Sau cánh cửa màu xanh lam, Trại tạm giam B14 thuộc Cục An ninh điều tra, Tổng cục An ninh, Bộ Công an như một thế giới riêng biệt, khác hẳn với bầu không khí xô bồ, náo nhiệt ở bên ngoài. Bước vào nơi đây, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự tĩnh lặng... Đây có lẽ là một trong số ít trại tạm giam trên địa bàn cả nước, cán bộ quản giáo mang sắc phục của những chiến sỹ an ninh...
Với cánh phóng viên luôn muốn khám phá như chúng tôi, khu trại nằm lọt thỏm giữa huyện ngoại thành đang trong giai đoạn đô thị hóa đúng như một ốc đảo, lôi cuốn sự tò mò.
Một buổi làm việc của cán bộ Trại tạm giam B14. |
Phó Giám thị Trại tạm giam B14, Thượng tá Phùng Văn Chinh và đồng nghiệp đón chúng tôi bằng một nụ cười vồn vã và những cái bắt tay ấm nồng. Đây là lần thứ hai chúng tôi có dịp gặp lại anh, trước đó vào khoảng 2 năm khi Trại tạm giam B14 vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Với một đơn vị công tác đặc thù, quản lý giam giữ một loại “hàng hóa đặc biệt” là con người thì thành tích đó là một nỗ lực không nhỏ của tập thể cán bộ Trại qua nhiều thời kỳ.
“Không phải ngẫu nhiên, những năm trở lại đây Trại tạm giam B14 trở thành địa chỉ tin cậy của các đơn vị Công an trong cả nước. Đối tượng giam giữ ở đây, ngoài các tội danh liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia... còn có các vụ án hình sự, kinh tế thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận do Công an các địa phương gửi về” - Phó Giám thị Phùng Văn Chinh mở đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu khéo léo, phần nào khắc họa được công việc ở một trại tạm giam đặc biệt trong lực lượng Công an nhân dân. Qua đó cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Công an, của cơ quan điều tra các cấp đối với Trại Tạm giam B14.
Phó Giám thị Phùng Văn Chinh bộc bạch: Nếu Trại tạm giam là môi trường công tác đặc thù trong lực lượng Công an thì Trại tạm giam B14 lại có nhiều đặc biệt hơn cả, điều này cũng bởi đặc trưng công tác của đơn vị. Trại cũng là một trong số ít đơn vị trong cả nước, cán bộ quản giáo trực tiếp đưa cơm vào các buồng giam, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của các bị can đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam mà không có sự tham gia của các lao động tự giác.
Chính bởi điều này, các vụ án trong quá trình điều tra đều đảm bảo giữ bí mật thông tin; tránh thông cung. Việc trực tiếp quản lý 24/24 giờ cũng giúp các cán bộ quản giáo có điều kiện chia sẻ, nắm bắt tâm tư của các bị can đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam. Qua đó, góp phần cùng Cơ quan ANĐT Bộ Công an và các đơn vị Công an địa phương khám phá thành công nhiều vụ án.
Đến thời điểm này, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án "Tham ô tài sản; rửa tiền", xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashin Lines), địa chỉ tại phố Trần Thủ Độ, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và các đồng phạm đã được chứng minh, làm rõ; cơ quan điều tra đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 4 bị can, trong đó có 3 đối tượng bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản", gồm: Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines.
Một bị can khác là Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt), bị đề nghị truy tố về tội "Rửa tiền". Cơ quan ANĐT xác định: Từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Vinashin Lines đã tiến hành lập các dự án đầu tư mua tàu biển, sau đó tiến hành khai thác kinh doanh cho thuê tàu; các tàu mua về phần lớn là tàu cũ, chất lượng không đảm bảo, tiêu hao nhiên liệu lớn.
Bên cạnh đó, do năng lực quản lý điều hành yếu kém, lại vì động cơ mục đích cá nhân, những người có liên quan đã dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt số lượng lớn tiền, tài sản của Công ty thông qua việc mua và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển...
Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, Giang Kim Đạt được các công ty nước ngoài gửi cho số tiền là gần 16 triệu USD, thông qua tài khoản do Giang Văn Hiển là bố đẻ của Đạt đứng tên và rút...
Trong thành công của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh và các đơn vị khác của Bộ Công an có sự góp sức không nhỏ của cán bộ Trại tạm giam B14. Thượng tá Chinh kể lại: Những ngày đầu vào trại, Giang Kim Đạt có diễn biến tâm lý phức tạp, đôi lúc tỏ ra tiêu cực. Có lúc, Đạt ngồi lầm lỳ cả ngày chẳng nói chuyện với ai. Có khi Đạt than thân, trách phận tỏ ra bất mãn khi biết vì hành vi phạm tội của anh ta còn liên lụy đến cả người thân trong gia đình (bố Đạt bị truy tố về hành vi rửa tiền).
