Mấy lâu trước, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang có bài viết rất hay đại ý, lấy lòng dân mà đo vận nước. Bài viết cực uyên bác với những dẫn chứng lịch sử, với những minh quân, với những khoảnh khắc thế nước thịnh suy… Nhưng chung quy lại thì vẫn toát lên ý chính, “Dân dĩ vi bản”, dân vĩnh viễn làm gốc, thế nước mạnh cũng nhờ dân mà thế nước yếu cũng do dân. Nếu nhân dân là thành trì của một quốc gia thì lòng tin của nhân dân, cảm xúc của nhân dân chính là hành trang để quốc gia đó thịnh vượng và phát triển bền vững. |
1. Nhìn dòng người nghẹn ngào thắp hương viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải, có lẽ ai nấy cũng đều xúc động. Không chỉ có những người lớn tuổi, những người đã sống và trực tiếp chứng kiến những đổi thay của đất nước khi ông làm Thủ tướng Chính phủ mà cả thế hệ trẻ sau này, thế hệ được nghe kể về ông, tìm hiểu về ông qua các tư liệu cũng bùi ngùi đến tiễn đưa ông.
Nhân dân cả nước tiếc thương ông, một người có công lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn những năm đầu đổi mới.
Như lời nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết trong sổ tang rằng: “Vô cùng xúc động chia tay người anh, người đồng chí thân thương đã từng kề vai sát cánh trong thường trực Chính phủ chục năm đầu thời kỳ đổi mới. Anh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo giỏi, mà hình ảnh ông Sáu Khải còn khắc sâu trong lòng mọi người vì lòng tốt của ông, với bà con, làng xóm, là người gắn bó ruột thịt với quê hương.
Ông Nguyễn Quốc Sinh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, người gọi cố Thủ tướng là cậu ruột kể: Ai nghèo, ai khó đến nhờ ông cũng đều nghĩ cách giúp. Hễ việc tốt, hợp lý ông sẽ giúp hết lòng. Việc không đúng là ông cản tới nơi. Vì vậy mà bà con Tân Thông Hội từ già tới trẻ đều thương quý ông.
Nhìn những giọt nước mắt bùi ngùi của dòng người người đến viếng cố Thủ tướng thì cũng hiểu được tình cảm mà nhân dân dành cho ông như thế nào. Bao giờ cũng vậy, người lãnh đạo gần dân, thương dân, chăm lo đời sống nhân dân, quan tâm, cống hiến vì sự nghiệp phát triển đất nước đều được dân yêu mến và kính trọng.
“Người lãnh đạo mất đi mới thấy được lòng dân thương mến cỡ nào”, một người dân khi đến thắp hương cho ông, đã nói như thế.
Minh họa: Lê Phương. |
Bao người dân đã khóc khi tiễn biệt cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đó là những cảm xúc thật khi họ phải chia tay một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm; với nhiều người dân cả nước, ông như là một biểu tượng của niềm tin và tài đức của một nhà lãnh đạo.
Và qua đó cũng cho thấy rằng, trái tim nhân dân vẫn hết sức nồng nàn với những điều tốt đẹp của cuộc sống này. Vậy thì không cớ gì để ta hoài nghi về một tương lai gần rực rỡ của đất nước khi mà trong lòng mỗi người luôn hướng đến những điều đẹp đẽ!
Thời gian gần đây, những nhà lãnh đạo đương nhiệm cũng đang hết sức nỗ lực vì điều đó - lấy lại niềm tin của nhân dân. Đặc biệt nhất là trong năm 2017 vừa qua, công tác cán bộ và xây dựng Đảng mà Đảng ta đã thực hiện là đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân. Bao nhiêu vụ sai phạm, tiêu cực của các cán bộ, bao nhiêu vụ tham nhũng lần lượt được đưa ra ánh sáng và xử lý.
Có thể nói, tinh thần chống tiêu cực, tham nhũng một cách quyết liệt, không nể nang, không “vùng cấm” không phải là những khẩu hiệu suông mà đã và đang diễn ra theo đúng tinh thần như vậy. Tất nhiên khi đó, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước đã được xốc lại mạnh mẽ.
2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, việc kỷ luật cán bộ thời gian qua Đảng làm là “hợp lòng dân, thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Ông cũng đã quyết liệt rằng: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Tổng Bí thư đã chỉ ra chính xác rằng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng mà không nghiêm thì tất loạn bởi lòng tin của nhân dân sẽ lung lay và mai một.
Cán bộ tiêu cực mà không xử lý nghiêm một cách công khai, minh bạch thì lòng dân bức xúc, bất mãn và nếu cứ để lâu dần dễ dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân. Đó là một điều nguy hiểm bởi như Tổng Bí thư có nói, “để mất niềm tin là mất tất cả”.
Rất vui vì niềm tin của nhân dân đã trở lại sau những hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xử lý tham nhũng, tiêu cực một cách không nể nang, không “vùng cấm”.
Với đà đó, nhân dân hoàn toàn có thể tin rằng ở một tương lai không xa nữa, đất nước sẽ sạch bóng tham nhũng, sẽ có những khởi sắc và bước lên những nấc thang phát triển mới vượt bậc.
Cá nhân người viết bài cũng có một kỷ niệm vui là mới đây, một nhóm bạn đang định cư ở nước ngoài về đã hết lời khen ngợi những gì mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng đến.
Tất nhiên, không phải đợi khi bạn khen mới thấy vui mà trong lòng tôi thấy tự hào về đất nước mình. Là vì, không phải chỉ nhân dân trong nước, những người vốn được chứng kiến, nghe thấy và cảm nhận một cách rõ ràng nhất về những thay đổi tích cực của đất nước mà ngay cả kiều bào cũng có thể nhìn thấy được, hiểu được.
Bạn tôi nói, cả nhóm đang lên kế hoạch đầu tư làm doanh nghiệp tại Việt Nam bởi họ cho rằng, với một tương lai thấy rõ tươi sáng như vậy, không có lý do gì không quay về làm giàu trên quê hương!
Còn trong nước, dĩ nhiên ai nấy cũng đều phấn khởi, vui mừng. Điều này có thể cảm nhận rõ nhất ở những lần tiếp xúc, thăm hỏi bà con của lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bà con ai nấy cũng đều bày tỏ sự xúc động trước những gì mà lãnh đạo đã và đang làm rất hợp lòng dân, hợp với lẽ phải, với sự hưng thịnh của đất nước.
Nhân dân là như vậy, luôn mong muốn những điều tốt đẹp, luôn đứng bên cạnh, đồng lòng cùng Đảng trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Vấn đề còn lại là hành động của người lãnh đạo có đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của nhân dân hay không.
Mọi người tin rằng, việc phanh phui, xử lý những tiêu cực sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục và duy trì. Và với những kết quả đã đạt được, cùng với niềm tin trong nhân dân đã được xốc dậy, “cả đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm”, như lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết nhân dịp năm mới vừa qua.