Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/khong-con-co-tich-435321/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/khong-con-co-tich-435321/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Không còn cổ tích - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 31/12/2013, 09:43 [GMT+7]

Không còn cổ tích

Khởi thủy, là một câu chuyện rất đẹp. Thế nhưng, kết thúc lại tận cùng đớn đau.
Tôi cũng không biết nữa, chỉ nghĩ rằng làm sao cổ tích có thể hiện ra khi mà mỗi cá nhân chỉ biết thỏa mãn sự ích kỷ của mình.
Cổ tích, là cho đi. Đời thực, chỉ muốn thu về. Bi kịch nảy sinh từ đó…

1. Gã là con út trong gia đình không dư dả lắm về kinh tế, nhưng thừa tình cảm ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Gã bỏ học từ sớm, sống như những cậu thiếu gia thuộc diện “nhà mặt phố, bố làm to”. Người chị gái lấy chồng nước ngoài, xa nhà thương em, nên gã xin gì chị luôn cố gắng đáp ứng.



Như một câu chuyện vẫn thường diễn ra theo đúng suy luận của nhiều người. Gã thôi học từ sớm, lấy bar làm nhà, lấy quán làm nơi lưu ngụ. Những lần đập phá thâu đêm với bạn bè, những trò vui đầy ảo vọng khiến gã ngày càng dấn sâu hơn vào vũng lầy của tuổi trẻ. Hai mươi tuổi, cái tuổi đáng sống nhất của đời người, gã dính vào ma túy.

Tôi vẫn nghĩ, mỗi cá nhân sinh ra đều xứng đáng được thụ hưởng những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần ở mức cao nhất và cha mẹ phải cố đáp ứng được điều này. Tuy nhiên, sự uốn nắn là rất quan trọng. Mọi thứ chiều chuộng đều phải có biên độ của nó, sự thương yêu luôn phải song hành cùng việc điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp. Không thể đổ thừa cho chuyện, “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Lại càng không thể vin vào quan điểm mà đám đông hay áp đặt, “Tại cha mẹ nó giàu, nên nó hư”.

Bởi đơn giản, những cá nhân sinh trưởng trong gia đình giàu có hay khốn khó, đều có thể hư hỏng như nhau nếu không nhận được sự giáo dục cần thiết. Phải có sự giáo dục tốt thì cá nhân mới có thể tu dưỡng mà nên người. Quan trọng nhất, chính là sự tu dưỡng của cá nhân dựa trên nền tảng giáo dục. Bởi chắc chắn, đến một lúc nào đó, cá nhân hoàn toàn không bị chi phối bởi tình cảm gia đình được nữa mà sẽ hành động theo ý nghĩ, quan điểm của riêng mình.

Từ ngày dính vào ma túy, mức độ phá gia chi tử của gã ngày càng tăng theo cấp lũy thừa. Chịu không thấu, gia đình đưa gã đi cai nghiện. Cai, rồi lại tái nghiện. Tái nghiện, rồi lại cai nghiên. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ đeo rịt lấy gã. Cùng đường, gia đình đưa gã đi cai nghiện bắt buộc tại trại cai nghiện Sông Thao (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Ở trại vài ngày, gã nhận được kết quả xét nghiệm máu là dương tính với HIV. Đã không còn gì để gã hy vọng, đã không còn gì để gã bấu víu từ khi nhận được kết quả xét nghiệm ấy. Gã trở thành một trong những học viên bất trị nhất của trung tâm cai nghiện. Tâm lý chung của những tay chơi mắc phải HIV đều vậy. Họ cứ làm như, xã hội quay lưng với họ nên họ mới phải mắc HIV, chứ họ không nghĩ đến chuyện “tiên trách kỷ…”.

Và trong thời điểm này, cổ tích đã xuất hiện.

Chị, lấy chồng rồi thôi chồng. Chị là nhân viên của trung tâm cai nghiện nơi gã đang điều trị. Khi mà cả trung tâm mỏi mệt với tính khí của gã, thì chị lặng lẽ chăm sóc gã. Chị vỗ về, chị ủi an. Chị trở thành cái phao cuối cùng để gã có thể nương vào mà sống.

