Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201405/bai-hoc-dung-di-ve-long-yeu-nuoc-486569/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201405/bai-hoc-dung-di-ve-long-yeu-nuoc-486569/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bài học dung dị về lòng yêu nước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 21/05/2014, 08:39 [GMT+7]

Bài học dung dị về lòng yêu nước

Đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Uđon Thani (Thái Lan) trong một ngày nắng vàng cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi khi được trở về nơi từng in dấu bao kỷ niệm của vị Cha già dân tộc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Và hơn hết, để lại trong trái tim mỗi chúng tôi, đó là bài học về lòng yêu nước hết sức dung dị mà vô cùng đáng quý của chính những người con Việt Nam đang sinh sống tại xứ sở chùa Vàng.

 Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng ở chính giữa, để khách tới tham quan bày tỏ lòng thành kính với Người (Ảnh: Việt Hà)

Ngay từ những giây phút đầu tiên khi bước chân sang đất nước Thái Lan, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ và xúc động trước sự nhiệt tình và tình cảm nồng ấm của bác Vũ Mạnh Hùng, một Việt kiều sinh sống và làm việc tại đây. Dẫn chúng tôi vào nhà, bác Hùng hồ hởi cho biết: “Nhà bác là nơi thường xuyên tiếp đón các đoàn từ Việt Nam sang thăm Uđon Thani”. Có lẽ đối với một người Việt Nam sống xa Tổ quốc từ khi còn rất nhỏ này, được gặp lại bà con người Việt, được nói tiếng Việt Nam, được chia sẻ về quê hương chính là những cơ hội quý giá, những thời khắc có ý nghĩa mà bác Hùng luôn trân trọng.

“Uđon Thani là một tỉnh phía Bắc Thái Lan, giáp Lào, có thế mạnh là sản xuất đường. Bà con Việt kiều ở đây khoảng 10.000 người, sinh sống hòa thuận với bà con người Thái...” – câu chuyện của bác Vũ Mạnh Hùng với chúng tôi trên dọc đường đi tới Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu như vậy.

Dọc tuyến đường cao tốc, những hàng cây doong khun nở hoa vàng rực. Đi sâu khoảng 10km, mọi ồn ã biến mất; thay vào đó là không gian yên bình với bát ngát đồng lúa, những lũy tre xanh yên ả, các thị trấn, thôn làng của Thái Lan cũng hiền hòa, dễ mến như bất kỳ vùng thôn quê nào ở Việt Nam. Trong bầu không khí gần gũi, thân thương ấy, những câu chuyện về tỉnh Uđon Thani, về cộng đồng người Việt tại đây của bác Vũ Mạnh Hùng dường như càng thu hút chúng tôi. Những câu chuyện thực tế đáng khâm phục về sự vươn lên của bà con kiều bào, về tình cảm gắn bó cộng đồng giữa những người Việt tại Uđon Thani cùng với tấm lòng luôn hướng về quê hương của họ… đã thôi thúc chúng tôi muốn nhanh chóng được gặp gỡ những người con của quê hương mình ngay tại nơi đã từng ghi dấu kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Không xa sau tấm biển báo to đẹp được dựng bên đường viết bằng hai thứ tiếng Thái Lan và Việt Nam: "Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng Nỏng Ôn, xã Xiêng Phin, tỉnh Uđon Thani, Thái Lan”, một không gian yên tĩnh, trang nghiêm với kiểu kiến trúc nhà vườn Việt Nam đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Khu tưởng niệm nằm giữa làng Nỏng Ôn, lối vào được lát bê tông sạch sẽ, điểm tô bởi màu trắng hoa nhài, không khác nhiều so với khung cảnh ngôi nhà nơi Bác Hồ được sinh ra và sống thời thơ ấu.

Các thành viên Ban Quản lý Khu di tích luôn mặc những bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, chờ sẵn trên bậc thềm để tiếp đón các đoàn khách tới tham quan. Họ là các bác, các cô hầu hết đều đã ngoài 50 tuổi, sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên đất nước Thái Lan. Vừa nhìn thấy chúng tôi, các cô hồ hởi tay bắt mặt mừng thăm hỏi: “Các cháu đi đường có mệt không? Trời nắng vậy các cháu có nóng lắm không?”, rồi hướng dẫn chúng tôi cùng vào viếng Bác. Những câu hỏi thăm gần gũi và chứa đựng ân tình, những chén nước trà nồng ấm được trao gửi giữa những người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước thật đáng quý. Điều đó khiến chúng tôi – những người Việt trẻ càng thấy thấm thía hơn bao giờ hết hai tiếng “đồng bào”.

 

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Khu Di tích (Ảnh: Việt Hà)

Vào nhà tưởng niệm, trong bầu không khí trang nghiêm, mỗi người chúng tôi được trao một nén nhang thơm và cùng cúi đầu tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phút mặc niệm được bắt đầu bằng giọng hát của bác Trần Thị Bạch Vân với ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”. Giọng hát của một người Việt Nam đã gần 70 tuổi với từng ấy năm sống xa quê hương, tuy không chuyên nghiệp nhưng thắm đượm ân tình. Những giọt nước mắt đã nhòe trên mi không ai hay, chỉ biết trong sâu thẳm trái tim mỗi chúng tôi là sự xúc động nghẹn ngào, niềm tôn kính và biết ơn đối với những công lao to lớn của vị Cha già dân tộc. Không hề quá lời khi nói rằng, vào giây phút ấy, tiếng Việt Nam, làn điệu dân ca Việt Nam, văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam đẹp hơn bao giờ hết. “A ơ..., chứ trồng cây tôi lại nhớ Người, chứ rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi ơn Người bấy nhiêu”…

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên diện tích gần 1ha, gồm hai phần chính: Khu nhà ở của Bác được tái tạo và Khu nhà đa năng làm nơi thờ phụng, đọc sách, chiếu phim và trưng bày các kỷ vật liên quan đến Người…

Sau khi được xem một đoạn phim về chặng đường hoạt động của Bác Hồ tại Uđon Thani, chúng tôi được bác Trần Trọng Tài, 70 tuổi, cùng các bác trong Ban Quản lý Khu di tích tận tình dẫn đi tham quan từng bức ảnh lưu lại những kỷ niệm của Người tại đây. Những lời giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết được thể hiện cùng với ánh mắt ngời sáng niềm tự hào dân tộc, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của những người Việt tại Thái Lan. Những năm tháng gian khó ở nước ngoài cùng quyết tâm tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch qua lời kể của các bác khiến chúng tôi – những người Việt trẻ càng thêm biết ơn công lao to lớn của các thế hệ đi trước cũng như trân trọng hơn cuộc sống hòa bình, ấm no hiện tại.

Tháng 7/1928, khi từ châu Âu về Xiêm (Thái Lan), lúc đầu, Nguyễn Ái Quốc ở bản Noọng Bua (gần ga xe lửa Uđon) với các tên gọi khác nhau như: ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín... Một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Ái Quốc chuyển về bản Nỏng Ôn, xã Xiêng Phin ngày nay. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam, trong đó có kiều bào ta. Mặt khác, Người còn giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm, chữ Việt, nói tiếng Việt. Cùng với việc xây dựng tổ chức, Người còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây. Người còn giúp Việt kiều đào giếng lấy nước ăn, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn... Chính vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, trong xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Khoảng hơn một năm sau, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến hoạt động ở vùng khác, nhưng hình ảnh của ông Thầu Chín được nhiều người già ở Uđon nhắc đến như một tấm gương tốt cho các thế hệ con cháu sau này noi theo.

Trước sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt trên đất Thái, với nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế tại địa phương và xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa bà con Việt kiều và nhân dân các địa phương trên đất bạn, Chính phủ Thái Lan cũng đã nhìn nhận, đánh giá tích cực sự đóng góp của cộng đồng người Việt. Không những thế, chính quyền Thái Lan ở một số địa phương như: tỉnh Udon Thani hay Nakhon Phanom đã ra những văn bản đồng ý công nhận và cấp đất cho cộng đồng Việt kiều xây dựng, tôn tạo các khu lưu niệm mà Bác Hồ đã dừng chân năm xưa.

Được sự chỉ đạo, đầu tư, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nước, đặc biệt là Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tư vấn chuyên môn, cung cấp tư liệu lịch sử liên quan đến giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, và được sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai và kiều bào ta nên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Ôn đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012. Đây là khu di tích có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, thu hút đông đảo kiều bào ở Thái Lan, Lào, người dân Việt Nam và nhiều đoàn quốc tế đến tham quan cũng như tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng gian khổ nhưng đầy vinh quang của Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Thăm từng gian bếp, giếng nước, vườn rau, hàng rào râm bụt, kho thóc, chuồng lợn, chuồng gà, chúng tôi đều cảm nhận được trong đó có dáng dấp, hình bóng quê hương Việt Nam. Mỗi kỉ vật gắn với một câu chuyện khác nhau về cuộc đời, học tập, làm việc của Hồ Chủ tịch tại Uđon Thani. Dù còn lại không nhiều, song những mảnh ghép lịch sử ấy luôn được trân trọng và gìn giữ, giúp chúng tôi hình dung được về cuộc sống giản dị mà người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam từng trải qua. Và điều đặc biệt hơn, những kỉ vật ấy lại được giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết đến chúng tôi bởi những người Việt Nam nhiều năm sống xa Tổ quốc, thậm chí sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất Thái Lan.

Gần 400 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày, thu hút sự quan tâm của
 đông đảo du khách tới Khu di tích (Ảnh: Việt Hà)

Được đến thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gắn bó một khoảng thời gian trong cả quãng đời bôn ba tìm đường cứu nước, chúng tôi càng được củng cố và khắc sâu lòng biết ơn đối với những công lao to lớn của Người cùng các thế hệ cha, anh đã có công dựng nước và giữ nước. Được tiếp xúc với những người con Việt Nam sống xa quê hương nhưng một lòng hướng về Tổ quốc thân yêu, chúng tôi càng cảm nhận hơn bao giờ hết lòng tự hào dân tộc, tình cảm thiêng liêng đối với quê hương mình.

Lòng yêu nước chẳng phải điều gì quá trừu tượng, mà nó hiển hiện ngay trong chính trái tim và hành động dù là nhỏ nhất của mỗi con người. Yêu Tổ quốc từ những điều bình dị và thể hiện tình yêu ấy từ những việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Tình yêu ấy hôm nay được nuôi dưỡng bằng những cảm nhận từ những gì gần gũi nhất như giếng nước, vườn rau; từ câu hát trẻ thơ cho đến lời ru của bà, của mẹ; từ những lời thơ đến điệu nhạc dân ca; từ tấm áo dài truyền thống đến hương vị trà thanh khiết của quê nhà... Tình yêu ấy có khi là nguồn động lực, cũng có lúc sẽ biến thành sức mạnh để hành động. "Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ/Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/Làm nên Đất Nước muôn đời" (Đất nước  Nguyễn Khoa Điềm).
 
Xin được bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ đi trước, những người đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ chúng tôi về nét đẹp của quê hương, để chúng tôi cảm nhận được rằng, lòng yêu nước  thứ tình cảm thiêng liêng nhất đối với mỗi người con đất Việt  có thể được thể hiện từ những điều vô cùng dung dị và thân thuộc, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam