Ngóng tin con ở xứ người
Ông Cụt Thanh Sơn, Trưởng bản Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), cho biết: Từ năm 2010 đến 2012, cả bản có 45 người bị lừa bán sang Trung Quốc. Nhưng đến nay, số nạn nhân đã lên đến 50 người. Trong đó có một số người có thông tin, điện thoại báo về nhà, còn nhiều người vẫn bặt âm vô tín.
Ba cha con ông Cụt Phò Sang hằng ngày vẫn mòn mỏi ngóng tin con dâu và con gái |
Theo chân ông Sơn vượt qua những con suối, triền đồi, chúng tôi tiếp xúc với những ông bố, bà mẹ có con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, giờ đang mòn mỏi ngóng tin con.
Trước lan can căn nhà sàn bằng gỗ, ông Cụt Phò Sang (SN 1964, trú bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) đang cùng con trai Cụt Văn Sáng (SN 1988) và đứa cháu nội mới 6 tuổi ngồi nhìn về phía con suối ở cuối dốc. Con gái và con dâu ông Sang bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ cho người ta nên giờ con trai ông mất vợ và cháu nội mất mẹ. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về vấn nạn buôn bán phụ nữ, ông Sang nhìn đứa con trai nói: “Vợ nó bị lừa bán nên nó phải ở nhà nuôi con. Cách đây hơn một năm, em gái nó lại tiếp tục bị bán nên giờ nhà chỉ còn ba người”.
Năm 2007, anh Sáng cưới vợ là chị Moong Thị Mây (SN 1985, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) và sinh đứa con trai tên Cụt Văn Đức. Khi cháu Đức hơn một tuổi thì vợ Sáng mất tích. Không có mẹ, mỗi lúc đói sữa bé Đức lại khóc ngặt nghẽo. Thương cháu, bà nội Chích Thị Quyết phải vạch áo cho cháu bú “chay”. Khoảng một năm sau, vợ Sáng điện thoại về cho biết bị bà Phiến (trú xã Hữu Kiệm) lừa đưa sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông. Hiện vợ Sáng đã có một con trai với người chồng mới. Mất vợ, Sáng gửi con lại cho ông bà nội, còn anh tìm đường vào Đà Nẵng xin làm công nhân để kiếm tiền gửi về nuôi con.
Khi nỗi đau mất con dâu chưa nguôi ngoai, một buổi tối giữa tháng 4-2013, con con gái út của ông Cụt Văn Sang là Cụt Thị My (SN 1994) lại bị bọn buôn người tiếp tục lừa bán sang Trung Quốc.
Ông Sang kể, khoảng 20 giờ tối 13-4-2014, gia đình vừa ăn cơm xong một lúc thì có một phụ nữ trú cùng bản tênâ Chích Thị Coóng tìm đến hỏi My đâu? Ông Sang trả lời My không có ở nhà. Đến khuya chờ mãi không thấy con gái về nên ông Sang đi tìm thì mới biết My đã bị Coóng cùng một số đối tượng khác lừa đưa đi giao cho những kẻ buôn bán phụ nữ.
Vừa qua, sau khi liên lạc với con dâu Moong Thị Mây, ông Sang đã nhờ dò tìm xem có thông tin gì về con gái không thì được biết Cụt Thị My cũng đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc và sinh một con trai. Ông Sang chua chát nói: “Dù sao tôi cũng yên tâm vì biết nó đang sống, nhưng đến bao giờ cha con mới được gặp lại nhau đây”.
Cách đó một con suối là nhà ông Cụt Khăm My (SN 1962) cũng có con gái Cụt Thị Bông (SN 1993) bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây 3 năm. “Sau khi biết tin, tôi đã chạy đi chạy lại làm đơn hết gần 4 triệu đồng nộp lên các cơ quan chức năng, nhưng không thấy họ trả lời” - ông My buồn rầu nhớ lại.
Ông My cho biết, sau khi con gái ông bị lừa bán, ông đã bỏ nương rẫy chạy khắp nơi dò hỏi thông tin nhưng ai cũng lắc đầu. Đến ngày Tết Giáp Ngọ, Cụt Thị Bông bất ngờ trở về nhà trong nước mắt. Bông kể rằng bị một phụ nữ tên Duyên ở Khe Nằn lừa bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc. Sau khi sinh con một thời gian, lợi dụng phía gia đình chồng nới lỏng theo dõi nên Bông mò mẫm tìm đường bỏ trốn về thăm bố mẹ.
Qua ba ngày Tết, do nhớ con nên Bông lại khóc sướt mướt từ biệt bố mẹ để trở lại Trung Quốc và hứa với ông My lúc nào con khôn lớn sẽ tìm đưa nó về ở hẳn với ông bà ngoại. Rời xã Chiêu Lưu, chúng tôi tiếp tục men theo con đường dốc núi gồ ghề để sang bản Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn). Nhìn quanh, nơi đây có khoảng hơn 10 ngôi nhà nằm thưa thớt, nhưng nạn buôn bán phụ nữ diễn ra từ nhiều năm nay nên bản trở nên vắng hoe. Sau một lúc chúng tôi dạo bộ tìm nhà trưởng bản Lữ Văn Thâm, nhưng không gặp mà chỉ gặp anh Lương Văn Phương (SN 1994), em họ của trưởng bản.
Anh Phương cho biết, gia đình anh có 4 chị em, nhưng chỉ một mình anh là con trai. Cách đây 3 năm, bố anh là ông Lương Văn Năm đổ bệnh nằm một chỗ nên mẹ anh, bà Lương Thị Mai phải ra ngoài tìm việc và bị bọn buôn người dụ dỗ bán sang Trung Quốc. Một thời gian sau, em gái út là Lương Thị Là mới 12 tuổi và chị đầu Lương Thị Yến cũng bị mất tích. Bố mất, mẹ, chị gái và em út bị bọn buôn người lừa bán ra nước ngoài nên trong nhà chỉ còn anh Phương và người em gái thứ 3 là Lương Thị Giang (SN 1995).
Để có tiền nuôi em và lo cho cuộc sống lâu dài, Phương đã vào miền Nam xin làm công nhân ở một công ty. Chỉ còn lại một mình nơi bản vắng, khuya 15-4-2014, cô sơn nữ Giang bị Moong Thị Hoan, một phụ nữ trú cùng bản và cũng là một nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc đến dụ dỗ rồi đưa đi bán. Khi biết tin, anh họ là trưởng bản Lữ Văn Thâm băng rừng chạy theo nhưng không kịp. Sau đó, anh Thâm về nhà lấy chiếc áo của Giang thường mặc, mang theo 2 con gà cùng 5 triệu đồng đến nhà thầy mo làm “thủ tục” cầu cho Giang quay trở về. Tuy nhiên, thầy mo cũng đành bất lực trước những kẻ buôn người táng tận lương tâm.
Nghe anh Thâm báo hung tin, anh Phương xin nghỉ việc về quê để cùng đi tìm em gái, nhưng đều vô vọng. Sau đó, anh Phương chạy sang nhà mẹ của Moong Thị Hoan hỏi xin số điện thoại nào bên Trung Quốc có thể gọi cho Giang được hay không để liên lạc thì bà này bảo phải trả 10 triệu đồng. Mặc dù không có tiền, nhưng Phương vẫn bảo mẹ của Hoan cứ đưa số trước rồi trả tiền sau. “Khi có số điện thoại, tôi gọi được cho em gái thì nó bảo bị Hoan lừa bán sang làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Về sau này, mẹ của Hoan tìm đến đòi 10 triệu đồng “mua nợ” số điện thoại, nhưng tôi không trả nên bà ta thuê thanh niên ở bản ngoài chặn đường đánh 2 lần” - anh Phương kể.
(Còn tiếp)
.