Vừa chạy xe ôm kiếm tiền nuôi vợ, vừa chăm người vợ ốm yếu, bệnh nặng, dù đồng lương chạy xe ít ỏi nhưng ông vẫn chở xe miễn phí cho các bệnh nhân nghèo của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội và thường xuyên tham gia những chuyến từ thiện của bạn bè, người quen, đem niềm vui đến cho bệnh nhân nghèo của bệnh viện.
Ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, từ các bác sĩ, bệnh nhân, đến người bán nước đều quá quen với hình ảnh người đàn ông da sạm nắng, khắc khổ nhưng khuôn mặt phúc hậu lúc ngồi đợi khách ở cổng, lúc lại tất bật chở bệnh nhân đi về, hay mang vác đồ cùng với các nhóm thiện nguyện vào viện.
Hơn 2 năm nay, dù cuộc sống không mấy dư dả, nhưng ông vẫn thường xuyên dành những đồng tiền lương chạy xe ôm ít ỏi để đóng góp cùng với những nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện đến thăm, động viên, và chia sẻ với các bệnh nhân ung thư.
Ông Nguyễn Xuân Trường, quê ở tận Thái Thụy, Thái Bình. Năm nay ông đã gần 60 tuổi. Lẽ ra ở cái tuổi này ông được an nhàn, vui vầy bên con cháu nhưng cuộc sống khó khăn, vất vả khiến ông vẫn phải lăn lộn, bươn chải kiếm tiền chăm người vợ ốm yếu.
Cách đây gần hai chục năm, ông rời Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp. Ngày ấy gia đình ông nghèo lắm, vợ chồng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đủ nuôi 4 đứa con, nhất là khi chúng nó đến tuổi ăn tuổi học. Vậy là một mình ông xách ba lô lên Hà Nội với hi vọng kiếm được việc làm có tiền gửi về quê phụ vợ chăm các con.
Không nghề gì là ông không làm, từ kéo gạch, bốc vác thuê, làm xe ôm đến làm mắm buôn bán… Cuộc sống cũng bớt phần khó khăn, con cái dần khôn lớn, ngỡ rằng ông sẽ được an nhàn tuổi già thì bất ngờ, năm 2014, trong lúc đang chở khách thì các con ông báo tin dữ, vợ đột nhiên ngất xỉu và phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu.
Ông Trường trong một chuyến từ thiện của ca sĩ Tuấn Hưng. |
Sau khi thăm khám, vợ ông được chẩn đoán bị bệnh tiểu cầu cao, các bác sỹ chỉ định phải thường xuyên nằm bán trú ở bệnh viện. Đó là khoảng thời gian vất vả nhất của ông khi thường xuyên đi đi lại lại giữa Hà Nội và Thái Bình để chăm vợ. Vài ngày chạy xe, ông lại tranh thủ về quê thăm vợ bởi ba cô con gái đều lấy chồng xa, đứa con trai út đang đi học cũng không có nhiều thời gian chăm mẹ.
Cách đây gần một năm, do bệnh tình chuyển biến xấu, vợ ông phải chuyển lên Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để điều trị. Cũng từ đó, ban ngày ông ngược xuôi lo kiếm sống, tối thì vào viện chăm sóc vợ.
Để duy trì sự sống, vợ ông phải lọc máu một tháng một lần, mỗi lần như vậy chi phí hết gần 30 triệu đồng. Các con đứa nào cũng hoàn cảnh khó khăn chẳng giúp được nhiều cho bố mẹ.
Từ ngày vợ ông lâm bệnh, trong nhà có bao nhiêu tài sản giá trị đều phải bán hết để lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Đồng lương ít ỏi chạy xe ôm nhiều khi chẳng đủ, ông phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.
Ngày đông khách lắm ông mới kiếm được 500 ngàn, ngày vắng chỉ được một, hai trăm, thậm chí vài chục, vì thế ông phải tiết kiệm từng đồng một để dành dụm đóng tiền viện phí cho vợ.
Ngoài thời gian chạy xe ôm, ông Trường còn tham gia các hoạt động tình nguyện. |
Thời gian vợ ông chưa lên Hà Nội, cứ ngày chạy xe ôm, đêm đến ông lại đi ngủ nhờ nhà người quen để tiết kiệm tiền thuê nhà. Thuốc lá, rượu bia, ông đều bỏ hết. Nhiều hôm cũng chỉ dám ăn bánh mì, mì tôm trừ bữa, hoặc mua những suất cơm bụi rẻ tiền nhất để tiết kiệm chi phí sinh hoạt một cách tối đa.
Cũng từ ngày đó, lễ Tết đối với ông không còn nhiều ý nghĩa, bởi có khi ngày nhiều người được sum họp, quây quần bên gia đình, con cái thì lại là ngày ông tất tả đưa bà vào viện chữa bệnh, lọc máu.
Khó khăn vất vả là thế, nhưng khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những thân phận nghèo khó đến chữa bệnh tại Bệnh viện K sau những lần đứng trước cổng viện đón, đợi khách, lòng ông lại se lại.
Họ cũng giống gia đình ông, đã nghèo túng lại phải còng lưng lo tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho vợ, chồng, con cái. Người lớn bệnh nặng nhìn đã thương cảm, nhưng những em nhỏ ngây thơ, vô tội đã mang trong mình những nỗi đau đớn dày vò, những “bản án tử” ghê gớm nhìn còn thương cảm hơn gấp nhiều lần.
Và thế là dù chẳng dư giả gì nhưng ông nghĩ mình phải làm gì đó giúp gia đình họ, giúp các em nhỏ đang gồng mình chống chọi với những căn bệnh ung thư quái ác. Nghĩ là làm, ông tự trích riêng từ đồng lương chạy xe ôm ít ỏi của mình một phần nhỏ để mua hộp sữa hay cái bánh giúp đỡ các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo.
Ngoài giờ chạy xe, ông lại tranh thủ chở miễn phí bệnh nhân Bệnh viện K đi chơi, đi mua đồ, đi về nhà… Ông cũng để lại số điện thoại để ai có nhu cầu đi đâu thì ông chở.
Thời gian đầu, khi nhận đưa đón bệnh nhân miễn phí, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngại nghĩ ông lừa đảo. Thậm chí, một số xe ôm ở cổng bệnh viện còn tìm cách gây khó dễ vì không muốn ông “cướp” khách của họ. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả những khó khăn ấy, sự chân thật và lòng tốt hiếm có của ông đã khiến cho nhiều người cảm động, tin tưởng.
Ông Trường (ngoài cùng bên phải) cùng các bệnh nhi Bệnh viện K. |
Gần 3 năm chở bệnh nhân K, ông đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh rơi nước mắt. Đó là câu chuyện về cô nữ sinh 17 tuổi quê Ninh Bình dù mắc bệnh ung thư xương, thân hình gầy gò, ốm yếu nhưng ở cô bé luôn tràn đầy sự lạc quan, tin tưởng và bản lĩnh mạnh mẽ, vững vàng.
Dù bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng chưa bao giờ cô bé từ bỏ hi vọng về tương lai, thậm chí còn luôn là người động viên ông vượt qua khó khăn, vất vả để chăm người vợ ốm yếu.
Những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều, ông Trường chính là người chở xe miễn phí giúp cô bé di chuyển đến các viện để điều trị. Cô bé coi ông như một người cha, người chú thân thiết trong gia đình, còn ông coi con bé như con gái, có chuyện gì hai chú cháu đều tâm sự với nhau.
Đến khi bệnh viện trả về, chở con bé ra bến xe về quê, ông khóc như mưa. Khi cô bé mất, ông cũng lặn lội về tận Ninh Bình để thắp hương cho cô bé.
Hay trường hợp một cô bé quê Yên Bái bị ung thư xương cũng khiến ông nhớ mãi. Thời gian cô bé điều trị tại Hà Nội, ông là người thường xuyên chở cô bé đi khám chữa bệnh, di chuyển đến nhiều nơi. Mơ ước lớn nhất của cô bé là một lần được đi chơi khắp Hà Nội, đến tham quan những địa điểm nổi tiếng.
Ngày cô bé sắp về quê, ông cũng dành cả một buổi sáng đưa cô bé đi chơi Thủ đô, nghe cô bé ngồi sau tíu tít kể chuyện, ông vui lắm. Cô bé tâm sự, muốn sau này sẽ chữa khỏi bệnh và được đi học như bao bạn nhỏ khác. Ông nghe thế mà rơi nước mắt. Một thời gian sau mẹ cô bé gọi điện thông báo, cô bé đã mất, không về thắp hương được cho cô bé, ông đau lòng lắm.
Ông Trường tâm sự, với ông, những chuyến xe ôm chở bệnh nhân ra bến xe về quê, hoặc chở họ về tận quê khi họ không có tiền đi xe khách về nhà là những chuyến xe nặng nề nhất. Bởi đó là khi bệnh nhân không còn cơ hội để chữa trị, bệnh viện trả về. Có khi cả chuyến đi ông chẳng biết nói gì, hoặc có nói cũng chỉ dám động viên, hỏi han vài câu, sợ bệnh nhân họ nghĩ ngợi lại chạnh lòng.
May mắn cho ông là dù cuộc mưu sinh vất vả, dù vợ ông đang bệnh nặng nhưng bà vẫn động viên ông nhiệt tình làm công việc thiện nguyện này. Để tạo điều kiện cho chồng, mọi việc nhà và sinh hoạt cá nhân, bà đều cố gắng tự mình làm hết.
Nhiều người vẫn bảo vợ chồng ông gàn dở, bao đồng bởi việc nhà chưa lo xong còn đi lo chuyện thiên hạ, nhưng ông bà chỉ cười bảo, người ta có tiền giúp đỡ người nghèo, ông bà không có nhiều tiền thì còn có sức để giúp đỡ. Dù công việc làm xe ôm có nhiều khó khăn hơn khi xe ôm truyền thống đang bị cạnh tranh bởi xe ôm công nghệ cao, nhưng ông Trường vẫn được nhiều khách tin tưởng và là chỗ dựa tin cậy của những bệnh nhân nghèo Bệnh viện K.
Hiện ông Trường cũng là thành viên của một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội. Ngoài việc chở xe miễn phí, ông còn tham gia các hoạt động như nấu cháo tình nguyện, phát quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện K – Tân Triều.