Những ngày qua, vụ việc một nam phượt thủ tử vong khi đi trekking (đi bộ dài ngày - một loại hình du lịch mạo hiểm) ở Bình Thuận khiến cộng đồng phượt thủ cũng như dư luận xã hội xôn xao. Thống kê cho thấy vài năm trở lại đây, năm nào cũng có phượt thủ tử vong trên những cung đường, để lại nỗi đau cho gia đình.
Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, các bạn trẻ tham gia du lịch mạo hiểm phải tự trang bị cho mình kỹ năng, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc...
1. Mới đây nhất, một nam sinh cũng rất khỏe mạnh đã mất tích khi trekking cung Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận). Nhiều ngày sau, anh được phát hiện đã tử vong gần một thác nước,
Cùng với du lịch nghỉ dưỡng thì du lịch mạo hiểm như: trekking (đi bộ dài ngày), leo núi, vượt thác, lượn dù... ngày càng phổ biến, được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Và đúng như tên gọi, đã tham gia trekking - nhất là những cung đường “khó xơi” như leo Fansipan tuyến Sín Chải, cung Tà Xùa - Làng Sáng (Tây Bắc) hay cung Tà Năng - Phan Dũng (Trung Nam Bộ) phượt thủ luôn phải đối mặt với nguy hiểm chực chờ. Thậm chí, có những người đã phải trả giá bằng tính mạng.
Còn nhớ năm 2013 nam sinh P.N.A. (SN 1992, trú tại xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cùng 3 người bạn chinh phục đỉnh Fansipan. Trong quá trình leo núi, cậu sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có thuê người vác đồ. Tuy nhiên, khi di chuyển qua điểm nghỉ 2.800m để về Trạm Tôn, người vác đồ đi trước không nhìn thấy N.A. đâu nữa.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã kết hợp cùng các cơ quan, ban, ngành huy động hàng chục thành viên tham gia tìm kiếm nhưng đều không có kết quả. Đến nay, nguyên nhân mất tích của P.N.A vẫn đang là một bí ẩn.
Thác Lao Phào, nơi thi thể của Thi An Kiện được tìm thấy. |
Không chỉ với những người leo núi nghiệp dư, ngay cả vận động viên leo núi chuyên nghiệp cũng từng tử vong khi leo Fansipan. Tháng 6-2016, Aiden Webb (quốc tịch Anh) một thanh niên khỏe mạnh, từng chinh phục nhiều đỉnh núi ở châu Âu một mình leo từ hướng thôn Sín Chải, dọc theo tuyến cáp treo đến đỉnh Fansipan. Chiều tối ngày 3-6, anh thông báo cho bạn gái mình bị tai nạn, ngã xuống thác, chấn thương đầu gối và đá cắt chảy nhiều máu.
Chàng trai đã gửi định vị GPS và tiếp tục thông tin với bạn gái đến ngày 4-6 thì mất liên lạc. Sau đó người thân của Aiden đã kêu gọi trên Facebook, mong mọi người ở Việt Nam đang đi qua khu vực này chung tay tìm kiếm chàng trai. Lực lượng tìm kiếm Aiden Webb ở Fansipan được tăng cường tới hơn 150 người, từ nhiều đơn vị chức năng, người dân, đồng thời kỹ sư, nhân viên của Fansipan Sa Pa tăng cường quan sát bằng ống nhòm từ cáp treo. Cho đến sáng 9-6, lực lượng tìm kiếm cứu hộ mới phát hiện thi thể của phượt thủ trẻ sau 6 ngày mất tích.
Được biết, ngày 11-5-2018, Thi An Kiện (SN 1994) cùng 6 người bạn khác bắt đầu lên đường trekking. Đến khoảng 12 giờ trưa hôm sau thì lạc nhau. Theo một thanh viên trong nhóm khi đến ngã ba, Kiện và một thành viên tên Hiếu trong nhóm phân vân không biết rẽ hướng nào, nhóm đi theo quyết định của Hiếu là lên hướng đồi bên phải. Cả nhóm đều rẽ trái và Kiện đi đầu tiên.
Đi được khoảng 2 phút thì Hiếu xem Trecklost, phát hiện nhóm đang đi sai hướng nên kêu mọi người quay lại. Lúc này mọi người không thấy Kiện đâu. Cả nhóm đã gọi Kiện quay lại nhưng gọi nhiều tiếng vẫn không nghe trả lời, thậm chí đã dùng còi thổi mấy lần và chờ đợi nhưng không thấy dấu hiệu phản hồi của Kiện.
Những người bạn, người thân của Kiện đã nhờ các porter, công an, kiểm lâm địa phương tham gia tìm kiếm từ 9 giờ tối cùng ngày. Hàng trăm người cùng lùng sục khắp mọi con suối, cánh rừng, mong có một tia hy vọng về dấu vết Kiện để lại. Mãi cho đến chiều tối ngày 20-5, thi thể phượt thủ này mới được tìm thấy tại thác Lao Phào.
Tháng 10-2017, nữ phượt thủ Nguyễn Việt Tuyết Q. (SN 1986, trú tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cùng nhóm bạn khám phá cung đường rừng Tà Năng - Phan Dũng. Khi vừa tới con suối Phan Dũng, gần thác Yavly thuộc xã Phan Dũng thì trời mưa rất to. Nhóm này đã tìm cách vượt suối khi lũ đang đổ về. Do bên dưới là đá trơn, chị Q. trượt chân và bị cuốn trôi để lại bao tiếc thương cho người thân, bạn bè.
2. Anh Lê Thanh Hùng (còn gọi là Hùng “Mèo”) cựu giám đốc một công ty lữ hành, đồng thời là một trong người chuyên mở tour và dẫn tour trên nhiều cung đường hiểm trở của Tây Bắc cho biết, trekking cũng như các môn chơi trong nhóm du lịch mạo hiểm mang đến cho người ta những giây phút tuyệt vời sau khi chiến thắng được bản thân, vượt qua được thử thách, khẳng định bản lĩnh của con người trước thiên nhiên, muốn vươn lên đỉnh cao. Nhưng song song với nó, luôn đi kèm những tai nạn khó lường.
Hùng nhớ lại, cuối năm 2004 anh đã tổ chức đưa một đoàn leo Fansipan theo đường Sín Chải (cung khó nhất khi leo Fan). Đây là lần đầu tiên một đoàn khách là người Việt (thể lực yếu, kinh nghiệm leo núi chưa có) được tổ chức leo Fan nên để đảm bảo an toàn, Hùng đã phải thuê đến 7 porter (người đi theo khuân đồ) là người dân tộc, có sức khỏe tốt và 4 hướng dẫn viên người Việt đi cùng.
Túi đồ vật của phượt thủ Thi An Kiện để lại trên đường. |
Vậy mà cũng không ít lần thành viên trong đoàn trượt ngã, xây xước khi leo vách đá, leo dốc dưới là thảm rêu trơn trượt. Rất may là không có sự cố nào lớn. Sau nhiều ngày đêm leo miệt mài, trong thời tiết mưa lạnh của mùa đông thì đoàn cũng đã chạm đích thành công. Từ đó về sau, phong trào leo Fansipan mới bắt đầu rầm rộ với các đoàn khách Việt.
Theo anh Hùng, để tham gia trekking an toàn, các phượt thủ cần phải có sức khỏe tốt, có nghị lực và tinh thần kỷ luật, tinh thần đồng đội cao. Bởi nếu không có những điều đó, rất dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, thậm chí là... thảm họa!
“Leo núi đi rừng là một trong những thử thách rất lớn đối với người thành phố. Nếu không đi quen, chỉ một vài giờ là chân mỏi rã rời, bị tê cứng, bị chuột rút... người leo sẽ bị mất sức rất nhanh. Thêm vào đó, trong rừng tự nhiên luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm tiềm tàng. Đó là tai nạn khi trượt chân ngã từ độ cao xuống, hay bị bò sát, thú dữ tấn công, rồi bị lạc cho đến khi kiệt sức...”.
Cách đây ít lâu, có đoàn học sinh người Anh được tổ chức leo Fansipan. Dù là nữ sinh, song do đã được tập luyện một thời gian dài nên các em được yêu cầu đeo nguyên ba lô (khoảng 20kg) để di chuyển trên cung đường. Những nữ sinh này cũng leo rất chuyên nghiệp. Song một nữ sinh đã không trở về an toàn. Nguyên do em gái này đang leo lên lưng chừng núi thì bị rơi vật gì đó. Khi quay lưng lại nhìn theo món đồ thì chiếc ba lô đeo trên lưng va vào vách đá, trở thành vật cản “đẩy” em gái ngã xuống và tử vong.
