Hiện nay trên thị trường sản phẩm gọi là "miếng dán thải độc" được rất nhiều "thượng đế" ưa chuộng và sử dụng. Theo như những lời quảng cáo, khi dán vào gan bàn chân, miếng dán này sẽ hút hết độc tố trong cơ thể và thôi ra màu đen. Màu đen đó được người bán cho là độc tố của con người thải ra, đồng thời có thể chữa được rất nhiều bệnh như khớp, gan, huyết áp… . Chính vì những lời quảng cáo có cánh ấy mà đã có rất nhiều người tin dùng và hy vọng có thể hút được độc tố của cơ thể mình.
Giải độc thần kỳ, chữa bách bệnh?
Trên cơ sở lý thuyết của y học thì gan bàn chân là nơi có rất nhiều huyệt vị của cơ thể, là điểm tận cùng của tất cả các dây thần kinh trong cơ thể đều dồn về lòng bàn chân.
Chính vì vậy miếng dán thải độc được người bán quảng cáo có thể "giải độc" này được dán vào gan bàn chân, chỉ 1 đêm sau sẽ hút rất nhiều chất độc từ cơ thể. Điều đặc biệt, để mua được miếng dán thần kỳ này bạn chỉ cần 1 cái click chuột trên mạng là có người mang về tận nhà. Còn để mua được tại các quầy thuốc Tây thì rất khó khăn, hầu như không có.
Người bán quay cả clip, hình ảnh rất sinh động cách sử dụng, rồi tác dụng sau 1 đêm dán. Có rất nhiều loại miếng dán thải độc với hình dạng cũng như thành phần nguyên liệu khác nhau. Những loại có nguồn gốc từ Nhật Bản có giá khá cao là 500.000 - 800.000 đồng, với những nguyên liệu quý hiếm. Còn dòng sản phẩm rẻ tiền hơn có xuất xứ từ Thái Lan, thậm chí là Việt Nam.
Một trang mạng rao bán miếng dán thải độc |
Họ cho rằng miếng dán này có tác dụng làm tinh khiết máu, tăng cường khả năng tuần hoàn máu, nâng cao quá trình trao đổi chất, hoạt hóa các tế bào, kích thích khả năng bài tiết, loại bỏ những lưu chất thừa ra khỏi cơ thể, hoạt hóa và nâng cao khả năng kháng thể, nâng cao hệ thống thần kinh…
Người bán giới thiệu lồng ghép sản phẩm trên cơ sở dẫn ra những nguyên lý có vẻ rất khoa học như: "gan bàn chân, nơi có hơn 60 huyệt đạo thông với 360 huyệt đạo trên cơ thể, được cả nền y học phương Đông lẫn phương Tây nhìn nhận là nơi phản ánh sức khoẻ của con người, nó còn được coi là "trái tim" thứ 2 của cơ thể…".
Theo lời quảng cáo của một trang mạng thì chỉ trong vòng 6 tiếng sau khi dán, các hạt trắng của miếng dán sẽ chuyển sang màu tối, phán ánh tình trạng sức khỏe không tốt của người sử dụng. Những màu tối này là do miếng dán hấp thụ các chất thừa, chất cặn bã có hại trong cơ thể qua các huyệt đạo. Không những vậy, miếng dán còn làm cho các cơ bắp được dãn ra, các dây thần kinh hoạt động mạnh mẽ hơn, giảm mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng.
Các chuyên gia cho rằng, dán vào gan bàn chân, mồ hôi từ đó tiết ra cũng khiến miếng dán này đổi màu. |
Anh Trần Mạnh Quang (phố Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) cho hay: "Ban đầu tôi có lên mạng và thấy người ta quảng cáo tốt quá nên cũng thử mua. Hồi đó mua cho cả hai vợ chồng dùng, mà chúng tôi mua hẳn loại xịn, có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sau vài ngày dùng cũng chẳng thấy trong người khác gì cả, vợ tôi bị bệnh đau nửa đầu, dán mấy ngày vẫn vậy. Còn tôi đi làm về rất căng thẳng, mệt mỏi, dán vào đến sáng hôm sau vẫn như mọi ngày. Nói chung miếng dán này không có tác dụng".
Chỉ là trò lừa bịp
Theo như lời quảng cáo, miếng dán này quả thực có tác dụng thần kỳ, nó còn có tác dụng với cả người có bệnh viêm khớp, viêm đa khớp, hay bệnh gút, người đau đầu, mất ngủ, có vấn đề về huyết áp, dây thần kinh, hoặc người mắc bệnh thận. Có người bán hàng còn tự bổ sung thêm các công dụng "thần kỳ" khác đối với bệnh gan, dạ dày, tiêu hóa…
Anh Lê Văn Thắng (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng là một trong những nạn nhân của lời quảng cáo đường mật về miếng dán thần kỳ trên mạng. Sau khi dán thử thấy thôi ra "chất độc" màu đen, dính và rất nhờn. Chính điều này đã khiến anh Thắng rất tin tưởng sản phẩm. Thế nhưng sau khi sử dụng được 2 hộp (mỗi hộp 10 miếng), lần nào anh cũng thấy miếng dán có màu đen và ra chất nhờn, dính.
"Tôi không thể tưởng tượng được, chẳng lẽ cơ thể mình lại lắm chất độc như vậy? Từ đó tôi bắt đầu sinh nghi và quyết định mang về cho mẹ tôi ở quê dùng" - anh Thắng kể.
Khi đi mua sản phẩm anh Thắng được quảng cáo, nếu người mắc bệnh gan miếng dán sẽ thôi ra màu vàng. Vì mẹ anh Thắng vừa kiểm tra bị bệnh men gan cao nên anh quyết định cho mẹ mình dùng thử. Khi mẹ anh Thắng dùng miếng đầu tiên vẫn thấy thôi ra chất màu đen, nhờn và dính, anh Thắng mới biết mình đã bị lừa. Ngay sau đó, anh Thắng lấy miếng dán này đặt lên bàn, sau 6 tiếng chúng vẫn đổi thành màu đen, có chất dính giống hệt khi ta dán vào gan bàn chân.
Để không trên mặt bàn thì miếng dán này vẫn đổi sang màu đen |
Để chứng minh lời những khách hàng nói, chúng tôi cũng thử mua miếng dán để thử nghiệm. Quả thực chúng tôi để miếng dán đó ngay trên bàn làm việc, chúng cũng chuyển sang màu đen và có chất dính, nhờn. Đặc biệt hơn nữa, khi dán vào gan bàn chân sau 1 đêm màu sắc so với màu của miếng đặt trên mặt bàn không khác gì nhau.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam khẳng định: Việc thử nghiệm này cho thấy miếng dán không có tác dụng gì về mặt cảm quan, bởi dù có dán vào cơ thể hay không thì vẫn thôi ra màu xám đen, kèm theo chất nhờn dính như keo.
Ông Điền cho biết thêm, miếng dán chưa dùng và đổ ra một tờ giấy trắng chất bột màu trắng xám nhạt. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy đây là dạng bột khá mịn, lẫn với các hạt li ti. Khi xoa bột khô giữa hai đầu ngón tay và phủi sạch thì vẫn có cảm giác hơi bám sền sệt như thể có keo dính. Các thành phần trong miếng dán được ghi trên bỏ hộp có giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axit glycolic.
Theo phân tích thành phần silica thực chất là dạng cát sạch, đá tourmaline, bột ngọc trai đều là thành phần vô cơ; dextrin và chitosan có thể coi là chất keo, tạo độ nhờn dính khi hút ẩm. Thành phần axit glycolic được sử dụng trong ngành mỹ phẩm, hoạt động như một chất tẩy tế bào chết vì độ axit cao, nhưng khả năng hòa tan dễ dàng. Tuy nhiên, với nồng độ cao thì đây lại là một chất độc, cực kỳ nguy hiểm cho da khi tiếp xúc.
Theo tài liệu của Wikipedia và trang thông tin Mokusaku Wood Vinegar (giấm gỗ Mokusaku) của Nhật Bản, giấm gỗ là một chất lỏng màu nâu nhạt, sinh ra khi gỗ được đốt nóng trong điều kiện kín khí trong quá trình sản xuất than củi. Thành phần chính của giấm gỗ gồm có axit acetic, acetone và methanol. PGS.TS Phạm Gia Điền khẳng định, các thành phần này không có tác dụng hút chất độc, thậm chí aceton và methanol còn là hóa chất độc hại.
Nhiều chuyên gia sau khi nghiên cứu thực tế miếng dán thải độc "thần kỳ" đều cho rằng đây là thông tin lừa bịp. Đặc biệt hơn nữa, những thông tin có trong và ngoài hộp sản phẩm đều chỉ nêu thành phần và hướng dẫn cách dán chứ không hề có một chữ nào về tác dụng của sản phẩm này. Rõ ràng, trò lừa bịp này là của chính những người bán hàng, họ còn bổ sung thêm rất nhiều công dụng thần kỳ khác. Mỗi trang rao bán lại cho ra một tác dụng khác nhau mặc dù cùng một sản phẩm đó.
Bên trong miếng dán là một dạng bột, khi để không cũng có thể biến đổi màu sắc |
Chỉ tin vào những lời quảng cáo, tin vào những hình ảnh, màu sắc mà người bán tạo ra, rất nhiều người đã ngậm phải trái đắng không đáng có. Bệnh thì không khỏi nhưng phải nhập viện vì bị kích ứng da. Chính vì thế người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với sản phẩm này, khi mà Cục Quản lý dược - Bộ Y tế xác nhận cho đến nay Cục chưa cấp phép lưu hành.
Trả lời báo chí, Thạc sĩ, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng: Chưa cần miếng dán đó làm bằng nguyên liệu gì nhưng thải độc cơ thể bằng cách dán vào gan bàn chân là không có cơ sở khoa học. Có hai cơ chế để thải độc là thải độc từ bên trong ra và thải độc từ bên ngoài. Thải độc từ bên trong là dùng thuốc, các hoạt chất để tống độc tố ra ngoài qua đường máu, qua phân, qua nước tiểu. Còn phương pháp giải độc bên ngoài cơ thể, người Việt xưa nay vẫn dùng đó là cách xông nóng, giúp nở lỗ chân lông và thải độc tố ra ngoài qua mồ hôi. Tôi chưa từng thấy phương pháp thải độc qua miếng dán ở gan bàn chân bao giờ. Còn việc miếng dán chuyển sang màu đen là điều dễ hiểu, bởi chúng để trong môi trường lâu.
.