Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201409/vo-vong-tieng-keu-tu-ha-nguon-chi-song-hong-530765/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201409/vo-vong-tieng-keu-tu-ha-nguon-chi-song-hong-530765/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vô vọng tiếng kêu từ hạ nguồn 'chị sông Hồng' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 10/09/2014, 08:35 [GMT+7]

Vô vọng tiếng kêu từ hạ nguồn 'chị sông Hồng'

Gọi nước sông Ngòi Lao chảy qua địa phận huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ bây giờ là "chị của sông Hồng" cũng chẳng ngoa. Là bởi, nước sông ở đây có màu vàng nâu, đỏ đục, sóng sánh dầu mỡ và đôi chỗ còn đỏ hơn cả nước sông Hồng. Với quãng đường 20 km từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chảy về, 2/3 ngòi đã bị bùn bức tử và xâm lấn. Hơn 1.200 hộ dân ven ngòi ngán ngẩm, còn chính chuyền các cấp của tỉnh Phú Thọ chỉ biết chờ đợi phản hồi tích cực từ chính quyền đầu nguồn. Điều lạ là, mặc dù cả hai bên đã xác định được "thủ phạm" của sự biến đổi này nhưng đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
 
Đỏ... hơn cả nước sông Hồng
 
Dẫn tôi ra "thực địa" một khúc Ngòi Lao ở khu 3B, xã Mỹ Lung, huyên Yên Lập, ông trưởng khu Nguyễn Văn Liên kể, khu 3B của ông là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của việc biến đổi và xâm lấn này. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề gây nên tình trạng cá chết nổi đồng loạt, đến nay chẳng còn con cá nào sống được. Vì bẩn quá! Độc quá! Đến nỗi trâu bơi qua sông về chấy rận cũng sạch bách. Nhất là gần đây có một sự việc bất thường, dù không phải mùa vụ nhưng có tới 3 con trâu "sảy thai" (người dân nghi ngờ là do trâu uống nước và gặm cỏ hai ven ngòi - PV).
 
Trong khi đó, nguồn nước quá khủng khiếp, lượng bùn về bồi đắp hai bên bờ ngày càng nhiều và dày. Ngày trước, lòng sông có chỗ rộng 8 - 9 mét thì giờ đây bị thu hẹp còn 1/3, có chỗ chỉ còn 1 mét. Hiện nay, sông Ngòi Lao hầu như không còn vực nữa... Kể đến đây, ông Liên chợt nhớ đến kỳ tích cứu thoát chết 4 con trâu vào tháng trước của dân khu 3B.
 
Ông kể bằng cái giọng vừa hài vừa chua xót: "Có gia đình kia cho trâu bơi qua sông ăn cỏ. Nhưng sông nhiều bùn quá, trâu bơi qua giữa chừng thì bị dính lại và vùng vẫy trong bùn. Nghe tin, 7 người trong làng được huy động đến để giải cứu. Chúng tôi lấy dây, nhảy ra kéo chúng ra giữa gần với nước để bùn nhão ra, lúc đó mới cứu được. Từ hôm đó trở đi, nhà kia cũng không dám thả sang nữa. Mà mấy con trâu chắc cũng hãi, chẳng dám qua nữa đâu!".
 
2/3 sông Ngòi Lao bị bùn xâm lấn
2/3 sông Ngòi Lao bị bùn xâm lấn
 
Để cải thiện cái "màu chị" của nước sông Ngòi Lao, dân khu 3B đã xây các bể lọc cát sỏi. Tuy nhiên, trên bề mặt vẫn dàng dàng váng đỏ, thậm chí có nơi kết tủa thành từng khối trôi nổi lềnh bềnh. Và đã qua "phễu lọc" nhưng bằng mắt thường, nước cho ra vẫn mang màu đỏ, chẳng khác nhiều so với màu gốc, quần áo giặt vài lần cũng đổ hết sang màu đỏ. Chị Hường (trú tại khu 3B) cho biết dân ở đây chỉ dùng nước từ bể lọc để tắm giặt, còn nước ăn thì hằng ngày vẫn phải đi... xin từ nơi khác. Còn nước đó có thực sự "sạch" và an toàn không thì chẳng ai dám chắc, chỉ biết là nhìn có vẻ sạch hơn nước nhà mình nên nhắm mắt nhắm mũi để dùng. Nói rồi, chị vào nhà tìm ra mấy chiếc khăn mặt đã ố vàng chép miệng: "Sản phẩm của nước sông Ngòi Lao đấy, nhúng nước vài lần mà như thế này rồi. Xô chậu thì khỏi nói làm gì vì cứ theo thời gian mà màu càng ngày càng đậm".
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, hơn 1.200 hộ/1.400 hộ dân của 8/12 khu của xã Mỹ Lung bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của con sông Ngòi Lao, trong đó khu 3B nặng nề nhất. 50/58 hộ tại đây nằm trong diện ảnh hưởng, 8 hộ còn lại may mắn hơn vì sống xa ngòi nên có nước khe để dùng. Còn khu 5, lúa bó rễ không phát triển được. Các khu khác cũng gặp tình trạng tương tự.
 
Đem vấn đề sông Ngòi Lao ô nhiễm trao đổi với ông Khúc Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung thì ông Xuyên khẳng định: "Hiện tượng nước sông đổi màu ở xã Mỹ Lung có từ 2 năm trước nhưng sang năm 2014 thì tình hình càng ngày càng tệ hơn. Ngày xưa nước trong đến nỗi nhìn được đáy toàn đá thì giờ nước đục, đỏ ngầu hơn cả nước sông Hồng, chẳng nhìn thấy gì cả. Người là một nhẽ, đằng này trâu cũng sợ, chẳng dám bước qua sông. Và nếu trước đây, sông Ngòi Lao có tới 50 loại cá đặc sản như cá chiên, cá lăng, cá bì sứt, cá lục đinh, cá ngão, cá nhàng, cá chày... thì giờ đây chỉ còn trên dưới 10 loại và có nguy cơ bị tận diệt.
 
Chậu đựng nước biến thành màu vàng sau một thời gian ngắn
Chậu đựng nước biến thành màu vàng sau một thời gian ngắn
 
 
Tôi nghĩ rằng trong vòng 6 tháng nữa thôi, sẽ không còn loài cá nào sống nổi trên con sông này nữa. Việc sông bị ô nhiễm gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống của đa số hộ dân của xã. Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe, sản xuất nông nghiệp giảm sản lượng thì cuộc sống của hơn 4.000 dân Mỹ Lung còn bị thiệt hại về nguồn thu từ thủy sản, nhất là đặc sản. Ngày xưa sông trong, xanh và sạch. Chính bản thân tôi cũng như người dân trong xã đã được tắm mát bởi con sông này.
 
Và Ngòi Lao không đơn thuần là một con sông đâu, nó là cái giếng khơi của làng - làng Mỹ Lung chúng tôi đấy, có đi đâu thì cũng nhớ về, nhớ Ngòi như nhớ tới quê hương. Trước mắt, để khắc phục tình trạng ô nhiễm này, UBND xã cũng đã có văn bản đề nghị lên các cấp cao hơn trong việc hỗ trợ xây một hệ thống bổ sung đường ống dẫn nước sạch tự chảy cho dân khu 3A, 3B xã Mỹ Lung (là 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề) với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Hiện nay, đề án đang được xem xét. Hy vọng sẽ được giải quyết sớm".
 
Điệp khúc "quýt làm cam chịu" đến bao giờ mới kết?
 
Vì sao một con sông đẹp gắn liền với cụm từ "nếp gà gáy Mỹ Lung, cá Ngòi Lao" nổi tiếng tứ xứ một thời - nay lại biến thành một con sông vô hồn như vậy, ông Khúc Văn Xuyên trả lời rằng nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ một doanh nghiệp hoạt động ở đầu nguồn con sông tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cụ thể là do nước thải của Nhà máy Tuyển quặng sắt làng Mỵ của Công ty Phát triển số 1 - TNHH Một thành viên gây ra. Điều này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái kiểm tra và xác nhận tại Báo cáo số 400/BC-STNMT ngày 25/12/2013.
 
Để giải quyết ô nhiễm nước sông Ngòi Lao, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Văn bản số 476/UBND-KT14 ngày 14-11-2013 gửi UBND tỉnh Yên Bái để đề nghị xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm. Đồng thời, có Văn bản số 4768/UBND-KT14 ngày 14-11-2014 báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị Bộ có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Yên Bái thực hiện và quản lý bảo vệ môi trường và chất lượng nước ở các lưu vực sông, suối liên tỉnh đảm bảo môi trường chung để phát triển bền vững.
 
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt, ngược lại có dấu hiệu gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2014. Đặc biệt là, bùn xâm lấn cũng như chất lượng nước làm cho công trình thủy lợi được đầu tư tới 500 tỷ đồng xây xong rồi bỏ đó, chưa được vận hành để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho 3 huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ.
 
 
Trong buổi thực tế vào tháng 5 năm nay, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 2 mẫu nước tại khu vực đập Ngòi Lao và mẫu nước giếng của 2 hộ gia đình ông Trần Văn Tiến, ông Vũ Văn Thịnh ở khu 3B, xã Mỹ Lung để phân tích cụ thể. Kết quả cho thấy, đối với 2 mẫu nước tại đập Ngòi Lao, các thông số BOD5 vượt từ 1,67 - 3 lần, COD vượt từ 1,6 - 3,2 lần, hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt 2,27 - 2,4 lần so với QCVN 08:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Riêng thông số độ màu vượt 1,6 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Đối với 2 mẫu giếng tại 2 hộ dân, kết quả cho thấy mẫu nước giếng của hộ gia đình ông Vũ Văn Thịnh có hàm lượng amoni vượt 2,3 lần và Mn vượt 3,55 lần so với QCVN 09:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm.
 
Rõ ràng, "thủ phạm" đã được chỉ đích danh. UBND tỉnh Yên Bái cũng biết nhưng những văn bản, công văn của UBND tỉnh Phú Thọ đi kèm với đó là nguyện vọng của người dân hạ nguồn Ngòi Lao tại sao lại bị phớt lờ và dường như chỉ là "những tờ giấy lộn" trong suốt thời gian qua? Điệp khúc "quýt làm cam chịu" bao giờ mới chấm dứt? Qua Chuyên đề CSTC, chúng tôi xin gửi những phản ánh và mong muốn của bà con ở ven sông Ngòi Lao đến UBND tỉnh Yên Bái, mong quý cơ quan xem xét và giải quyết.
 
Để bảo vệ nguồn nước Ngòi Lao, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ:
 
1. Có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường Ngòi Lao trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
 
2. Tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái thông báo tình trạng ô nhiễm, đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái cùng các Sở, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Văn Chấn phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải vào môi trường.
 
3. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của lượng bùn đất tại khu vực lòng đập Ngòi Lao đối với công trình cấp nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của 3 huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê; đồng thời xem xét phương án xây dựng hệ thống bổ sung đường ống dẫn nước sạch cho dân khu 3A, 3B xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập báo cáo UBND tỉnh.

 

.

Nguồn: cstc.cand.com.vn