Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201708/cuoc-song-khon-kho-cua-than-nhan-liet-sy-trong-ngoi-nha-xuong-cap-750479/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201708/cuoc-song-khon-kho-cua-than-nhan-liet-sy-trong-ngoi-nha-xuong-cap-750479/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cuộc sống khốn khó của thân nhân liệt sỹ trong ngôi nhà xuống cấp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/08/2017, 15:30 [GMT+7]

Cuộc sống khốn khó của thân nhân liệt sỹ trong ngôi nhà xuống cấp

(Congannghean.vn)-Là thân nhân liệt sỹ, lại đang phải nuôi dưỡng người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong nhiều năm qua phải sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ nát, đã xuống cấp nghiêm trọng; đặc biệt, sau đợt mưa bão vừa rồi, một phần mái ngói đã bị sập khiến 2 mẹ con phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ ngôi nhà sẽ sập bất cứ lúc nào.

Mẹ Lê Thị Đương cùng người con bị nhiễm chất độc da cam trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng
Mẹ Lê Thị Đương cùng người con bị nhiễm chất độc da cam trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng

Thân nhân liệt sỹ, con nhiễm chất độc da cam trong ngôi nhà sắp sập

Theo trình bày của bà Lê Thị Đương (93 tuổi) trú tại xóm 5, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên thì chồng bà là ông Hồ Văn Bầng (SN 1924), quê quán tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, đi bộ đội chống Pháp trở về. Năm 1952, ông Bầng lấy vợ là bà Nguyễn Thị Châu, sinh được đứa con trai duy nhất là Hồ Hữu Thìn. Sau đó, ông Bầng tiếp tục bồng súng ra trận, ở nhà bà Châu mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi anh Thìn mới 2 tuổi. Thương cảnh gà trống nuôi con, mẹ già không ai phụng dưỡng, bà Đương đã về làm vợ ông Bầng, chăm sóc nuôi dưỡng anh Thìn khôn lớn nên người. Khi đang học lớp 7 trường làng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Hồ Hữu Thìn xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu tại mặt trận phía Nam khi vừa tròn 17 tuổi.

Trong thời gian này, ông Bầng tiếp tục tham gia chiến trường, làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực trên tuyến đường Quảng Trị - Cam Ranh nên đã nhiễm chất độc da cam mà không hề hay biết. Năm 1965, 2 ông bà có với nhau đứa con chung là anh Hồ Văn Sơn nhưng do bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ bố nên anh Sơn lớn lên không như người bình thường, không làm được những việc nặng nhọc.

Cũng theo trình bày của bà Đương, năm 1980, 2 vợ chồng dựng được căn nhà bằng gỗ. Đến nay, đã xuống cấp nghiêm trọng, bị mối mọt, thời gian bào mòn, nhiều bộ phận mục ruỗng, thậm chí một góc nhà đã sập hoàn toàn. Phần gạch xây bao quanh nhà nhiều chỗ vữa ra, bong tróc từng mảng. Hiện trạng ngôi nhà như vậy đã nhiều năm qua, nhưng do bà Đương già yếu, con trai lại tật nguyền, gia đình neo đơn nên không có điều kiện để sửa sang, gia cố lại. Để mục sở thị, phóng viên đã có mặt tại gia đình bà Đương và ghi nhận, sự việc đúng như phản ánh. Do không có điều kiện tu sửa, 2 mẹ con bà đã phải nhờ hàng xóm láng giềng dùng một tấm bạt phủ lên trên mái nhà để che mưa, che nắng.

Tìm hiểu tại chính quyền địa phương được biết, gia đình bà Lê Thị Đương là một trong những gia đình chính sách, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các thế hệ khác nhau đã có nhiều cống hiến to lớn. Bản thân ông Hồ Văn Bầng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Gia đình ông Bầng và bà Đương cũng đã được trao tặng Bằng gia đình vẻ vang. Liệt sỹ Hồ Hữu Thìn (SN 1952), là chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1972 tại chiến trường miền Nam, được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công vào năm 2011. Năm 1995, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Nguyễn Thị Châu vì “đã có con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.

Cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền

Ông Hồ Đỗ Nhuận, Xóm trưởng xóm 5, xã Hưng Phúc cho biết thêm: Hoàn cảnh gia đình của 2 mẹ con bà Đương là có thật. Bản thân bà Đương tuy không có công sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng liệt sỹ, hiện đang được hưởng chế độ thân nhân liệt sỹ. Anh Hồ Văn Sơn bị ảnh hưởng chất độc da cam, không có vợ, chỉ nhận một đứa con nuôi, mới tốt nghiệp đại học nên cũng chưa đỡ đần được gì. Cuộc sống của gia đình trông chờ vào trợ cấp hàng tháng nên rất khó khăn. Ngôi nhà hiện tại 2 mẹ con đang sinh sống đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ cần một tác động nhỏ là có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Cũng theo ông Nhuận, bão số 2 đã làm sập một phần mái nhà, ông đã huy động bà con đến căng bạt che tạm mưa nắng, nhưng cũng không dám cho người trèo lên mái nhà vì sợ đổ sập.

Trước thực trạng đó, chính quyền cũng đã hướng dẫn gia đình làm thủ tục xin hỗ trợ chế độ chính sách để sửa sang lại nhà cửa. Tuy nhiên, điều kiện cần là gia đình phải có một ít vốn để sửa chữa thì mới được nhận tiền hỗ trợ, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên từ nhiều năm nay, 2 mẹ con đành phó mặc cho số phận, sống nơm nớp trong ngôi nhà xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Hồ Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc xác nhận, hoàn cảnh khó khăn của gia đình thân nhân liệt sỹ Lê Thị Đương đúng như phản ánh. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên từ trước đến nay, chính quyền xã cũng chưa hỗ trợ được cho bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ duy nhất vào dịp 27/7 vừa qua là phối hợp với Quân khu 4 để xây dựng căn nhà tình nghĩa cho 1 gia đình liệt sỹ ở xóm 9.

“Trong các đợt mưa bão vừa qua, chính quyền cũng đã đến nhà, yêu cầu mẹ con bà Đương sơ tán kịp thời để tránh bão làm sập nhà, đe dọa đến tính mạng. Thời gian qua, gia đình bà Đương cũng đã làm đề xuất xin kinh phí tu sửa nhà cửa gửi UBND huyện. Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây diễn ra vào ngày 31/7, chúng tôi có đề cập đến trường hợp này thì đại diện lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho rằng, gia đình bà Đương nằm trong diện được hỗ trợ sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, mức 40 triệu đồng. Tuy nhiên, điều kiện cần là gia đình phải có kinh phí để khởi công, sửa chữa rồi mới được nhận tiền. Chúng tôi đã trao đổi lại nhưng gia đình cho biết hoàn cảnh quá khó khăn, không có kinh phí thực hiện nên đành chấp nhận sống chung với ngôi nhà chờ sập”, ông Đề cho biết.

Đề nghị các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan cần sớm vào cuộc, chung tay để giúp gia đình mẹ Lê Thị Đương sửa sang lại ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, tránh hậu quả khôn lường và để mẹ được sống thanh thản trong những ngày tháng cuối cuộc đời …

.

Thiện Thành

.