Đoàn quân Tây Tiến oai hùng vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết tử cho độc lập tự do của Tổ quốc đã ghi dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Những người lính anh hùng đã đi vào thơ Quang Dũng và trở thành hình tượng nghệ thuật đặc biệt về một “đoàn quân không mọc tóc”.
Lính Tây Tiến mãi mãi ‘‘mùa xanh xưa”
Gần bảy mươi năm đã qua đi, những cựu binh trong đoàn quân anh hùng đó nay có còn cũng đã ở tuổi bách niên. Một buổi mùa hè 2014, tôi may mắn được trò chuyện với bác Nguyễn Xuân Sâm - nguyên Đại đội trưởng, chính trị viên của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Sinh năm 1928 tại Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, người cựu binh ôn kể cho tôi nghe về lịch sử đoàn quân anh dũng mà mình được trực tiếp tham gia ngay từ những ngày đầu.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tập trung lực lượng vào nhiệm vụ củng cố chính quyền, xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân. Thời gian này, Đảng ta coi trọng xây dựng lực lượng quân sự địa phương. Tháng 10 năm 1945 Chính phủ quyết định tổ chức 12 chiến khu trong cả nước để tiện chỉ đạo và phát huy khả năng độc lập từng địa phương trong nhiệm vụ “kháng chiến kiến quốc”.
Ngày 27/2/1947, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia quyết định thành lập mặt trận miền Tây (Tây Tiến) do đồng chí Hoàng Sâm (Khu trưởng chiến khu II), đồng chí Lê Hiến Mai (Tham mưu trưởng chiến khu II) trực tiếp chỉ huy mặt trận Tây Tiến. Với những chiến công hiển hách ở mặt trận phía Tây, đội quân Tây Tiến I được nhân dân nơi đây trìu mến gọi với cái tên “Đội võ trang thanh sát miền Tây”. Tháng 2 năm 1947, Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập với nòng cốt là các chiến sĩ Tây Tiến I.
Đặt tên đất là Tự Do
Tham gia Tây Tiến ngay từ những ngày đầu, với bác Sâm, những năm tháng chiến đấu bên đồng đội là những năm tháng không thể nào quên. Thuộc lớp thanh niên đầu tiên của Thủ đô đặt chân lên vùng đất này trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, bác kể: “Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), đồng bào các dân tộc Tây Bắc vẫn phải chịu sự cai quản của bộ máy Phìa Tạo là tàn dư của chế độ thực dân cũ. Quân Pháp ra sức lôi kéo các thổ ty, thổ lang phá hoại thành quả cách mạng.
Đội Tây Tiến I chính là những học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức Hà Nội có nhiệm vụ đánh trả bọn Phìa Tạo. Tôi cũng vinh dự là thành viên được đứng chân trong hàng ngũ của đội quân anh hùng ấy. Tình hình giặc ở miền Tây và thượng Lào rất khẩn cấp, chúng tôi được lệnh lên đường ngay, ngăn chặn lữ đoàn quân Pháp ở Vân Nam theo đường Lai Châu xuống. Lữ đoàn này khoảng 6.000 quân gồm 2 tiểu đoàn Âu - Phi và 5 tiểu đoàn lính khố đỏ do tướng A-lếch-xăng-đờ-ri chỉ huy”...
Nhắc về chiến trường miền Tây, bác nhớ nhất những ngày tháng thực hiện nhiệm vụ tại Ngọc Lâu, nay thuộc xã Tự Do huyện Lạc Sơn. Ngày đó, Ngọc Lâu vẫn là một vùng trắng cách mạng, với địa thế là một xã vùng cao, vùng sâu, nằm về phía Tây Nam của huyện, cách trung tâm 22km. Phía Đông Bắc giáp xã Ngọc Lâu; phía Đông giáp xã Thạch Lâm (Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa); phía Nam giáp xã Lương Nội (Thạch Thành, Thanh Hóa); phía Tây giáp xã Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa); phía Bắc giáp xã Ngọc Sơn.
Cách trung tâm huyện lị không xa - nơi quân Pháp đang đóng chiếm. Tuy nhiên, việc quân Pháp có thể chiếm được vị trí này là điều không dễ dàng. Từ thị trấn Vụ Bản vào Ngọc Lâu, phải qua dốc Trắng Cọ. Đây là một con dốc hiểm trở mà theo kí ức của bác Sâm khi đó thì chỉ cần bốn người lính Tây Tiến là có thể chặn được một đoàn quân địch. Khi đó, Ngọc Lâu thuộc sự cai quản của nhà lang Quách Sức.
Nhận định đây là địa điểm có vị trí chiến lược nên bác cùng đồng đội được giao nhiệm vụ làm công tác dân vận, nắm địa bàn, tạo cơ sở cho bộ đội Tây Tiến. Bằng công tác dân vận tốt, bộ đội Tây Tiến đã thu phục được lòng dân, được sự ủng hộ của nhà Lang dành cho Việt Minh. Mảnh đất từng là vùng trắng cách mạng trước đó nay trở thành chiến khu, trở thành nơi đóng quân, mở rộng địa bàn của đội Trinh sát võ trang miền Tây. Người dân nơi đây hiểu về cách mạng, đồng lòng ủng hộ Việt Minh, ủng hộ lính Tây Tiến hoàn thành nhiệm vụ trấn giữ biên cương, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Ngay sau khi thu phục được Ngọc Lâu, bác Nguyễn Xuân Sâm cùng Ban chỉ huy khi đó quyết định đặt cho vùng đất này một cái ten mới. Vùng trắng cách mạng ở Ngọc Lâu được đặt tên là Tự Do. Cái tên xã Tự Do nơi huyện Lạc Sơn đã được đặt và ra đời vào năm 1948 như thế.
Tâm nguyện của người lính già
Trở về từ chiến trận, tham gia xây dựng đất nước trong thời bình, những cựu binh Tây Tiến năm xưa đã thành lập Ban liên lạc nhằm tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh cũng như động viên, chia sẻ với những người còn sống. Cho tới ngày hôm nay, Ban liên lạc Tây Tiến đã được thành lập và hoạt động hiệu quả.
Kể lại những hoạt động của Ban liên lạc Tây Tiến, bác Sâm vừa vui, vừa không giấu được nỗi xúc động nghẹn ngào. Gần đây nhất, nhân kỉ niệm 25 năm, ngày mất của nhà thơ Quang Dũng được tổ chức tại Hòa Bình, cựu binh Tây Tiến I còn sống ngoài bác còn có bác Quang Thường. Giờ thì bác Quang Thường đã khuất núi. Nhắc tới đồng đội cũ, bác Sâm chia sẻ: “Đoàn Tây Tiến I chỉ còn mình tôi, tôi phải đi để trọn nghĩa với đồng đội. Con đường bộ đội Tây Tiến đi qua là đường mòn chiến lược nên rất nhiều anh em đã ngã xuống. Dọc các nghĩa trang Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu..., hầu hết những nấm mộ rải rác đều vô danh”. Trên chặng đường viễn chinh của cha ông ngày nào, có một cung đường ở TP Hòa Bình nay vinh dự được đặt tên “Tây Tiến” (thuộc phường Thái Bình, điểm đầu của tỉnh lộ 435). Nơi đây đã từng diễn ra những trận đánh lẫy lừng của Trung đoàn 52 Tây Tiến, như: Dốc Cun, Suối Rút, Chợ Bờ, Vụ Bản...
May mắn cùng tham gia buổi tọa đàm hôm đó, tôi đã được nghe bác Sâm kể chuyện với tư cách là bạn thân của nhà thơ Quang Dũng. Với bác Sâm, tình bằng hữu tri kỷ của người lính - bạn thơ luôn đi theo bác. Trong các câu chuyện về người bạn của mình, bác thường nhắc tới câu chuyện: Một lần, Quang Dũng đến tôi chơi, cùng lúc một bạn thơ - bạn lính khác là Dương Tường cùng đến. Quang Dũng khoe tôi hai câu thơ mới tâm đắc: “Trung ương còn đóng quanh Hà Nội/ Giày vải Bác Hồ phơi bờ ao”. Hay quá!
Vậy là với chỉ một câu thơ mở đầu, ba người lính, ba người bạn cùng vui với chén rượu, bàn về câu thơ...
Kỉ niệm với bạn bè, ân tình với đồng đội đã cùng nằm gai, nếm mật khiến bác Sâm thấy nhiều hơn trách nhiệm của người còn lại là mình. Năm nay, bác Sâm đã ở vào tuổi gần chín mươi luôn ấp ủ tâm nguyện: Còn khỏe ngày nào, bác còn trở lại các cung đường mà bộ đội Tây Tiến đã đi, đã anh dũng chiến đấu, không quản ngại hi sinh, gian khổ. Còn khỏe, bác còn tham gia hoạt động của Ban liên lạc Tây Tiến - Ban liên lạc đã, đang và vẫn sẽ hoạt động, đồng hành cùng các thế hệ sau trong hành động tri ân cha anh, người thân của mình đã ngã xuống, đã không tiếc máu xương cho hòa bình, hạnh phúc của mỗi cá nhân ngày hôm nay.
.