Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201811/doi-voi-dich-phai-cuong-quyet-khon-kheo-mot-phuong-cham-hanh-dong-cua-luc-luong-cand-824385/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201811/doi-voi-dich-phai-cuong-quyet-khon-kheo-mot-phuong-cham-hanh-dong-cua-luc-luong-cand-824385/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo' - Một phương châm hành động của lực lượng CAND - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 18/11/2018, 08:27 [GMT+7]

'Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo' - Một phương châm hành động của lực lượng CAND

 Thực tiễn đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, việc xác định bạn - thù, đối tượng đấu tranh của cách mạng cũng là một khái niệm động, nó có thể thay đổi cho phù hợp với tiến trình của cuộc cách mạng. Đối với lực lượng công an nhân dân, việc xác định đối tượng đấu tranh cũng cần tuân theo nguyên tắc phân biệt địch - ta; bạn - thù mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: Người nào chống lại lợi ích của dân tộc, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân, xâm hại an ninh quốc gia, phá hoại trật tự an toàn xã hội đều là đối tượng phải đấu tranh.

Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc Việt Nam đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu: đó là, tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời. Đối với lực lượng công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài nói, bài viết, lời huấn thị dành cho toàn lực lượng, trong đó Sáu điều dạy của Bác đã trở thành chuẩn mực đạo đức, phương châm hành động, thái độ ứng xử mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thấm nhuần, ra sức học tập và thực hiện không chỉ trong công tác mà còn trong cuộc sống thường ngày.

Trải qua 70 năm, phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” từng bước phát triển và trở thành nội dung chủ yếu để xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy là một chỉnh thể thống nhất, toàn diện và trở thành quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Đó là sự khái quát cao những yêu cầu đối với cán bộ, chiến sĩ công an về nhiều mặt: đạo đức, tình cảm, ý chí, niềm tin, văn hóa và trí tuệ.

Nội dung tư cách người công an cách mạng là phẩm chất cần có của người cán bộ cách mạng nói chung và đó cũng là đạo đức nghề nghiệp của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Trong nội dung tư cách người công an cách mạng, Bác Hồ đã chỉ ra tất cả các mối quan hệ ứng xử mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải ra sức học tập, phấn đấu, rèn luyện suốt đời. Đó là ứng xử với mình, với người khác (bao gồm với đồng sự và nhân dân), với Tổ quốc, với công việc và cả với kẻ địch.

Công an Nghệ An triệt xóa đường dây ma túy tại khu vực dốc Kẽm thuộc bản Xốp Pu, xã Yên Na, huyện Tương Dương; tiêu diệt 1 đối tượng, thu 3 bánh hêrôin, 2.000 viên ma túy tổng hợp, 01 khẩu súng AK, 12 viên đạn, 02 quả lựu đạn.
Công an Nghệ An triệt xóa đường dây ma túy tại khu vực dốc Kẽm thuộc bản Xốp Pu, xã Yên Na, huyện Tương Dương; tiêu diệt 1 đối tượng, thu 3 bánh hêrôin, 2.000 viên ma túy tổng hợp, 01 khẩu súng AK, 12 viên đạn, 02 quả lựu đạn. Đồ họa: B.N

Đạo đức cách mạng trong lời dạy của Bác, trước hết phải là sự tự rèn luyện bản thân với những phẩm chất cơ bản là: cần, kiệm, liêm, chính... Đó là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đây cũng là phẩm chất chính trị, lập trường quan điểm đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tu dưỡng và tuyệt đối tuân theo. Đạo đức của người công an cách mạng còn là sự kính trọng, lễ phép với nhân dân, phải gần dân, giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân mà làm việc. Đạo đức cách mạng của người chiến sĩ công an là sự đoàn kết, thân ái, giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Đặc biệt, trong Sáu điều Bác Hồ dạy, Người còn chỉ ra phương châm hành động của lực lượng công an nhân dân: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”. Đây là phẩm chất chính trị đồng thời cũng là phẩm chất nghề nghiệp của lực lượng công an nhân dân. 

Trước hết, chúng ta hiểu thế nào là địch trong quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Bác, địch tức là kẻ thù; tiêu chí để phân biệt bạn - thù là dựa trên lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân. Người nói: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”(1). Việc xác định kẻ thù trong quan điểm của Hồ Chí Minh là quan điểm động, quan điểm lịch sử, cụ thể. Trong tư tưởng của Người không có “kẻ thù truyền kiếp”. Lịch sử cách mạng phát triển thì đối tượng đấu tranh, đối tượng phải cô lập hay đối tượng cần tranh thủ cũng thay đổi.

