Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201503/vi-tien-si-nhieu-nam-chung-song-voi-hai-cot-cua-nguoi-tien-su-591773/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201503/vi-tien-si-nhieu-nam-chung-song-voi-hai-cot-cua-nguoi-tien-su-591773/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vị tiến sĩ nhiều năm 'chung sống' với hài cốt của người tiền sử - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Chủ Nhật, 08/03/2015, 09:43 [GMT+7]

Vị tiến sĩ nhiều năm 'chung sống' với hài cốt của người tiền sử

Với những gì giới khoa học của Việt Nam và thế giới công nhận, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á được coi là người Việt Nam đầu tiên đi tìm sọ người thời Đông Sơn (cách đây 2000 đến 2500 năm) để "đắp thịt da" phục dựng gương mặt của tổ tiên người Việt. Để có được thành công ấy, ông Việt đã "chung sống" với 72 bộ hài cốt của người tiền sử suốt nhiều năm trời. Không những thế, ông còn "tiêu tốn" quá nửa cuộc đời đi khắp năm châu bốn biển để học tập và nghiên cứu công nghệ phục dựng.
 
Nhiều năm lọ mọ với xương cốt "tổ tiên"
 
Là một người bình thường, nếu có cơ hội đặt chân đến Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á sẽ không khỏi rùng mình khi được tận mắt chứng kiến những bộ hài cốt của người tiền sử bày la liệt. Cảm giác như mình đang bước vào phim trường của một bộ phim kinh dị. Chúng tôi hỏi, có khi nào ông có cảm giác "lạnh" không khi "chung sống" cùng những bộ hài cốt của người tiền sử thì ông Việt cười to: "Ở bên các cụ, tôi cảm thấy rất ấm áp. Lúc nào cũng như được che chở vậy. Nếu sợ tôi đã chả đưa các cụ về nhà của mình".
 
Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt được tiếp cận ngành khảo cổ từ khi còn rất trẻ. Sau này ông tiếp tục được cử đi học tại Cộng hòa Liên bang Đức, rồi hàng loạt những đất nước tiên tiến khác. Chính những tháng ngày lặn lội khắp năm châu ấy, kiến thức về khảo cổ của ông đã dày lên rất nhiều.
 
Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, Tiến sĩ Việt trăn trở muốn xây dựng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (ĐNA). Nhiều người cho rằng đó chỉ là phiên bản của Viện Khảo cổ Việt Nam. Nhưng mục đích của ông lại là hướng tới những nhà khảo cổ trên thế giới, để mời gọi những chuyên gia giỏi trên thế giới trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.
 
Ông Việt từng được đi khắp năm châu bốn biển để học tập những phương pháp phục dựng gương mặt từ hộp sọ. Ông kể rằng mình đã từng được tham dự một lớp tập huấn rất đặc biệt. Ngày đó ông nhận được một hộp sọ của người đang sống. Người nước ngoài họ dùng phương pháp đặc biệt tạo ra phiên bản hàng chục xương sọ của người đang sống khác nhau. Các chuyên gia giao cho học viên mỗi người một hộp sọ để dựng lại mặt người đó.
 
Ở bên “các cụ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt luôn cảm thấy được che chở
Ở bên “các cụ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt luôn cảm thấy được che chở
 
Để kiểm chứng độ chính xác, cuối buổi tập huấn, chính người được phục dựng xuất hiện tại lớp. Từ đó các học viên có thể xem xét một cách thực tế và chính xác nhất. Người đứng đầu sẽ có những nhận xét, những câu hỏi rằng: tại sao mũi ông này lại dài hơn, tai ông kia lại ngắn hơn và lỗi của người làm là do đâu.
 
Một lần nữa Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt bay sang Chicago (Mỹ) tìm hiểu công nghệ phục dựng. Khi đó tại bảo tàng Chicago có một chiếc quan tài của người Ai Cập gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ. Một anh chàng trẻ tuổi dám nhận sẽ phục chế lại gương mặt "thần thoại" cách đây mấy nghìn năm. Khó khăn lớn nhất là chiếc quan tài chưa bao giờ được mở ra xem. Nếu mở ra có thể xác ướp đặc biệt quý hiếm đó sẽ biến mất.
 
