Chấn động! Đó là từ xác đáng nhất để nói về vụ nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua tại Hà Giang. Từ vụ nâng điểm “không trong sáng” này, dù lượng thí sinh của Hà Giang chỉ bằng 1/170 số thí sinh dự thi cả nước, nhưng tỉnh này bỗng nổi tiếng về số thí sinh “thủ khoa”.
Nên nhớ, Hà Giang luôn là một trong những tỉnh nghèo, khó khăn nhất nước, điều kiện dạy và học nơi đây thua kém nhiều tỉnh, thành.
Sự bất thường này có lý do của nó. Nhiều thí sinh học lực khá giỏi nhưng kết quả thi lại kém xa nhiều bạn sức học làng nhàng. Những thông tin đó được lan truyền nhanh trên mạng xã hội như một cơn bão, và Bộ Giáo dục - Đào tạo buộc phải vào cuộc. Không khó khăn gì để tìm ra những sai phạm cũng như người thực hiện những hành vi đó.
Minh họa của Lê Tâm. |
Tất cả chúng ta cùng sốc. Không chỉ nâng một vài điểm mà họ sẵn sàng nâng tối đa lên 29,95 điểm. Nghĩa là, một thí sinh trượt thẳng cẳng với 3 điểm liệt nhưng sau khi được nâng, số điểm hầu như tuyệt đối đã trở thành “thủ khoa” của một trường đại học danh giá nhất.
Bạn tôi là giảng viên một trường đại học mà điểm đầu vào các năm thường cao ngất ngưởng kể vui rằng, có sinh viên thuộc tỉnh miền núi khi vào trường với số điểm rất cao (vì còn được cộng thêm điểm ưu tiên), nhưng học rất dở. Một số môn lẹt đẹt qua mức trung bình, nhiều môn phải thi lại.
Hài hước nhất là viết cái đề xuất cũng không ra hồn và khả năng diễn đạt một vấn đề đơn giản thì quá tệ. Em sinh viên này không phải ngoại lệ. Đến mức, nhiều giáo viên nghi ngờ đã kiến nghị phải phúc tra lại bài thi tốt nghiệp THPT của một số sinh viên, bởi họ thấy quá nhiều điều bất thường từ những sinh viên này.
Nghĩa là không phải việc nâng điểm năm nay mới xảy ra. Dư luận đã ồn ào trong nhiều năm qua. Thật khôi hài khi Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là những thành phố được các gia đình đầu tư lớn cho con cái trong học tập, nhưng kết quả thi nhiều năm không bằng một số tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa.
Và vụ nâng điểm tại Hà Giang được phanh phui là một bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất để khẳng định về những phi lý trong việc thi cử của chúng ta những năm vừa qua.
Những ai đã “nhờ vả” vị Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD - ĐT Hà Giang thực hiện công việc đổi đen thành trắng bẩn thỉu trên? Việc xác minh không khó.
Có thể khẳng định ngay là phụ huynh các thí sinh có con học lực làng nhàng nhưng lại muốn con phải đỗ vào những trường top đầu. Không ít phụ huynh là những người có địa vị, có điều kiện vật chất và tất cả những người có liên quan này đương đều quá hiểu biết pháp luật.
Vậy mà họ đã coi thường bước qua, và khi con họ đạt mục đích như họ mong muốn, chính họ chứ không phải ai khác đã cướp đi cơ hội tốt đẹp của những học sinh ngày đêm học đến lồi mắt, những mong được bước chân vào cổng trường đại học để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Còn những thí sinh chênh điểm do được nâng đỡ, bài học đầu tiên mà cha mẹ dạy khi bước vào đời chính là sự giả dối, gian lận, man trá. Sự im lặng của các em chính là sự đồng lõa, để rồi đến một lúc nào đó, ảo tưởng về những giá trị không thuộc về mình.
Thật đáng buồn và đáng thương. Với thành quả cướp được từ những bạn đồng lứa, các em vẫn ngày ngày lên giảng đường rồi ra trường và lại được chạy chọt để được ngồi vào những chiếc ghế quan trọng. Phải chăng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khi chúng ta nói về đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay, thiếu tầm, tài và tâm, thích hưởng thụ, coi nặng vật chất và quá trình thực thi nhiệm vụ còn bộc lộ nhiều hạn chế khác.
Coi thường pháp luật, chà đạp lên sự công bằng, đánh cắp lòng tin của hàng triệu người… đó là tất cả những gì có thể nói về vụ nâng điểm này. Sau Hà Giang là Lạng Sơn và Sơn La lọt vào “tầm ngắm”.
Những sai phạm phải được sáng tỏ và xử lý nghiêm khắc. Cùng với đó, những cải cách giáo dục cần được đặt lên hàng đầu mà việc cải cách đầu tiên chính là tư duy của những người làm công tác giáo dục.