Phóng sự
Sốt đất nghĩa trang làm quà… báo hiếu cuối năm
10:44, 11/01/2017 (GMT+7)
Trong khi thị trường nhà đất cho "người dương" đóng băng thì cuối năm lại là dịp đất đai, bất động sản dành cho "người âm" nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trong khi đất nghĩa trang trong nội thành Hà Nội đã quá tải, nhiều nơi trong tình trạng đóng cửa thì đất ở những công viên nghĩa trang trở thành những món quà lý tưởng.
Nhiều người còn muốn gây bất ngờ cho cha mẹ khi bỏ cả tiền tỉ để mua những lô đất có vị trí đắc địa tại các dự án lớn... Thế nhưng, dù có độc đáo, ý nghĩa đến thế nào thì nhiều bậc sinh thành vẫn không thể tưởng tượng được khi món quà báo hiếu cuối năm con cháu gửi tặng lại là… đất nghĩa trang khi đang còn sống.
Đất mộ "sốt" cuối năm
Thời gian từ tháng 8 âm lịch cho tới Tết là thời điểm "nóng" nhất của thị trường bất động sản cho người âm. Hơn nữa, theo phong tục Việt Nam, hoạt động tri ân, báo hiếu cho người âm thường diễn ra vào dịp cuối năm.
Hiện nay, đa phần các nghĩa trang trong nội thành thành phố Hà Nội đều đã "đóng cửa" do tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường thì công viên nghĩa trang trở thành sự lựa chọn hàng đầu.
Trong thời đại phát triển, nhiều người có tiền chọn mua đất nghĩa trang cầu kỳ hơn đất cho người sống. Đất cho người sống, khi mua họ chỉ quan tâm đến phù hợp với điều kiện kinh tế, hướng, khổ đất vuông hay méo, nhưng về đất dành cho người âm đòi hỏi bề ngang, dọc, sâu bao nhiêu, đòi hỏi chính xác từng centimét, phải xác định vị trí kết huyệt, tính toán thời gian đặt mộ, độ sâu và hướng đặt để đạt được huyệt khí tốt.
Một khu mộ trong công viên nghĩa trang tại Hòa Bình. |
Theo như một người môi giới đất loại này, trong một tháng trở lại đây thì cứ từ tờ mờ sáng, nhiều người đã đổ về công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên để "thay áo mới" cho người thân.
Theo quan niệm của nhà Phật, việc cải táng thường diễn ra sau 1h sáng đến trước khi mặt trời mọc, để tránh không cho hài cốt tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bởi nếu gặp ánh sáng, xương sẽ bị đen và linh hồn của người chết cũng không nhập được vào cốt.
Anh Trần Thành Đạt, quê ở tận Quảng Bình ra đây học và lập nghiệp từ hơn ba chục năm nay cho biết: "Quê tôi ở xa, khi cha mẹ mất không thể đưa về quê chôn cất nên tôi đưa hai cụ lên đây cho khoáng đạt, mát mẻ. Vì tiện đường đi lại, lại có dịch vụ chăm sóc phần mộ chu đáo, vị trí đẹp nên gia đình tôi đã họp lại và quyết định sang cát cho các cụ xong cũng để luôn ở đây".
Khác với anh Đạt, anh Đinh Thành Nam (Hà Nội) cho biết, anh đưa bố mẹ lên đây thắp hương cho cụ nội và tham quan khu đất nghĩa trang mà anh đã bỏ tiền tỉ ra để mua cho gia đình. Mới đầu bố mẹ anh cũng phản đối khá gay gắt vì cho rằng vợ chồng anh có ý mong ông bà mất sớm, nhưng khi lên đây, được tận mắt nhìn thấy nơi mình sẽ nằm sau khi khuất núi khang trang, đẹp đẽ ông bà thích lắm.
Anh Quang, giám đốc một công viên nghĩa trang ở một tỉnh gần Hà Nội cho biết, không chỉ người thành phố, mà ngay cả ở các tỉnh lân cận, dịch vụ công viên nghĩa trang cũng được người dân ưa chuộng.
Dù giá khá đắt nhưng với tâm lý muốn có một khu đất đẹp, sạch sẽ, khang trang, trong khi đất nghĩa trang ở quê cũng hạn hẹp và ô nhiễm, ảnh hưởng đến người xung quanh nên nhiều người vẫn bỏ tiền ra mua và lo hậu sự cho người thân từ a đến z.
Anh Quang cũng là người đầu tiên dám bỏ tiền đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang và công ty chuyên lo việc hỏa táng cho người đã mất ở tỉnh này. Vào dịp cuối năm này là lúc công ty bận rộn nhất.
Theo như khảo sát của phóng viên tại một số công viên nghĩa trang được xây dựng ở các nơi xung quanh Hà Nội thì loại mặt hàng này bán rất chạy. Khách hàng đến mua cũng vô cùng đa dạng, không chỉ các cụ già cao tuổi mà trung niên, thanh niên cũng rất nhiều.
Người đến mua để làm quà cho bố mẹ, chú bác trong gia đình và thậm chí là để đem tặng cho bạn bè. Số người mua tặng cho bạn thì ít thôi, chủ yếu là mua để cho người thân...
Anh Toàn, nhân viên kinh doanh một công viên nghĩa trang cho biết, những người được tặng đất hầu như đều rất thích món quà này, nhiều người còn thường xuyên lên khu công viên nghĩa trang này để thăm thú, ngắm nghía nơi sau này mình sẽ nằm xuống xem vị trí, cảnh quan như thế nào.
Thậm chí, nhiều người còn chủ động lựa chọn cả màu sắc, hướng mộ cho mình sau này. Người già thường rất lo lắng cho "tương lai" vì theo phong tục truyền thống của Việt Nam thì việc mồ mả, tâm linh vô cùng quan trọng. Không thiếu những trường hợp các gia đình sau nhiều năm ly tán thì lạc mất mồ mả và phải tốn hàng trăm triệu để đi tìm.
Món quà giật mình
Việc mua đất nghĩa trang cho ông bà, bố mẹ, người thân ngay khi họ còn sống hiện nay không phải là chuyện hiếm. Trước tình trạng quá tải nghĩa trang như hiện nay, muốn mua một miếng đất nhỏ để lo hậu sự cũng phải vô cùng gian nan.
Người không có điều kiện kinh tế thì phải đem về quê, về những vùng ngoại thành không có quy hoạch tử tế, còn người có điều kiện hơn đều chọn những công viên nghĩa trang làm nơi gửi gắm.
Từ đó tạo thành cơn sốt đất vào mỗi dịp cuối năm như vậy. Họ chủ động mua đất nghĩa trang để dự phòng cho gia đình, chủ yếu là cho cha mẹ già và coi đó là hoạt động báo hiếu, đó cũng là tâm lý tự nhiên. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Bùi Phương Thảo, chuyên gia tâm lý, giảng viên tâm lý của Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, đôi khi việc báo hiếu bằng cách này sẽ rất dễ khiến các cụ "giật mình".
Nếu hằng ngày, người con sống có tình có nghĩa, biết chăm lo cho cha mẹ thì việc mua đất nghĩa trang thể hiện đạo hiếu của người làm con. Đó lại là điều đáng quý, đáng trân trọng. Nếu con bỏ mặc cha mẹ khi họ còn sống rồi bỗng dưng mua đất xây những ngôi mộ thật to cho cha mẹ để nói rằng báo hiếu thì đó là chữ hiếu méo mó, lệch lạc.
Trước khi con cái mua trước "mộ phần" tặng cha mẹ, tốt nhất phải dựa vào tâm lý của các bậc sinh thành để bàn bạc, thống nhất. Nhiều người rất thoáng trong việc nhắc đến hậu sự của mình ngay khi còn sống, nhưng cũng không ít người ở tuổi gần đất xa trời rất nhạy cảm khi nói đến cái chết.
Như trường hợp anh Nguyễn Quang Thắng (Ngọc Hồi, Hà Nội), người đang rao bán lại hai lô đất nghĩa trang mới mua với ý định tặng cho bố mẹ làm quà chia sẻ: "Mấy anh em chơi cùng mình cũng tư vấn về việc mua đất ở các công viên nghĩa trang cho các cụ, bố mẹ họ cũng tán thành và thích khi đến thăm công viên nên mình nghĩ các cụ nhà mình cũng vậy.
Không hỏi trước, mình đi mua luôn hai lô đất định sau này các cụ mất thì đưa lên đó, nhưng khi cho ông bà xem ảnh về món quà mới mua tặng này thì mình lại bị các cụ mắng xơi xơi. Bố mẹ mình vẫn quan niệm cổ hủ về vấn đề này và nhạy cảm nên họ nghĩ không tốt khi mình nói đến chuyện chôn cất sau này…".
Vì vậy, để tránh lâm vào tình trạng dở khóc dở cười như gia đình anh Thắng, con cái trước khi muốn mua đất nghĩa trang biếu cha mẹ thì nên thăm dò, trò chuyện trước để từ đó nắm bắt được tâm lý của cha mẹ và hành động thuận lòng các cụ.
Việc phải mất hàng tỷ đồng hay vài triệu đồng sẽ có giá trị như nhau và là tốt nếu xuất phát từ tấm lòng chân thật, sử dụng hài hòa, không xa hoa lãng phí, đó là báo hiếu. Còn nếu báo hiếu cha mẹ theo quan niệm, trào lưu, để thể hiện đẳng cấp hoặc liên quan đến nhận thức mê tín dị đoan thì không phải là báo hiếu.
Theo quan điểm của nhà Phật, chữ hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy, mà ở thái độ của những người con, ở tấm lòng thành kính, cách sống và làm việc của họ trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau.
Báo hiếu cha mẹ không phải cần đợi khi trưởng thành, giàu sang, mà có thể làm bất cứ khi nào. Con cái thể hiện tình yêu, lòng thương kính với cha mẹ bằng lời nói và hành động. Khi cha mẹ còn tại thế hãy săn sóc, phụng dưỡng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật.
Mọi thứ xuất phát từ tâm của người con hiếu thảo với thái độ tôn trọng mới thực sự là cách báo hiếu làm cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại. Có không ít gia đình giàu có, dư dả nhưng cha mẹ nuốt buồn phiền, đắng cay hằng ngày, khi ấy chữ hiếu đã méo mó, không được trọn vẹn.
Nguồn: Báo CAND