Phóng sự

Thực phẩm chức năng không đạt chất lượng đang tung hoành

15:28, 05/07/2014 (GMT+7)
Cơ quan chức năng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa phát hiện một loạt sản phẩm thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, tỷ lệ các hoạt chất chính trong sản phẩm rất thấp, thậm chí không có, khác xa với những gì được các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối công bố, quảng cáo.
 
Trong số 18 mẫu thực phẩm chức năng (TPCN) được Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gửi đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) để kiểm nghiệm chất lượng cho thấy có nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm. Trong số này có 12 mẫu hoàn tất kiểm nghiệm thì đến 10 mẫu sản phẩm không đạt về chỉ tiêu chất lượng.
 
Điển hình như hai loại TPCN Genki 6 và Genki 9 King’s Secrets (do Công ty Cổ phần thế giới Khoa học và tự nhiên ở TP.Hồ Chí Minh nhập khẩu, phân phối) được quảng cáo là có xuất xứ tại Mỹ và Nhật Bản với hoạt chất chính là sâm Ginseng noisde nhưng theo kết quả của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia và Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) thì không phát hiện các hoạt chất trên trong các sản phẩm này. Hiện giá bán của 2 sản phẩm này trên thị trường từ 500 - 560 nghìn/hộp.
 
Nhiều sản phẩm TPCN không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đã quảng cáo
Nhiều sản phẩm TPCN không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đã quảng cáo
Đối với sản phẩm TPCN Complebiol 4 Joints loại hộp 30 viên, số lô 31460, ngày sản xuất; không có, HSD: 12/2016 (do Công ty Cổ phần thế giới Khoa học và tự nhiên ở TP.Hồ Chí Minh nhập khẩu, phân phối) hàm lượng Glucosamin công bố là 215mg/1viên nhưng khi kiểm nghiệm chỉ đạt 156,6mg/viên (đạt trên 60% so với công bố). Hàm lượng Vitamin D3 nhà nhập khẩu công bố 950 UV/viên nhưng thực tế kiểm nghiệm chỉ đạt 6,0 UV/viên, thấp hơn rất nhiều (150 lần) so với hàm lượng công bố. Hiện hàng chục nghìn hộp TPCN các loại này đã bị thu giữ.
 
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Chi cục QLTT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh, đối với các sản phẩm TPCN, chất chính là hoạt chất trong thành phần quyết định công dụng của sản phẩm. Như vậy, những sản phẩm này có thể coi là hàng giả.
 
Ông Vương Trí Dũng, Phó Cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cũng cho rằng, theo quy định của Nghị định 85, những sản phẩm hàng hóa khi đưa vào lưu thông mà có chất lượng dưới 75% thì được coi là hành vi giả mạo. Đây có thể coi là vụ việc khá điển hình giữa việc kiểm soát đủ nhưng mà không đúng. Đủ các loại giấy tờ khi nhập khẩu, đủ giấy tờ khi đưa sản phẩm lưu thông ra thị trường nhưng lại không đúng về chất lượng và không đúng về mặt nhãn hiệu.
 
Đặc biệt, cơ quan chức năng còn phát hiện nhãn hiệu Genki mà công ty trên đang sử dụng vốn là nhãn hiệu độc quyền của một công ty khác. Trước những thông tin trên, cơ quan chức năng đang xem xét các dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ và dấu hiệu vi phạm hình sự để xử lý.
 
Được biết, thời gian gần đây, Cục ATTP đã xử phạt nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, khiến nhiều người tưởng nhầm đó là “thần dược” có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, với công ty Cổ phần thế giới Khoa học và tự nhiên ở TP.Hồ Chí Minh trong vòng 6 tháng đã vi phạm tới 9 lần thì không hiểu với mức xử phạt theo Luật thì đã đủ mức răn đe, và đã đủ khiến doanh nghiệp không nhờn thuốc.
 
Theo ông Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, việc quá nhiều sản phẩm có chỉ tiêu hàm lượng các chất không đạt như công bố, thậm chí không phát hiện hoạt chất chính được công bố trong sản phẩm là vấn đề rất đáng quan tâm. Điều này cho thấy thực trạng rất đáng ngại về chất lượng các loại TPCN đang lưu hành trên thị trường hiện nay.
 
Vì theo Luật ATTP, TPCN khi đưa ra thị trường phải thử nghiệm công dụng của thực phẩm, nhưng đến nay chưa triển khai. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ phải có chứng nhận hợp quy và thường do một đơn vị thứ 3 thực hiện mới cho kết quả khách quan. Thế nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp lại được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm và sau khi được cơ quan quản lý công bố là sản phẩm được lưu hành. Và cũng không có quy định nào về quản lý giá của TPCN. Giá TPCN do từng công ty công bố.
 
Với những dẫn chứng trên, có thể thấy, các cơ quan chức năng dường như đang buông lỏng quản lý đối với mặt hàng TPCN bởi hiện nay có hàng nghìn trang mạng rao bán TPCN với giá trên trời và quảng cáo TPCN như “thần dược”, nhưng không có cơ quan nào xử lý được.
 
Và với các sản phẩm TPCN, hàm lượng mỗi thành phần rất quan trọng nhưng khi hàm lượng không đạt thì sản phẩm sẽ không mang lại tác dụng và như vậy cũng là một hình thức đánh lừa người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ cơ quan chức năng cứ để cho TPCN mặc sức tung hoành mà không có một biện pháp mạnh tay nào để xử lý triệt để vấn đề trên. Và lại đặt sự “thông thái” lựa chọn sản phẩm TPCN lên vai người tiêu dùng.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác