Những chiến công oanh liệt của đồng đội năm xưa mãi là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn, Móng Cái, Quảng Ninh hôm nay luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó với nhân dân các dân tộc vùng biên, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữ đất đến hơi thở cuối cùng
5h30 ngày 17-2-1979, trên toàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh, địch dùng hỏa lực hạng nặng bắn dữ dội vào các Đồn biên phòng 212, 211, 210, 209 và các đội công nhân lâm nghiệp, khu dân cư. Sau 30 phút tập kích, quân xâm lược đã đưa 2 sư đoàn độc lập thuộc quân khu Triết Giang, vượt sông sang đánh chiếm các điểm cao trên đất ta.
Tại mặt trận Pò Hèn, địch tấn công Đồn biên phòng 209 Pò Hèn. Trong lúc trực gác, chiến sĩ Nông Thế Điều quan sát phát hiện địch bắn một phát pháo hiệu, liền báo động cho đơn vị triển khai ra vị trí chiến đấu. 6h45, 5 tiểu đoàn bộ binh địch tấn công. Hướng thứ nhất từ Tài Lồng Thìn, vượt sông trong đêm, đánh vào cổng đồn và đồi quế. Hướng thứ hai, một tiểu đoàn địch vượt biên giới tại mốc 12, thọc sâu vào sườn bên phải và mặt sau đồn. Hướng chủ yếu của địch là cửa khẩu thị trấn Pò Hèn, từ đó chúng đánh thẳng xuống phía Nam. Ở hướng này, chúng sử dụng 3 tiểu đoàn.
Cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 và quân xâm lược diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Quân số của đồn lúc đó chỉ có 92 đồng chí. Đồng chí đồn trưởng đang đi công tác, Trung úy - Đồn phó quân sự Đỗ Sỹ Họa và Chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo đảm nhiệm việc chỉ huy. Đồn phó Đỗ Sỹ Họa trực tiếp nắm bộ phận hỏa lực, chỉ huy chính. Cán bộ, chiến sĩ ở trong đồn và 3 điểm chốt nhất loạt nổ súng quyết liệt đánh trả. Địch dùng chiến thuật "biển người" ồ ạt tấn công, lớp này bị đánh tan, lớp khác lại điên cuồng xông lên. Trong 3 giờ liền, địch vẫn không lọt được vào đồn của ta.
Đồng đội hôm nay về dâng hương tưởng niệm… |
Sau mấy lần tấn công thất bại, địch rút quân ra xa, gọi pháo bắn vào trận địa ta cấp tập 30 phút. Sau đó chúng mở cuộc tấn công mới, đánh mạnh vào chốt đồi quế, hòng cô lập đồn với tuyến sau. Một cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra ác liệt trên đồi quế, dưới sân đồn, trong giao thông hào. Đạn dược hết, các chiến sĩ ta dùng báng súng, lưỡi lê, lăn xả vào địch mà đánh. Nhiều chiến sĩ dùng cả vũ thuật tay không vật lộn với địch.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc, tại Đồn Pò Hèn đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biên giới quốc gia. Điển hình như Anh hùng liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa - người đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập nhiều chiến công xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Khi bị thương lần đầu, máu ra nhiều, đồng chí vẫn đến từng ngách giao thông hào động viên chiến sĩ giữ vững quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trong suốt trận chiến đấu ác liệt, mặc dù bị thương 3 lần nhưng đồng chí vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu cho đến lúc hy sinh anh dũng.
Bên cạnh đó là những tấm gương: Chiến sỹ Nông Thế Điều là người đã phát hiện ra kẻ thù sớm nhất và cũng là người chiến đấu trước tiên với quân xâm lược đang xông thẳng vào cổng đồn; Hạ sỹ Nguyễn Bá Chuyên phụ trách tiểu đội bảo vệ cổng chính của đồn chờ đến khi địch áp sát hàng rào dây thép gai mới nổ súng, 4 lần chúng dàn hàng ngang xông lên đều bị đánh bật trở lại; Binh nhì Nguyễn Mạnh Hà xạ thủ đại liên, 3 lần quân địch xông lên chốt đồi quế đều bị anh kìm lại bằng hỏa lực.
