Phóng sự
Họ không biết "ngượng"!
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) đã không thấy "ngượng" để thay mặt nhà nước của ông đòi "cái mà mình không có". Tuy nhiên, điều người ta thấy “nực cười” lại chính là họ vẫn “lu loa” rằng Việt Nam “bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật”.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam |
Ngày 23/5 tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đáp trả lại, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao nước này ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương “lớn tiếng” nói: “Về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo vào thứ Sáu tuần trước, tôi cảm thấy hết sức lố bịch”. Ông này còn tuyên bố “nực cười” thế này: “Quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] là lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc” và cho rằng Việt Nam “bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật”. Trung Quốc còn ngang nhiên đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng lý lẽ hết sức yếu ớt và lời chỉ trích ngang ngược, gây “nực cười”. Đã thế, vị này còn chối bỏ việc Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đồng thời ngang ngược nói rằng Trung Quốc đã sở hữu Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sở hữu Hoàng Sa từ nhiều thế kỉ trước là thế kỉ nào? Trong khi tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội ngày 23/5, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói Việt Nam khẳng định: Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Ông Trần Duy Hải khẳng định: Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Ông Trần Duy Hải đã viện dẫn lịch sử từ thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của nước khác đối với hai quần đảo này. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị Sanfrancisco (9/1951) với sự tham gia của 51 quốc gia.
Sau đó, Hiệp định Geneve về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định, các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị Geneve 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động này. Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế đã qui định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Nói như ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia thì "theo logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được”. Nói đến thế mà Bắc Kinh vẫn “cố tình không hiểu”. Đã thế, lại còn ngang ngược, đòi chủ quyền theo kiểu “lấy thịt đè người”.
Cho nên, thế giới luôn đứng bên Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Chưa hề có nước nào lên tiếng ủng hộ "đường lưỡi bò” cũng như việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều học giả, chuyên gia cũng đã phải lên tiếng khẳng định, Trung Quốc chẳng đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào để ủng hộ, chứng minh cho đòi hỏi cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông.
Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam sẽ tính đến "phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế", như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì Việt Nam "nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Đây là tinh thần dân tộc, là điều thiêng liêng mà Trung Quốc đã biết đến qua những "Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa" trong lịch sử. Trung Quốc còn "lớn tiếng" đòi "chủ quyền" đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thật là chuyện nực cười.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam