Việc Quốc Hội hoãn thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) xem xét hoàn thiện thêm về dự án luật đã được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.
Thông tin, luôn là chiếc chìa khóa để mở toang những nghi kỵ, đồn đoán hoặc cả thái độ tiêu cực. Ai nắm giữ thông tin, người đó sẽ chiến thắng, vấn đề chính là thông tin không đơn thuần là ngày một ngày hai hay có tính thời điểm, mà thông tin là cả một quá trình xây dựng, tích lũy và kiến tạo. |
Không những thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết sẽ lắng nghe và điều chỉnh lại dự luật, cụ thể như thời hạn thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân,... Tất cả điều đó nói lên rằng, ý kiến của nhân dân luôn được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe và tôn trọng.
Tôi không nhớ ai đó đã phát biểu rằng, nhân dân còn sôi nổi, quyết liệt lên tiếng trước những quyết sách quan trọng của đất nước là nhân dân đang yêu nước nồng nàn, đó là niềm vui của đất nước. Không phải chỉ vì cá nhân của bất cứ ai, nhân dân lên tiếng góp ý vì họ thật sự quan tâm đến vận mệnh, đến sự hưng thịnh của đất nước. Bao giờ cũng vậy, những chính sách cần có được sự đồng thuận của nhân dân mới thực hiện được. Và để có sự đồng thuận đó, phải thông tin thật rõ ràng để dân hiểu.
Nhưng công bằng mà nói, có dự thảo chính sách quan trọng mà thông tin đến đại chúng chưa đầy đủ và rất mơ hồ. Đó là một điều vô cùng nguy hiểm bởi nó là điểm mà kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật và kích động phá hoại đất nước, như chuyện đã xảy ra vừa qua ở Phan Rí.
Nhưng ở đây, tôi không đề cập đến những đối tượng cố tình lợi dụng chuyện để quấy phá mà chỉ nói về nhân dân thuần túy.
Tôi đi công tác miền Tây trong những ngày khắp đất nước xôn xao bàn về chuyện Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng. Trò chuyện với một số bà con mới thấy rằng, họ đã hiểu không đúng bản chất của vấn đề, nếu không nói là rất tiêu cực, lệch lạc.
Dù phương tiện để tiếp cận với thông tin đại chúng ở quê bây giờ không hề thiếu, ít nhất là tivi, mạng internet cũng đã về tận nhiều vùng nông thôn xa xôi rồi.
“Mấy ổng chuẩn bị cho Trung Quốc thuê nước mình 99 năm”, “Có Luật An ninh mạng thì chúng tôi không thể bán hàng online được nữa, cũng không thể dùng facebook được nữa”… Đó là hai trong số những ý mà nhiều người dân đã nói với tôi hoặc họ bàn luận xôn xao cùng nhau về các dự Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng những ngày trước đó.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Qua cái sự hiểu này của một số người dân mới thấy rằng, việc không thể nắm rõ ràng, chính xác thông tin là nguy hiểm vô cùng. Bởi khi đó, chỉ cần có một thông tin theo chiều hướng xấu đi thì người dân rất dễ hoang mang lo lắng và suy nghĩ tiêu cực về chính sách đó.
Nhưng vì đâu mà người lớn và cả đám thanh niên trong làng đều rất mơ hồ và hiểu sai vấn đề như thế?
Không thể trách họ không tìm hiểu kỹ mà vì thông tin đến đến họ bị thiếu và không chi tiết, rõ ràng. Không chỉ như vậy, ngay khi nhân dân phản ứng về Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng thì chúng ta cũng không thấy chính quyền địa phương nơi đó đến giải thích với nhân dân. Chính quyền địa phương là nơi gần dân nhất mà không thể làm được việc như thế thì thiếu sót vô cùng!
Đó là chưa kể, chính quyền cần tổ chức những buổi họp tổ dân phố để kịp thời thông tin, tuyên truyền về các chính sách, dự thảo chính sách Nhà nước khi mà phát hiện có một vài thông tin xấu xuất hiện trong nhân dân, để tránh những thông tin sai lệch ấy lan truyền đi. Nhưng hầu như chưa nơi nào làm được những việc như vậy!
Ở tầm vĩ mô, trước những quyết sách quan trọng như thế thì người hoạch định chính sách cần có kế hoạch thông tin, định hướng rõ ràng, giải thích một cách cặn kẽ đến nhân dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng, một cách kịp thời.
Ở đây tôi nhấn mạnh là kịp thời vì nếu không, những thông tin xấu sẽ có dịp lan truyền và phủ sóng. Khi đó, để nói lại, để định hướng lại thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Những ngày vừa qua, chúng ta thấy rõ ràng một điều rằng, khi nhân dân được giải thích cặn kẽ, khi nhân dân đã nắm được thông tin đúng bản chất thì mọi thứ trở nên đơn giản vô cùng. Rất nhiều người đã đồng thuận với Luật An ninh mạng là một ví dụ.
Trước kia họ phản ứng là vì họ hiểu theo kiểu luật ra đời sẽ trở thành rào cản họ với thế giới, sẽ “ngăn sông cấm chợ” không cho họ được buôn bán online, sẽ không cho họ dùng facebook…
Nhưng giờ thì họ đồng tình vì đã hiểu ra rằng, mọi sự hiểu trước đó hoàn toàn sai, mà trái lại luật còn bảo vệ họ thực hiện những việc đó một cách quy chuẩn và an toàn hơn. Và tất cả nhận thức thay đổi sau một số thông tin từ Chính phủ, từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học trên báo đài, qua những buổi tiếp xúc cử tri.
Nhân dân bày tỏ rất ủng hộ và đồng tình khi cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần giải thích chi tiết cho nhân dân hiểu về các luật này. Bởi qua đó, nhân dân thấy lãnh đạo đất nước quan tâm đến sự hiểu biết thông tin của nhân dân, vì sự minh bạch thông tin với nhân dân.
Và đặc biệt, như đã nói, việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu là điều rất đáng được trân trọng. Bởi khi nhân dân chưa thông, dự luật còn nhiều vấn đề để bàn luận, mổ xẻ thì việc dừng lại để nghiên cứu điều chỉnh là cần thiết và hợp lòng dân.
Một chính sách trước khi ra đời cần xem xét có đúng không, có hiệu quả không, có mang lại lợi ích thật sự cho nhân dân và đất nước hay không? Nếu không thì sửa đổi hoặc bỏ đi. Nguyện vọng của nhân dân là như vậy.
Cuối cùng, quanh câu chuyện của Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng một lần nữa cho thấy tính đặc biệt cần thiết và cấp bách trong việc minh bạch thông tin, thông tin chi tiết, cặn kẽ để nhân dân hiểu về các chính sách quan trọng của nhà nước. Bởi nhân dân có hiểu, có biết rõ ràng thì mới đóng góp ý kiến và ủng hộ.
Còn khi dân hiểu mơ hồ, sai lệch thì những rối loạn cũng từ đó dễ xảy ra. Và những chính sách mà nhân dân không hiểu, không ủng hộ thì không thể nào đi vào thực tiễn, thành công trọn vẹn được.