Bao đời nay, rượu luôn là một phần tất yếu của cuộc sống, nó trở thành một trong những phong tục, thói quen giao tiếp của người Việt nói riêng, của các quốc gia nói chung.
Nghĩa là nếu thiếu nó, cuộc sống sẽ thiếu đi những hương vị đặc biệt hay sự thăng hoa cần thiết. Người ta tìm đến rượu những lúc vui buồn, những hụt hẫng chao đảo, những chòng chành số phận… để có cảm giác niềm vui nhân lên, nỗi buồn vợi bớt.
Nhưng lẽ đời, cái gì quá cũng không tốt. Việc lạm dụng rượu chắc chắn cũng không có ngoại lệ. Một bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, một người sử dụng rượu bia trên 3 lần/tuần, với số lượng trên 50ml rượu nguyên chất thì có thể coi như là nghiện rượu.
Tác hại của rượu còn phụ thuộc vào độ tinh chất của rượu. Ví dụ, nếu trong rượu có chất methanol có thể gây mù mắt, vì chất này sẽ chuyển hóa thành formaldehyde là chất được dùng để ngâm tử thi. Tuy nhiên, việc nghiện rượu sẽ dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm về mặt sức khỏe như: rối loạn thần kinh hay các chức năng tình dục, trầm cảm, nhân cách phi xã hội, mất kiểm soát hành vi…
Minh họa của Lê Tâm. |
Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố mới đây cho thấy, mỗi năm có trên 18.000 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu, bia chiếm khoảng 39,6%, tức là trung bình cứ 10 vụ tai nạn xảy ra thì có tới 4 vụ người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu.
Sau mỗi vụ tai nạn, người chết, kẻ vào tù, cuộc sống các gia đình bị đảo lộn và cùng với nó là nhiều hệ lụy đau lòng khác. Trong nhiều vụ án nghiêm trọng, kẻ sát hại mượn rượu để thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống của người khác.
Đối tượng tìm đến rượu vì nhiều lý do khác nhau, thông thường là những người trưởng thành. Rượu sẽ giúp họ cùng những người bạn chia sẻ khó khăn và sau phút chếnh choáng, mệt mỏi, họ sẽ lấy lại thăng bằng để đi tiếp con đường của mình. Song, giờ đây, tìm đến rượu còn có khá nhiều người trẻ, thậm chí chưa thành niên và phụ nữ.
Trong một nghiên cứu mới đây của WHO, Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về việc tiêu thụ rượu, bia. Chắc chắn không thể lấy điều này để tự hào bởi sự lệ thuộc vào rượu, bia không chỉ gây lãng phí mà còn làm cho con người ta mất sinh khí, triệt tiêu những khát vọng lớn lao.
Chưa hết. Số liệu điều tra 1.000 người tại một số thành phố cho thấy, người sử dụng rượu, bia đang dần bị trẻ hóa với 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20; tỉ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14 - 17 là 34% và trong độ tuổi 18 - 21 là 57%.
Sử dụng rượu, bia sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, vóc dáng mà còn tạo ra một bộ phận lười nhác, thụ động, thích hưởng thụ mà không chịu lao động, cống hiến. Từ chỗ lệ thuộc vào rượu, bia đến khi trở thành “con nghiện” là một khoảng cách không xa.
Khi đó, kẻ nghiện dễ dàng thực hiện những hành vi lệch chuẩn, thậm chí thực hiện những hành vi bạo lực với người khác. Các chuyên gia y tế còn khẳng định, nhiều đối tượng sử dụng ma túy ít nhiều đều có liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia.
Giáo dục giới trẻ không lạm dụng rượu, bia, hướng tới những hoạt động lành mạnh vì cộng đồng luôn là giải pháp tích cực và ngăn chặn từ xa. Song, điều này phải được dạy dỗ từ rất sớm, ngay trong mỗi gia đình một cách nghiêm túc, thường xuyên. Điều đó tạo cho trẻ một thói quen tốt, lành mạnh. Thói quen đó sẽ được duy trì tới khi trưởng thành.
Cùng với đó, hàng loạt giải pháp mang tính xã hội cũng cần phải làm quyết liệt như bán rượu, bia tại những điểm, những giờ nhất định, nghiêm cấm trẻ em uống rượu, bia hay tăng giá bán rượu, bia… là những giải pháp không mới mà nhiều nước tiên tiến đã thực hiện và thu được kết quả khả quan.
Và cuối cùng, dân gian ta có câu: “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”, như để khuyên nhủ mọi người rằng, nếu đã sa đà vào rượu thì mãi chỉ sống trong cảnh nghèo túng, bạc nhược và không bao giờ nhận được sự tôn trọng của người khác.
.