Ngay từ ngày mới thành lập, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng là Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và người cày có ruộng; đối tượng của cuộc đấu tranh đó là phản đế (đế quốc, thực dân xâm lược) và phản phong (chế độ phong kiến, địa chủ). Tuy nhiên, không phải hai loại đối tượng này được đặt ngang hàng nhau, song song với nhau. Có những lúc nhiệm vụ đánh đế quốc thực dân được đưa lên hàng đầu, có lúc hai nhiệm vụ được tiến hành đồng thời...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân biệt rất rõ địch - ta; bạn - thù. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Người coi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ thù của nhân dân ta, nhưng những người yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đều là bạn của nhân dân Việt Nam. Đối với kẻ thù, Người không chủ trương tiêu diệt, trừng trị mà tìm cách cảm hóa họ để họ cải tà quy chính. Đã nhiều lần, Người không vui khi đọc trên báo thấy quân ta giành chiến thắng mà kẻ địch bị tiêu diệt nhiều quá.

“Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo” là một vấn đề vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính nghệ thuật trong đấu tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng khi đó là quyền Chủ tịch nước, đồng thời là người thay Bác điều hành trong thời gian Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp (tháng 6-1946). Thời điểm đó, nước ta đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Người nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ vào cụ và anh em giải quyết cho. Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Cái “bất biến” lúc này là chính quyền cách mạng của nhân dân phải được bảo vệ và không thể thay đổi, còn xử lý để bảo đảm sự tồn vong đó có thể rất linh hoạt, tùy cơ “ứng biến”. Hàm ý của Bác Hồ muốn nói rằng, giữ vững chính quyền cách mạng trong lúc này là một nguyên tắc bất di, bất dịch; còn giữ như thế nào có rất nhiều cách, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể để ứng xử. Lĩnh hội tinh thần đó, được sự đồng ý của cụ Huỳnh Thúc Kháng, lực lượng công an nhân dân đã khám phá thành công vụ án Ôn Như Hầu, chặn đứng âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, lật tẩy được bộ mặt của bọn phản động, qua đó tăng cường thêm sự đoàn kết với các phái chính trị, củng cố và giữ vững được chính quyền cách mạng mới được thành lập.

Trên cơ sở xác định được đối tượng đấu tranh trong từng giai đoạn, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phương châm chỉ đạo sát hợp trong đấu tranh với các loại đối tượng; đối tượng nào đấu tranh thì kiên quyết đấu tranh; đối tượng nào có thể cô lập, cảm hóa thì cố gắng bằng mọi cách để cô lập, cảm hóa. Trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, trên cơ sở phân tích âm mưu của địch có lúc ta phải “hòa Tưởng, đánh Pháp” nhưng sau đó lại phải chuyển sang “hòa Pháp, đánh Tưởng”. Cứ vậy mà “dĩ bất biến ứng vạn biến” đúng như phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra.

Trong lúc lực lượng cách mạng còn non yếu, để đối phó với kẻ thù xâm lược, Đảng ta có sách lược tạm thời hòa hoãn, nhân nhượng với bọn phản cách mạng, nhưng không hữu khuynh để chúng có thể lợi dụng bành trướng thế lực. Đối với bọn phản cách mạng đầu sỏ, ngoan cố nếu có đủ chứng cứ phạm tội thì chúng ta kiên quyết truy tố, xét xử công khai dưới những tội danh khác làm cho quân đội Tưởng Giới Thạch không có lý do để can thiệp, giải cứu. Đối với những tên nguy hiểm, có tội ác nếu bắt công khai không có lợi thì chúng ta tìm cách bắt bí mật, để trừng trị nghiêm minh. Đó là những minh chứng cụ thể cho tinh thần cương quyết tấn công địch trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng.

Trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự, với tư cách là lực lượng nòng cốt, công an nhân dân phải tiến hành cuộc đấu tranh không có trận tuyến rõ ràng; đối tượng đấu tranh khi ẩn mình, khi lộ diện; cuộc chiến đấu khi bí mật, khi công khai, trực diện; bạn, thù trà trộn, đan xen nhưng chúng ta vẫn phải giữ vững nguyên tắc khi phân biệt địch - ta, bạn - thù để có một bản lĩnh vững vàng, không khoan nhượng đối với bất cứ kẻ địch hoặc hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích của nhân dân.

Trong đấu tranh với kẻ địch, Bác Hồ luôn thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo. Tư tưởng khoan dung, nhân đạo của Người được thể hiện không chỉ lời nói mà còn là những biểu hiện cụ thể qua hoạt động hằng ngày, qua những ứng xử ở tầm chiến lược trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ trái tim nhân hậu của người cha già dân tộc, Bác Hồ đã từng dạy: “Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong hàng mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tinh thần ái quốc mà cảm hóa họ”(2). 

Trong công tác đấu tranh, giáo dục, cải tạo những người có quá khứ tội lỗi, Hồ Chủ tịch tỏ rõ thái độ kiên quyết đối với những kẻ ngoan cố, không chịu nhận ra tội lỗi nhưng Người cũng dành cho những người lầm đường, lạc lối một sự cảm thông và đối xử nhân đạo với phương châm xử thế “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại” một đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cùng với thái độ đối xử nhân đạo, Bác Hồ cũng luôn đặt niềm tin vào khả năng cải tạo, sự phục thiện của những người phạm tội; tìm mọi cách để họ từ bỏ thói hư, tật xấu; đánh thức phần thiện, làm sống lại phần “người” đẩy lùi phần xấu, như ánh sáng đẩy lùi bóng tối, tạo cơ hội để họ “cải quá tự tân”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch đã vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm thêm bạn, bớt thù của cha ông ta. Trong các thời kỳ cách mạng, đất nước ta thường phải đương đầu với nhiều kẻ thù trong cùng một thời điểm nhưng Hồ Chủ tịch đã vận dụng một cách khôn khéo, vừa bảo đảm tính cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất. Mặt khác, để tăng thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh, khai thác điểm yếu của kẻ địch, chúng ta đã triệt để khai thác những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, phân hóa kẻ thù để tạo lợi thế cho cách mạng. Mặt khác, có những thời điểm chúng ta buộc phải chấp nhận sự thỏa hiệp với kẻ thù sao cho bảo đảm nguyên tắc có lợi cho cách mạng, “lùi một bước để tiến thêm nhiều bước”.

Đối với công tác công an, Bác Hồ còn dạy phải khai thác mâu thuẫn nội tâm trong từng con người, luôn chú ý thức tỉnh và khơi dậy lương tâm, nhân phẩm trong mỗi con người. Trong mỗi cá nhân luôn diễn ra mâu thuẫn, giằng co giữa cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai. Dù là tên tội phạm hung ác thì trong họ vẫn còn những phần tính người, nếu khéo biết khơi dậy thì chúng ta vẫn có thể cảm hóa được họ.

Nghiên cứu, vận dụng và thực hiện lời dạy của Bác: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”, Đảng ta luôn linh hoạt xác định đối tượng đấu tranh trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Nếu như trước đây chúng ta xác định đối tượng đấu tranh chủ yếu xuất phát từ vấn đề giai cấp, từ ý thức hệ thì ngày nay, việc xác định đối tượng đấu tranh vừa phải coi trọng vấn đề giai cấp đồng thời phải coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc. Trước đây, yếu tố địch - ta được xác định tương đối rõ ràng; ngày nay, yếu tố địch - ta luôn có sự đan xen lẫn nhau. Trong quan hệ với đối tác luôn phải đề cao cảnh giác, thận trọng; ngược lại, trong đối tượng đấu tranh vẫn có mặt, có yếu tố có thể tranh thủ, hợp tác được. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết phát huy những lợi thế, hạn chế những bất lợi trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Trước đây, đối tượng đấu tranh chủ yếu là kẻ thù xâm lược từ bên ngoài; ngày nay, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia bao gồm cả những nhân tố từ bên trong. Các thế lực thù địch ở bên ngoài luôn tìm cách câu kết với bọn phản động, bọn cơ hội chính trị ở trong nước nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mặt khác, chúng ta còn phải đối mặt với những nguy cơ của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống; nguy cơ “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong bản thân mỗi con người; phải đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với kẻ địch ngay trong chính lòng mình.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, lời dạy “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo” của Bác Hồ càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch thường xuyên nghiên cứu, thay đổi hình thức, phương thức, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tất cả các lĩnh vực phụ thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước đều có thể trở thành mục tiêu để các thế lực thù địch lợi dụng, chuyển hóa thành các vấn đề chính trị, gây chia rẽ nội bộ, mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, mất lòng tin giữa nhân dân với Đảng. Càng nguy hiểm hơn nữa, chúng tìm cách thực hiện ý đồ “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; tác động để đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Bên cạnh đó, do tác động của mặt trái quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái cơ chế thị trường, hoạt động của các loại tội phạm đã và đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, nhất là các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng và các loại tội phạm phi truyền thống khác. Các đối tượng phạm tội tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc, khống chế cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật đứng ra bảo kê cho hoạt động của chúng. Tất cả các yếu tố đó đang là những nhân tố gây mất trật tự an toàn xã hội và có thể lợi dụng để chuyển hóa thành các vấn đề chính trị ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhận thức đúng đắn lời dạy của Bác Hồ “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân là phải nhận thức đầy đủ và sáng tạo sự đan xen và chuyển hóa lẫn nhau giữa đối tác và đối tượng đấu tranh trong tình hình mới để chúng ta không mơ hồ, mất cảnh giác đồng thời cũng không máy móc, rập khuôn cứng nhắc trong hoạt động thực tiễn, phải luôn khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong đấu tranh với các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng, cần quán triệt và vận dụng sáng tạo, linh hoạt mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng đấu tranh để có những biện pháp xử lý phù hợp, giành thế chủ động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, phát triển phồn vinh cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.

--------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 37
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t. 4, tr. 139 - 140

 

.

Đặng Thái Giáp(*), Nguyễn Văn Tuấn(**)(*) Thiếu tướng, PGS, TS, nguyên Cục trưởng Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an (**) Trung tá, TS, quyền Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản