Bày mưu tính kế, dàn quân đón lõng để cướp lộc chùa, quà từ thiện đã và đang diễn ra nhức nhối trong suốt thời gian dài tại TP HCM. Thật khó để tiếp cận "hang ổ" của nhóm cướp lộc, nhưng cũng dễ dàng nhận ra những "diễn viên" chuyên nghiệp xuất hiện ở bất cứ nơi nào.
1. Anh Hoàng Văn Tân, một Phật tử thường xuyên đi chùa đã than với người viết về tình trạng "cái bang" cướp lộc diễn ra trắng trợn ngay tại chùa. Vào ngày rằm tháng Giêng, anh Tân cùng gia đình mang lễ tới chùa cúng thì gặp một người phụ nữ tự xưng là Vy, làm nghề bán nhang ập tới ngỏ ý muốn giúp đỡ bưng bê lễ lộc.
Ngỡ rằng đó là lòng tốt của những người sống gần cửa Phật nên anh Tân vô cùng cảm động. Khi vừa dâng lễ xong, gia chủ lui ra ngoài thì ở trong Vy đã "hô biến". Một người trong đoàn phát hiện Vy ôm giỏ quà nhưng không nghĩ là bị cướp lộc nên chưa phản xạ. Thấy nghi, người này chạy vào kiểm tra thì tá hỏa vì thấy mặt bàn trống trơn, chỉ còn cây nhang nghi ngút khói.
Cụ ông vô gia cư sau khi nhận phần quà đã bán. |
Sau nhiều lần lê la tại cổng chùa Việt Nam Quốc Tự (quận10, TP. Hồ Chí Minh), chúng tôi tiếp cận được An (không biết có phải tên Vy trong vụ anh Tân), một "chân rết" chuyên thám thính, nghe ngóng rồi móc nối "xin lộc". An thường lảng vảng trước cổng chùa, trong vai người bán nhang. Chúng tôi được một anh xe ôm mách: "Nó là "chim mồi" đó, bán mua gì". Chúng tôi chưa kịp hiểu cụm từ mà anh xe ôm nói thì anh bán vỏ ốp điện thoại kế bên buông câu: "Mua đồ bọn này rẻ bèo, hàng ngon không".
Vì có nhiệm vụ khác nên An không mặn mà gì với công việc bán mua của mình mà chăm chú theo dõi những Phật tử thuộc tầng lớp khán giả, sẵn sàng cúng lộc rất lớn. Khi đã tiếp cận, An sấn sổ hỏi thâm ý của người hành hương về lễ lộc, thời gian cúng ra sao.
Nắm được lịch, An trở ra quy tụ đàn em chuẩn bị sẵn đồ nghề để "xin lộc". Khi Phật tử vừa "dâng lộc", cắm que nhang xuống và rời đi thì cũng là lúc có một người đàn ông đạo mạo tới chắp vái vài cái rồi "hốt" mẻ lộc biến mất. Sự việc diễn ra rất nhanh, không để người trong chùa phát giác.
Có lẽ đã "làm nghề" lâu năm nên An rất tinh quái trong việc xác định đối tượng, tuyệt đối không dễ dãi nói chuyện với người lạ. Khai thác từ cánh xe ôm, chúng tôi được biết, "lộc" sau khi xin được, nhóm của An sẽ tập trung vào kho, thường là gốc cây hay công viên để tối đến tẩu tán.
Chị Lê Thanh N., một người bán nước lâu năm tại Nhà hát Hòa Bình (đường 3/2, cạnh chùa Việt Nam Quốc Tự) tiết lộ: "Bọn "chim mồi" này sống bằng nghề cướp lộc nhiều năm rồi. Hoa quả, trái cây chúng lấy xong mang bán ra chợ với giá bằng nửa. Vì là đồ cúng nên thứ nào cũng tươi tốt, đắt tiền, cứ bán rẻ thì có người mua thôi".
Những quả táo, bom, lê ngoại nhập vẫn còn nguyên mác có giá vài trăm ngàn/kg nhưng sau khi được nhóm "xin lộc" bán lại giá chỉ vài chục ngàn/kg. Mỗi ngày, họ có thể lấy được cả chục ký, được vài trăm ngàn chia nhau. Chị N. thốt lên: "Tội nhất là mua phải đồ cúng, rồi lại mang vô chùa cúng".
Những phần quà chuẩn bị đi phát. |
Ngoài lấy lộc hoa trái, họ còn lấy cả cơm, cháo. Được chị N. mách, đêm nào nhóm này cũng tập trung ở đường Hai Bà Trưng nối dài từ quận Phú Nhuận sang quận 1 để lấy cơm từ thiện. Chúng biết được lịch phát quà cho người vô gia cư của các nhóm thiện nguyện thường diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật từ 22 giờ trở đi.
2. Để tiếp cận những gương mặt thật, chuyên đi cướp lộc, chúng tôi đã xin theo nhóm thiện nguyện đi phát đồ ăn đêm. Hành trình nhóm sẽ xuất phát từ ngã tư Phú Nhuận về tới phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đúng là đã biết trước tối nay sẽ có lộc, nên dọc đường Hai Bà Trưng hàng trăm người "vô gia cư" nằm, ngồi dật dờ, thất thểu chờ đợi.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những người vô gia cư thật sự là những ông lão què cụt, những người lượm ve chai, đánh giày, còn một bộ phận không nhỏ "diễn viên" nhập vai người vô gia cư. Họ là những gã đàn ông bặm trợn, tay chân cuồn cuộn cơ bắt được bọc lót bởi lớp áo lao động sờn cũ, rồi các chị phụ nữ chạy nhanh thoăn thoắt từ đường bên này sang đường bên kia khi thấy bóng dáng của nhóm thiện nguyện.
Phát hết đoạn đường quận Phú Nhuận, sang đến quận 1, chúng tôi bất ngờ thấy một số gương mặt quen quen, hóa ra họ là "diễn viên" nhập vai vô gia cư sau khi nhận lộc đã phóng xe bạt mạng đuổi theo chúng tôi rồi "diễn" tiếp.
Bà cụ bán vé số vui mừng khi có người cho lộc. |
Một bạn trong nhóm phát hiện hỏi: "Chị này nhận bánh rồi mà, sao lại ở đây?". Bị lật mặt, chị ta bối rối trả lời: "Tôi xin thêm một phần cho mẹ già, vừa nãy ngủ quên không dậy kịp. Mẹ tôi đói lắm". Với chất giọng vô cùng thảm thương, cuối cùng chị ta cũng giành giật được một suất nữa. Nguyệt Chi, trưởng nhóm cho biết: "Chúng mình đi phát với tâm niệm cho đi, nên không quá khắt khe chọn lựa đối tượng, mặc dù lần nào cũng có người chộp giật hoặc giả vờ đói rách để lấy quà".
Quá 24 giờ, nhóm thiện nguyện kết thúc công việc. Trước khi trở về, chúng tôi quay lại con đường đã phát quà để xem việc gì đã diễn ra. Đường vắng tanh, trên vỉa hè chỉ có lác đác người vô gia cư đang thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhọc. Tìm được cụ ông còn thức, chúng tôi vào hỏi thăm.
Vừa thấy chúng tôi, ông giơ tay hỏi ngay: "Còn phần quà nào nữa không cho tôi với, tôi đói". Quà chia cho cụ đâu rồi? Một thành viên trong nhóm hỏi. Cụ ông thật thà: "Tôi đã bán lại cho mấy người kia rồi, được 20 ngàn ngày mai ăn cơm". Nguyệt Chi tỏ ra kinh ngạc, thốt lên: "Trời ơi, phần quà của con giá 50 ngàn đó ông, sao ông bán rẻ vậy".
Từ câu chuyện bán lộc của ông lão, chúng tôi càng bàng hoàng hơn khi biết, luôn có một "tổ chức" theo sát các nhóm thiện nguyện vào mỗi đêm. Ngoài việc đóng giả làm người vô gia cư để nhận quà, họ còn mua lại đồ của những người nghèo thật sự. Họ sẽ mua với giá thấp hơn rất nhiều giá trị thực sự của phần quà và người vô gia cư cũng sẵn sàng bán lại thứ mà họ được cho để lấy tiền tiêu xài.
Chúng tôi đã cố gắng đi tìm "đường đi" của những lốc sữa, những ổ bánh mì hoặc hộp cơm, gói xôi. Một bà bán tạp hóa ven đường gần chợ Tân Định cho biết, thỉnh thoảng bà có mua lại sữa với giá rẻ hơn một chút, còn bánh mì, cơm và xôi thì họ mang đi đâu tiêu thụ không biết.
Bà Lê Kim Chung, bảo vệ dân phố (Khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh), một người chuyên đi làm từ thiện khi được hỏi về tình trạng trên đã rất bức xúc. Bà thẳng thắn cho rằng, việc trao đổi bán mua đồ cúng, đồ từ thiện thì xã hội cần lên án mạnh mẽ.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm bảo vệ dân phố, tiếp xúc với đủ mọi thành phần, đối tượng trong xã hội, bà Chung khuyên mọi người nên đề phòng, cảnh giác với đối tượng giả danh người vô gia cư để lấy miếng ăn của người nghèo.
3. Bên cạnh nạn lấy lộc trên cạn, còn diễn ra tình trạng dưới nước. Ngày Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) vừa qua, hàng tấn cá được người dân thả trên sông Sài Gòn nhằm phóng sinh. Rất dễ nhận ra, ở mé sông có hàng chục chiếc xuồng máy đuôi tôm phục kích chờ sẵn để "hớt lộc". Khi cá vừa đổ xuống, lập tức hai ba chiếc xuống nổ máy lao vun vút tới, dùng lưới chùm quăng.
Người thả chỉ biết ngơ ngác nhìn rồi thẫn thờ xót xa nuối tiếc. Vợ chồng chị Hồ Thị Lan (quận Thủ Đức) cảm thấy hành động "cứu sinh" cá của mình không trọn vẹn đã quyết định mua lại số cá vừa được vớt lên với giá 300 ngàn.
Chưa hết, chị Lan trông thấy một con cá chép vàng ươm đang ngắc ngoải trong xuồng cũng mua luôn 200 ngàn. Tất cả số cá mua lại từ người vớt cá chị Lan nhờ họ mang ra giữa sông thả giúp. Cầm tiền trong tay, anh chàng nổ máy vun vút ra sông, không biết có thả cá hay không nhưng chờ mãi chưa thấy anh ta quay lại.
Nhiều người vì không an tâm khi đứng trên bờ thả cá đã thuê xuồng ra giữa dòng nhưng cá vẫn không được về với nước để sống bình an mà bị bắt lại ngay sau đó.