Cho rằng đeo những món đồ trang sức từ nanh vuốt thú rừng sẽ gặp thời vận, may mắn, thịnh vượng, tránh được tà ma, bệnh tật… nhiều người ra sức tìm mua, săn lùng, khiến cho nanh vuốt thú rừng trở thành món hàng độc, đội giá lên tới cả chục triệu đồng. Hiệu quả thực sự thì chưa thấy đâu, nhưng thú chơi này vô tình tiếp tay cho những kẻ xấu sát hại thú rừng quý hiếm đang cần được bảo vệ…
Khẳng định "đẳng cấp"
Mỗi người tìm mua nanh vuốt thú rừng với những mục đích khác nhau nhưng đa phần họ đều gắn cho nó những "quyền năng" vô song như đạn bắn không trúng, tránh được tai họa, buôn may bán đắt, thuốc chữa bệnh nan y… Với dân buôn bán, họ hi vọng đó là bùa hộ mệnh sẽ giúp mua may, bán đắt, đem đến những điều tốt lành trong kinh doanh, thăng tiến về địa vị xã hội. Với dân cờ bạc mê đá gà, chơi số đề, cá độ… họ kháo nhau rằng, đeo nanh vuốt thú rừng sẽ "đánh đâu thắng đó". Trong khi đó, dân giang hồ đeo các loại răng hổ, răng báo… để khẳng định đẳng cấp.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nanh vuốt thú rừng khác nhau, giá cả của từng món đồ hết sức phong phú, từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Nanh gấu dài 6cm - 7cm có giá khoảng 600ngàn/chiếc, một bộ móng vuốt của gấu thường tròn và cong nhọn phần đầu, giá của chúng cũng rơi vào tiền triệu, nanh hổ dài khoảng 5cm - 8cm được bán với giá vài triệu đến chục triệu đồng, tùy theo hình dáng, chất lượng của từng món hàng. Đối với những món hàng "độc" được dát vàng, dát bạc và yểm bùa được bán với giá tiền tỷ.
Anh T., một dân chơi nanh sành sỏi ở Hà Nội cho biết: "Trong các loại nanh thì dân chơi thích nanh lợn rừng hơn cả. Họ cho rằng, đeo răng nanh lợn rừng sẽ giúp cho người đó luôn gặp may mắn, nắm bắt được thời cơ, cuộc sống thịnh vượng, tránh được những điềm gở, giải trừ ma quái và ốm đau, bệnh tật.
Giới "anh chị" trong giang hồ còn thích nanh của lợn rừng đực, bởi có tính khí mạnh mẽ và lì lợm. Một số người duy tâm cho rằng: Người làm nghề liên quan đến việc sát sinh thường đeo nanh lợn rừng có yểm bùa để phòng sự trả thù của những sinh linh. Hơn nữa, chiếc nanh lợn rừng có những điều kỳ diệu đến huyễn hoặc như khi cắm những chiếc nanh đó vào cây chuối thì cả cây sẽ chết, để tim đèn pin cháy ngang qua nanh lợn rừng, lửa sẽ tự tắt, nếu nanh đã được yểm bùa, chúng sẽ phát sáng khi ở trong tối".
Một chiếc răng hổ được rao bán |
"Giá của chiếc nanh lợn rừng đực trung bình dài từ 8 - 10 cm khoảng 500 ngàn/nanh. Nanh của lợn rừng già dài từ 12cm trở lên sẽ được bán với giá rất đắt, nanh càng cuộn tròn vòng càng lớn và càng đặc ruột thì giá rất cao, đắt giá nhất là nanh có đường kính hình cuộn tròn hơn 13cm. Một số dân chơi còn bọc bạc hoặc vàng, họ chạm trổ, điêu khắc những hình thù độc đáo như hình phật, rồng, ký tự độc đáo và được bán với giá hàng ngàn đô. Một số dân chơi còn chơi loại mặt hàng này theo tướng số", anh T. cho biết thêm.
Dân kinh doanh, đặc biệt là những người khởi nghiệp muốn sở hữu những chiếc vuốt hổ để nắm chắc hoặc tìm kiếm cơ hội chiến thắng trong cuộc sống cũng như trong thương trường. Hơn nữa, đeo móng hổ ngoài việc đem lại cho người đeo một phong cách "ngầu", sang trọng còn giúp chủ nhân tránh bị tà đạo, ma quỷ làm hại, đạn bắn không trúng! Giá cả của những chiếc móng hổ cũng rất đa dạng, nhưng rẻ nhất cũng phải đến tiền triệu. Đối với những chiếc móng được bọc, dát vàng hay kim loại thì giá có thể lên tới cả chục triệu.
Ngoài ra, theo một người rao bán các loại răng hổ, báo cho biết: "Răng báo có tác dụng…giữ của nên nhiều thanh niên rất thích mua về bọc bạc để đeo hoặc làm móc khóa. Các loại răng báo thường có giá mềm hơn răng hổ hay nanh lợn rừng". Tuy nhiên, khi được hỏi rằng dựa vào đâu mà cho rằng răng báo có thể "giữ của" thì người bán cũng lắc đầu.
Cũng như răng báo, tác dụng kì lạ của các loại nanh vuốt này hầu như người bán chỉ "nghe nói thế" chứ thực ra chẳng có ai kiểm chứng hay nghiên cứu về điều này. Ngoài ra, nhiều người còn thích chơi những món đồ "dị" như ngà voi hay hàm cá mập, dù giá của nó có thể lên tới hàng nghìn đô.
Giải thích về thú chơi ngà voi, một số "dân chơi" cho biết vì nó sang, đẳng cấp, là biểu trưng cho người quân tử và biểu trưng cho quyền lực, sức mạnh tột đỉnh. Giá thị trường chợ đen mỗi kg ngà voi khoảng 3.000 USD. Và mức giá này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, nếu khối lượng của ngà voi có trọng lượng 50kg trở lên. Với những món đồ ngà lâu năm tuổi, giá trị không phải ở trọng lượng, kích cỡ mà tùy thuộc vào độ tuổi, kiểu dáng, nguồn gốc của món đồ. Nhiều người còn thích chơi hàm cá mập, đặc biệt là cá mập trắng bởi bộ hàm của nó to lớn và bén như dao cạo. Giá của nó cũng từ dăm bảy trăm nghìn đến hơn chục triệu đồng một bộ tùy lớn nhỏ.
Thật giả lẫn lộn
Vào thời điểm hiện tại, các loại mặt hàng nói trên đều nằm trong danh mục cấm của cơ quan chức năng. Thế nhưng trước nhu cầu đòi hỏi một lượng lớn hàng nên nhiều đầu nậu vẫn cố gắng tìm được nguồn hàng để cung cấp. Nhiều chủ hàng cho biết họ đặt hàng với những đầu nậu thu mua móng vuốt tại các vùng trong các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia.
Tuy nhiên, theo như những gì tìm hiểu được, với sự quản lý gắt gao của cơ quan chức năng, việc đưa một lượng hàng lớn như vậy vào nội địa là không thể. Vì thế mà hầu như những cửa hàng rao bán nhan nhản trên các trang mạng hay các cửa hàng phong thủy hầu hết đều là đồ giả. Nhưng do hầu hết khách hàng đều là những kẻ đua đòi, bị sự "hầm hố" của các loại nanh vuốt che mắt mà không phải là người sành sỏi nên khó có thể nhận ra được độ thật giả của sản phẩm.
Ngà voi bị cơ quan Hải quan thu giữ |
Có rất nhiều cơ sở chuyên chế tác răng nanh, móng vuốt từ sừng trâu, sừng bò. Với rất nhiều mánh khóe, thủ thuật, họ đã hô biến những nanh vuốt được mua bằng vài nghìn đồng thành những món đồ trang sức giá trị hàng trăm triệu đồng. Anh H, một tay anh chị cho biết: "Việc chế những chiếc nanh, móng này hết sức đơn giản. Chỉ cần lấy móng, xương, sừng trâu bò ngâm hóa chất tẩy rửa cho trắng, sau đó dùng các thủ thuật để làm cho nó giống hệt như thật. Với nanh hổ, nanh lợn rừng đặc chỉ cần nghiền thật nhuyễn bột sừng, pha keo, sau đó nén thật chặt để cho nanh đặc. Một số cơ sở còn dùng nhựa cứng để chế giống hệt những chiếc nanh hổ, tuy nhiên nó dễ bị lộ khi người mua lấy lửa để đốt."
Anh H. cho biết thêm: "Để phân biệt nanh thật, nanh giả, không khó. Đối với nanh hổ thì nanh của chúng sẽ có phần gốc thuôn, hoa văn chìm, sắc sảo, có hình tam giác ở phần chân nanh, phần men chỗ tiếp giáp thường rõ ngấn, gốc nanh có một lằn chỉ nứt ngầm ở gốc nhưng lại không sờ thấy vết. Nanh báo thì ít lằn nứt ngầm, gốc nanh bị rỗng ruột. Nanh sư tử đều có độ mòn, lõm khuyết của men nanh, vì do sự cọ sát của nanh trên và nanh dưới nên chúng thường bị mòn một phía, nanh trên mòn bên trong, nanh dưới mòn bên ngoài.
Nanh lợn rừng thường có độ sáng chìm khi rọi dưới ánh sáng mặt trời hoặc soi qua đèn pin. Đối với các loại móng vuốt thú rừng cũng có những cách nhìn nhận riêng. Hổ, báo cùng chung họ nhà mèo nên người tinh tế sẽ phát hiện đâu là móng thật, đâu là móng giả dựa vào màu sắc của nó. Khi để dưới ánh sáng mặt trời hoặc dùng đèn pin soi, thì những đường vân tinh tế hiện ra. Tuy nhiên, cách hữu hiệu nhất là hơ qua lửa xem có mùi khét của nhựa không là biết ngay đâu là hàng giả, hàng thật. Nhưng không phải lúc nào người chơi cũng kiếm được hàng thật vì nanh giả hiện nay được chế tác rất tinh vi".
Mê tín và làm tăng tệ nạn săn bắn thú rừng
Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục đeo nanh vuốt thú rừng xuất phát từ một số người dân tộc thiểu số ở nước ta ngày xưa. Họ coi đó là bùa hộ mạng giúp tránh thú dữ, gặp may mắn trong săn bắn vì nó làm tôn thêm vẻ uy nghiêm và mạnh mẽ của con người trước thiên nhiên hoang dã.
Trước năm 1975, ở Việt Nam, các loại nanh có giá trị thấp. Thế nhưng khoảng hai chục năm trở lại đây thì nanh thú rừng, đặc biệt là nanh heo rừng bắt đầu có giá trị khi được các dân buôn bán làm ăn hay dân chơi cờ bạc, dân giang hồ đổ xô lùng sục mua cho bằng được để bọc vàng dát bạc làm đồ trang sức đeo trên người. Nó trở thành một thứ "vàng trắng" đem lại lợi nhuận béo bở.
Với giới buôn bán vốn có chút niềm tin tâm linh thì quan niệm nanh thú rừng như một thứ bùa hộ mạng may mắn sẽ giúp họ thâu tóm thời vận luôn thịnh vượng, đem đến những điều tốt lành trong kinh doanh, thăng tiến về địa vị xã hội, đem lại những khoản hợp đồng kinh tế có lợi cho họ, tránh bị đối thủ chơi xấu sau lưng. Còn với dân cờ bạc như đá gà, chơi số đề, cá độ… thì kháo nhau rằng mang nanh heo rừng trên người sẽ được yểm trợ cho chơi đâu thắng đó….
Dù chưa ai khẳng định được công dụng thật sự của nanh thú rừng, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua niềm tin về cho mình. Nắm bắt tâm lý đó, nhiều kẻ gian cố tình trục lợi để làm hàng giả bán với giá trên trời. Công dụng thì chẳng biết đến đâu, chỉ biết nhiều "đại gia" mất tiền oan vì mua phải đồ giả. Và vô tình, thú chơi nanh thú rừng lại tiếp tay cho nhiều kẻ xấu tận diệt nguồn thú rừng quý hiếm, khiến tài nguyên động vật rừng bị chảy máu và dần cạn kiệt.
.