mọi cách trì hoãn thực hiện.
Chủ đầu tư hoặc xin trả bằng tiền hoặc dành phần đất chưa giải phóng xong mặt bằng, khu đất xấu nhất để xây nhà ở xã hội. Vì thế, để không còn cảnh nhà ế trong khi người có nhu cầu lại không mua, rất cần sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện quy định pháp luật.
Nguồn: Tân Lương/CAND