Bằng khoa học hiện đại, người ta đã nhìn thấu được bên trong quan tài. Đó là một nữ quý tộc. Chỉ có như vậy mà anh chàng trẻ tuổi kia đã phục dựng được gương mặt bà và cả phần cơ thể. Sau đó Tiến sĩ Việt cũng có những nhận xét, đóng góp và đánh giá tài năng của người phục chế. 
 
Phục dựng được các chân dung người là ước mơ từ thời còn trẻ của ông. Ông đã như bị mê hoặc với những bài giảng của Giáo sư Hà Văn Tấn. Lúc nào trong đầu cậu sinh viên ấy cũng hiện lên câu hỏi: Tại sao một cái sọ mà lại dựng ra được mặt người như các nhà khoa học Nga đã làm.
 
Câu chuyện của ông Geraxinmov (chuyên gia phục dựng chân dung) khiến ông Việt hết sức xúc động và ấn tượng. Khi đó một em bé lạc trong rừng và chết rữa, không còn nhận dạng được nữa. Ông Geraximov nhận được cái hộp sọ đó và ông này bắt đầu phục dựng. Sau khi xong, bố mẹ cậu bé đến, họ nhận ngay ra đó là con mình.
 
Từ câu chuyện ấy, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt khát khao sẽ phục dựng gương mặt của tổ tiên người Việt. Thế rồi ông và cộng sự đã khai quật được những sọ người tiền sử tại làng Động Xá (tỉnh Hưng Yên). Mọi thứ cứ như thôi thúc ông phải phục dựng cho bằng được chân dung ông bà tổ tiên của mình cách đây hai, ba nghìn năm.
 
Năm 2004, 2005, ông Việt đã có trong tay khoảng 60 bộ xương, đặc biệt trong đó có tới gần 20 bộ xương còn nguyên sọ. Ông và cộng sự quyết định dùng 6 bộ tốt nhất để bắt tay vào công việc phục dựng. Chỉ một thời gian ngắn, Tiến sĩ Việt đã phục dựng được 5 chân dung đã chọn.
 
Một gương mặt của người tiền sử đã được phục dựng
Một gương mặt của người tiền sử đã được phục dựng
 
Cảm xúc vỡ òa khi được "gặp tổ tiên"
 
Thông tin Tiến sĩ Việt và các cộng sự của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phục dựng thành công 5 chân dung người Việt cổ từ thời Đông Sơn đã khiến giới khoa học và truyền thông sửng sốt nhưng cũng đầy nghi hoặc. Thế nhưng với những chứng lý khoa học, ông Việt đã khiến những chuyên gia trong nước và quốc tế bị thuyết phục. Nhiều người đã bày tỏ sự xúc động và vui mừng lần đầu tiên được "gặp tổ tiên".
 
Ông Việt bắt đầu câu chuyện gian nan để phục dựng lại gương mặt của người Việt cổ với chúng tôi bằng nỗi xúc động. Ông bảo, để phục dựng được, rõ ràng phải thuộc các nguyên tắc xương sọ và da thịt trên mặt con người như lòng bàn tay.
 
Khi có được những bộ xương người tại Động Xá (thời Đông Sơn) ở Hưng Yên, ông đã phải vào một bệnh viện cách làng đó khoảng 10km, dùng phương pháp nghiên cứu lịch sử để thấy rằng vùng đó không có những đợt di dân lớn kể từ thời Đông Sơn cho đến nay. Sau đó ông và cộng sự phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để thuê chụp X - quang hộp sọ cho hàng trăm người dân sống quanh khu vực đó.
 
