Tát cho mấy cái rồi cầm cái bình xịt kiểu như bình xịt "hạ gục nhanh tiêu diệt gọn" xịt vào người, thế là "thánh y" phán tuốt mọi bệnh từ sắp ốm đến sắp chết, từ cảm cúm đến ung thư. "Thánh" cứ "nổ" xong là hốt bạc. Đấy là chuyện của "thần y" ở Đồng Tháp. Chả biết thần linh đến mức nào mà dân tình mọi nẻo khăn gói cơm đùm mỳ gói chầu bã người mới đến lượt được chữa bệnh.
Danh tiếng của thần y lừng lẫy trời Nam như thế nhưng cũng chỉ là tôm tép xứ kênh rạch Tháp Mười thôi, "thánh" đã bị vồ rồi, hết linh rồi. Lâu nay lại rộ tin "thánh Phú Bồ Tát" ở Sông Công - Thái Nguyên mới là huyền thoại, chả cần chữ nghĩa học hành gì nhưng chấp hết cả trí thức, nghệ sỹ, diễn viên nhé. Bao người ngày thường chém gió như thần biết tất tần tật chuyện thiên hạ, nhưng với "thánh" thì cũng chỉ là dân mê sảng.
Người ẵm bệnh ung thư trong người muốn một phát ăn ngay thì cứ gọi là "bai bai" cái cổng viện K để tìm đường ngược "Thủ đô gió ngàn" hầu "thánh". Bởi vì với "thánh", ung thư cũng chỉ như "con rôm cái sảy", "thánh" đạp cho mấy phát đứt luôn nhá, là kéo nhau đi hết nhá, chủ nhân ra về người khỏe như vâm chả bệnh tật gì hết nhá.
Thiên hạ dù ông to bà lớn đến đâu, cứ có bệnh đến đây, gặp "thánh" là phải cung kính xếp hàng rồi ngoan ngoãn chờ đến lượt. Rồi thì cứ tụt hết áo quần, lớp trong lớp ngoài ra, rồi nằm sấp xuống, "thánh" đạp cho mấy cái, muốn có lọ "nước thánh" chắc ăn thì móc ví 10 ngàn 1 lọ. Có người già ở tuổi xưa nay hiếm rồi mà còn bị "thánh" cho người nhấc ngược lên dìm đầu vào chậu nước. Sặc cũng chả sao, "nước thánh" mà.
Thế là chả phải riêng ung thư, mà "tứ chứng nan y" cũng coi như khỏi chỉ. Ngoài trị ung thư ra, "thánh" còn phán tuốt các loại bệnh mà chả cần phải biết tên tuổi cũng như tiền sử bệnh tật của người đến hầu "thánh". Thế mới là "thánh" chứ.
Các bệnh nhân nằm chờ bà Phú chữa bệnh. |
Xem ra khoa học của thế kỷ XXI và các giáo sư, bác sỹ cả Việt Nam và thế giới trong mắt "thánh Phú" đây cũng chỉ là dân chém gió rơm rơm. "Thánh" không cần thuốc đông thuốc tây, phác đồ này phác đồ kia, hóa trị xạ trị gì hết cả. Chữa bệnh nan y mà nhẹ tênh như "thánh" thì phúc đức quá, thì tỷ lệ người mắc ung thư ở Việt Nam ta đã chẳng cao ngất ngưởng như hiện nay, thì các bệnh viện K hay ung bướu đã chẳng quá tải.
Thật là nực cười. Bái "thánh" mớ bái, "thánh" đã giẫm đạp bao nhiêu ngàn bệnh nhân ung thư từ bao nhiêu ngày rồi, đã dựng cả khu "điều trị" to đoành bát vại rồi, ngày nào cũng ngàn người bỏ xiêm y nằm sấp để "thánh" đạp cho hòng hết bệnh một cách vô lý, thế mà các con giời có bệnh vẫn lũ lượt kéo về, ngập tràn hy vọng.
May quá, sau một thời gian dài chữa bách bệnh trong sự làm ngơ của các cơ quan chức năng, rồi truyền thông thấy vô lý mà vào cuộc, ngày 15/9 Bộ Y tế đã thực sự "thăm nom" câu chuyện này. Cục Quản lý y, dược cổ truyền của Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên khẩn trương vào cuộc, xác minh việc hành nghề của bà Phạm Thị Phú để trả lời dư luận trước ngày 30/9. Ngay sau đó, Sở Y tế Thái Nguyên đã yêu cầu các ngành chức năng ngừng hoạt động khám chữa bệnh của "thánh y" này.
Qua xác minh, tá hỏa thông tin "thánh y" đã từng mắc bệnh tâm thần. Việc chữa bệnh theo cách giẫm đạp lên người của "thánh" thực ra chẳng có bí ẩn cần phải khoa học nghiên cứu hay các chuyên gia vào cuộc. Một số bác sĩ ngành ung bướu phân tích rằng, cách của "thánh" ở đây chỉ là liệu pháp giúp người bệnh giải tỏa tâm lý. Tuy nhiên, không ít người lầm tưởng mình khỏe lên, không đến cơ sở y tế khám và điều trị, đến lúc phải tới bệnh viện thì bệnh tình đã ở giai đoạn muộn, khó chữa rồi.
Đành rằng có bệnh thì vái tứ phương, quyền của người có bệnh mà. Đôi khi vì có bệnh mà trở nên mê muội dễ tin vào các hình thức lừa bịp bởi mong muốn một phép màu thoát khỏi bệnh tật cũng là dễ giải thích.
Nhưng những câu chuyện liên quan đến "thần y" hay "thánh y" để lại một bài học cần thiết là dù cho người bệnh có mê muội đến đâu thì rất cần sự tỉnh táo ngay và luôn của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng. Không thể để tình trạng một "thánh" có tiền sử bệnh tâm thần chữa bệnh rầm rộ bằng phương pháp kỳ lạ, phản khoa học như vậy trong một thời gian dài. Đầu tiên là sự việc sẽ có ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Tiếp sau đó là hệ lụy của việc, không ít người có bệnh hiểm nghèo trong người, vì mê muội phép màu của "thánh" mà theo đuổi việc chữa bệnh ở đây, không tới bệnh viện hay các cơ sở y tế để khám chữa dẫn đến bệnh trầm trọng thêm, tốn kém tiền bạc hơn mà cơ hội chữa khỏi bệnh cũng ít đi. Bao nhiêu vấn đề xã hội có thể nảy sinh từ một cơ sở chữa bệnh kiểu "thánh" như vậy.