Phóng sự
Làm sao bịt kín những kẽ hở trong đấu thầu thuốc?
09:50, 07/09/2017 (GMT+7)
Có lẽ sau khi vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma) với những câu chuyện và tình tiết cụ thể tại phiên tòa được làm rõ phần nào thì tất cả những vấn đề nhức nhối của lĩnh vực này, đặc biệt là những bất cập, kẽ hở trong công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế đã hé lộ những sự thật gây bức xúc dư luận cũng như người trong nghề…
Đủ cách thao túng giá thuốc và kết quả đấu thầu
Theo nhiều chuyên gia cũng như nhà quản lý thì sự kiện tòa án xét xử vụ Công ty VN Pharma, đơn vị đã trúng thầu thuốc trị ung thư H-Capita, là một bài học, một ví dụ điển hình “đau xót” trong việc đấu thầu thuốc cũng như xét duyệt, kiểm nghiệm thuốc…
Dù thực tế việc đấu thầu thuốc này chỉ xảy ra trên một địa bàn cụ thể là TP. Hồ Chí Minh và Công ty VN Pharma chỉ là một đơn vị có sai phạm, nhưng trong bối cảnh thị trường dược ở nước ta hết sức phức tạp như hiện nay thì nó trở thành một “điển hình” cần phải được mổ xẻ, làm rõ nhiều khía cạnh để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những “lỗ hổng”, những sai sót về chất lượng, nhằm tránh những hậu quả không đáng có.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2013, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện đấu thầu tập trung thuốc và trang thiết bị y tế theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đơn vị đứng ra tổ chức đấu thầu là Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công thuộc Sở.
Thị trường dược ở Việt Nam hiện hết sức phức tạp. |
Tuy nhiên, sau ba năm đấu thầu trang thiết bị không đạt yêu cầu, vì sau mấy năm, các bệnh viện không mua được gì. Riêng đấu thầu thuốc tiến hành được hai lần và kết quả thầu sử dụng cho năm 2014 và 2015. Điều đáng nói là kết quả trúng thầu thuốc chưa đạt được mục tiêu đấu thầu: không kịp thời, kéo dài thời gian cả trong tiến hành đấu thầu lẫn trong đặt hàng mua thuốc.
Đáng lưu ý, do các bất cập trong quy định, khi thuốc quá rẻ trúng thầu ở đấu thầu tập trung thì quy mô sẽ lớn hơn đấu thầu riêng lẻ và bệnh viện không còn lựa chọn khác, dẫn đến tình trạng một số bác sĩ từ chối chỉ định thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), người bệnh phải tự trả tiền mua thuốc ngoài danh mục.
Chưa kể có những thuốc chưa có số đăng ký, thuốc giả với giá rất rẻ mà vẫn trúng thầu và chỉ vỡ lở khi cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc mà vụ Công ty VN Pharma là điển hình, dẫn đến lo ngại về thuốc không đủ chất lượng gây nguy hại cho người dân. Trong khi mục đích của đấu thầu là để có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý nhưng khi thực hiện lại vẫn quy về đấu giá. Các thuốc qua vòng kỹ thuật sẽ đấu giá, đơn vị nào bỏ giá thấp nhất gần như chắc chắn trúng thầu.
Việc này góp phần tiết giảm chi phí cho quỹ BHYT, nhưng là kẽ hở cho một số công ty với nguồn thuốc không đủ chất lượng nhưng trúng thầu bằng mọi giá.
Sau khi vụ Công ty VN Pharma bị phát hiện cho thấy thuốc ngoại được các công ty đội lốt các nước phát triển để nhập về Việt Nam, thu lợi bất chính hoặc tinh vi hơn là làm giả hồ sơ để hợp thức hóa và được nhập khẩu về tiêu thụ trong nước.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2014, thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma trúng thầu vào các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh với giá 31.000 đồng/viên, nhưng vì được phát hiện kịp thời nên số thuốc này đã bị niêm phong, chưa đưa ra thị trường. Câu hỏi đặt ra là vì sao H-Capita không những “lọt” qua khâu kiểm tra hồ sơ của Cục Quản lý Dược mà còn “lọt” cả khâu đấu thầu.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, sở dĩ Công ty VN Pharma trúng thầu thuốc H-Capita là vì đã làm giả hồ sơ xuất xứ nên thuốc được đứng ở nhóm dược phẩm sản xuất ở nước phát triển để đấu thầu. Trong nhóm thuốc này, giá kế hoạch là 68.000 đồng/viên. Nhưng Công ty VN Pharma chào thầu H-Capita chỉ có 31.000 đồng nên việc dễ dàng trúng thầu cũng không có gì là khó hiểu!
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, lỗ hổng trong việc đấu thầu dược phẩm hiện nay đó là thang điểm kỹ thuật do Bộ Y tế đưa ra không chặt chẽ, dẫn đến việc thay vì xét chỉ tiêu chất lượng trước, rồi xét đến giá cả thì hầu hết dược phẩm đều lọt qua khâu kiểm tra kỹ thuật, chỉ còn cạnh tranh nhau về giá. Và thực tế H-Capita đã lọt qua cả khâu này, sau đó còn làm giả giấy tờ, từ đó được lợi thế về giá.
Một ví dụ điển hình nữa trong thực tiễn đấu thầu thuốc vào bệnh viện còn nhiều lỗ hổng và tiêu cực chính là câu chuyện ở tỉnh Gia Lai được phát hiện vào đầu năm 2017 vừa qua. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Sở Y tế tỉnh Gia Lai. Để rút ruột hàng chục tỷ đồng, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã đẩy giá thuốc lên cao, thao túng kết quả đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế...
Điều đáng nói, trong Báo cáo số 11/KTNN-TH, ngày 20-1-2017 của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII về vấn đề Sở Y tế tỉnh Gia Lai và các bệnh viện tuyến tỉnh đấu thầu xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế tại tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2015 có số chênh lệch so với giá thị trường hơn 67 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong nội dung Thông báo của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII thì con số sai phạm chỉ còn lại hơn 1 tỷ đồng(?).
Tuy vậy, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII, bên cạnh những sai sót, chênh lệch trong việc mua sắm trang thiết bị y tế... thì riêng việc thuốc mua theo giá trúng thầu từ năm 2013 - 2015, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã làm trái Luật Đấu thầu. Theo đó, kết quả lựa chọn mặt hàng thuốc trúng thầu theo cả gói thầu mà không theo từng mặt hàng thì một số mặt hàng thuốc có giá bỏ thầu thấp nhất sẽ đủ điều kiện trúng thầu theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy vậy, Sở Y tế phớt lờ quy định của Bộ Tài chính, dẫn đến các cơ sở y tế công lập đã mua 124 mặt hàng của doanh nghiệp trúng thầu trái quy định, lại có đơn giá thuốc cao hơn dẫn đến thất thoát ngân sách 10,6 tỷ đồng…
Một vấn đề khá nghịch lý nữa là chuyện cùng một loại thuốc kháng sinh nhưng bệnh viện ở thành phố lớn lại mua với giá cao hơn bệnh viện ở tỉnh nhiều lần, mặc dù số lượng mua nhiều hơn. Theo đó, năm 2016, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh phát hiện được vấn đề này trên địa bàn và yêu cầu bệnh viện ở thành phố phải điều chỉnh giá mua bằng với giá mua của bệnh viện tỉnh thì có được số tiền dôi dư là 11 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, qua thanh tra, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện sai phạm tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) thành phố. Theo đó, trong hai năm 2014 - 2015, bệnh viện này thực hiện 3 gói thầu. Tuy nhiên, so sánh giá trúng thầu tại bệnh viện với giá nhập đầu vào của nhà thầu (giá từ Công ty TNHH đông dược Hòa Phú, Công ty Cổ phần dược T.Ư Mediplantex đến bệnh viện) thì giá trúng thầu chênh lệch cao nhất gấp 1,5 lần. Còn nếu so sánh giá trúng thầu tại bệnh viện với giá nhập vào của riêng nhà thầu là Công ty TNHH đông dược Hòa Phú thì chênh lệch cao nhất gấp 146 lần…
Cần minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu
Những kẽ hở trong đấu thầu thuốc đã gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe của người bệnh. |
Có thể thấy, có khá nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí nhiều việc các cá nhân, tổ chức đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc đấu thầu thuốc vào các bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, trước kia, Nhà nước trao quyền cho các cơ sở khám chữa bệnh trực tiếp đấu thầu mua sắm. Tuy nhiên, có rất nhiều đầu thuốc, hoạt chất, hàm lượng chia theo nhiều nhóm kỹ thuật, nước sản xuất khiến giá cả chênh lệch rất nhiều giữa các vùng miền, bệnh viện. Cách đấu thầu này cũng khiến việc dự trù thuốc sát thực tế khó khăn. Nhiều nhà thầu tham gia việc đánh giá hồ sơ kéo dài, tốn thời gian.
Nhằm hạn chế tình trạng thiếu thuốc, thuốc không chất lượng, quản lý giá thuốc tốt, tránh sự chênh lệch giữa các vùng miền và giảm giá thuốc…, ngày 10-3-2017, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Mua sắm thuốc Quốc gia. Việc ra đời Trung tâm Mua sắm thuốc Quốc gia được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi cách thức đấu thầu tập trung thuốc hiện nay. Từ nay, việc đấu thầu sẽ diễn ra ở ba cấp: cấp quốc gia, cấp địa phương và các đơn vị sự nghiệp.
Tuy nhiên, xung quanh sự kiện này cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhận định về hoạt động của Trung tâm Mua sắm thuốc Quốc gia, theo một chuyên gia y tế, kinh nghiệm từ việc đấu thầu thuốc tập trung tại TP. Hồ Chí Minh năm 2013 cho thấy đã xảy ra những tiêu cực, làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân, điển hình là việc đưa thuốc không rõ nguồn gốc vào để trúng thầu vì giá rẻ.
Sau đó, năm 2016, Sở Y tế đã trả lại việc đấu thầu thuốc về cho các bệnh viện, dựa trên kế hoạch dự trù để mỗi bệnh viện tự chủ đấu thầu. Trung tâm Mua sắm công của Sở chỉ còn mua tập trung một số lượng rất ít các loại thuốc phổ biến giá trị thấp.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhận định, việc đấu thầu thuốc tập trung giúp tiết kiệm được chi phí, nhưng không phù hợp với thị trường rộng lớn có nhiều doanh nghiệp dược và nhiều bệnh viện như TP. Hồ Chí Minh.
Phiên tòa xử vụ Công ty VN Pharma là một bài học trong việc đấu thầu thuốc. |
Riêng với thuốc, theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, trước mắt nên đấu thầu tập trung một số nhóm thuốc như biệt dược gốc (thường giá cao, còn bản quyền, đấu thầu tập trung nhóm này sẽ tiết kiệm chi phí về hồ sơ thầu, không bị các nguy cơ về giảm mặt hàng trúng thầu như đối với thuốc generic, giá cả cũng sẽ lợi hơn vì mua số lượng lớn theo yêu cầu các bệnh viện).
Còn lại nên để các bệnh viện phát huy quyền tự chủ, tự mua và tự chịu trách nhiệm. Không nên chỉ chọn một hình thức đấu thầu. Có thể nghiên cứu đấu thầu tập trung các bệnh viện chuyên ngành để áp dụng danh mục cho các bệnh viện khác. Ngoài ra, cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý về đấu thầu mới giải quyết được vấn đề lựa chọn thuốc sao cho hài hòa giữa chất lượng và giá cả.
Một giám đốc bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, với đấu thầu tập trung, kết quả sẽ chỉ có một vài đơn vị trúng thầu, như vậy nguy cơ đứt hàng, thiếu thuốc nếu doanh nghiệp trúng thầu xảy ra sự cố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, đấu thầu riêng lẻ sẽ giúp bệnh viện và bác sĩ có nhiều sự lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, cũng nhấn mạnh cần minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc… Để tránh việc ưu ái và khuất tất trong đấu thầu, tất cả các gói thầu cần được tổ chức đấu thầu công khai và có sự giám sát của một bên độc lập. Trong trường hợp này, bên giám sát có thể là đại diện từ Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc, hoặc đại diện của Hiệp hội Y tế. Thông tin về các gói thầu, chấm thầu và bên thắng thầu cần công khai để báo chí có thể tiếp cận và giám sát…
Nguồn: Ánh Xuân/CAND