Ngày một, ngày hai… rồi tự lúc nào gã yêu chị, gã cũng không biết nữa. Còn chị, sau bao đêm suy nghĩ, chị cũng chấp nhận hồi đáp tình cảm của gã. Chị, tan vỡ hôn nhân, như chim thoát cung sợ cành cong. Lại yêu một kẻ, chưa chắc đã bỏ được ma túy lại còn vướng HIV. Đó là một tình yêu đầy sự nhẫn nhịn, bao dung và can đảm.

Sau khóa cai nghiện, gã trở về nhà. Lần này, gã không về nhà một mình, mà về cùng chị. Chị yêu gã, nên gã đi đâu thì chị theo đó thôi. Gia đình gã choáng ngợp trước tình yêu mà gã và chị dành cho nhau. Đám cưới nhỏ diễn ra với sự chung vui của họ hàng hai bên. Sau đám cưới, chị và gã dọn về ở chung tại nhà chị gái của gã ở quận Gò Vấp.

Trời gió mây khôn lường, người rủi may mấy chốc… Hương nồng lửa đượm còn chưa trọn vẹn, thì giữa hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Ban đầu, thì là chuyện vặt. Về sau, là chuyện nhà cửa, chuyện tiền bạc, chuyện khốn khó mưu sinh. Đau lòng hơn, chị bắt đầu bị gã rủ rê sử dụng ma túy đá để quên đời. Và, chị đã không thoát khỏi sự cám dỗ của những cơn ảo giác giả tạo ấy.

Gã nghiện, chị nghiện và căn bệnh HIV lởn vởn thiêu trụi niềm hạnh phúc vừa le lói. Cổ tích đã không còn trọn vẹn nữa. Thế nhưng, mọi thứ như vậy đã hết đâu.

Gã ghen với chồng cũ của chị. Để thoát khỏi cơn ghen dằn vặt, gã hành hạ chị đủ điều. Chị, không còn lối thoát.

Một ngày cách đây khá lâu, tranh thủ người chị gái đi làm, gã mua ma túy đá về nhà rủ chị sử dụng. Ma túy, karaoke, rượu… tất tần tật những thứ hỗn tạp ấy giúp chị và gã quên đi cơn mỏi mệt của đời sống mang đến. Tàn cuộc, tỉnh thuốc, gã hối chị dọn dẹp để tránh cơn cáu gắt của người chị khi đi làm về đến nhà.

Trong lúc chị đang lui cui quét dọn, gã lẳng lặng lấy chai nước suối, tiến đến chiếc xe máy, mở nắp bình xăng rồi dùng ống hút rút xăng từ bình trút vào chai nước suối. Hút đầy chai xăng, gã cầm đi thẳng lên lầu 3 của căn nhà. Lúc này, chị đang ngồi xếp quần áo.

Từ phía sau, không nói không rằng, gã tạt hết chai xăng vào người chị rồi bật quẹt gas thủ sẵn trên tay. Xăng bén lửa, chị gào thét trong hoảng loạn và sợ hãi. Có lẽ, tiếng thét của chị đã làm gã choàng tỉnh. Gã vội vã đẩy chị vào nhà vệ sinh, cuống cuồng xả nước để dập lửa.

Tiếp đến, gã chạy xuống nhà, mở toang cửa và rối rít cầu xin sự giúp đỡ của láng giềng xung quanh. Chị được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện 175. Nhưng do vết thương quá nặng, chị đã tử vong. Gã cũng bị bỏng trong cơn mê muội ấy.

2. Mấy hôm trước, gã lại ra tòa trong phiên xử phúc thẩm về hành vi giết người. Trước đó, ở phiên tòa sơ thẩm, gã đã bị tuyên án chung thân. Gã gần như câm lặng suốt phiên tòa ấy, ngoại trừ ở phần xét hỏi. Và khi nói những lời dằn vặt.

Trong những ngày tạm giam, rồi thụ án sau phiên sơ thẩm, gã đã nghĩ “Giá mà mình có thể sống để tạ lỗi trước di ảnh của vợ”. Gã lại nghĩ khác đi, “Còn vài năm nữa thôi, mình sẽ chết vì căn bệnh đang mang trong người”. Bên trong gã, là cả một khối mâu thuẫn khủng khiếp.

“Thưa tòa, tôi yêu vợ tôi bằng tất cả tình cảm thật của mình. Chỉ là, tôi không kiềm chế được hành vi của mình khi cơn ghen bất thần bộc phát. Tôi là con nghiện ma túy, lại mang trong mình căn bệnh HIV, tôi luôn là người yếu thế trước vợ. Bất cứ khi nào tôi cũng sợ vợ tôi sẽ xa lánh tôi, sẽ bỏ rơi tôi. Mỗi khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, vợ tôi thường về lại trung tâm cai nghiện. Những lần như vậy, tôi rất sợ vợ tôi sẽ gặp lại chồng cũ, cảm nghĩa mà sống chung lại với nhau. Mỗi lần vợ bỏ đi, tôi đều nhắn tin xin lỗi, nhận hết thiệt thua về mình, tìm cách níu kéo vợ quay về”, lời của gã. Tất nhiên, tôi có sửa lại chủ ngữ, lẫn chuyển thể ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết trong đoạn văn ấy cho phù hợp với mạch văn của bài báo. Tôi không thích sử dụng cụm từ bị cáo trong bài viết của cá nhân tôi.

Có chi tiết đáng lưu ý. Gã khai nhận, gã không cố ý đốt vợ. Bởi, khi nghe tin vợ chết ở phòng tạm giam, gã muốn mình bị mức án cao nhất để sớm gặp lại vợ ở nơi nào đó không phải là cõi tạm này. Nên gã khai với cơ quan điều tra là gã đốt vợ. Còn thực tế, vợ gã đang học sơn móng tay, phải thực hành tại nhà nên sơn thường đổ xuống nền nhà. Hôm đó, gã lấy xăng để chùi vết sơn trên nền nhà thì bất thần xăng bén lửa. Tôi không tin lắm vào lời khai kiểu xét lại này của gã.

Khi gã đứng trước tòa, thì trên hàng ghế dự khán là những người thân trong gia đình chị. Họ, làm đơn xin giảm án cho gã. Họ bảo họ làm vậy vì họ không muốn bi kịch kéo dài.

Sau khi xem xét các tình tiết, Hội đồng Xét xử chấp thuận giảm án cho gã từ chung thân xuống còn 20 năm tù giam. 20 năm tù giam và căn bệnh gã đang mang trong người, chắc cũng đã là điểm cuối của cuộc đời rồi.

“Ma túy là một con ma, đã vướng vào thì rất khó để rút chân ra. Các bạn đừng giống tôi, bởi khi nhận ra được sai lầm thì mọi chuyện đã quá muộn màng”, gã nói lời cuối trước Tòa.

Lần này, tôi tin gã nói thật. Nhưng tiếc rằng, kinh nghiệm ít khi được lưu tâm tới, nhất là khi người ta còn quá trẻ.

Gã, đáng lẽ đã có một cuộc sống khác nếu không có ma túy. Chị, nhẽ ra phải tìm được nỗi ấm êm của đời khi chị đồng ý nhận lời làm vợ gã, chị xứng đáng nhận được điều đó.

Tiếc rằng, đời luôn đầy nỗi niềm. Và chúng ta thường bất lực trước những khúc ngoặt không mong muốn. Tất nhiên, cá nhân tạo nên những bước ngoặt của đời mình, biến cố làm cuộc sống trở nên thú vị hơn. Nhưng, biến cố cũng tước đi nhiều thứ khác nếu không đủ bình tĩnh. Một cá nhân có bản lĩnh, là một cá nhân dám làm lại.

Mà thôi, mỗi cá nhân là một thân phận. Biết là làm sao. Tôi chỉ đớn đau với ý nghĩ, làm sao cổ tích lại có kết thúc theo hướng này.

Gã tên là Nguyễn Duy Thịnh, sinh năm 1978

.

CAND