Đặc biệt, với những phượt thủ trẻ tự phụ với sức khỏe của mình mà không tuân thủ kỷ luật, tự ý tách đoàn sẽ có nguy cơ rất lớn. Bởi một khi bị lạc khỏi đoàn, họ sẽ lâm vào một hoàn cảnh rất bi đát. Đó là điện thoại di động không thể sử dụng được, thiết bị GPS chỉ định vị được vị trí một cách “mù mờ”, tinh thần bị hoảng loạn, dễ bị kiệt sức... dẫn đến tử vong.
Phượt thủ Thi An Kiện thời điểm đang trên đường Trekking. |
Nguyễn Việt Cường, một trong những phượt thủ dày dạn kinh nghiệm, từng chinh phục nhiều cung hiểm trở như Tà Xùa - Làng Sáng (Sơn La), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)... chia sẻ: Ở các nước Âu - Mỹ, những người trước khi tham gia trekking đều phải trải qua những buổi luyện tập thể lực, kỹ thuật leo núi, kỹ năng sinh tồn. Họ cũng có những ràng buộc rất rõ ràng là, đã tham gia là chấp nhận mạo hiểm. Mỗi thanh niên trên 18 tuổi đều phải tự ý thức, chịu trách nhiệm với việc mình làm. Họ cũng có những mục tiêu rõ ràng cho mỗi chuyến phượt.
Còn tại Việt Nam, việc huấn luyện cho người tham gia leo núi còn rất nghiệp dư. Các đội trekking đa phần là tự phát, thiếu kỹ năng sinh tồn. Hơn nữa, việc tham gia du lịch mạo hiểm mà chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, hoặc chỉ để... lấy thành tích sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả tai hại. Khi tai nạn xảy ra, họ không đủ ý chí nghị lực để vượt qua.
Bên cạnh đó, phượt thủ ngày nay cũng thường ỷ lại các công cụ như điện thoại di động, GPS, bộ đàm... Tuy nhiên, ít người biết rằng khi rơi vào những hoàn cảnh như nhầm đường, lạc đoàn..., thì trong điều kiện rừng núi hiểm trở, những thứ công cụ kia lại gần như vô dụng.
Cũng theo Cường, có khá nhiều nguy cơ đối với mỗi người khi tham gia trekking. Đầu tiên là bị mất nước. Khi leo núi cơ thể rất dễ bị mất nước. Mất nước nhẹ và trung bình thường có thể được khắc phục bằng cách uống một số loại đồ uống để thay thế muối và chất lỏng bị mất đi. Tuy nhiên khi leo với thời gian dài, mất nước còn kéo theo rối loạn điện giải, có thể khiến phượt thủ kiệt sức.
Thứ hai, các loại côn trùng như muỗi, vắt, loài bò sát như rắn rết... cũng là mối hiểm nguy tiềm tàng. Bởi nó sẽ khiến cho phượt thủ có thể bị sốt rét. Đặc biệt tránh di chuyển ban đêm, vì đó là thời gian động vật hoang dã thường đi săn mồi.
Trekking luôn hấp dẫn giới trẻ ưa khám phá nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. |
Thứ ba là phượt thủ có thể bị lạc đường. Do đường rừng rất khác với đường trên phố. Khi leo lên cảnh tượng gần như hoàn toàn khác với khi leo xuống. Nếu lạc và mất khả năng xác định phương hướng, tốt nhất là phượt thủ không nên đi tiếp mà ở yên chỗ đó chờ người tới tìm, vừa tránh việc tiêu hao năng lượng, tai nạn xảy ra, vừa để đội cứu hộ dễ khoanh vùng mất tích của bạn hơn. Phải nhớ hết sức bình tĩnh và tập trung thì mới có khả năng tìm về đoàn được.
Thứ tư, hết sức thận trọng với những đoạn đường nguy hiểm. Đường leo núi nhiều cây cỏ, rêu phong dễ trơn trượt, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị trượt chân ngã vô cùng nguy hiểm. Vì thế, việc trang bị chính xác dụng cụ như giầy, găng tay leo núi, học trước những kỹ năng leo núi trước khi lên đường là điều rất cần thiết.
Cuối cùng người đi leo núi nếu không chuẩn bị cẩn thận rất dễ bị kiệt sức, đặc biệt vào mùa hè lại càng nguy hiểm. Những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, suy hô hấp không nên leo núi. Những ngày trước khi leo núi, cần ăn đủ chất bổ dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin C, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, thuốc lá và quan trọng là cần ngủ đủ 7 giờ mỗi ngày, có thể tập đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, bơi, nín thở trong vòng 90 giây... trước khi leo núi từ một tuần đến một tháng để tăng độ bền và sức dẻo dai cho cơ thể.