Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201709/thieu-thay-gioi-tro-khong-tot-755336/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201709/thieu-thay-gioi-tro-khong-tot-755336/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thiếu thầy giỏi, trò không tốt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 01/09/2017, 15:17 [GMT+7]

Thiếu thầy giỏi, trò không tốt

Trong giáo dục, vấn đề con người là đặc biệt quan trọng. Có thể nói, ngành Y và ngành Sư phạm không thể tồn tại nếu không nói đến nhân tố con người, đề cao nhân tố con người. Không có người thầy giỏi, đủ trình độ và kỹ năng đứng lớp, thì học trò sẽ ra sao? Chúng ta liệu có thể đào tạo ra những thế hệ tương lai ưu tú nếu thiếu đi những người thầy giỏi?
 
Đào tạo người thầy đang khủng hoảng
 
Mùa tuyển sinh vừa diễn ra, toàn xã hội chứng kiến sự tụt lùi của các trường sư phạm. Chưa khi nào, điểm sàn đỗ vào các trường sư phạm lại thấp đến như vậy. Trong khi nhiều trường như trường Y, các trường Quân đội, Công an có mức điểm trúng tuyển rất cao, thậm chí có học sinh đạt 29-30 điểm vẫn có nguy cơ trượt, thì khối các trường Đại học có đào tạo ngành sư phạm đạt điểm chuẩn ở mức thấp kỷ lục. 
Cụ thể, các trường sư phạm trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có điểm trúng tuyển từ 17-20 điểm. Đây là mức điểm sàn cao nhất trong khối các trường sư phạm. Nhiều trường sư phạm điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục - Đào tạo. 
 
Thậm chí, khối các trường Cao đẳng sư phạm ở địa phương, không ít trường có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Có nghĩa là thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là có thể trúng tuyển. Mức điểm sàn này khiến dư luận ngỡ ngàng. 
 
Câu hỏi đặt ra là, với mức điểm thấp kỷ lục như vậy ở đầu vào, thì ngành đào tạo sư phạm sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì sắp tới? Và giáo dục tương lai sẽ đi về đâu, khi mà xã hội trong những năm tới sẽ phải tiếp nhận những thầy cô giáo với mức điểm kém như vậy?
 
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng cho tương lai của con em mình. Nick có tên Pham Phuong Anh chia sẻ nỗi niềm: “Một thầy giáo dạy toán, dạy hóa trong tương lai mà thi đại học môn toán, môn hóa chỉ chừng 3 điểm thì không biết họ sẽ dạy gì cho học sinh của họ? Trong khi nghề dạy học là nghề khó khăn, người thầy vừa phải mẫu mực về mặt đạo đức, lại phải vừa giỏi về trình độ chuyên môn. Thử tưởng tượng xem, sau 5-10 năm nữa, khi thế hệ sinh viên sư phạm 3 điểm một môn thi đã đỗ đầu vào như hiện nay mà ra trường, thì họ sẽ đẩy giáo dục đi về đâu? Thế hệ con em chúng ta sẽ được giáo dục như thế nào từ những người thầy như vậy? Xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề đến thế nào?”.
 
Chúng ta đều hiểu rằng, thành công của nền giáo dục một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia  mới tốt được. Nhưng để có đội ngũ giáo viên giỏi, nhất định việc tuyển người vào cho khâu đào tạo phải tốt. Phải lựa chọn được những người ưu tú để đào tạo họ bổ sung vào đội ngũ giáo viên tương lai. Không thể nào có đội ngũ giáo viên tốt nếu đầu vào thấp kém. Điều này là hiển nhiên.
 
Vì sao người giỏi sợ ngành sư phạm?
 
Đặt một câu hỏi “đau lòng” như vậy để nhìn thẳng vào thực tế của ngành sư phạm hiện nay? Chúng ta đang vấp phải những vấn đề gì khiến cho những học sinh giỏi nhất, ưu tú nhất lại không ưu tiên chọn ngành sư phạm để lập nghiệp?
 
Phó Giáo sư Văn Như Cương từng thốt lên: “Hình ảnh thầy cô giáo bán quần áo, bán hàng trên mạng, bán xôi trước cổng trường hay thầy giáo đi chạy xe ôm  là những hình ảnh đáng buồn cho bức tranh của ngành giáo dục. Đúng là một hình ảnh không thể tệ hơn”. 
 
Điều này cho thấy, mức lương của giáo viên hiện nay còn quá thấp, chưa đủ đảm bảo đời sống cho họ. Đội ngũ giáo viên có thu nhập cao hay rất cao vẫn chỉ là con số ít ỏi, ở một số bộ môn. Trong khi đó, giáo viên không dễ kiếm được việc làm thêm ngoài. 
 