Khi quân thù dùng lực lượng lớn gấp trăm lần bao vây, tấn công và gọi hàng, đồng chí Đặng Văn Quý đã dõng dạc hô to: "Người Việt Nam không bao giờ chịu quỳ gối trước quân xâm lược”; chiến sỹ Đoàn Văn Túc chiến đấu đến khi hết đạn lại tìm đến chốt khác của đơn vị để được tiếp tục chiến đấu và hy sinh trong tư thế hiên ngang; chiến sỹ Hoàng Ngọc Lò xạ thủ B40 khi địch tràn vào đồn lục soát phòng chỉ huy, tuy bị thương máu ra nhiều và kiệt sức, nhưng vẫn nhoài lên bờ giao thông hào bắn một phát B40 tiêu diệt 8 tên địch; chiến sỹ cơ yếu Hoàng Tiến Phúc bị thương nặng đã nằm đè lên tài liệu không để giặc phát hiện lấy đi; Thượng sỹ Hoàng Tiến Cờ sau khi bắn hết đạn, ném hết lựu đạn đã dùng vũ thuật vật lộn với địch, cướp súng địch tiếp tục chiến đấu quyết liệt và anh dũng hy sinh; chiến sỹ Vũ Văn Mấp một mình chặn một mũi tiến công của địch, dũng cảm đánh giáp lá cà tiêu diệt nhiều tên địch…
Và còn chị Hoàng Thị Hồng Chiêm - nhân viên cụm thương nghiệp Pò Hèn khi mang hàng lên Pò Hèn gặp trận đánh, dưới làn đạn dày đặc của quân thù đã nhanh chóng di chuyển vào Đồn 209. Khi vào tới nơi thấy bộ đội bị thương, chị băng bó cho thương binh và dùng súng trường của mình bắn trả quân xâm lược. Súng hết đạn, chị dùng AK và lựu đạn của các chiến sĩ hy sinh để chiến đấu với quân xâm lược đến hơi thở cuối cùng. Cùng với tập thể Đồn 209 Pò Hèn, Hoàng Thị Hồng Chiêm đã được ghi vào trang sử truyền thống của tuổi trẻ Quảng Ninh; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng "Huy chương tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc".
Khí phách anh hùng của người chiến sỹ biên phòng
Chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sỹ ồn 209 Pò Hèn tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, khí phách anh hùng của người chiến sỹ biên phòng Việt Nam. Ngày 19-12-1979, Đồn 209 Pò Hèn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sỹ Đỗ Sỹ Họa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
...và luôn chắc tay súng để các anh, chị được yên giấc |
Sau sự kiện tháng 2-1979, Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn chuyển đi xây dựng ở địa điểm khác. Tại nơi diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường năm đó, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn được xây dựng để ghi dấu một sự kiện không thể nào quên và khắc ghi, tôn vinh những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cũng như người dân tỉnh Quảng Ninh đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đài tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn sau nhiều lần được cải tạo, nâng cấp, đến ngày 19-5-2010 được tôn tạo với quy mô lớn và đã hoàn thành năm 2011. Ngày 20-3- 2014, Đài tưởng niệm các liệt sỹ Pò Hèn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cấp bằng công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đài tưởng niệm cao 16 mét, được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng. Hai bên Đài tưởng niệm là hai nhà bia, trong mỗi nhà bia dựng một tấm bia làm bằng đá xanh nguyên khối khắc tên 86 liệt sỹ Bộ đội Biên phòng Đồn 209, liệt sỹ công nhân lâm trường Hải Sơn và liệt sỹ cụm thương nghiệp Pò Hèn.
Đồn biên phòng 209 năm xưa - Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn hiện nay là một trong những địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Giữa vùng rừng núi xa xôi, Đài tưởng niệm như một tượng đài chiến thắng sừng sững cao vút giữa trời xanh biên giới, là điểm tựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu mạnh. Để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng năm vào ngày 17-2, ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, Đồn Biên phòng Pò Hèn tổ chức đón tiếp hàng nghìn lượt người thuộc các Đoàn đại biểu từ Trung ương đến địa phương, Ban liên lạc truyền thống BĐBP, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, các cháu học sinh... đến thành kính dâng hương tưởng niệm và thắp nến tri ân.
Đồn Biên phòng Pò Hèn đã cử 2 chiến sỹ chốt trực đêm ngày tại căn nhà nhỏ nằm trong khuôn viên khu tưởng niệm và dâng hương các Anh hùng liệt sỹ vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng. Nhìn khu tưởng niệm khang trang, cỏ cây hoa lá xanh tươi được cắt tỉa gọn gàng, hai hàng tùng xanh tươi đứng xếp hàng ngay ngắn từ cửa vào như hàng tiêu binh đang đứng gác cho giấc ngủ ngàn thu của các anh, chị được ngon giấc. Đây là công sức suốt bao năm ròng của lớp lớp cán bộ chiến sĩ của đồn đã dày công tôn tạo để có được sự tôn nghiêm này.
Những chiến công oanh liệt của đồng đội năm xưa, mãi là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hôm nay khắc ghi. Các anh luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó với nhân dân các dân tộc vùng biên, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
.