Phóng sự

Cần có quy hoạch khoa học để ổn định lâu dài

10:46, 31/08/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Phong trào giải tỏa vỉa hè cho người đi bộ không chỉ gói gọn trong phạm vi quận 1, mà lan tỏa đến tất cả các quận, huyện ở TP HCM, thậm chí còn rất nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước làm theo. Khi phong trào còn đang ở giai đoạn cao trào thì đã có rất nhiều phát biểu đại loại như: “Quyết tâm… triển khai đồng bộ trên diện rộng… làm triệt để, liên tục, không đánh trống bỏ dùi…”.
 
Nhưng trải qua thời gian dài thực hiện cho thấy thực tế chỉ là làm theo kiểu thí điểm chứ chưa có kế hoạch lâu dài, đồng bộ, triệt để như những khẩu hiệu trên…  
 
Sau đúng 7 tháng thực hiện đợt ra quân quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong đó có 4 tháng giao lại trọng trách bảo đảm trật tự lòng lề đường cho UBND các phường, nhưng do tình hình tái chiếm diễn ra khá phức tạp nên chiều tối 16-8-2017, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 lại phải dẫn đầu đoàn quân bao gồm Trật tự đô thị, Cảnh sát giao thông, trật tự và các đơn vị có liên quan tiếp tục xuống đường để lập lại trật tự.
Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 tiếp tục xuống đường thực hiện chiến dịch dành lại vỉa hè cho người đi bộ
Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 tiếp tục xuống đường thực hiện chiến dịch dành lại vỉa hè cho người đi bộ
 
Lần xuống đường này, ông Hải cùng các thành viên trong đoàn không xử lý, tháo dỡ những trường hợp xây dựng hoặc đặt bảng hiệu lấn chiếm vỉa hè nữa mà chủ yếu tập trung xử lý các trường hợp xe ôtô đậu sai quy định, những hàng quán lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ.
 
Trên các đoạn đường Hai Bà Trưng, Trần Cao Vân, Nguyễn Đình Chiểu… ông Hải đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản xử phạt 700.000 đồng đối với các xe ôtô đậu sai quy định hoặc trên vỉa hè mà có tài xế tại chỗ, trường hợp chờ quá 15 phút mà không có tài xế thì cho xe cẩu về quận xử lý sau.
 
Có trường hợp cả tài xế lẫn chủ xe khi bị xử lý thì phản ứng rất gay gắt và cho rằng ông Hải đã lạm quyền (vì xe đậu trước cửa cao ốc). Tuy nhiên, do đã có sự cẩn trọng và chuẩn bị từ trước nên ông Hải yêu cầu nhân viên thuộc cấp mở bản vẽ quy hoạch khu vực nhanh chóng xác định chính xác xe này lấn chiếm vỉa hè và đến đây thì cả chủ xe và tài xế đành phải ký vào biên bản vi phạm. 
 
Từ ngày 16-1-2017 cho đến hết tháng 4-2017, ngoài việc xử lý những phương tiện đậu sai quy định, những quán ăn, bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải còn cho tháo dỡ những công trình vi phạm lấn chiếm không gian công cộng, vỉa hè ở khu vực trung tâm.
 
Việc làm này tuy gặp phải một số phản ứng từ những người có trách nhiệm của một số công ty, doanh nghiệp, chủ những hộ gia đình có công trình lấn chiếm bị tháo dỡ cùng một bộ phận cư dân mạng vốn ít nhiều bị ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, nhưng nhìn chung đã gây được tiếng vang lớn, được các cấp chính quyền và đông đảo người dân ủng hộ.
Đến đầu tháng 5-2017, khi có nhiều ý kiến cho rằng sử dụng một ông Phó Chủ tịch quận đi xử lý lấn chiếm vỉa hè và các công trình xây dựng lấn chiếm chẳng khác nào dùng “dao mổ trâu đi giết gà” thì công việc này được giao lại cho các phường đảm trách.
 
Không biết có phải cấp phường do phải giải quyết quá nhiều việc hay thiếu sự quyết tâm mà kể từ ngày được bàn giao cho đến nay thấy không ít phường để tình trạng lấn chiếm vỉa hè và những khu vực công cộng tái phát ồ ạt trở lại, nhiều bãi giữ xe trên vỉa hè tái hiện, các quán ăn cũng mọc lên như nấm sau mưa.
Người dân chiếm vỉa hè góc đường Huỳnh Mẫn Đạt cắt Trần Hưng Đạo, quận 5 để xây công trình phụ.
Người dân chiếm vỉa hè góc đường Huỳnh Mẫn Đạt cắt Trần Hưng Đạo, quận 5 để xây công trình phụ.
Cực chẳng đã, đến ngày 16-8-2017, tức là đúng 7 tháng sau ngày ra quân, ông Đoàn Ngọc Hải lại phải một lần nữa trực tiếp xuống đường.
 
Tuy nhiên, có một thực tế ghi nhận là toàn thành phố có đến 24 quận, huyện mà chỉ có một mình ông Hải thực hiện ở quận 1 thôi thì chưa đủ mà các quận huyện khác cũng cần phải xắn tay vào cuộc và phải thực hiện trong thời gian dài thì mới có thể hy vọng tạo được sự thông thoáng trên toàn thành phố.
 
Hiện vẫn còn rất nhiều nơi vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán như các con đường Nguyễn Trãi (quận 5), Phạm Hùng (quận 8), Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11), Lê Quang Định, Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), Cách mạng Tháng 8 (đoạn từ quận 3 đến ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình)… thậm chí có nơi người ta còn lấn chiếm gần hết cả lòng đường để làm chợ chiều như ở đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) và nhất là đường quốc lộ 1 kéo dài từ quận Gò Vấp qua các quận 12, Bình Tân, Bình Chánh bị chiếm dụng làm nơi sửa chữa xe cơ giới và tập kết vật liệu xây dựng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lâm, một chuyên gia từng có nhiều năm làm công tác quy hoạch đô thị chia sẻ: Việc dành lại vỉa hè vừa tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ, vừa trả lại không gian thông thoáng cho thành phố là chủ trương đúng đắn.
 
Tuy cái cách thực hiện của ông Đoàn Ngọc Hải có đôi chút hơi “rắn” thể hiện ở việc cho máy khoan, xe cơ giới tháo dỡ những công trình lấn chiếm không gian công cộng, nhưng nếu nhìn từ tình hình thực tế ở TP Hồ Chí Minh thì nếu không “rắn” sẽ khó thành công.  
 
“Lần ra quân này cũng chỉ có mình ông Hải ở quận 1 và chỉ tập trung vào xử lý xe cộ đậu sai quy định thôi là chưa đủ. Từ ngày tôi còn làm việc cách đây đã gần 15 năm đã nhận thấy vỉa hè của rất nhiều con đường trong thành phố bị người dân xây nhà lấn chiếm, thậm chí có nơi còn không chừa một tấc vỉa hè nào dành cho người đi bộ.
 
Hồi đó tôi cùng một nhóm anh em chuyên trách về quản lý đô thị đã có kiến nghị phải tiến hành vận động bà con tự tháo dỡ trong thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm và nếu không chấp hành thì sau đó có biện pháp mạnh để cưỡng chế, nhưng nhiếu lần ý kiến mà không cơ quan có trách nhiệm nào lắng nghe.
 
Đến khi chúng tôi dự báo nếu không thực hiện ngay, sau này cảnh quan đô thị sẽ rất xô bồ và khó áp dụng các biện pháp tháo dỡ thì lại nhận được nhiều ý kiến cho rằng người dân trên địa bàn này nọ còn nhiều khó khăn nên cứ cấp phép tạm cho họ sử dụng, sau này hãy tính… và cái câu sau này hãy tính ấy bây giờ trở thành chuyện rất khó thực hiện ” - ông Lâm chia sẻ.
Nói về việc thiếu kế hoạch và sự quyết tâm trong việc xử lý các công trình lấn chiếm, ông Lâm đã đưa ra những ví dụ cụ thể tại quận 1, vỉa hè của một số con đường như Cống Quỳnh (đoạn từ ngã ba Bùi Viện đến vòng xoay chợ Thái Bình), Đề Thám (từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Thủ bị người dân xây dựng lấn chiếm khiến cho người đi bộ phải xuống đường.
 
Quận Bình Thạnh có các con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nơ Trang Long, Lê Quang Định, Phan Văn Trị… bị lấn chiến gần hết vỉa hè. Quận 5 có các con đường Phan Văn Trị, Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi bị người dân xây cất lấn chiếm, thậm chí vỉa hè đường Huỳnh Mẫn Đạt ngoài việc bị người dân dùng xây nhà ở, làm chỗ bán hàng, họ còn xây cả nhà bếp, nhà vệ sinh và tồn tại hàng chục năm qua mà không thấy bị cơ quan chức năng xử lý.
 
Quận 11 có các con đường Nguyễn Thị Nhỏ, Lạc Long Quân, Lãnh Binh Thăng… và còn rất nhiều con đường bị lấn chiếm vỉa hè. Theo ông Lâm nếu muốn làm được việc này cần phải có chủ trương xuyên suốt từ thành phố và các quận huyện, phường xã phải phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng ra quân thực hiện thì mới được.
 
Nhất trí cao với quan điểm của ông Lâm, nhưng ông Nguyễn Văn Bạch, ngụ tại quận 1 vẫn còn tỏ ra khá bức xúc. Theo ông Bạch, việc giành lại vỉa hè là chuyện hết sức đúng đắn và ông cũng nhiệt liệt ủng hộ.
 
Hồi tháng 3 nhà ông cũng bị đập bỏ một phần mặt tiền vì lấn chiếm vỉa hè và ông thấy mình làm sai thì phải chịu chế tài là chuyện đương nhiên, không than phiền oán trách ai hết.
 
Tuy nhiên khi nhìn qua nhiều khu vực khác thấy có rất nhiều con đường mà vỉa hè bị người dân xây nhà lấn gần hết, có chỗ lấn chiếm hoàn toàn nhưng lại không bị buộc phải tháo dỡ khiến cho ông cùng rất nhiều bà con nhân dân tỏ ra không phục…
“Không lẽ chỉ vô tình lấn chiếm một vài chục phân như nhà tôi và một số gia đình khác trong khu phố thì bị tháo dỡ, còn những người cố ý xây lấn hoàn toàn thì không thấy đụng chạm đến. Có thể do chưa có đủ thời gian hay có chút khó khăn nào đó, nhưng các cấp chính quyền phải có kế hoạch thực hiện chứ để như thế thì không công bằng cho chúng tôi và cho cả hàng chục triệu người dân thành phố” - ông Bạch nói.
 
Vấn đề lâu dài trong việc giải quyết trật tự đô thị văn minh là phải có quy hoạch cụ thể, đồng bộ, khu phố nào được kinh doanh vỉa hè, loại hàng hóa, giờ giấc, nơi đậu xe theo trật tự… khu phố nào tuyệt đối cấm và phải công khai thông tin trước khi thực hiện việc xử lý một cách triệt để.
 
Có quy hoạch khoa học và rõ ràng thì mới đem lại hiệu quả, văn minh, chứ không thể thích thì làm, mạnh ai nấy làm, làm theo phong trào… rất dễ xảy ra chuyện lợi ích nhóm… 

Nguồn: Đức Cương/Chinhphu.vn

Các tin khác