Hiện nay, lương khởi điểm cho một sinh viên sư phạm mới ra trường chỉ có khoảng hơn 2 triệu đồng/ tháng. Lương của một giáo sư cũng không vượt quá con số 10 triệu. Nghĩa là một người làm nghề giáo lâu năm, học đủ các bằng cấp, học vị, đạt mọi thành tích, mức lương vẫn rất tùng tiệm. Như vậy thì không thể tạo ra động lực khích lệ những người trẻ tuổi theo nghề. 
 
Đã thế, cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm mới ra trường là cực kỳ khó khăn. Việc thi tuyển giáo viên công chức luôn là một “cánh cửa hẹp”, khiến cho ngay cả những giáo viên giỏi, yêu nghề cũng lo ngại. Việc phân bố, luân chuyển giáo viên giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị cũng tạo ra nhiều bất cập, gây tâm lý lo ngại cho nhiều người. 
 
Chúng ta đang thiếu những chính sách hợp lý, công bằng để khuyến khích các thầy cô ở từng địa phương khác nhau. Thông tin bỏ biên chế giáo viên vừa rồi cũng tạo ra sự bất an trong lòng các học sinh vừa tốt nghiệp trung học, khiến các em không ưu tiên chọn ngành sư phạm. Vì tính ổn định vốn là một ưu thế của ngành giáo dục.
 
Vậy chúng ta phải làm gì để ngành sư phạm có thể hút được người giỏi như các trường thuộc ngành Y, Công an hay Quân đội?
 
Các chuyên gia giáo dục đều nhất trí cho rằng, cần phải có một sự đột phá về chính sách. Phải ưu tiên những thuận lợi cho ngành sư phạm. Vì chất lượng đào tạo của sư phạm liên quan đến nhiều thế hệ tương lai nên một khi chúng ta không có những chính sách phù hợp, câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn đúng trong xã hội thì hậu quả gánh chịu của xã hội trong tương lai rất lớn.  
 
Đầu tư cho đào tạo giáo viên là đầu tư sáng suốt, có lợi nhất của giáo dục. Đội ngũ giáo viên ưu tú sẽ tạo ra một nền giáo dục ưu tú, tầm vóc. Nói đơn giản nhất, là muốn chọn được người giỏi nhất phổ thông thì nhất định ngành sư phạm phải có sự đãi ngộ xứng đáng. 
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục-  Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ các ngành Công an, Quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy đầu vào mới cao được.
 
Câu chuyện làm sao để đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi là mối quan tâm không chỉ của riêng ai mà của toàn xã hội. Gia đình nào cũng có con em đi học và mong muốn được gửi gắm con em mình cho những người thầy giỏi nhất, ưu tú nhất. Đội ngũ thầy cô yếu kém sẽ tạo ra một mối lo ngại, hoang mang trong xã hội, làm suy yếu thêm nền giáo dục vốn đang gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập như ở ta. Nhà nước cần phải xem việc thay đổi, quy hoạch lại công tác đào tạo giáo viên như một vấn đề trọng điểm, thiết yếu, ngay và luôn, vì các thế hệ tương lai. 
 
Vấn nạn thầy không ra thầy, trò không ra trò hiện nay ở trong các nhà trường như việc chạy điểm, bạo lực… đều có nguyên nhân sâu xa từ công tác đào tạo. Người thầy mà kém về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn thì hiển nhiên học trò cũng khó mà tiến bộ. Đảm bảo thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm bằng các cơ chế đãi ngộ phù hợp, chúng ta sẽ yên tâm về người thầy. Khi thầy ra thầy, nghĩa là giỏi về trình độ, yên tâm về lương bổng, thì việc dạy dỗ học trò sẽ tập trung, và lẽ dĩ nhiên, trò cũng ra trò hơn. Không thể nào có chuyện ngược đời, thầy dốt mà đào tạo ra trò giỏi.
 
Cho nên muốn cải cách giáo dục, thì vấn đề quan trọng đầu tiên là con người. Mọi máy móc, thiết bị, phương tiện, giáo trình giáo án hiện đại đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa nếu nhân tố con người bị xem nhẹ. Toàn xã hội và ngành giáo dục cần phải ráo riết với cụm từ, thầy giỏi thì trò giỏi.
 
Mà nếu điểm chuẩn vào ngành sư phạm như chúng ta đang chứng kiến trong mùa tuyển sinh năm nay, thì đừng mong có thầy giỏi trong tương lai. Cũng đừng mong giáo dục Việt Nam có thể sánh vai các nước phát triển, trong tương lai.
.

Nguồn: CAND

.