Sau khi những thông tin về asen (thạch tín) có trong nước mắm được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố, người tiêu dùng đã tỏ ra thực sự lo lắng; nhiều hãng sản xuất nước mắm truyền thống trong nước ít nhiều đã bị thiệt hại...
Có thể nói, thông tin này cùng với nhiều vụ việc trước đó cũng kiểu thông tin "mù mờ" như mì gói, măng tươi có chất gây sỏi thận hay cá nục đông lạnh có chất phenol cực độc… cho thấy việc cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm cần có sự cẩn trọng từ nhiều phía - nhất là cơ quan công bố thông tin cũng như báo chí truyền thông, tránh tình trạng làm người dân hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất của các doanh nghiệp…
Tác hại của việc công bố và thông tin mập mờ
Mới đây, những thông tin về asen (thạch tín) có trong nước mắm - loại gia vị không thể thiếu trong các gia đình Việt Nam - đã gây xôn xao dư luận. Trước đó, vào ngày 17/10/2016, Vinastas đã công bố kết quả kiểm nghiệm 101/150 mẫu nước mắm lấy trên thị trường.
Theo đó, tỷ lệ gần 70% mẫu nước mắm khảo sát vượt ngưỡng chỉ tiêu asen (thạch tín) theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm cũng nhấn mạnh rằng những loại nước mắm có hàm lượng đạm cao thì đồng nghĩa với hàm lượng asen cao. "95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định", báo cáo của Vinastas cho biết.
Việc đưa ra thông tin hơn 2/3 lượng nước mắm trên thị trường có dư lượng thạch tín cao vượt ngưỡng của Bộ Y tế đã gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm trong cả nước.
Khoan nói tới những việc khác như "động cơ" của cuộc kiểm nghiệm hay Vinastas có đủ thẩm quyền kiểm nghiệm hoặc cơ quan này vội vã công bố kết quả cuộc kiểm nghiệm…, có thể thấy vấn đề chính trong thông tin gây sốc này đó là người tiêu dùng cần được nói rõ chuyện asen hữu cơ và asen vô cơ trong các loại nước mắm và nước chấm, chúng có tác hại hay không…?
Theo các chuyên gia giải thích thì bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do chất này tự có trong thủy sản và hải sản. Nhưng, asen hữu cơ gần như vô hại, không gây độc với người sử dụng. Trong khi đó, asen vô cơ mới độc hại… Chưa kể, đã không có sự minh bạch khi không phân biệt rõ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hay nước chấm để người tiêu dùng có thể có sự nhận biết của riêng mình.
Có lẽ chính sự mù mờ hoặc không nhấn mạnh những điều này đã khiến cho người dân lâu nay cứ nghe đến asen (thạch tín) là lo sợ, hoang mang vì nhiều người không có chuyên môn, hiểu biết để phân biệt asen hữu cơ với asen vô cơ.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước mắm và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối và cho rằng cách công bố của Vinatas không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, tổn hại cho các doanh nghiệp.
Điều đáng mừng là ngay chiều tối ngày 22/10, Bộ Y tế đã phát đi thông báo cho biết 100% mẫu nước mắm kiểm nghiệm đều an toàn. Bộ Y tế khẳng định, các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Tuy nhiên, trong vụ việc công bố thông tin của Vinastas, báo chí truyền thông cũng có một phần trách nhiệm khi loan báo thông tin này rộng rãi ra dư luận mà không có sự thận trọng hay kiểm chứng thông tin.
Điều này được minh chứng qua ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khi trao đổi với báo chí về vấn đề này vào ngày 21/10/2016, ông đã gọi câu chuyện này là một "sự cố truyền thông". Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, cả cách công bố và cách thông tin về vấn đề này có nhiều mập mờ, gây lo lắng cho người dân.
Nhiều doanh nghiệp chế biến nước mắm đã phản đối cách công bố của Vinastas (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Liên quan đến hoạt động đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, có dấu hiệu của sự thiếu thận trọng khi phóng viên không đối chiếu với quy chuẩn hiện hành. Thậm chí có sự bất thường, chứng tỏ dấu hiệu tư lợi trong việc đưa tin nhưng phải điều tra mới ra chứng cứ để kết luận.
Các cơ quan Nhà nước có liên quan cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu quả của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí để làm trong sạch, bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo chân chính, trong đó có việc loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp hoặc phục vụ các "nhóm lợi ích" một cách phi pháp.
Tiếp đó, chiều 22-10, khi trao đổi với báo chí, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã có sự bàn bạc với Bộ Thông tin và Truyền thông vấn đề này, đồng thời Bộ đã phân công một đồng chí Thứ trưởng phụ trách để điều tra, làm rõ.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, tất cả những chuyện gì vi phạm luật pháp đều phải được xem xét, tuỳ vi phạm đó ở mức độ vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự…"Ai đưa ra thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân thì cũng phải xem xét. Nếu có sự vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh thì cũng phải điều tra xử lý nghiêm", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Cần thận trọng khi đưa tin về vệ sinh an toàn thực phẩm
Vụ việc này khiến nhiều người liên tưởng khi thấy nó có vẻ "giông giống" nhiều "sự cố truyền thông" về các loại thực phẩm hay đồ uống trước đó.
Chẳng hạn như vào ngày 10/6/2016 vừa qua, thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị cho biết, qua kiểm tra phát hiện trong 30 tấn cá nục đông lạnh ở Cửa Tùng (Vĩnh Linh) được thu mua sau khi có tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung có chất phenolcực độc.
Mẫu cá kiểm tra có nồng độ phenol là 0,037mg/kg, một chất tuyệt đối không được có trong thực phẩm, gây ngộ độc cấp ở hàm lượng 2-5 grams và gây chết người ở 10 grams và không gây ngộ độc ngay nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau.
Và cũng bắt nguồn từ thông tin đó, báo chí đã đồng loạt loan tin gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khẳng định: Với hàm lượng trên và theo mức tiêu thụ cá của người Việt thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bởi lẽ, theo những đặc tính của phenol và theo tiêu chuẩn của ATSDR và USEPA ở Hoa Kỳ, phenol không phải là một chất cực độc đối với con người vì nó có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến… Từ đó, có thể thấy Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị đã hơi vội vàng khi công bố thông tin trên khiến người dân thêm một lần hoang mang…
Một "sự cố" cũng thuộc dạng nhạy cảm khiến dư luận đứng ngồi không yên đó là thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có chất axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận" được công bố khá rộng rãi cách đây vài năm. Tuy nhiên, trong vụ việc này, những hiểu lầm không đáng có lại bắt nguồn từ một số người không hiểu rõ chuyên môn khi tiếp nhận và đăng tải thông tin không đầy đủ.
Thông tin này do GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh công bố thời điểm đó tại hội thảo khoa học "An toàn thực phẩm và dinh dưỡng với acid oxalic" vào chiều 26-12-2013 đã được một số trang mạng và tờ báo in đăng tải ngay sau đó.
Trong đó nêu rõ từ cuối tháng 6 đến ngày 10-12-2013, Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (Công ty Hải Đăng) đã tiến hành phân tích 62 mẫu mì gói (trong nước lẫn nhập khẩu), kết quả 100% đều có sự hiện diện của axit oxalic với nồng độ khoảng 30,8 - 449mg/kg.
Nếu phân loại theo hệ thống quốc tế GHS, loại axit này được cảnh báo nguy hiểm vì thường dùng để tẩy rửa trong công nghiệp và gia dụng. Đến thời điểm đó tại Việt Nam, axit oxalic không có trong danh sách phụ gia thực phẩm cho phép vì nó rất có hại cho sức khỏe của con người.
Theo đó, nếu axit này đi vào cơ thể, chúng có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi thành oxalat canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương.
Chính thông tin một cách chưa đầy đủ này đã khiến dư luận lo lắng, bàng hoàng bởi mì gói hay măng tươi… đều là thực phẩm quen thuộc và ưa dùng hàng ngày của nhiều người, hơn nữa thông tin này liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người. Chắc chắn những phản ứng tiêu cực sẽ không có hoặc không đến mức gây lo sợ như vậy nếu thông tin này được đăng tải một cách đầy đủ và đúng như những gì các nhà khoa học và nhà chuyên môn công bố tại hội thảo.
Lý giải điều này, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn lúc đó đã nhấn mạnh: "Đúng là 100% mẫu mì gói (62/62 mẫu) kiểm tra axit oxalic tại Công ty Hải Đăng đều có axit oxalic với nồng độ khoảng 30,8-449 ppm, tập trung nhiều nhất trong khoảng 100-200ppm". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng không chỉ ở Việt Nam mà hầu như tất cả mì gói trên thế giới đều có chứa ít nhiều hàm lượng axit oxalic vì bản thân nguyên liệu là bột mì đã có chứa sẵn loại axit tự nhiên này…
Qua những vụ việc kể trên, có thể thấy trước các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm có tác động sức khỏe con người, chúng ta phải thận trọng, xem xét kỹ những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mức độ nào rồi mới công bố, tránh tác động tiêu cực đến nhà sản xuất, kinh doanh và gây hoang mang người tiêu dùng. Ngoài ra, Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã quy định rõ về trách nhiệm công bố thông tin. Theo đó, nếu thông tin không chuẩn xác, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh thì sẽ bị xử phạt.