Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201810/phut-trai-long-dau-don-818838/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201810/phut-trai-long-dau-don-818838/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phút trải lòng đau đớn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/10/2018, 09:15 [GMT+7]

Phút trải lòng đau đớn

“Năm nay em 27 tuổi nhưng em nghiện ma túy từ lúc 15 tuổi. Em biết bị nhiễm HIV cách đây 8 năm khi đang cai nghiện ở trại cai nghiện Phú Văn. Giờ ân hận cũng đã muộn lắm rồi. Thôi thì sống vui những ngày tháng cuối đời và sẵn sàng ra đi” - Nguyễn Phi L, bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối ở Khoa Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái không ngần ngại chia sẻ.
 
Một lần “chích” chung kim
 
Theo chân các nhà từ thiện chùa Giác Hạnh Tự ở phường 12 TP Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến tặng bữa ăn trưa và quà miễn phí cho các bệnh nhân, chúng tôi đến Bệnh viện Nhân Ái ở huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước. Mặc dù trước khi đặt chân đến cổng bệnh viện, tất cả các thành viên trong đoàn đều chung một suy nghĩ chẳng bệnh nhân nào muốn nói thật quá khứ của mình. Nhưng không, tất cả đều “cởi lòng” khi chúng tôi tiếp xúc với họ. Đặc biệt, những bệnh nhân ở khoa Chăm sóc đặc biệt mà các bệnh nhân ở đây gọi là khoa “sẵn sàng ra đi”. Họ chẳng ngại ngần chia sẻ quá khứ, kể cả quá khứ đau buồn và lỗi lầm nhất lẽ ra phải “chôn chặt” trong lòng.
 
Nguyễn Phi L ngồi trên giường bệnh phía trong song cửa của khoa Chăm sóc đặc biệt gật đầu chào tôi khi tôi chuyển phần quà từ thiện tới tay. Để lộ hàm lợi chỉ còn 2/3 răng xỉn, L cười nói: “Cho em xin. Lâu quá rồi, nay chúng em mới được uống cà phê đấy. Ở đây thèm đủ thứ anh ơi”, khi tôi bảo “gửi anh em ít cà phê và sữa để bồi dưỡng sức khỏe nhé”.
 
Nước mắt L ứa ra, anh không ngần ngại kể cho tôi nghe quá khứ 15 năm trước của anh mà anh gọi là “chiến tích đau buồn”. L bảo: “Giờ nghĩ lại quá muộn rồi, nhưng em cũng chẳng còn gì để mất. Em làm em chịu. Em kể ra ít nhất cũng nhẹ lòng và chia sẻ với anh để thấy rằng, những người nghiện và có “H” như chúng em không phải ai cũng xấu, nhiều anh em ở đây có hoàn cảnh đáng thương lắm anh”.
 
L kể, 15 năm trước, khi ấy L là cậu học trò mới tuổi 12. Do hoàn cảnh gia đình bố mẹ bỏ nhau, L trở thành trẻ lang thang không nơi nương tựa. Sống ở đô thị “đất chật người đông nhiều cạm bẫy”, L bị bọn “ma cô” dẫn dắt rồi cho hút ma túy. Ngày đi xin ăn, đêm về ngủ cống hộp và nhà “ổ chuột” trong hẻm sâu rìa kênh Thị Nghè. “Lúc đó em cũng đã hiểu được tác hại của ma túy, nhưng không hiểu sao em cứ lao vào. Thực tình, em chẳng còn chỗ nào để nương tựa nữa. Giữa phố xá đông người, em bị mất cuộc sống hoàn toàn. Cuối cùng đành nhắm mắt đưa chân thôi anh”, giọng L buồn buồn.
 
"Em bị nhiễm H vì sao?" - Tôi hỏi. Đôi mắt đượm buồn, L nhìn qua song cửa sổ của phòng nghỉ, phía trước là khoảng sân cỏ xanh của bệnh viện rồi nhìn tôi trả lời: “Em chích chung kim. Sau nhiều lần hít trắng (hít ma túy trắng - PV), em chuyển sang chích. Lần đầu chích riêng, lần thứ hai em chích chung với nhóm bạn. Lúc đó, mấy thằng chơi chung một kim. Vì thèm quá nên thằng nào cũng đòi nhanh chóng chích cho “phê” chứ ai biết được...”.
 
"Em nhiễm HIV mà nhìn khỏe đó chứ, như người bình thường, có sao đâu?" - "Nhìn vậy thôi anh, chứ bên trong tim, gan, phổi nát hết rồi", L ứa nước mắt. Tôi nhìn kỹ vào đôi mắt chưa định hỏi thêm thì L bảo: “Mắt em xăm đó anh. Trong trại buồn nên thằng nào cũng xăm, muốn làm đẹp cho mình”... 
Hai bệnh nhân có “H” ở bệnh viện Nhân Ái
Hai bệnh nhân có “H” ở bệnh viện Nhân Ái
Mình còn đáng sống
 
Sau hơn 5 năm lang thang ở Sài Gòn, L bị công an “gom” trong một lần cùng nhóm bạn tụ tập chích ma túy ở phố cầu Ông Lãnh quận 1. Sau khi xác định bị nghiện ma túy, L cùng 3 bạn khác được đưa lên trại cai nghiện Phú Văn tỉnh Bình Phước. L bảo: “May mà em được “nhập trại” chứ nếu ở ngoài đời chết lâu rồi. Dù sao trong trại cũng có cơm mà ăn, và rèn luyện được sức khỏe mới sống được đến bây giờ”.
 
Những ngày cai nghiện ma túy ở trại Phú Văn, cũng như nhiều trại viên khác, L được cắt cơn nghiện và giáo dục để “làm lại cuộc đời” với hi vọng hòa nhập với cộng đồng sau khi ra trại. Song sức khỏe ngày càng thấy yếu đi, thường xuyên có biểu hiện mỏi mệt, sốt và sợ lạnh. Sau một lần sốt hai ngày đêm, L được chuyển đến bệnh viện Nhân Ái để xét nghiệm HIV. “Mặc dù em biết em có khả năng bị “dính”, nhưng khi được thông báo, em suy sụp hoàn toàn. Trước mắt em không có con đường, không có lối thoát nào. Em nhớ lại những lần chích chung kim, nhớ bố mẹ, nhớ ngày đi học. Em chỉ muốn chết nhưng không được. Biết em bị nhiễm HIV, các bác sĩ, điều dưỡng viên, các sơ đã động viên em rất nhiều. Dần dần em cũng thấy được mình còn đáng sống”, L đau lòng chia sẻ.
 
L khóc. Giọt nước mắt của chàng trai 27 tuổi ứa tràn trên hố mắt. Khi tôi đưa máy ảnh chụp, L ngăn lại: “Anh đừng chụp em. Em kể được là nhẹ lòng rồi”. Tôi hỏi: Em có vợ chưa? L đưa tay lau nước mắt, gượng cười để lộ hàm răng xỉn. Hai người bạn cùng phòng nói hùa vào: “Nó có người yêu đó anh. Người yêu nó ngay trong bệnh viện này nè anh”.
 
Chuộc lại lỗi lầm
 
Trong khuôn viên của khoa Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái lúc 8 giờ sáng là giờ ăn sáng của bệnh nhân. Một số bệnh nhân ngồi trên bậc thềm, hành lang, dưới vòm cây, hoặc đứng tựa lưng vào thành tường nhìn xa xăm, yếu ớt. Tôi chủ động làm quen với một bệnh nhân bưng tô mì ăn sáng ngồi trên ghế đá. Anh tên Đ quê gốc ở Tân Phú - Đồng Nai.
 
16 năm trước, Đ nghiện ma túy và bị công an bắt khi đang “bán lẻ từng tép” cho con nghiện sát đường tàu. Sau khi đưa lên trại cai nghiện Phú Văn và những ngày vật vã cắt cơn, anh vẫn không thoát được ma lực của “làn khói trắng”. 12 năm ở trại, gần chục lần bỏ trốn. “Những lần bỏ trốn về Đồng Nai, em lại lao vào chích, hút. Em không cưỡng được cơn thèm. Em cũng chẳng biết mình nhiễm HIV lúc nào.
 
Khi được thông báo bị AIDS, em ân hận thì đã quá muộn rồi. Bây giờ chuộc lại lỗi lầm có muộn quá không anh?” - Đ nhìn tôi nói như cầu khẩn. Trong đôi mắt mờ đục, thâm quầng nhiều đêm mất ngủ của Đ ẩn chứa bao lầm lỗi và cả niềm hi vọng làm lại cuộc đời: “Em có vợ con ở Đồng Nai. Một năm vợ mới đưa con lên đây một lần. Có lúc, em không muốn vợ lên, vì em mà vợ con em khổ. Thôi đành chịu vậy chớ làm sao. Giờ cho em làm lại từ đầu, giá nào em cũng sẵn sàng. Ma túy đã hại đời em, làm gia đình em tan nát hết”.
 
Đ không nhìn tôi. Giọt nước mắt muộn màng rơi vào bát mì tôm ăn dở. Anh đưa tay áo lên quệt ngang má như để che giấu sự tủi thân trào dâng trong lòng.
 
“Những bệnh nhân vào đây đa phần nhiễm HIV. Hơn phân nửa số đó sử dụng ma túy. Nhiều bệnh nhân cai nghiện thành công, sức khỏe tốt, nhưng cũng có người cai mãi không thành, cá biệt còn trốn trại. Con sông quanh bệnh viện dài, sâu vậy đấy, nhưng có bệnh nhân đã trốn bơi sang bên kia bờ”, điều dưỡng Thu Thủy tâm sự.
.

Nguồn: Tiengchuong.vn

.