Phóng sự
Bác sĩ trại giam bị lây lao phổi, phơi nhiễm HIV vẫn hết lòng với phạm nhân
Bên cạnh công tác chuyên môn của người quản giáo, đội ngũ y bác sĩ của Trại giam Thủ Đức - Bộ Công an (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) còn phải làm nhiệm vụ của người thầy thuốc, ngày đêm túc trực, chăm lo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và phạm nhân.
Bởi tâm lý mặc cảm về thân phận tù tội khiến phạm nhân dễ nảy sinh thái độ bất cần, chống đối khi biết mình mang bệnh nặng. Vì vậy, mỗi người chiến sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải vững về nghiệp vụ để chẩn đoán đúng bệnh và thấu hiệu tâm tư của phạm nhân để giúp họ an tâm cải tạo và điều trị bệnh.
BỆNH NHÂN ĐẶC BIỆT
Những ngày cuối tháng 10-2018, chúng tôi cùng đoàn y bác sĩ của Trại giam Thủ Đức phối hợp Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận đi thăm khám, tầm soát cho 20 phạm nhân được chẩn đoán dương tính HIV vừa nhập trại.
Trước khi đi, trung tá Phạm Văn Bảng – Đội trưởng Đội Y tế & Bảo vệ môi trường của Trại giam trao đổi, nếu phạm nhân có thắc mắc tại sao lại được khám và cấp đổi thuốc thì Trung tâm phòng chống AIDS cùng cán bộ y tế trại phối hợp các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ khác giải thích cho họ hiểu.
“Vì họ là những người bệnh đặc biệt, có những phạm nhân phải thụ án nhiều năm, nếu biết mình bệnh nặng, tâm lý họ sẽ bất ổn ngay và thường không chịu hợp tác chữa trị”, trung tá Bảng giải thích.
Tại Phân trại 5, đoàn tiến hành khám cho 2 phạm nhân nữ vừa nhập trại vào tháng 9-2018. “Chồng tôi mất vì căn bệnh HIV, nên tôi cũng biết bản thân đã bị lây nhiễm từ chồng, phải uống thuốc điều trị. Cứ tưởng vào đây sẽ bị cắt thuốc, không ngờ lại được các bác sĩ đến tận nơi để khám, cho thuốc để tiếp tục chữa trị, tôi rất cám ơn”, phạm nhân B.T. ứa nước mắt nói.
Hai phạm nhân nữ B.T. và T.L. vừa nhập trại tại Phân trại 5 được tiến hành khám, tầm soát HIV |
Khác B.T., phạm nhân T.L. khá rụt rè, mặc cảm về căn bệnh của bản thân. Suốt buổi khám, T.L. lặng lẽ cúi đầu nhìn xuống, chỉ thỉnh thoảng ngước lên trả lời khi bác sĩ hỏi thăm tình hình sức khỏe.
Sau khi có kết luận dương tính HIV, phạm nhân sẽ được điều trị bệnh theo phác đồ nhằm đảm bảo sức khỏe tốt |
“Do đặc thù của phân trại là buồng giam giữ của phạm nhân nữ nên sức khỏe họ cũng yếu hơn nam giới. Mà khu vực này lại chỉ có 2 cán bộ y tế, nên chúng tôi phải thay phiên nhau ở lại trực đêm để chủ động ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra”, Thượng úy Đào Thị Lệ Huyền – cán bộ y tế tại Phân trại 5 cho biết.
Phạm nhân được xét nghiệm máu để chẩn đoán đúng bệnh nhằm chữa trị kịp thời |
Không như những phạm nhân khác đều có vẻ khá thờ ơ khi đoàn đến thăm khám, một phạm nhân nam hơn 25 tuổi đang thụ án tại khu sản xuất 4 phấn khởi nói:
“Từ khi nhập trại, mỗi tháng mẹ phải đến Gò Vấp để gửi thuốc lên đây cho uống chữa trị. Thấy mẹ lớn tuổi mà phải cực khổ vì con, tôi xót lắm, nghe nói hôm nay được khám để cấp thuốc thiệt là mừng lắm. Từ nay mẹ đỡ phải chạy tới chạy lui lo thuốc điều trị cho rồi”.
Các ống máu của 20 phạm nhân được đưa về Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận để xét nghiệm |
KHÔNG CHỈ LÀ THẦY THUỐC
Trại giam Thủ Đức hiện giam giữ hơn 6.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt, trong đó có phạm nhân là người nước ngoài. Trước khi phạm nhân mới nhập trại sẽ được đội ngũ y tế tiến hành khám sức khỏe tổng quát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh.
Đồng thời, với những phạm nhân mắc phải những dịch bệnh dễ lây lan trước khi nhập trại sẽ được tách riêng để điều trị. “Hiện tại có 92 phạm nhân mắc bệnh lao được tách riêng một khu vực để điều trị. Trong đó có 11 người bị kháng thuốc được đội ngũ y tế tích cực chăm sóc, chữa trị để phong tỏa dịch bệnh này”, Trung tá Bảng cho biết.
Theo chân đội ngũ y tế tại trại giam, chúng tôi thêm phần cảm phục tinh thần làm việc vượt lên gian khó của những người thầy thuốc khoác áo blouse trắng này. Do lượng phạm nhân khá đông nên họ phải túc trực thường xuyên tại đơn vị cả ngày lẫn đêm.
Để kịp thời ngăn chặn nguồn lây lan của dịch bệnh, y bác sĩ không ngần ngại tiếp xúc, chữa trị cho phạm nhân bệnh nặng. Chính vì vậy hiện đã có cán bộ y tế bị lây bệnh lao và phơi nhiễm HIV đang được điều trị.
Thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân mắc bệnh năng nên một số cán bộ y tế tại Trại giam bị lây bệnh lao và phơi nhiễm HIV |
Để không ảnh hưởng đến những phạm nhân khác đang cải tạo, đội ngũ y bác sĩ tại đây đã kịp thời can ngăn, khống chế đối tượng.
Tuy nhiên, trong quá trình không chế, đối tượng đã kịp hất ca máu vào một cán bộ y tế. Do thời điểm lúc đó còn nhiều khó khăn, về hiểu biết căn bệnh còn nhiều hạn chế, người cán bộ y tế này đã không kịp thời điều trị phơi nhiễm nên bị nhiễm HIV.
Tuy nhiên được sự giúp đỡ của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Trại giam Thủ Đức cũng như anh em đồng chí đồng đội và người thân không ngừng giúp đỡ động viên, đồng thời bản thân đã vượt qua được thời kỳ gian khó đó nên sau 17 năm nhiễm bệnh, hiện anh vẫn giữ sức khỏe tốt, tiếp tục chăm lo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và phạm nhân tại trại giam.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lai, Khoa điều trị HIV, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận khám bệnh cho phạm nhân |
Thượng úy Nguyễn Thị Diệu Thuần (giữa) - cán bộ y tế Trại giam Thủ Đức và 2 bác sĩ của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận hỏi han tình hình sức khỏe và khám chữa bệnh cho phạm nhân |
Nguồn: Báo CATP HCM