Suốt hơn 25 năm nay, có một người đàn ông hàng ngày vẫn thường chăm lo cho những am miếu khỏi cô quạnh lạnh lẽo khói hương ở trên đèo Hải Vân. Cũng chính ông đã từng cứu sống không biết bao nhiêu người gặp tai nạn khi vượt qua đèo này... Người đàn ông ấy có tên Nguyễn Văn Thọ (57 tuổi, trú tại khối phố 4, phường Kim Liên, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Người đàn ông trên lưng đèo hải vân
Khi những màn sương lãng đãng kéo chầm chậm phủ xuống lưng đèo, ngồi trong chiếc lán nhỏ dựng tạm bên miếu ông Hổ với chiếc võng mắc ngang, ông Thọ rít một hơi thuốc dài rồi ông kể. Năm 1981, lúc ấy ông Thọ mới hơn 17 tuổi đã tham gia đội du kích xã. Rồi 3 năm sau đó là thời gian ông vào quân ngũ, tham gia tại chiến trường K (Campuchia).
Năm 1984, rời quân ngũ, ông Thọ theo bạn bè đi đào vàng, lặn lội khắp chốn rừng thiêng nước độc Khâm Đức, Huyện Hiên, Tà Lang, Sông Nam, sông Vàng của Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ. Nhưng vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự khốc liệt của chốn núi rừng với những chủ bưởng tàn ác và cả những trận sốt rét rừng khốc liệt vắt kiệt sức người, và cả sự chém giết lẫn nhau.
“Sống lắt lay nơi rừng thiêng nước độc, nhiều lần tưởng mất mạng bởi những cơn sốt rét rừng hành hạ nhưng cuối cùng vẫn chỉ là con số không, chẳng đủ tiền nuôi thân chứ nói gì tới chuyện gửi tiền về cho vợ!”, ông Thọ ngậm ngùi kể lại quãng thời gian ấy. Ông vẫn còn nhớ những lần nhiều phu vàng chém giết, tranh giành từng miếng ăn, tấc đất, ông Thọ thấy chán ngán những đỏ đen của cuộc đời và nếm trải những được mất, vì vậy giấc mơ đổi đời sau 3 năm tha hương cầu thực đã nhường chỗ cho một quyết định không mấy dễ dàng.
Sau đó ông đành ngậm ngùi bỏ giấc mộng vàng, để về quê đi biển. Nhưng nghề biển với ông cũng chẳng dễ dàng gì. Trong một chuyến đi đánh cá ông cùng những người bạn trên 3 chiếc thuyền lạc vào trận bão dữ.
Cả hai thuyền bị sóng cuốn đi mất tích. Riêng ông bị dạt tới tận Vịnh Bắc bộ và may mắn được một tàu cá ở Quảng Ninh cứu sống. Một tuần sau ông mới đủ sức khỏe để trở về. Về đến nhà, thấy vợ con đang khóc lả vì nghĩ ông đã chết. Nghĩ mãi rồi cuối cùng ông quyết định không đi biển nữa. Đó là vào năm 1986.
Rời biển, ông Thọ lên núi đốn củi mưu sinh, rồi như định mệnh ông gắn cuộc đời mình với đèo Hải Vân từ đó. Nhìn ông đang lúi húi quét dọn một am thờ bên đường đèo, rồi ông kể về lý do cư ngụ trên con đèo này: “Hơn 2 năm sau trận bão đó, tôi lên núi đốn củi, tình cờ giúp một người đi đường bị thủng lốp xe. Từ đó tôi lên đây, vừa vá xe kiếm sống, vừa quét dọn những am thờ. Hồi ấy những am thờ này lãnh lẽo lắm, tôi thấy tội quá nên ngày ngày mang nhang đèn lên đây thắp cúng, cầu cho những linh hồn tử nạn yên ổn không quấy nhiễu người đi đường nữa!”.
25 năm sống với những oan hồn nơi lưng đèo
Trong ký ức chưa xa của mình, ông vẫn còn nhớ như in những chuyến vượt đèo Hải Vân ra vào Huế - Đà Nẵng từ những năm 90 của thế kỷ trước đầy gian nguy mà người dân và cánh tài xế phải trải qua. Mỗi chuyến vượt đèo là mỗi lần đối mặt với sinh tử.
Nói về đường đèo Hải Vân chắc không ai hiểu bằng ông Thọ bởi đã 25 năm ông gắn bó với con đèo này. “Đèo Hải Vân dài hơn 21km, ban đêm sương mù bao phủ, con đường đèo càng trở nên nguy hiểm hơn. Trước đây, khi chưa có đường hầm, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, còn giờ đây cũng đỡ hơn rồi!”, ông Thọ cho biết.
Tôi đi dọc con đèo này, thấy trên tuyến đường đèo cứ khoảng dăm bảy trăm mét lại bắt gặp một am thờ sạch sẽ, hoa quả hương khói đầy đủ. Hỏi ông Thọ mới cho hay chính tay ông chăm lo như thế.
Ông Thọ kể: “Từ trước tới giờ không biết có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông chết người trên cung đường này rồi, một số am thờ là do người nhà nạn nhân dựng lên nhưng cả năm trời họ không có điều kiện qua lại hương khói nên tôi đều làm hết. Còn một số am thờ khác là do tôi làm để hương khói cho những người xấu số. Cứ đều đặn mùa nắng thì 4h30 sáng, mùa mưa thì 5h30 là tôi lại chạy xe dọc theo cung đường quét dọn hương khói một lượt rồi quay về lán nghỉ...”.
Trong chiếc lán nhỏ của ông, còn có cả một quyển sổ ghi chép rõ ràng ngày tháng những người xấu số gặp nạn trong suốt 25 năm qua, rồi cứ đến ngày giỗ của họ, ông lại nấu bát cơm, mua thêm hoa quả để khói hương tử tế. Ông bảo: “Nhìn những chiếc am lạnh lẽo như thế tôi không chịu nổi. Khi người ta tử nạn đã đau đớn lắm rồi, đến khi chết đi lại bị bỏ mặc như thế sao đành. Thôi thì mình làm được điều chi mình làm thôi. Có ai nhìn cảnh này mà đành lòng cho được!”.
Tình nguyện giúp người giữa hoang vắng lưng đèo
Cứ thế, ngày lại ngày, bất kỳ nắng mưa hay gió bão ông đều đặn lên đây đúng giờ, sau khi đi thắp hương hết một vòng các am thờ, ông lại về lán ngồi thư thả ngắm núi rừng và mây trời. Và cũng để nhận điện thoại mà kịp thời giúp đỡ những người không may hỏng xe hay thủng lốp cần sự giúp đỡ trên lưng đèo này.
Không chỉ giúp đỡ những người hỏng xe, chính ông cũng đã rất nhiều lần có mặt kịp thời để giúp đỡ những người bị tai nạn trên đèo. Hỏi chuyện ông Thọ đã cứu giúp được bao nhiêu người bị nạn khi qua đoạn đường đèo nguy hiểm này? Ông lắc đầu cười bảo rằng làm sao nhớ hết.
Nhưng ngồi một lúc, ông Thọ cũng hồi tưởng lại một vụ tai nạn thương tâm xảy ra hồi đầu năm 2010. Lúc đó khoảng 15h, vụ tai nạn xảy ra ngay trên khúc cua cách miếu ông Hổ khoảng 500m, khi đến nơi ông thấy một người đàn ông bê bết máu, chiếc xe máy văng xa cách đó hơn chục mét. Lúc này đường xá nắng nóng nên không một ai qua lại để có thể nhờ giúp đỡ.
Chẳng cần nghĩ ngợi gì, lập tức ông lấy xe máy của mình đưa người bị nạn đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng cách đó gần chục km. Mãi mấy tháng sau, có người đàn ông đến tìm, tự xưng là người được ông cứu trong vụ tai nạn và xin tạ ơn.
Ông lắc đầu từ chối. Sau này ông mới hay đó là Giám đốc một công ty tại Đà Nẵng, nhưng hỏi tên thì ông lắc đầu không nhớ. Ông bảo: “Mình giúp người ta lúc bị nạn mà đòi người ta trả ơn là không nên. Mình đâu có sống được từ sự trả ơn đó. Cốt sao cho lòng mình thanh thản an lành, và người đi qua đây được yên bình là mình vui lắm rồi!”.
Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm trên đèo được ông kịp thời cứu giúp, và nhiều vụ cướp giật xảy ra trên đèo cũng được ông kịp thời báo cáo với công an truy bắt. Tất cả những gì xảy ra bất thường trên cung đường đèo heo hút này cũng đều được ông giám sát và cấp báo với cơ quan chức năng xử lý.
Ngồi nói chuyện với ông, khi những chiếc xe ô tô qua đây ai cũng vẫy tay chào, ông cũng chào đáp lại. Ông bảo, hầu hết cánh tài xế đi đèo đều biết ông, ngày chưa thông hầm ông có rất nhiều bạn là những người lái xe Bắc Nam. Nhưng khi thông hầm thì ít xe qua lại nên ít gặp, một số tài xế lâu lâu lại chạy đèo ghé thăm. “Thật tình những việc tôi làm đều xuất phát từ lương tâm thôi! Tôi làm được điều gì tôi sẽ cố hết sức. Con người sống để tiếng thơm, để tích đức cho con cháu chứ phải không anh!”, ông Thọ tâm sự.
Ngoài ra, ông Thọ cũng là người tích cực tham gia phòng chống cháy rừng trên khu vực Hải Vân này. Giữa năm 2012 khi xảy ra vụ cháy rừng trên Hải Vân giữa đêm. Lúc ấy ông đang đi trên đường xuống đèo bỗng hát hiện đám khói nhỏ, ông lập tức điện báo cho Hạt kiểm lâm Hải Vân Nam, đồng thời chính ông xuống hố “cõng” nước lên cứu rừng. Dù đã cố hết sức, nhưng khi đám cháy được dập tắt thì đã thiêu rụi nhiều ha rừng, ông tiếc lắm.
Anh Huỳnh Văn Thạnh, một kiểm lâm viên trên đèo cho biết: “Nhiều vụ cháy trên đèo nhờ ông Thọ phát hiện báo cho chúng tôi ngay khi bén lửa và trực tiếp tham gia chữa cháy nên đã cứu được rừng rất nhiều lần. Ông Thọ là người tích cực tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng! Nếu không có những người như ông Thọ hết mình thì không biết bao lần rừng Hải Vân này đã bị cháy trụi rồi!…”.
Ông Phạm Tấn Xử, Chủ tịch phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Ông Thọ là một tấm gương điển hình của địa phương, hơn 25 năm nay ông đã dọn quét các am thờ cô quạnh trên đèo, giúp đỡ rất nhiều người hỏng xe, tham gia tích cực vào phong trào phòng chống tội phạm, trồng rừng trên đèo!”.
Dù tiền sửa xe trên đèo kiếm được chẳng bao nhiêu, thậm chí không bằng tiền xăng và tiền hương khói mà ông bỏ ra, nhưng ngày ngày người ta vẫn thấy ông Thọ ở trên đèo. Chiều muộn tôi đành phải chia tay ông khi sương xuống, mưa sắp kéo đến. Ông lại chuẩn bị thắp hương cho các am thờ dọc ven đường trước khi xuống núi.
Chuyện của người đàn ông tự nguyện quét dọn các ám thờ thật đáng quý. Điều đáng quý hơn là suốt mấy chục năm nay, với công việc ứng trực trên đèo đã giúp rất nhiều người đi đường gặp nạn và chính ông cũng đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ an ninh trên tuyến đường đèo nguy hiểm này.