Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) đã ban hành nhiều nghị định, Thông tư, chỉ thị về phòng chống thư rác, tin nhắn rác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tin nhắn rác ngày càng biến tướng tinh vi, đa dạng hơn trước với nhiều nguồn phát tán khác nhau, từ doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân người sử dụng điện thoại cho đến chính các nhà mạng.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác là chuyện hoàn toàn có thể làm được. Song vấn đề đặt ra là tin nhắn rác đang mang lại nguồn lợi khủng cho chính các nhà mạng. Do vậy, chỉ khi nào nhà mạng thực sự dám hy sinh nguồn lợi trước mắt vì quyền lợi của số đông người sử dụng thì khi đó mới không còn đất sống cho tin nhắn rác.
Nhà mạng quyết tâm chặn, tin nhắn rác giảm
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (ATTT), Bộ TT&TT, trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán 2015, tỷ lệ tin nhắn rác trong dịp Tết đã giảm rất lớn.
Thống kê của các doanh nghiệp (DN) viễn thông báo cáo về Cục ATTT cho thấy, có 28.000 số thuê bao điện thoại đã bị các DN chặn. Trong đó, Viettel chặn khoảng 3,8 triệu tin, nếu so với thời gian trước nghỉ Tết đã giảm 4-5 lần. Nhà mạng VinaPhone, tỷ lệ tin nhắn rác cũng đã giảm 10-14 lần. Nhà mạng MobiFone, đơn vị được Sở TT&TT Hà Nội đánh giá thực hiện khá tốt việc chặn tin nhắn rác trước tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tỷ lệ tin nhắn rác cũng tiếp tục giảm mạnh. Riêng đối với tổng đài 1900XX, trong thời gian qua có 3 đầu số đã bị các nhà mạng xử lý, trong đó VinaPhone xử lý 2 và Viettel xử lý 1 đầu số.
Tương tự, báo cáo sơ bộ từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng cho thấy, so với cùng kỳ Tết năm 2014, thống kê trên đầu số nhận phản ánh tin nhắn rác 456 của VNCERT cũng giảm mạnh.
Ghi nhận từ thực tế của PV cũng cho thấy, nhiều người dùng di động cho biết, tin nhắn rác đã có chiều hướng giảm trong dịp Tết và cả những ngày sau tết. Anh Nguyễn Tuấn Anh ở Phương Mai, Kim Liên (Hà Nội) cho biết: Do đặc thù công việc nên anh phải dùng 2 số điện thoại của hai nhà mạng khác nhau.
Người dùng điện thoại di động vẫn bị tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo làm phiền |
Nếu như trước tết, trung bình mỗi ngày, mỗi điện thoại của anh nhận ít nhất từ 3-8 tin nhắn rác thì nay con số này đã giảm đáng kể. Đặc biệt, các loại tin nhắn rác như xả hàng chăn ga gối đệm, điện máy, kết quả sổ số kiến thiết đa phần đều đã được chặn, không còn liên tục "giội bom" như trước. Tuy nhiên, tin nhắn rác mở bán căn hộ chung cư và các hình thức dịch vụ, trúng thưởng từ các tổng đài của các nhà mạng thì vẫn còn nhiều. Điều này chứng tỏ, khi cơ quan quản lý nhà nước ráo riết và nhà mạng quyết tâm chặn thì tin nhắn rác sẽ giảm.
Đề cập đến nguyên nhân khiến cho tình trạng tin nhắn rác giảm mạnh trong dịp Tết Ất Mùi, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT cho rằng, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT. Ngay trước thời điểm diễn ra Tết Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Trong đó, Chỉ thị đã chỉ rõ chặn tin nhắn rác là trách nhiệm chính của nhà mạng và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các nhà mạng có dấu hiệu tiếp tay trong việc phát tán tin nhắn rác.
Đặc biệt, ngày 29 Tết Ất Mùi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đã đi thị sát việc triển khai chỉ thị 82 tại một số đơn vị. Về phía các DN viễn thông, ngay sau khi chỉ thị 82 được ban hành, các DN cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để chặn tin nhắn rác.
Đặt lợi ích của số đông người dùng lên trên lợi ích của DN
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 của Bộ TT&TT tổ chức vào cuối năm 2014, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, theo thống kê từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, phần lớn tin nhắn rác được phát tán từ các nhà mạng. Số lượng tin nhắn rác xuất phát từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CPS) là rất ít vì nếu các CPS phát tán tin rác sẽ bị phát hiện và xử lý ngay. Bên cạnh đó, các nguồn tin nhắn rác lớn nhất cũng đã được xác định đến từ lượng sim rác trôi nổi trên thị trường, vốn cũng do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng, dù các quy định về việc siết chặt quản lý sim trả trước đã có từ lâu.
Tương tự, theo một tính toán được Công ty an ninh mạng Bkav công bố trong năm 2014, nếu cước phí trung bình một tin nhắn là 300 đồng thì các nhà mạng sẽ thu về khoảng trên 4 tỷ đồng mỗi ngày, tức trên 120 tỷ đồng mỗi tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác. Điều này chứng tỏ, tin nhắn rác mang lại nguồn thu lớn cho nhà mạng. Do vậy, tin nhắn rác cũng gắn chặt với lợi ích của nhà mạng.
Đề cập đến vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, tin nhắn rác là câu chuyện xung đột giữa lợi ích của DN cung cấp dịch vụ (ở đây là các nhà mạng) với cộng đồng. Để giải quyết tận gốc vấn nạn trên, cơ quan quản lý trong lĩnh vực viễn thông cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh tay yêu cầu nhà mạng phải chủ động rà soát và ngăn chặn tin nhắn rác, trên tinh thần đặt lợi ích của số đông người dân lên trên lợi ích của DN.
Cũng theo chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Phong, mặc dù số liệu từ các cơ quan chức năng Bộ TT&TT cho thấy, tin nhắn rác đã có xu hướng giảm trong dịp Tết Ất Mùi 2015, song trên thực tế, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo quấy nhiễu người dùng vẫn còn rất nhiều. Các nhà mạng cần có biện pháp ngăn chặn triệt để hơn và phải làm thật thì mới giảm được vấn nạn này. Cũng theo TS. Phong, tại các quốc gia phát triển, nơi chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được áp dụng, do phải cạnh tranh liên tục để giữ chân thuê bao nên chất lượng dịch vụ, chế độ chăm sóc, bảo vệ quyền lợi người sử dụng được các nhà mạng rất quan tâm, bởi điều này quyết định sự sống còn của DN.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các nhà mạng vẫn đang trong cuộc đua tăng trưởng thuê bao, chất lượng dịch vụ và quyền lợi của hàng triệu người dùng vẫn chưa được các nhà mạng quan tâm đúng mực.
Tới đây, khi Bộ TT&TT áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2017 thì chất lượng của nhà mạng, chế độ chăm sóc khách hàng, đặc biệt là cách thức giải quyết vấn nạn tin nhắn rác sẽ chính là một trong những yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định ở lại hay rời bỏ mạng di động mà mình đang sử dụng. Đến lúc đó, hy vọng sẽ không còn nhiều đất sống cho tin nhắn rác.
Hà Nội ra "tối hậu thư" yêu cầu DN phải chặn tin nhắn rác
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định: Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã yêu cầu các DN viễn thông trên địa bàn cắt gần 1.000 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và quảng cáo rao vặt trái phép. Đồng thời, từ đầu năm 2015 đến nay, Sở TT&TT cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị yêu cầu các DN viễn thông trên địa bàn phải quyết liệt đưa ra các giải pháp chặn tin nhắn rác theo Chỉ thị 82 của Bộ TT&TT.
Theo báo cáo của các DN viễn thông trên địa bàn, tin nhắn rác đã giảm đáng kể, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Tuy nhiên, tin nhắn rác vẫn còn là vấn nạn gây bức xúc dư luận. Do đó, trong thời gian tới Sở TT&TT Hà Nội sẽ thiết lập một đường dây nóng để người dân phản hồi về tin nhắn rác trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, yêu cầu nhà mạng phải hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trước ngày 31/3.
|
.