Ông chia sẻ: "Chúng tôi chụp và vẫn lưu lại cẩn thận. Từ đó sẽ nghiên cứu xem giữa xương và thịt của những gương mặt kia có khoảng cách ra sao. Tôi và cộng sự đo đạc và thống kê khá tỉ mỉ. Từ đó sẽ có bản chỉ số thuyết phục". Một ví dụ mà ông Việt đưa ra: "Lấy ví dụ chỉ số của một người 40 tuổi thì trán dầy bao nhiêu, nữ thì bao nhiêu, nam bao nhiêu. Từ đó sẽ đối chiếu với các thông số của Hàn Quốc, rồi Nhật Bản và của người châu Á nói chung".
 
Một bộ hài cốt của người tiền sử
Một bộ hài cốt của người tiền sử
 
Tiếp đến nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Việt dựa vào đặc tính dinh dưỡng của người Đông Sơn (qua khai quật tìm dấu tích các loại thức ăn) từ đó sẽ có tương đối các tỷ lệ lớp mỡ của họ thấp hơn bây giờ (do dinh dưỡng kém). Để có chỉ số của người Việt Nam nói chung, ông Việt cùng cộng sự đi tìm chỉ số của người Việt qua các thời Lý, Trần, Lê… "Công trình đó, chúng tôi đã trình bày tại các hội nghị quốc tế và nhận được phản hồi rất tốt từ các chuyên gia, nhà khoa học".
 
Còn về phía Tiến sĩ Việt, chẳng có lời nào để diễn tả được cảm xúc của ông khi lần đầu đối diện với "tổ tiên". Ông nói: "Đó là vào một đêm thanh vắng, tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, tôi đã khóc khi "gặp tổ tiên". Cảm xúc đó suốt đời tôi không thể nào quên, đó là cảm giác hân hoan đến lạ lùng. Các cụ như thể bước ra từ thần thoại. Thế giới này chỉ biết họ qua truyền thuyết mà thôi".
 
Ông chia sẻ: "Khi miếng đất sét cuối cùng được đặt vào vị trí gò má của xương sọ, nói thật tôi sững sờ không tin nổi vào mắt mình nữa. Cụ hiện ra như bằng xương bằng thịt, gần gũi và ấm áp lắm. Tôi sung sướng phát điên vì cái cảm giác mình đã phục dựng thành công, được nhìn, được "gặp" khuôn mặt của người tiền sử cách thời đại chúng ta đang sống tới vài nghìn năm".
 
Để lưu giữ khoảnh khắc thiêng liêng ấy, ông Việt đã tỉ mẩn ghi rõ tới từng phút, từng giây cảm nhận của mình khi lần đầu được "gặp" tiền nhân, những người mà từ trước đến nay không chỉ có ông Việt mà tất cả chúng ta cũng chỉ được đọc trong sử sách.
 
Người tiền sử đầu tiên mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt phục dựng là một phụ nữ còn rất trẻ, tuổi áng chừng 18. Hỏi ông duyên cớ gì mà ông lại chọn cái sọ đó để phục dựng thì ông bảo rằng: "Tôi xác định đó là hộp sọ của nữ giới, nền sọ mịn màng, hàm răng cũng đều chằn chặn. Nữ giới thì phục dựng dễ hơn. Dựa vào chiếc răng khôn mới nhú của hộp sọ, tôi phỏng đoán "cô ấy" chỉ khoảng 18 tuổi. Tuy nhiên căn cứ vào xương chậu đã phát triển hoàn thiện, có thể khẳng định "cô ấy" đã qua một lần sinh nở. Chúng tôi đào được người phụ nữ này ở di chỉ Động Xá, tỉnh Hưng Yên".
 
Có trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt mới thấy hết được niềm đam mê của ông đối với những bộ hài cốt của người tiền sử. Ông bảo, khát khao lớn nhất của đời ông là làm cho những người đang sống được nhìn tận mắt ông bà, tổ tiên "bằng xương bằng thịt". Đó cũng là cách để gìn giữ lịch sử qua hàng ngàn năm.
 
.

Nguồn: cstc.cand.com.vn