Phóng sự

Số phận cay đắng của những lao động "chui":

Đi tìm miền đất hứa

16:01, 29/05/2014 (GMT+7)
Hai năm không được đón Tết cùng gia đình, tưởng chừng quãng thời gian đó dài như 20 năm vậy. Đó là lời tâm sự chân thật của anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Xuân Lộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Đối với anh, 2 năm làm việc bên xứ người là hai năm anh luôn sống trong cảnh phấp phỏng lo sợ.
 
Giấc mơ đổi đời bên xứ người
 
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành điện tử, cũng giống như bao thanh niên học đại học, cao đẳng trong làng, các anh đều không xin được việc. Mất một thời gian bôn ba làm thuê khắp trong Nam ngoài Bắc những mong có thu nhập để phụ giúp gia đình. Nhưng số tiền làm được cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân nên mặc dù đã 3 năm đi làm nhưng anh Tuấn vẫn chưa có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi các em đi học.
 
Năm 2010, trong dịp về quê ăn Tết, thấy trong làng mọi người kháo nhau xuất khẩu sang Trung Quốc làm ăn vừa dễ mà lại cho thu nhập cao. Tuấn liền đăng ký tên mình vào danh sách những người đi sang Trung quốc làm việc. Tuấn kể: "Thấy ở quê có một vài người vượt biên đi làm ăn bên đó, sau vài năm trở về có tiền xây nhà và có vốn kinh doanh. Thấy vậy ai cũng ham và thế là thanh niên trong làng chúng em đều đi cả. Em đăng ký đợt này cũng mong mình có cơ hội đổi đời và chỉ mong sau hai ba năm là có tiền cưới vợ".
 
Theo như Tuấn cho biết, đầu mối dẫn sang Trung Quốc lao động là một người phụ nữ tên Hương. Bà này trước đây cũng đã từng lao động bên Đài Loan và sau chục năm lưu lạc nơi đất khách quê người, bà Hương trở về quê tìm người dắt mối sang bên Trung Quốc lao động. Về quê, đi đến đâu, bà cũng vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng bên Trung Quốc, chính vì vậy không chỉ có người dân xã Xuân Lộc mà ngay như người dân xã khác cũng tìm đến bà nhờ dắt mối.
 
Sau khi gom đủ người, bà Hương nhờ một người đàn ông tên Quang dẫn nhóm người lao động này sang Trung Quốc. Để có được tiền làm lộ phí đi đường, Tuấn đã phải bán chiếc xe máy duy nhất của gia đình và vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền tàu xe. Sau khi có đóng tiền cho bà Hương,  Tuấn cùng với những người trong làng bắt đầu lên đường sang Trung Quốc đúng vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch.
 
Tuấn kể: "Lúc đầu cả nhóm gần 20 người bắt xe lên bến xe Giáp Bát, tiếp đó chúng tôi lại bắt xe lên cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) vì Quang hẹn gặp chúng tôi ở đó. Đến nơi, chúng tôi phải đợi gần một tiếng tên Quang mới xuất hiện. Người này nói chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi vì đến tối cuộc hành trình sang Trung Quốc mới bắt đầu".  
 
Đến gần tối, nhóm của Tuấn được lệnh xuất phát. Từ cửa khẩu Đồng Đăng, nhóm Tuấn phải bắt xe ôm đi khoảng 4km nữa thì đến một ngôi nhà. Đến nơi thấy trong nhà có hơn 30 người đang ngồi đợi và theo như lời Tuấn nói thì những người này đều ở huyện Nông Cống và được người tên Quang giới thiệu sang.  Đợi đúng đến 21 giờ, cả nhóm cùng với đoàn người ở huyện Nông Cống bắt đầu xuất phát. Vì theo như Quang nói, đi ban đêm thì sẽ an toàn hơn vì không sợ Biên phòng Việt Nam và Cảnh sát của Trung Quốc phát hiện.
 
Đi bộ chừng hơn 3 cây số, đoàn Tuấn gặp tiếp vài nhóm người đang ngồi nghỉ dọc hai bên đường. Qua hỏi thăm, những nhóm người này họ đều là những lao động nghèo ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang… Sau khi nghỉ được 5 phút thì cuộc hành trình lại tiếp tục.
 
Con đường để vượt biên trái phép là những lối mòn
Con đường để vượt biên trái phép là những lối mòn
"Chúng tôi đi bộ phải mất một ngày, một đêm mới tới nơi. Mọi người ai cũng mệt nhoài vì phải vượt qua không biết bao nhiêu núi đèo. Sau khi vào đến nội địa thị xã Bằng Tường của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chúng tôi được nhồi nhét lên một chiếc ôtô 7 chỗ cũ nát. Chạy tiếp 200 cây số, xe chúng tôi đến một công trường xây dựng và lúc này Quang xuống xe làm thủ tục với ông chủ công trình một cách nhanh gọn và sau đó biến mất", Tuấn cho hay.
 
Vỡ mộng…
 
Sau khi Quang biến mất, chúng tôi được người phụ trách công trường dẫn tới một khu tập trung và khu này được chia tách thành 2 khu riêng biệt, một khu dành cho người Việt, một khu dành cho người Hoa. Ở công trường được hai ngày nhưng chưa được giao việc, chúng tôi gọi điện cho Quang thì Quang nói cứ nghỉ ngơi một vài ngày nữa rồi chủ công trình sắp xếp công việc. Anh ta lúc đó quay trở về Lạng Sơn để đón tiếp một tốp thợ nữa.
 
Khi hỏi tiền công một tháng bao nhiêu thì Quang nói qua điện thoại là mỗi tháng được 10 triệu sau khi trừ chi phí ăn ở thì còn 7 triệu một tháng. Tin lời Quang, tất cả nhóm thợ bắt tay vào công việc và sau khi làm được khoảng 10 ngày thì nhóm người của Tuấn không một ai còn tiền để mua cơm ăn. Tuấn gọi điện về cho Quang bảo ứng tiền ăn cho cả nhóm thì Quang nói đã làm việc với ông chủ và nếu thiếu tiền ăn thì cứ lên xin ứng với chủ công trình.
 
Rất ít lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê bằng con đường chính ngạch
Rất ít lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê bằng con đường chính ngạch
 
Cũng may trong nhóm thợ đi với Tuấn có một người biết tiếng Trung vì trước đấy anh ta có sang Trung Quốc làm một năm. Khi hỏi chủ thầu Trung Quốc thì tất cả mọi người mới vỡ lẽ là bị Quang lừa. Thực chất Quang đã cầm số tiền 30 triệu mà chủ thầu công trình đã ứng trước đó nhưng lại không ứng cho nhóm của Tuấn. Không những thế số tiền  lương 10 triệu/tháng mà Quang hứa trả cho mọi người thực chất là không được như vậy. Toàn bộ ký kết hợp đồng với phía Trung Quốc chỉ có mình Quang biết còn nhóm thợ mà Quang đưa sang thì không biết nội dung hợp đồng và việc đàm phán diễn ra như thế nào.
 
"Khi gặp chủ thầu thì chúng tôi được biết phía bên Trung Quốc giao cho chúng tôi công việc là trát tường và tiền lương được tính theo sản phẩm công việc. Mỗi mét vuông chúng tôi được họ trả  6 nhân dân tệ, tính ra chỉ được hơn 20.000 đồng tiền Việt mà thôi", anh Tuấn cho hay. Biết là bị Quang lừa nhưng không còn cách nào khác, nhóm thợ cùng đi với Tuấn vẫn cắn răng chịu khổ để làm. Làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, mỗi người chỉ được trả tiền công chừng 150.000 đồng.
 
Trước đồng lương rẻ mạt như vậy, ai cũng tỏ ra bất bình và phản đối bởi tiền công đó không bằng thu nhập ở quê. "Lúc biết việc chúng tôi bức xúc gọi điện cho Quang thì anh ta nói mọi người cố gắng làm việc rồi đợi anh ta sang. Đợi hơn một tuần không thấy tăm hơi Quang đâu, chúng tôi bàn bạc và nói nếu ở lại làm thì tiền công không bằng ở nhà nên chỉ còn cách bỏ về Việt Nam. Nhưng để trở về việt Nam thì phải có tiền nhưng số tiền mà chủ thầu Trung Quốc ứng thì Quang đã cầm và không thấy tăm hơi đâu nữa. Nhiều người lên gặp chủ thầu đòi về nước, tuy nhiên, ông chủ người Hoa lại nói sẽ làm việc trực tiếp với nhóm thợ, sẽ không thông qua Quang và rồi động viên mọi người ở lại. Nhưng được mấy hôm ông chủ người Hoa lại trở mặt và ép chúng tôi làm tăng thời gian mà tiền thì chúng tôi không nhận được một đồng. Khi biết mình bị lừa, nhiều người tỏ ra thất vọng và tìm cách bỏ trốn", Tuấn chua chát kể.
 
Số lao động
Số lao động "chui" của Việt Nam được Trung Quốc bàn giao cho Bộ đội Biên phòng
 
Kể từ đây, mọi kế hoạch bỏ trốn được mọi người cùng nhau vạch sẵn. Đợi đến 12 giờ đêm 15 người được chia thành từng tốp nhỏ rồi lần lượt trốn ra ngoài. Để chắc chắn việc bỏ trốn không bị bại lộ, cả nhóm cử hai người ra trước cảnh giới giả vờ ra ngoài mua thuốc để quan sát bảo vệ công trường còn thức hay không. Khi đã thấy an toàn, tất cả mọi người cùng nhau bỏ trốn và họ chạy thục mạng ở lối đường mòn trong rừng. Tuy nhiên, 15 người chạy trốn thì 10 người an toàn trốn thoát và Tuấn may mắn là nằm trong số 10 người đó.
 
"Lúc đó, chúng tôi chỉ  biết chạy thật nhanh ra khỏi đó vì nếu chẳng may bị bắt lại thì sẽ không biết số phận mình như thế nào. Chúng tôi chạy một mạch đến gần sáng thì ra tới đường lớn và may mắn được một chiếc xe tải cho đi nhờ về bến xe trung tâm", Tuấn rùng mình khi nhớ lại cuộc trốn chạy trong đêm. Ra đến bến xe, chưa biết bắt xe đi đằng nào thì nhóm Tuấn gặp một người tên Lan quê ở Bắc Ninh. Theo Tuấn nói thì trước đây Lan cũng từng bị lừa bán sang Trung Quốc và hiện tại đang làm phiên dịch ở tỉnh Quảng Đông.
 
Khi biết ý định của nhóm Tuấn muốn làm việc ở Trung Quốc, Lan giới thiệu cho nhóm Tuấn tới một xưởng gỗ cách trung tâm tỉnh Quảng Đông hơn 300km. Vì không có tiền bắt xe lên đó nên Lan đứng ra bảo lãnh với chủ xưởng gỗ và số tiền xe sẽ được trừ dần vào tiền công. Từ đây, cuộc sống nơi xưởng gỗ của Tuấn và cả nhóm sẽ còn gặp nhiều khó khăn và khổ cực hơn nữa.

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác