Vợ chồng tôi gặp lại M, một bạn học cũ trong tiệc cưới một người bạn. Nói chung, câu chuyện cũng không mấy mặn mà bởi phải hâm lại quá nhiều những kỷ niệm từ thời phổ thông.
Cũng tưởng cuộc gặp rồi sẽ qua nhanh như bao nhiêu cuộc gặp khác, thế nhưng, chỉ một vài ngày sau, M đã điện lại cho vợ tôi, rủ đi cà phê, ăn uống, shopping nhưng vợ tôi từ chối vì quá bận và thật sự cũng không mặn mà với quan hệ này. Với M, mọi chuyện không thể kết thúc dễ dàng như thế.
M bắt đầu gọi điện cho vợ tôi, sáng sớm cũng như lúc đêm khuya, nói rằng sức khỏe vợ tôi có vấn đề, nhìn nước da và quầng mắt là biết ngay. Rằng cô ấy đang có một số loại thực phẩm chức năng rất tốt, có thể chữa được nhiều bệnh mà vợ tôi có nguy cơ mắc phải. Rằng phải là người cô ý rất tin tưởng mới được mua với giá ưu đãi. Rằng nếu vợ tôi muốn tham gia hệ thống bán hàng, cô ý sẽ tạo mọi điều kiện vì có quen biết rộng…
Minh họa của Lê Tâm |
Lúc đầu vợ tôi còn nể nên kiên trì nghe điện, sau thì từ chối thẳng thừng, thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu nhưng dường như M không biết đến điều này mà vẫn lải nhải điện thoại mỗi ngày. Cuối cùng, vợ tôi buộc phải chặn số máy của M để khỏi bực mình.
Thế đấy. Tôi tin là không ít người bị dân bán hàng đa cấp tra tấn kiểu đó. Có được một quan hệ mới, họ sẵn sàng lên kế hoạch để đưa con mồi vào tròng bằng những lời lẽ rất ngọt ngào. Chưa hết, nhằm mở rộng hệ thống kinh doanh, họ còn kiên trì ngày đêm để tuyên truyền, vận động, kết nối thêm nhiều thành viên mới.
Thú vị ở chỗ, những người chấp nhận vào hệ thống tự nhiên đang sống êm đềm bỗng khát vọng làm giàu bùng cháy. Họ tưởng mình trở thành tỉ phú tới nơi, một bước lên xe xuống ngựa, những cuộc du hí ở những vùng đất mới, những tiện nghi sang trọng, đắt tiền…
Năm ngoái, tôi được một người bạn rủ đi nghe quảng cáo về một sản phẩm "trên cả tuyệt vời", bởi chữa được cả bệnh ung thư do một nhân vật ở công ty đa cấp giới thiệu. Nói thật, tôi thừa biết trò này là lừa bịp, nhưng vốn bản tính tò mò nên vẫn đến nghe.
Suốt cả buổi thuyết trình, cậu thanh niên phụ trách truyền thông của công ty nói như lên đồng khiến nhiều người ngồi dưới há hốc miệng nghe. Cuối buổi, không ít người rút hầu bao mua mấy hộp thuốc đó với niềm tin mãnh liệt rằng, khi uống, một là phòng được bệnh ung thư và nếu đã có khối u trong người thì chắc chắn khối u sẽ… biến mất.
Ở nước ngoài, việc kinh doanh theo mô hình đa cấp đã có từ lâu bởi nó có những ưu điểm nhất định. Rất tiếc, khi vào Việt Nam, nó đã bị nhiều người bóp méo đến biến dạng. Không ít người bị rủ rê, lôi kéo vào hoạt động kinh doanh đa cấp, chủ yếu là bán thực phẩm chức năng và huy động vốn để rồi ảo tưởng là sẽ giàu có, đổi đời nhanh chóng khi tham gia.
Theo số liệu của Bộ Công thương, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637. Tính đến hết tháng 4-2017, sau khi cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia giảm xuống còn 472.000 người.
Cũng theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng… Những con số trên cho thấy số người tham gia bán hàng đa cấp là rất lớn và lợi nhuận thu được từ hoạt động này cũng không hề nhỏ.
Để quản lý việc kinh doanh đa cấp có hiệu quả, mới đây, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung mà Quốc hội vừa thông qua có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 chỉ rõ: Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc hoạt động không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng, phạt tù tối đa đến 5 năm tù. Tất nhiên, nếu có dấu hiệu lừa đảo hay phạm tội có yếu tố sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử sẽ bị xử lý theo điều luật riêng.
Hy vọng với sự điều chỉnh này của pháp luật, hoạt động kinh doanh đa cấp sẽ đi vào nền nếp và người dân sẽ tỉnh táo hơn khi tham gia để không trở thành nạn nhân những vụ lừa đảo.
.