Sau hơn hai năm, cướp ở TP HCM vẫn tồn tại và chẳng có lời xin lỗi nào được đưa ra nữa...
Hình ảnh người phụ nữ Ai Cập ngồi khóc thất thần và lo sợ vì bị cướp sẽ gây tổn hại cho hình ảnh quốc gia nên lời xin lỗi được đưa ra là cần thiết. Nhưng cảm giác bất an của nhân dân khi cướp vẫn còn, nạn nhân vẫn mất tài sản, tính mạng nạn nhân hay tính mạng các hiệp sĩ không chuyên bị tước đoạt thì sao?
Minh họa: Lê Phương. |
“Trong có ấm, ngoài mới êm” là một câu thành ngữ đã quá cũ nhưng không ai nhớ đến độ chính xác của nó. Việc bất an vì bọn cướp không bị xóa sổ hay hạn chế tối đa chỉ là một ví dụ nhỏ về “trong không ấm” và nguy cơ những du khách nước ngoài bị cướp hiển hiện “ngoài chẳng êm”.
Người dân đã đóng thuế, phí để vận hành Nhà nước và các công cụ pháp luật để được an toàn trong địa phương nói chung và cả nước nói riêng. Nhân dân đã lắng nghe lời xin lỗi (dù ít), nhưng cần hơn nữa là các thay đổi sau lời xin lỗi của chính quyền.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa phát biểu xin lỗi trước Quốc hội về 17 dự án BOT sai vị trí. Nếu buộc phải mua lại, ngân sách từ thuế dân phải mất đi 21.000 tỉ đồng.
Nếu vẫn giữ nguyên, nhân dân vẫn phải móc túi trả phí cho những dự án mà nhân dân không sai phạm. Lời xin lỗi ấy coi như không có giải pháp và cá nhân ông Nguyễn Văn Thể với mấy chục chữ ký cho BOT xuất hiện thời còn làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải coi như vô can với số thiệt hại khổng lồ ấy.
Có rất nhiều lời xin lỗi được đưa ra từ lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Song hành với lời xin lỗi, còn có cả nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm… Nhưng rồi hành trình từ xin lỗi, nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm cho đến sửa đổi, có giải pháp để hướng đến sự hoàn thiện, sự phát triển là còn thăm thẳm xa. |
Thú thật là quan điểm cá nhân tôi cho rằng nói như ông thì một người bình thường, không cần trình độ cao, không cần bổ nhiệm đúng quy trình, chẳng cần cử nhân tiến sĩ hay giáo sư gì cũng có thể ngồi ghế thứ trưởng rồi lên bộ trưởng và xin lỗi nhân dân sau sai phạm thay vì từ chức, bị kỷ luật hay cao hơn kỷ luật.
Nhưng dù sao cũng phải ghi nhận ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có nói chữ “xin lỗi” đúng từ ngữ. Có những lời nói của những lãnh đạo khác lại mang màu sắc của... đổ lỗi. Đó là phát ngôn của một Bí thư Tỉnh ủy trên báo chí: “Cơ chế làm dự án Sào Khê đội vốn từ 72 tỉ trở thành 2.595 tỉ.”
Có lẽ bà lẫn lộn giữa cơ chế với... bột nở chăng? Hay Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này cho rằng một dự án đội vốn 36 lần để từ vài chục tỉ thành mấy nghìn tỉ thì chỉ nói đấy là lỗi cơ chế là xong chuyện?
Ở tỉnh này, “chỉ có” chục dự án đội vốn đã lên tới tổng số tiền 12.000 tỉ đồng, cao hơn 10% bội chi ngân sách cả quốc gia có 63 tỉnh thành. Và cả chục dự án đội vốn ấy chứng minh việc “hỏa thiêu ngân sách” bằng cơ chế không phải là hiện tượng mà trở thành bản chất.
Bà là người đứng đầu tổ chức Đảng cấp tỉnh, vậy sao không cảnh báo cấp trên, răn đe cấp dưới về lỗ hổng cơ chế ấy?
Hai dự án đường sắt trên cao ở TP HCM đội vốn 52.000 tỉ đồng. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn 399 triệu USD. Cả Hà Nội và TP HCM tốn cả vạn tỉ đồng để chống ngập và chống kẹt xe nhưng “đâu vẫn hoàn đấy”.
Đây là những dự án đội vốn tiêu biểu, chứ dự án đội vốn nghìn tỉ, trăm tỉ, chục tỉ là rất nhiều. Và chẳng có lời xin lỗi nào cả chứ đừng nói đến khắc phục khi đã “hóa vàng ngân sách”.
Tổng Bí thư đã và đang quyết liệt thực hiện công cuộc bài trừ cán bộ thoái hóa biến chất, tham nhũng, trục lợi cá nhân, vinh thân phì gia.
Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp siết chặt bội chi ngân sách, tinh gọn bộ máy. Đó là những biện pháp cần thiết nhưng chưa đủ. Cần mạnh tay loại bỏ những cán bộ xin lỗi cho qua, đổ lỗi do cơ chế sau khi đã gây thiệt hại cho dân cho nước.
Bởi nhân dân không thể nào cứ mãi chịu đựng sau mỗi lời xin lỗi thì mọi thứ lại vẫn như cũ hoặc tệ hơn trước khi xin lỗi. Cuối cùng, sau xin lỗi phải là hành động chứ không lẽ sau xin lỗi lại chuẩn bị cho một cảm xúc khác để xin lỗi tiếp lần sau.
Còn giả sau xin lỗi mọi thứ vẫn như cũ thì phải xử lý chứ không thể cứ để nguyên như vậy.