Nếu như người Hà Nội có thói quen mua cho mình một túi muối lộc nhỏ xinh lấy may thì người dân xứ Nghệ đã quen với việc rinh về nhà mình vài ba cân muối hạt từ những mảnh đời bán muối dạo xuất thân từ làng Vạn Phần xưa kia đúng khoảng khắc vừa bước sang năm mới. Tiếng rao réo rắt của những gánh muối đêm giao thừa bao nhiêu năm nay vẫn vang lên khắp các con đường thành phố. Vẫn hình bóng những chiếc xe đạp thồ đen xỉn, những bao tải muối căng tròn chở ra từ biển, không chỉ mong bán được điều may cho nhà mua muối, đó cũng là thời khắc người dân làng muối nhỏ muốn cầu mong một năm nữa cuộc đời của những gánh muối dạo bớt khổ, thêm vui.
Tiếng rao đêm giao thừa
Đã tròn 15 năm nay chị Nguyễn Thị Lan, quê ở làng Trung Hậu, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An thồ muối bán dạo thời khắc giao thừa vừa điểm. Cái phong tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" của người Việt từ lâu vẫn được rất nhiều người dân lưu giữ. "Cuối năm mua vôi". Người dân xứ Nghệ không có quan niệm mua vôi là mua sự bạc bẽo như câu ca dao xưa "bạc như vôi", mà vôi trắng cuối năm cũng để chỉ sự sung túc của một năm dài vất vả lao động để những ngày giáp Tết, khi mọi việc đồng áng đã thảnh thơi, trong từng nếp nhà của người Việt ai ai cũng soạn sửa chuẩn bị cho một cái Tết dù nghèo nhưng vẫn phải nghi lễ đủ đầy.
Người dân xứ Nghệ mua vôi về việc đầu tiên là ra đồng quét lại mồ mả cho ông bà tổ tiên cụ kỵ. Sau khi làm quang sạch cỏ dại quanh mộ thì phong tục của người Nghệ là mang vôi quét lên phần đầu ngôi mộ cho trắng toát như mới. Tục tảo mộ bằng cách quét vôi trắng lên những ngôi mộ một năm qua mốc thếch rêu xanh vì mưa nắng cho ông bà tổ tiên là một phong tục không thể thiếu trước Tết của người dân nơi đây. Năm hết Tết đến khi con cháu được sung túc thì mồ mả ông bà tổ tiên cũng được trang hoàng đẹp đẽ. Vôi "bạc" nhưng người xứ Nghệ lại coi đó là niềm vui ngày cuối năm.
Ở đây ngôi nhà nào được thừa hưởng từ đời trước một bình vôi trắng thì ắt rằng mọi việc trong nhà đều sẽ được thuận hòa, êm ấm. Ngoài việc mua vôi về quét lên mộ cho ông bà tổ tiên thì còn trang hoàng sơn sửa lại nhà cửa cho đẹp đẽ. Ngày xưa nhà ai chẳng là nhà tranh vách đất, một năm mưa gió cũ sờn bạc thếch cuối năm được quét lại trắng toát như mới khiến cho ai ai cũng cảm thấy mãn nguyện.
Bán muối |
Muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ, đồng thời nhắc nhở mọi người sống tinh khiết như hạt muối. Vì vậy, như thông lệ năm nào làng muối dạo cũng cùng nhau thồ muối đi bán sau thời khắc đầu năm mới. Chị Lan nói rằng, có lẽ muối là mặt hàng có giá rẻ nhất, nên hầu như chẳng bao giờ người mua mặc cả, nhất lại là trong khoảng khắc giao thừa đầu năm. Ngày thường, mỗi lần chị Lan cùng chồng là anh Nguyễn Văn Chiến mỗi người thồ gần 1 tạ rưỡi muối đi bán cả ngày và trở về với giọng nói khàn đặc vì phải "rao". Nhưng dịp đầu năm, từ giao thừa đến sáng sớm xe muối của chị thường hết nhẵn. Chỉ cần rao một tiếng, các bà nội trợ cả khu phố hò nhau ra mua muối, nét mặt ai cũng vui tươi, hớn hở.
Một năm làm muối vất vả, mưu sinh đêm giao thừa đối với những diêm dân như chị lại là một niềm vui hiếm có. Bát muối được đong đầy miệng, người miền Trung thường có thói quen mua cho nhà mình vài ba cân muối không chỉ lấy may mà còn để muối dưa, cà ăn quanh năm.
Có lẽ vì vậy mà làng muối Trung Hậu quê chị Lan có đến gần 500 người đi bán muối dạo, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông đều đi bán muối. Đêm giao thừa mua may bán đắt, chị Lan mới có dịp kể về ngôi làng sống bằng nghề làm muối, bán muối của mình. Làng Trung Hậu thuộc xã Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An), trước kia có tên là làng Vạn Phần. Không biết tự bao giờ người ta không nhớ đến cái tên Vạn Phần nổi tiếng với nước mắm cá nục tươi rói, chỉ biết đến những diêm dân làm muối, đi bán muối dạo có bàn tay khô mặn.
Muối lộc đầu năm ở Hà Nội |
Không chỉ người dân Diễn Vạn đi thồ muối bán, mà cả ông Trưởng thôn Phạm Văn Quế cũng đi bán muối dạo kiếm thêm thu nhập. Ông Quế kể: nhiều trẻ em nghỉ học từ năm lớp 6, lớp 7 để đi bán muối. Muối nhà làm ra, muối mua lại của các xã lân cận được đội quân bán rao của làng Trung Hậu dùng xe đạp đưa đi khắp huyện, khắp tỉnh; rao đến tận miệt biên giới Việt - Lào, khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố...
Mỗi chuyến đi cũng mất vài ba ngày ngủ vỉa hè, ngồi nhờ thềm quán trong phố để ngày mai bán tiếp. Riêng ngày Tết, sáng sớm mồng 1 Tết những gánh muối dạo của làng Trung Hậu đã cùng nhau đạp xe gần 30 cây số trở về nhà ăn Tết cùng gia đình. Tính ra lời lãi chẳng đáng là bao, mất ngủ đêm giao thừa đi bán muối dạo cũng là cách để những người diêm dân cầu may một vụ, mua "vui" đến tận cuối năm.
Mong ước đầu năm
Giao thừa, việc bán muối thảnh thơi cũng là lúc mà những mảnh đời bán muối dạo có dịp ngồi lại với nhau ở góc phố nhỏ quen thuộc, trò chuyện cùng nhau, cùng những người mua muối về một năm đã qua và mong ước năm tới được tinh khiết, mặn mà như hạt muối. Bà Cao Thị Thanh năm nay đã 59 tuổi có gần 20 năm làm muối, bán muối dạo xuýt xoa kể: Vì tuổi cao sức yếu nên bà thường quảy một gánh muối nhỏ đi bán vào sáng mồng một Tết, sau khi mấy đứa con của bà trở về sau đêm giao thừa.
Bán muối rong |
Đối với bà, quảy gánh đầu năm, bán "dăm" yến muối là cái thông lệ lấy may cho một năm khó nhọc. So với làm muối trên đồng, thì gánh muối đi bán đỡ mệt hơn nhiều. Đất ngâm nước mặn, phơi nhiều ngày, rồi dùng cả trâu bò bừa sá kĩ mới xúc được muối đổ thành cồn cao. Phải là thanh niên khỏe mới đủ sức làm đồng muối, bây giờ già yếu nhưng cái nghề "tổ" truyền lại bà Thanh vẫn không dứt ra được, đành chọn cách bán muối dạo làm vui.
Ấy vậy nhưng, nghề bán muối dạo cũng có những thân phận hẩm hiu, khổ cực như anh Hoàng Sinh hàng xóm của bà Thanh đã từng bỏ mạng trên đỉnh truông Én vì quá kiệt sức khi đẩy xe muối gần tạ rưỡi qua miền Phủ Quỳ đi bán, hay câu chuyện của một người đàn bà trong thôn đẻ rớt con trên đường đi bán muối dạo. Làng muối cũng đã chứng kiến nỗi đau đời muối của chị Đặng Thị Lý. Mười bốn tuổi, chị Lý đã đi rao bán muối. Năm lên 19, trong một lần chở gần hai bao tải muối đi bán, chị bị tai nạn xe, cướp đi đôi chân, biến chị từ một cô gái mặn mòi thành một người tật nguyền, độc thân sống cô quạnh.
Nhớ những năm Tết trời mưa, rét mướt, áo quần ướt nhẹm choàng tấm ni lông nhỏ che cả người cả muối, bà Thanh bồi hồi nhớ lại, không khỏi xót xa. Có những khi, chỉ vì một cơn mưa bất chợt, không trùm ni lông cẩn thận trên xe muối thì muối chảy tan ra hết, người bán muối dạo chỉ biết đứng nhìn mà không thể làm gì được, bao nhiêu công lao làm muối trôi ra sông ra bể.
Sáng mồng một Tết năm nay, bà thồ gánh muối ra đứng ở cổng chùa bán vì thời tiết đẹp, với mong muốn sáng năm mới sẽ lo đủ tiền cho đứa con gái học xong đại học. Người đi lễ thường chỉ mua vài lạng muối gọi là lấy may với giá vài ba ngàn đồng, nhưng trên gương mặt cả người bán, lẫn người mua đều tươi cười, vui vẻ, xúm xít bên gánh muối trong ngày trẩy hội đầu năm. Chiếc xe đạp thồ trở thành người bạn tri kỉ cùng những mảnh đời muối dạo rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm cả ngày thường và những đêm giao thừa dù đẹp trời hay rét mướt, vừa là phương tiện chở muối, vừa là gánh hàng chở điều may mắn đến khắp mọi nhà ngày đầu năm mới.
Chiếc xe đạp thồ mỗi năm một xỉn đen vì muối mặn, bàn tay người bán muối dạo mỗi năm một nứt nẻ vì muối sắc nhưng niềm tin vào những điều may mắn muối mang lại đầu năm dường như vẫn không phai nhạt đối với cả người mua lẫn người bán. Những người bán muối dạo ở Diễn Vạn như chị Lan luôn mong chờ những hạt muối đầu năm sẽ mang lại niềm vui cho gia đình chị đến cuối năm, niềm vui cho những người diêm dân trên cánh đồng muối mặn.
Ngày trước, muối là thứ quý giá như vàng, nhưng dần dà giá trị của những hạt muối tinh dường như chẳng thấm với công sức của người diêm dân bỏ ra làm muối, bán muối. Ở Diễn Vạn có 3 xóm với chừng 500 hộ dân chỉ có mỗi một nghề làm muối. Sống bằng nghề muối, nhưng nay muối vẫn không nuôi được họ vì giá còn quá rẻ và mỗi năm chỉ làm được 4 tháng. Vì thế người dân phải chở muối đi khắp nơi để rao bán kiếm sống. Tháng 7 làm muối, tháng chạp đi bán muối dạo, cho đến khi mọi người dân không nhớ đến phong tục truyền thống đầu năm thì đội quân đi bán muối rong của làng Trung Hậu mới không tiếp tục thồ muối đi bán dạo, không tiếp tục hi vọng mùa màng bội thu, một năm mới mua may, bán đắt. |
.