Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201405/tre-con-que-tre-con-pho-va-nhung-yeu-thuong-vo-dieu-kien-481807/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201405/tre-con-que-tre-con-pho-va-nhung-yeu-thuong-vo-dieu-kien-481807/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trẻ con quê, trẻ con phố và những yêu thương vô điều kiện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/05/2014, 14:45 [GMT+7]

Trẻ con quê, trẻ con phố và những yêu thương vô điều kiện

Những đứa trẻ nơi này lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Chúng sớm đã thích nghi với điều kiện thiếu thốn và thiên nhiên khắc nghiệt. Trong khi đám người lớn dưới xuôi chúng tôi đã áo đơn, áo kép mà răng vẫn va vào nhau lập cập, thì bọn trẻ ở đây ăn mặc rất phong phanh, chỉ một vài cái áo mỏng, cũ mèm; đứa nào “sang” hơn thì có thêm cái áo bông đã sờn rách, và đa số chúng đều… không mặc quần, đôi chân để trần, không tất, cũng chẳng giày dép.
 
Một ngày mùa đông se sắt gió, chiếc xe ôtô bán tải đời mới “cõng” đám dân du lịch chúng tôi chòng chành vượt qua những con đường ngoằn ngoèo nhỏ như sợi chỉ. Con đèo hiểm trở vắt vẻo lưng chừng núi, lưng chừng trời đưa chúng tôi tới xã Y Tý, một trong những xã vùng biên xa xôi, hiểm trở và nghèo đói nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sương mù dày như mưa. Cây cối cằn cỗi vì sương muối, cảnh vật bị bao phủ bởi một lớp hơi màu trắng xóa, ướt rượt và lạnh buốt. Những ngôi nhà đắp đất nứt nẻ xiêu mình trong giá rét cho thấy cái nghèo hiện hữu và ám ảnh. Những cành mận, cành đào khẳng khiu, thân mốc thếch, ủ rũ vươn lên như đang gồng mình chống lại thiên nhiên quá khắc nghiệt. Bóng dáng con người ở nơi này thật hiếm hoi. Họ đi đâu hết rồi nhỉ? Hay đang ngủ vùi trong những ổ rạ ấm, bên bếp lửa bập bùng với hương rượu ngô cay nồng, thơm lựng đặng quên đi cái rét, cái đói đang bủa vây?
 
Rồi quá trưa, mặt trời cuối cùng cũng ló rạng. Ánh nắng yếu ớt chẳng đủ để làm tan sương, nhưng cũng đủ để đánh thức con người lục tục bắt đầu một ngày mới muộn mằn và ủ ê. Những người đàn ông co ro trong chiếc áo nhuộm chàm, lủng lẳng con dao đi rừng bên lưng, lầm lũi len lỏi trong những vườn đào, vườn mận, lọ mọ lên núi chặt củi, đào măng, thăm bẫy thú… Những người phụ nữ trong chiếc váy xòe bạc thếch, lủi thủi ra bậc cửa ngồi đăm chiêu, mắt xa xăm như chờ đợi một điều gì mông lung, xa ngái. Bàn tay to xù, nứt nẻ của họ thì bận bịu mân mê đám dây đay rối bời. Chỉ có trẻ con là sinh động nhất. Dường như giá rét cắt da cắt thịt và cái bụng rỗng đang réo òng ọc chẳng ngăn được chúng chơi đùa. Những tràng cười xủng xoảng của đám trẻ là âm thanh tươi vui nhất ở đây.
 
Những đứa trẻ nơi này lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Chúng sớm đã thích nghi với điều kiện thiếu thốn và thiên nhiên khắc nghiệt. Trong khi đám người lớn dưới xuôi chúng tôi đã áo đơn, áo kép mà răng vẫn va vào nhau lập cập, thì bọn trẻ ở đây ăn mặc rất phong phanh, chỉ một vài cái áo mỏng, cũ mèm; đứa nào “sang” hơn thì có thêm cái áo bông đã sờn rách, và đa số chúng đều… không mặc quần, đôi chân để trần, không tất, cũng chẳng giày dép. Những phần da thịt không có áo quần che chắn đều tím thâm lại vì lạnh, nứt nẻ vì hanh khô. Có người bảo phải chăng cái lạnh khiến chúng phải hoạt động nhiều để cơ thể tự ấm lên? Tôi cũng không rõ lý do, nhưng rõ ràng, chúng dường như rất vui vẻ và không hề bận tâm tới sự thiếu thốn, nghèo đói của mình, hay giả chăng, chúng sinh ra đã quen với điều ấy quá rồi.
 
Xót xa, cô bạn tôi nhảy phắt khỏi xe, hối hả tháo khăn, cởi áo khoác cho bọn trẻ, vẻ mặt cô ngậm ngùi còn đôi mắt thì loang loáng nước. Cô bạn còn “huy động” khăn áo thừa của cả đoàn để mặc cho đám trẻ. Bọn trẻ thấy lạ, cứ tròn mắt nhìn. Lọt thỏm trong những cái áo lông ấm, chúng ngơ ngác nhìn đám người lạ, rồi lại nhìn nhau, chỉ trỏ và cười khanh khách. Có lẽ chưa bao giờ chúng thấy bạn bè mình lạ lẫm đến vậy trong mớ áo sống đắt tiền. Trước khi đi, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kẹo bánh. Cô bạn lại vội vàng bóc hết gói nọ đến gói kia chia cho bọn trẻ.
 
 
Thoạt tiên, lũ trẻ còn ngơ ngác, ngại ngùng. Nhưng những giây phút ấy trôi qua rất nhanh. Chúng rất dễ làm quen và rất dễ bắt chuyện. Những bàn tay bé xíu, đen đúa, sưng lên vì cước, rụt rè cầm lấy những chiếc kẹo. Những khóe miệng xinh nhoẻn cười. Những đứa lớn bóc kẹo, bỏ tọt vào miệng.  Những đứa bé hơn còn loay hoay không biết phải bóc kẹo như thế nào, vì chúng chưa bao giờ được ăn. Những khuôn mặt bầu bĩnh lem nhem, những đôi má phúng phính hây đỏ bỗng như bừng sáng. Đám bạn đồng hành của tôi cứ đứng ngây ra nhìn bọn trẻ, vừa ngậm ngùi chua xót, vừa sung sướng. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng những viên kẹo, những chiếc bánh lại có thể đem tới nhiều niềm vui đến vậy. Chạnh lòng, tôi nghĩ tới đám trẻ con ở phố, những đứa trẻ sinh ra đã đủ đầy, sung túc, dường như chúng chưa từng được hạnh phúc như vậy dù thường xuyên được nhận những món quà, những thứ đồ chơi hiện đại tính bằng ngoại tệ.
 
Nếu đám trẻ ở phố được cho bánh kẹo bởi người lạ, chắc chắn chúng sẽ chẳng bao giờ nhận một cách vui vẻ như vậy và cũng chẳng bao giờ có những ánh mắt thân thiện như thế, dù chúng cũng chỉ là trẻ con. Bởi đám trẻ ở phố luôn được bố mẹ chúng nhắc nhở rằng: “Không được nhận bất cứ thứ gì từ người lạ”. Tôi được sinh ra và lớn lên ở phố. Tôi đã từng là một đứa trẻ như vậy. Từ hồi mới biết nhớ, tôi luôn nhớ nằm lòng lời dặn của cha mẹ, bởi thế giới bên ngoài đầy những hiểm nguy và cạm bẫy. Một đứa trẻ non nớt cần có sự cảnh giác nhất định để không bị tổn thương, không bị lừa gạt, không bị bắt cóc… đó là những nỗi sợ hãi thường trực và ám ảnh mỗi khi ra phố, cứ như thể bước chân ra đường là bước vào thế giới rối ren vậy. Suy nghĩ của người lớn đã ăn sâu vào tâm hồn trẻ thơ. Những hiểu biết và trải nghiệm cay đắng của người lớn đã trở thành bài học để răn dạy lũ trẻ nhỏ. Điều ấy đương nhiên rất đúng đắn, rất hữu ích, nhưng phải chăng quá bất nhẫn với những tâm hồn non trẻ?
 
Với những lời cảnh báo, răn dạy như vậy từ người lớn, trẻ nhỏ không còn nhìn thế giới với đôi mắt trong biếc của chúng nữa, mà xen vào đó là những hoài nghi, ngờ vực. Chúng không còn tin vào lòng tốt và những yêu thương vô điều kiện nữa, bởi cha mẹ chúng đã dạy rằng “chẳng có ngọt ngào nào là miễn phí cả”. Với những bàn tay chìa ra, với những bánh kẹo được cho từ người lạ, đám trẻ ở phố không cư xử như những đứa trẻ vùng cao, không phải bởi chúng không thiếu thốn, không đói khát, mà bởi chúng không có những hồn nhiên, thơ ngây vốn dĩ là điều tất nhiên của một đứa trẻ. Có quá nhiều cái bẫy đâu đây, nên dường như đến một đứa trẻ cũng phải nhìn thế giới bằng con mắt nghi ngại. Niềm tin trở thành điều xa xỉ.
 
Có những đám người như chúng tôi, cứ vài ngày trong tháng lại quyết định rời xa thành phố tấp nập người, túi bụi xe cộ để lên đường tới một vùng đất mới mẻ, xa xôi nào đó. Những chuyến đi chẳng biết tự bao giờ đã trở thành một nhu cầu tất yếu, như một liều dược liệu cho tinh thần, giúp chúng tôi tìm lại niềm tin vào con người, vào lòng trắc ẩn và những điều tốt đẹp vẫn còn đâu đó. Ở phố, giữa những dòng người đi lại như rô bốt, cảm xúc là thứ bị giấu đi và lòng tin là thứ bị dè sẻn. Chúng tôi gọi mình là những kẻ hành khất niềm vui.
 
Hằng ngày, ở nhiệm sở, chúng tôi lên những trang mạng xã hội và thấy bạn bè mình chia sẻ nhiều tình huống bị lừa đảo hơn là những thứ mà họ sẵn sàng cho đi, và trên những phương tiện truyền thông đại chúng thì ra rả những bài học cảnh giác lặp đi lặp lại vào mỗi giờ cố định trong ngày. Chúng ta có thể bàng quan với những tin tức ấy, nhưng nó như một mạch ngầm, cứ thấm dần vào trí nhớ và tư tưởng của ta lúc nào không hay, để rồi một lúc nào đấy, ta tự thấy mình trở nên ngờ vực. Ta đã lớn lên và những vấp váp đã qua dạy cho ta rằng mọi thứ ta có đều phải trả giả, điều đó làm cho tâm hồn ta dần chai sạn. Nhưng với lũ trẻ, liệu chúng có cần biết điều ấy quá sớm? Bọn trẻ ở phố, chúng có những người cha, người mẹ thông thái, đầy hiểu biết, nhưng lại vơi cạn niềm tin. Đó phải chăng là một thiệt thòi quá lớn?
 
Đôi khi, tôi chợt băn khoăn, liệu những đứa trẻ được sinh ra ở phố, trong điều kiện đủ đầy, chúng có thật sự được hạnh phúc? Và hạnh phúc phải chăng chỉ là sự thỏa mãn về vật chất? Những con người ở phố, đám người sống trong những tòa cao ốc với lò sưởi ấm áp mùa đông, điều hòa mát lạnh mùa hè… họ có hạnh phúc hay không khi luôn phải lo sợ về những lừa lọc, cạm bẫy, khi không thể đặt lòng tin vào những điều tưởng chừng tất yếu và thuần khiết như yêu thương?
.

Nguồn: cstc.cand.com.vn