Thực tế mang thai hộ không còn là vấn đề mới, tuy vậy nó vẫn được coi là vấn đề khá nhạy cảm. Bởi nó liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Hoàn thiện dự thảo đưa vào thực tiễn sao cho vừa nhân đạo, lại vừa giải quyết được những bất cập đang là vấn đề đau đầu của giới chuyên môn.
Dự thảo mang tính nhân đạo
Khi xã hội ngày một phát triển, tình trạng vô sinh, vợ chồng hiếm muộn ngày càng nhiều, hay đơn giản chỉ vì không muốn sinh con để giữ vóc dáng, mang thai hộ thực sự là một nhu cầu. Thực tế pháp luật Việt Nam có những chế tài xử phạt rất nặng với những trường hợp mang thai hộ, thế nhưng những "giao dịch" ngầm vẫn diễn ra hằng ngày. Đặc biệt, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc mang thai hộ là không phù hợp với thuần phong mỹ tục lâu đời của người Việt Nam. Bởi tư tưởng, mẹ ruột phải là người mang nặng đẻ đau. Mặc dù chỉ có 9 tháng 10 ngày trong bụng nhưng đó là thời gian đặc biệt, là sợi dây tình cảm giữa đứa trẻ và người mẹ. Và khi mang thai hộ thì đứa trẻ sinh ra sẽ phải trả cho người khác, tình mẫu tử sẽ bị chia lìa.
Thế nhưng, mang thai hộ có ý nghĩa không hề nhỏ với những cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu có con chính đáng. Có nghìn lẻ lý do khiến nhiều cặp vợ chồng không thể có con, như: vì lý do bệnh tật mà người vợ phải cắt bỏ tử cung hoặc bệnh lý mà không được mang thai. Có thể người vợ có tử cung bình thường nhưng vì sức khỏe mà người phụ nữ không thể mang thai… Vì thế, chỉ có phương pháp có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ. Anh Lê Bá Tùng (Ba La, Hà Đông) chia sẻ: "Vợ chồng tôi còn rất trẻ nhưng không thể có con được vì vợ tôi bị bệnh tim, các bác sĩ bảo không thể có đủ sức khỏe để mang thai. Quả thực nếu pháp luật cho phép, chúng tôi sẵn sàng ngỏ ý nhờ chị gái của vợ tôi mang thai hộ. Chúng tôi đang chờ đợi dự thảo "mang thai hộ" đi vào thực tế để thỏa lòng mong đợi".
PGS. TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn với những cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu có con chính đáng |
Việc mang thai hộ bằng phương pháp khoa học đang được đa số dư luận đánh giá là nhân đạo. Chính PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận rằng, việc mang thai hộ có ý nghĩa lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con chính đáng. Một số trường hợp cấp cứu như phụ sản đẻ bị băng huyết, hoặc vỡ tử cung… cần cắt ngay tử cung để cứu người mẹ. Những trường hợp đó, mang thai hộ giúp bác sĩ quyết định nhanh hơn để đảm bảo tính mạng của người mẹ (trong trường hợp người nhà đồng ý).
Mang thai hộ phương pháp nhân đạo giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, các phương pháp này cần đảm bảo tuyệt đối tính nhân đạo, không cho phép có tính thương mại hóa ở đây. Các quy định về hợp đồng, xử lý tranh chấp phát sinh cần được có những quy định chi tiết.
Số phận của những đứa trẻ vẫn là vấn đề đau đầu
Rõ ràng một đứa trẻ sinh ra không chỉ là niềm hạnh phúc của những cặp vợ chồng, mà còn là sự mong mỏi của cả gia đình và dòng họ. Tuy nhiên, đứa trẻ cho dù không phải máu mủ của người mang thai hộ nhưng cũng có thời gian chín tháng mười ngày trong bụng. Chắc chắn giữa đứa trẻ và người mang thai cũng có những tình cảm nhất định. Khi đứa trẻ sinh ra không chỉ có quan hệ với cặp vợ chồng vô sinh, mà còn có thể liên quan đến người thứ ba. Chính vì thế nó đã trở thành vấn đề vô cùng nhạy cảm, cần được các nhà xây dựng luật nghiên cứu kỹ lưỡng. Đứa trẻ có thể phải hứng chịu những hệ lụy về sau này, đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm.
Anh Lê Bá Tùng tâm sự: "Dù sao đứa con của mình cũng là người khác mang thai hộ. Đứa bé chắc chắn cũng có tình cảm với người mang nặng đẻ đau. Nếu áp luật thì rõ ràng đứa bé và người đẻ thuê đó chẳng liên quan gì cả. Nhưng rõ ràng chẳng ai nỡ dứt đi tình cảm thiêng liêng đó. Có lẽ cũng nên áp dụng ai là người mới có thể mang thai hộ, như người thân, chị em gái của vợ chẳng hạn".
Hơn nữa, Bộ Y tế cần cho phép những cơ sở nào có thể thực hiện biện pháp mang thai hộ. Nhằm mục đích tránh tình trạng thực hiện mang thai hộ tràn lan, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Nhằm mục đích nhân đạo dự thảo Nghị định về quy định mang thai hộ vẫn phải là họ hàng thân thích cùng hàng của bên vợ hay bên chồng như: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì; hoặc anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ, hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đặc biệt hơn nữa, Bộ Y tế cần khống chế, tránh tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, đặc biệt là tình trạng đẻ thuê. Nhiều người còn e ngại rằng, dự thảo này còn dựa trên chủ nghĩa duy tình nhằm loại bỏ tình trạng mẹ đẻ giúp cho con gái, bà đẻ giúp cháu.
Số phận của những đứa trẻ sau khi ra đời là vấn đề cần hoàn thiện của dự thảo mang thai hộ |
Sáng 14/10, Bộ Y tế kết hợp với Hội Nội tiết Sinh sản và Hỗ trợ sinh sản HCM (HOSREM) tổ chức hội thảo dự thảo nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Các ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần chỉnh sửa ngay cho phù hợp mới có thể đưa vào thực tiễn: bỏ quy định đối với người nước ngoài để tránh phân biệt đối xử; bổ sung các nội dung liên quan đến mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình. Hơn nữa Bộ Y tế đã đưa ra các quy định quản lý bằng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin đối với các trung tâm được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để đảm bảo chất lượng tinh trùng, noãn, phôi và tránh trường hợp một người cho tinh trùng, noãn, phôi nhiều nơi, nhiều lần…
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, tuyệt đối cấm kiểu mang thai "giúp trực tiếp". Tức là với những trường hợp người vợ không thể mang thai nhưng hai vợ chồng đều có khả năng có con, mà thông qua con đường thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng lấy trứng và tinh trùng để nuôi phôi thai rồi cấy phôi để chị, em gái hoặc người thân tình nguyện mang thai hộ nhau, thì cần nhận được nhìn nhận một cách nhân văn. Bởi trong quan hệ mang thai hộ, tuyệt đối không tồn tại một yếu tố "mờ ám" nào, người chồng không có quan hệ tình dục trực tiếp với người mang thai hộ, và đứa trẻ được hình thành từ trứng và tinh trùng của bố mẹ. Chính vì thế, không phải người vợ mang thai nhưng đứa con vẫn là máu mủ của chính họ.
Dự thảo tiến tới hoàn thiện như có quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ không giới hạn tuổi trần đối với người nhận tinh trùng, nhận noãn, phôi. Nói về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: "Điều kiện kinh tế phát triển, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ cũng được nâng lên, nhiều phụ nữ đến 60 tuổi vẫn còn có kinh nguyệt. Tùy theo thể trạng của mỗi người, có người 30 tuổi đã suy buồng trứng nhưng có người 50 tuổi buồng trứng vẫn hoạt động tốt".
Vấn đề khiến các nhà chức trách đau đầu nhất vẫn là liên quan đến đứa trẻ nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng. Quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của luật này và Bộ luật Dân sự. Thậm chí, có ý kiến, đứa trẻ phải được đưa vào một trung tâm nhân đạo nào đó.
Trong buổi hội thảo dự thảo về mang thai hộ, BV Phụ sản Trung ương (phía Bắc), BV Đa khoa Trung ương Huế (miền Trung) và BV Từ Dũ (phía Nam) là 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Thị Bạch Nga, BV Hùng Vương, đề xuất: "Tuy nhiên, việc điều trị hiếm muộn không phải chỉ một sớm một chiều. Thậm chí, có những chu kỳ đòi hỏi từ 1 - 2 năm. Việc quy định chỉ có 3 cơ sở có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn và tiêu tốn nhiều chi phí. Vì vậy, nên chăng dung hòa, để cho các cơ sở có khả năng đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện mang thai hộ. Trong đó 3 BV đầu mối trên có thể kiểm tra, giám sát, hội chẩn từng trường hợp mang thai hộ".
GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch HOSREM, chia sẻ: "Thực tế, trong quá trình điều trị hiếm muộn cho cả hai vợ chồng, nhiều trường hợp người vợ không thể mang thai vì nhiều lý do: tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc tử cung quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai, cắt tử cung do vỡ tử cung (có thể do lỗi của nhân viên y tế),… Sự tuyệt vọng của người phụ nữ đang dần được tháo gỡ".
|
.