Muốn định hướng tới mục tiêu tốt đẹp thì không thể dao động trước những tương tác kém giá trị. Số lượng không bao giờ đáng giá bằng chất lượng.
Gần đây, khi xử lý một đối tượng vi phạm giao thông, tổ công tác đã gặp một trường hợp rất đáng phẫn nộ. Một phụ nữ tự xưng nhà báo đến can thiệp cho đối tượng đã đòi Cảnh sát giao thông (CSGT) phải nghe điện thoại từ một nhân vật nào đó.
Khi thấy tổ công tác xử lý nghiêm thì người phụ nữ này đã gây rối với những lời lẽ vô văn hóa để lăng mạ tổ công tác.
Tấm Thẻ mà người phụ nữ này đưa ra không phải là thẻ nhà báo mà chỉ là giấy tờ của một tổ chức xã hội. Tuy vậy, sự mập mờ giấy tờ và danh xưng này gây bức xúc cho dư luận và ảnh hưởng ít nhiều tới các nhà báo chân chính.
Minh họa của Tả Từ. |
Không chỉ trường hợp trên, CSTG đã phát hiện những trường hợp đối tượng vi phạm giao thông xuất trình thẻ nhà báo giả để qua mắt tổ công tác. Những tấm thẻ này thậm chí còn mạo danh những tờ báo có thương hiệu.
Có một số người dùng thẻ nhà báo mạo danh làm "bùa hộ mệnh", từ việc vi phạm lỗi giao thông đến những việc lớn như làm oai với địa phương nhằm toan tính cá nhân.
Những sự việc sai trái này cần phải loại bỏ khỏi đời sống hiện nay. Quyền được bảo vệ của nhà báo là hiển nhiên, nhưng nhà báo cần được đối xử công bằng, không cần thiên vị. Tấm thẻ nhà báo chỉ có giá trị nếu nó không bị lạm dụng.
Trong bức tranh của nghề báo thì mảng lớn và sáng đương nhiên là những nhà báo chân chính. Không ít quyết sách được điều chỉnh bắt nguồn từ những bài báo dũng cảm.
Với lòng tự trọng và say nghề, các nhà báo đã phản bác, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, hành vi sai trái trong xã hội và tham gia vào định hướng xã hội, con người tới mục tiêu tốt đẹp hơn.
Thời kinh tế thị trường, nhiều diễn biến phức tạp, đội ngũ báo chí hiểu rất rõ nghề của mình là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Nhà báo phải đối mặt với tội phạm, tập thể tiêu cực và nhiều khi là thiên tai, bão lũ nguy hiểm tới tính mạng.
Thời nào thì nhà báo cũng phải thực sự ra trận. Ra trận thì phải "đánh". Tất nhiên, "đánh" khác với "phá". Nhà báo "chống" cũng song hành với "xây". Để "xây" được đương nhiên phải có bản lĩnh "bút sắc, lòng trong".
Đáng mừng là nghề báo đang được xã hội tôn vinh khi ngày càng nhiều người muốn theo đuổi. Gần đây, báo chí luôn được coi là ngành "hot" trên các chỉ số tuyển sinh.
Các chuyên ngành của báo chí thay đổi chóng mặt. Đặc biệt, báo mạng điện tử đa phương tiện đang khẳng định vị thế với thế mạnh: Cập nhật liên tục; Tương tác đa chiều; Đa phương tiện; Liên kết rộng; Lưu trữ, tìm kiếm dễ dàng; Tính xã hội hoá cao...
Thực tế áp lực "view" trên báo điện tử cũng dữ dội, phần nào tác động nghiêng lệch mục tiêu của một số tờ báo. Tâm lý "câu view" là có thật.
Có câu chuyện vui thế này, nhiếp ảnh gia chụp liên tục cảnh hoàng hôn trên sông với chiếc máy ảnh Canon đời mới. Chợt một cậu bé chạy đến hốt hoảng hô to: “Anh ơi, anh ơi, có người sắp chết đuối”! Nhiếp ảnh gia ôm máy ảnh chạy vài bước rồi ôm đầu than thở: “Sao không báo sớm, máy hết mất pin rồi”. Tuy chỉ là chuyện cười nhưng câu chuyện cũng thể hiện phần nào tâm trạng của việc "nuôi view" khi cạnh tranh bằng mọi giá.
Khi bài đăng được nhiều "like", "share" thì một số chủ trang xoa tay thỏa mãn.
Nhưng trớ trêu, nhưng bài được "like", "share" nhiều nhất không hẳn có giá trị. Thậm chí, không ít những bài "nghìn like" là những bài nhảm nhí. Muốn định hướng tới mục tiêu tốt đẹp thì không thể dao động trước những tương tác kém giá trị. Số lượng không bao giờ đáng giá bằng chất lượng.
Giải báo chí Quốc gia hàng năm luôn tôn vinh tác phẩm báo chí có giá trị cao về tính trung thực, mạnh về sức đấu tranh, giàu sức lay động về bút pháp.
Sự trưởng thành không bao giờ có giới hạn. Gần một thế kỷ báo chí Cách mạng Việt Nam đã cho thấy rõ sự lớn mạnh đó.
Còn bạn. Hôm nay bạn đọc những báo nào?