Cũng bởi vì thế, anh ta suy sụp, chẳng thiết gì ăn uống. Trong những ngày đó, cán bộ Trại tạm giam B14 là những người gần gũi, phân tích cho Đạt thấy giá trị của cuộc sống và chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người thành tâm hối cải. Khi đã hiểu ra, Đạt hợp tác tốt, khai báo thành khẩn, giúp cơ quan ANĐT nhanh chóng làm rõ vụ án. Đạt tâm sự rằng, là một cán bộ trẻ, đứng trước một khoản tiền lớn, anh ta đã không giữ được mình...
Đó chỉ là một trong số những trường hợp Trại tạm giam B14 đã cảm hóa và giáo dục thành công. Hơn chục năm trở lại đây, đơn vị cũng thực hiện việc quản lý, giam giữ các đối tượng trong những vụ án hóc búa mà Công an các đơn vị địa phương gửi về. Trong đó, có những vụ án nhạy cảm được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đối tượng là giám đốc, tổng giám đốc thuộc các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng không may sểnh chân lỡ bước; những đối tượng hình sự cộm cán, cầm đầu các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen như Phương Linh hột, Luận “sẻ” hay Tú “khỉ”…
Mỗi đối tượng quản lý lại có những khó khăn riêng. Song bí quyết chung của các cán bộ của Trại tạm giam B14 đều dùng nhân tâm để cảm hóa lòng người. Nói đến đây, giọng Thượng tá Phùng Văn Chinh chùng xuống, tôi cảm nhận được trên gương mặt của anh một nỗi buồn man mác: Các cán bộ Nhà nước khi vào trại thường sốc, dễ nảy sinh tư tưởng buồn chán; một số trường hợp phải đối mặt với mức án cao nhất của pháp luật thì bị sang chấn tâm lý và một số diễn biến tư tưởng khác.
Cũng phải thôi, họ có người sinh ra trong những gia đình “danh gia vọng tộc”, một số đã từng giữ những chức vụ nhất định trong xã hội, ở bên ngoài kẻ đón người đưa... Nay chỉ vì lầm đường, lạc bước mà phải vòng lao lý thì tâm lý đó cũng là điều dễ hiểu. Hiểu được điều đó, cán bộ Trại tạm giam B14 thường nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của các bị can và nguyên nhân phạm tội. Từ đó, họ gần gũi, động viên giúp các bị can xốc lại tinh thần, hợp tác cùng cơ quan điều tra trong quá trình phá án.
Không ít đối tượng đã bị khuất phục trước cái tâm, sự hiểu biết của những cán bộ quản giáo ở nơi đây mà quy phục. Đây cũng là bí quyết thành công của các cán bộ, chiến sỹ ở một đơn vị có bề dày thành tích. Bởi mỗi đối tượng lại có những khó khăn riêng.
Nếu số đối tượng cơ hội chính trị có tư tưởng chống đối quyết liệt thì những kẻ côn đồ là trùm các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen cũng có đủ các mánh khóe để đối phó với cán bộ quản giáo và cơ quan an ninh điều tra. “Lạt mềm buộc chặt”, trong khó khăn các cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam B14 vẫn không quản ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ.
Trong quá trình ấy, ngoài áp lực do công việc, họ còn phải thắng chính mình trước những cám dỗ về vật chất. Không ít đối tượng có tiềm lực về kinh tế, sau khi bị bắt giữ đã tìm cách mua chuộc cán bộ quản giáo để đưa thông tin ra bên ngoài. Ít thì vài chục triệu, nhiều hơn có thể lên tới vài trăm triệu đồng thật sự là một khoản tiền lớn đối với đồng lương công chức. Nhưng trong hoàn cảnh đó, những cán bộ quản giáo ở nơi đây luôn biết giữ mình; giữ uy tín của một đơn vị Anh hùng có bề dày truyền thống.
Dùng nhân tâm để cảm hóa lòng người, ngày mỗi ngày các cán bộ quản giáo ở đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới vẫn lặng lẽ cống hiến, đóng góp vào sự thành công của các đơn vị nghiệp vụ.
Những năm qua đơn vị đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng nhì; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Bộ Công an tặng 6 cờ thi đua, trong đó có 4 năm liền được tặng Cờ đơn vị dẫn đầu trong trào thi đua. Trại tạm giam B14 là đơn vị dẫn đầu trong khối các trại giam thuộc lực lượng Công an nhân dân về công tác quản lý, giam giữ phục vụ các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật.