(Congannghean.vn)- Một ngày cuối tháng 4, cả nước đang cùng hướng đến dịp kỷ niệm 39 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp được gặp người lính đặc công nước năm xưa chiến đấu tại rừng Sác miền Đông Nam bộ, được nghe ông kể về những câu chuyện thời chiến đấu với những chiến công lừng lẫy...
Lính đặc công trong thời chiến
Ngôi nhà ông Phùng Bá Điền tại khối 11, phường Cửa Nam, TP Vinh những ngày này tấp nập bạn bè, anh em đồng đội. Trong cái nắng như lửa đốt đầu mùa hạ, chúng tôi ghé thăm ông. Bên ấm nước chè xanh sâu nặng nghĩa tình, đồng đội ông quây quần về đây ôn lại những kỷ niệm một thời “làm mưa, làm gió” nơi chiến trường miền Đông Nam bộ. Cái khoảnh khắc ranh giới giữa sự sống và cái chết lại hiện về chẳng thể nào quên...
Phùng Bá Điền sinh ra tại miền quê sông nước xã Nghi Hương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chính miền quê ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ông. 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ với khát vọng góp sức mình vào chiến thắng quân xâm lược, đem lại hòa bình cho quê hương. Tại Đoàn 126, Đặc công nước Hải quân Hải Phòng, một năm trời huấn luyện với những kỷ niệm ông chẳng thể nào quên.
Ông Phùng Bá Điền |
“Để trúng tuyển, điều đầu tiên phải có sức khỏe và phải biết bơi. Lần đấy, trong xã có hàng chục người đi tuyển nhưng chỉ có 3 người trong số đó đạt tiêu chuẩn để lên đường nhập ngũ”, ông Điền chia sẻ. Nhớ lắm những lần cùng đồng đội huấn luyện tập bơi ở sông Giá, cứ một lần bơi như thế 25 cây số từ sáng sớm đến chiều tối. Trưa bám phao giành 15 phút ăn lương khô rồi lại tiếp tục. Những lần vượt sông giữa cái lạnh thấm từng làn da, thớ thịt rồi vào tận xương tủy. Mỗi lần như thế, để tránh sự phát hiện của tàu chiến địch, những người lính đặc công nước phải dùng ống thở hít không khí để tiếp cận mục tiêu...
Sau một năm trời huấn luyện, năm 1971, ông Phùng Bá Điền được điều chuyển về chiến trường Đoàn 10, Đặc công rừng Sác miền Đông Nam bộ. Với những gì được huấn luyện, cộng với tình hình thực tế nơi chiến trường, ông đã cùng đồng đội “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với những người lính đặc công nước thì trong chiến đấu luôn tâm niệm một mất một còn, không thể có đường lùi. Giữa mưa bom bão đạn, ông đã cùng đồng đội vượt qua bao lần nước dữ, tiếp cận mục tiêu, bắn chìm nhiều tàu của địch. Những trận sốt rét hành hạ, những lần bơi giữa dòng gặp phải cá sấu đang chờ chực sẵn...
Tất cả luôn rình rập nhưng không ngăn nổi ý chí, không thể nào quật ngã những người lính đặc công năm xưa. Đơn vị của ông Điền hoạt động ở vùng Đông Nam bộ với nhiệm vụ tham gia đánh các tàu và kho của địch ở cảng Rạch Dừa nhằm mục tiêu không để địch vận chuyển vũ khí, khí tài, xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm đến các chiến trường, gây tổn thất cho ta.
Ôn lại kỷ niệm trong chiến đấu, mỗi lần nhắc đến, ông Điền cùng đồng đội lại rưng rưng, ánh mắt nhìn về xa xăm, ánh lên niềm xúc động lẫn tự hào. Những lần vượt sông để đánh chìm tàu địch là những lần người lính đặc công phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Sự sống chỉ trong gang tấc. Nước lớn thách thức, sự hung hãn của kẻ thù, cá sấu chực chờ... tất cả như giăng bẫy trước mắt. Ông nhớ lại: Lần ấy, ông cùng hai đồng đội có lệnh phải vượt sông vào cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu) để đánh chìm tàu địch. Ông có nhiệm vụ trinh sát, nắm rõ quy luật hoạt động, tìm cách tiếp cận tàu của địch. Chớp thời cơ địch sơ hở, 3 người đẩy khối mìn hơn 100 kg nằm dưới lưới áp sát mạn tàu, chỗ gần khoang máy hẹn giờ nổ rồi rút lui an toàn mỗi người một hướng.
Tại nơi trú ẩn, với tâm trạng hồi hộp chờ đợi... rồi tiếng nổ lớn vang cả vùng trời. Lửa khói bốc lên nghi ngút và lan sang cả làng mạc. Tiếng còi báo động kêu vang. Phương tiện ca nô, máy bay, tàu chiến của địch đến tới tấp nhưng đã quá muộn. Lần đó, sau khi đánh xong, khi bơi qua eo biển thì ông Điền bị nước cuốn trôi ra biển. Vật lộn từ 18 giờ đến sáng hôm sau mới được thuyền đến cứu. Chiến đấu oanh liệt, chiến thắng kẻ thù là thế, nhưng trớ trêu thay, có những đồng đội trên đường bơi trở về lại nộp mạng cho cá sấu. Hay để đề phòng đặc công ta tiềm nhập, bọn lính gác tàu địch thường xuyên ném thủ pháo xuống nước, nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì trúng mảnh tạc đạn khi tiếp cận mục tiêu...
Những năm trời chiến đấu tại chiến trường rừng Sác miền Đông Nam bộ, ông đã cùng đồng đội đánh chìm nhiều tàu chiến của địch. Điển hình như năm 1972, ông đánh chìm 1 tàu hàng quân sự trọng tải 13.000 tấn tại cảng Rạch Dừa, Vũng Tàu; năm 1973, đánh chìm 1 tàu hàng quân sự 10.000 tấn của địch, bắn B41 chìm 1 tàu diệt 16 tên địch tại sông Chanh; năm 1974, đánh chìm 1 tàu hàng quân sự trọng tải 11.000 tấn tại cảng Rạch Dừa, đánh phá hỏng 1 đốc nổi, cùng với du kích xã đảo Long Sơn chống càn... Với những chiến công ấy, ông Điền được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen.
Trở về đời thường
Năm 1976, ông Phùng Bá Điền xuất ngũ trở về quê hương làm việc tại Công ty Cơ giới nông nghiệp TP Vinh, đến năm 2011, ông nghỉ hưu cùng gia đình về sống tại phường Cửa Nam, TP Vinh. Trong thời chiến, bom rơi đạn nổ, sóng to, nước dữ chẳng thể quật ngã nổi ông, nhưng sau khi trở về với cuộc sống đời thường, ông lại mang trong mình nhiều bệnh tật. Năm nay vừa tròn 64 tuổi, đồng đội sau bao nhiêu năm gặp lại: “Thấy ông gầy đi trông thấy. Nước da chẳng còn được đậm đà như xưa” - một đồng đội của ông Điền cho biết. Căn bệnh ung thư dạ dày, rồi tiểu đường hành hạ ông mỗi ngày. Cũng may mắn, giờ đây 3 đứa con ông đã lớn khôn và trưởng thành.
Ông Phùng Bá Điền (ngoài cùng bên phải) bên các đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa |
Hai cô con gái đã lập gia đình, cậu con trai út là sinh viên xuất sắc tại một trường đại học có tiếng ngoài Hà Nội. Điều ông Điền băn khoăn là đã nhiều lần ông đi làm chế độ chất độc hóa học nhưng đến nay vẫn chưa được bởi bệnh của ông không nằm trong hạng mục để được xét làm chế độ. Hiện nay, ông đã làm hồ sơ gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Những chiến công, những Bằng khen, Giấy khen đã úa màu thời gian, được ông Điền cất giữ cẩn thận là thế, nhưng ngặt nỗi, Đoàn 126 Đặc công Hải quân chia làm hai: Đoàn 126a đánh từ Cửa Việt trở ra, ông Điền nằm trong Đoàn 126b đánh bổ sung ở chiến trường miền Nam. Họ đề nghị ông vào đó để xác nhận từ đơn vị nhưng năm 1977, Lữ đoàn 316 giải thể. Hiện tại, ông đang tìm đồng đội trong ban liên lạc còn sống hay không để xác nhận.
Chia tay ông Điền với những người lính cùng ông “vào sinh ra tử”, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Những cái nắm tay thật chặt, những lời hứa hẹn một dịp nào lại được ngồi quây quần bên nhau, ôn lại kỷ niệm xưa. Và từ trong tận sâu thẳm tâm hồn, những đồng đội cũng như ông Điền đều mong muốn được Nhà nước ghi nhận những gì mà các ông đã âm thầm lặng lẽ chiến đấu, cống hiến, đem lại hòa bình cho quê hương, đất nước.