(Congannghean.vn)-Ngày ấy, hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những thế hệ TNXP không tiếc tuổi xuân, có những người đã nằm lại trong lòng đất mẹ, có những người trở về sau chiến tranh mang trong mình thương tật, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, cô đơn lúc xế chiều.
Chúng tôi đến gặp bà Phạm Thị Nhì (SN 1950) ở xóm Mỹ Hạ, xã Hưng Lộc, TP Vinh vào một ngày giữa tháng 7 khá dịu mát. Biết bà đang đi chợ, tôi đợi sẵn ở cổng chợ để theo bà về nhà. Tấm thân gầy gò, mảnh khảnh cố gắng đạp xe thật nhanh để đón chúng tôi. Đã ngoài 60 tuổi, bà Nhì trông già hơn tuổi rất nhiều. Bên ấm nước chè xanh, bà bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của mình - người đàn bà đi qua một thời hoa lửa nhưng cũng lắm buồn tủi.
Năm 1972, chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, cô gái vừa tròn 20 tuổi Phạm Thị Nhì đăng ký tham gia TNXP. Bà được biên chế vào đơn vị 3094, Tổng đội TNXP 309. Nhiệm vụ chính của đơn vị là túc trực ở những vị trí trọng yếu để bảo vệ, mở đường, tải đạn, lương thực, nối mạch giao thông, san lấp hố bom cho những đoàn xe chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng cựu TNXP vẫn nhớ như in những ngày tháng cùng đơn vị hành quân khắp các chiến trường ở Nghệ An. Hồi đó bà có mặt ở những tuyến đường huyết mạch, địa điểm ác liệt nhất như phà Bến Thủy (Vinh), Cầu Cấm (Nghi Lộc), Cây Chanh (Anh Sơn)…
Cựu TNXP Phạm Thị Nhì |
“Có những hôm còi báo động vài ba lần, Mỹ liên tục dội bom, tiếng bom đạn, máy bay gầm rú suốt ngày đêm, nhận lệnh của chỉ huy, toàn đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Có những người bị bom dội, chôn vùi dưới hầm sâu không tìm thấy xác. Có những người tưởng chết đi sống lại”, bà Nhì nhớ lại. Chính bà cũng là người thoát chết trở về trong một lần bị địch thả bom. Đó là vào khoảng tháng 10/1972, khi ấy bà đang làm nhiệm vụ bốc vác đạn chi viện cho chiến trường thì máy bay địch thả bom. Một loạt bom dội xuống khiến căn hầm bị sập. Mùi khét của bom đạn khiến bà nghẹt thở, ngất lịm đi. Lần ấy bà may mắn được dân quân tìm thấy và sơ cứu kịp thời, còn đồng đội của bà có những người đã nằm xuống, thân xác không còn vẹn nguyên.
Bà được đơn vị chuyển lên điều trị ở bệnh viện, hồi đó bệnh viện của ta sơ tán ở tận Thanh Chương. Sau lần ấy bà Nhì trở thành thương binh với thương tật 21%. Năm 1975, bà được giải ngũ. Trở về nhà, bà làm nông giúp đỡ gia đình và tham gia một số chức vụ ở địa phương. Cuộc sống quê nhà nhiều khó khăn cơ cực, bà vừa chăm sóc bố mẹ, em gái, vừa quần quật làm việc để lo đủ ngày 3 bữa ăn cho gia đình.
Những năm tháng ở chiến trường khiến tuổi xuân trôi qua vùn vụt. Ngày ấy, trước khi tham gia TNXP bà đã có người yêu, ông là bộ đội nhưng hy sinh ở chiến trường. Từ đấy bà cũng khép lòng mình lại, chẳng yêu ai nữa mặc dù trong làng có rất nhiều người đến dạm hỏi. Bạn bè cùng trang lứa của bà ai cũng có gia đình riêng, còn bà vẫn đi về một mình. Bà ở vậy làm tròn nghĩa vụ của một người con hiếu thảo với bố mẹ. Sau khi bố mẹ qua đời, bà lại tiếp tục chăm sóc người em gái. Em gái của bà cũng không lập gia đình, không có việc làm. Hiện nay hai người đang nuôi dưỡng, chăm sóc một đứa trẻ.
Trong căn nhà 2 gian mà bà được hỗ trợ xây dựng vào đầu tháng 2 vừa rồi không có tài sản nào đáng giá ngoài chiếc tivi bà dành dụm tích cóp mới mua được. Hiện nay, hai chị em bà Nhì sống nhờ vào 2 sào ruộng và chăn nuôi 2 con bò. Thế nhưng, phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì những vết thương do sức ép bom đạn khi trái gió trở trời hành hạ nên bà Nhì không thể lao động được nhiều. Giờ đây, bà sợ lắm nỗi cô đơn khi tuổi ngày một già đi, bà sợ khi bà yếu đi sẽ không có ai chăm sóc đứa bé mà đối với bà đó là tình yêu, là niềm hy vọng lớn nhất cuộc đời bà.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, cả nước có 150.000 cựu TNXP, rất nhiều người chưa được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ nào, 10.000 người và con cái đang bị phơi nhiễm chất độc da cam, phải vật lộn với cuộc sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Gần 6.000 phụ nữ từng là TNXP, dân công hỏa tuyến đang sống đơn thân, hoặc lâm vào cảnh cô đơn, không nơi nương tựa. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cựu TNXP Việt Nam xứng đáng nhận sự bù đắp vô điều kiện của xã hội, xứng đáng được có nhà ở, chăm sóc y tế, được xã hội nuôi dưỡng, giáo dục những đứa con tàn tật, bị nhiễm độc… |
.