Đã là người dân vạn chài Cổ Đô thì hầu hết ai cũng từng ít nhất một lần tham gia vớt xác người chết đuối trên sông. Đời trước truyền đời sau, cái "nghề" ấy đã vận vào những người dân vạn chài Cổ Đô như một sự tất yếu.
Với ông Lê Văn Hương, vớt xác không vì thù lao mà vì cái tâm với những người xấu số |
Cả làng "câu" xác chết
Thật lạ, họ là những người cả đời lênh đênh trên sông nước. Sống và kiếm kế sinh nhai cũng nhờ vào sông nước. Ấy vậy mà chính họ lại là những người dám chống lại Hà Bá để cứu người và vớt xác trên sông. Cái việc làm phúc ấy đã như một cái nghiệp gắn chặt với dân làng vạn chài Cổ Đô từ đời này qua đời khác.
Ở làng chài Cổ Đô, hầu như gia đình nào cũng trang bị cho mình một tấm lưới dài chừng hai mươi mét. Đây là loại lưới chuyên dụng, không phải dùng để bắt cá thông thường mà để "câu" xác chết. Sợi lưới to, mắt lưới dày và được dệt rất chắc chắn. Trên phía đầu được gắn tua tủa các lưỡi câu. Cấu tạo của những chiếc câu "chuyên dụng" này cũng rất đặc biệt. Lưỡi câu dài xấp xỉ 10cm, được uốn cong, mài sắc lẹm và chĩa ra rất nhiều cạnh. Hầu hết những lưỡi câu nếu đã một lần "câu" được xác chết thì khả năng bị gỉ là rất cao. Thế nên thường là dùng một lần rồi vứt đi.
Khi chúng tôi muốn mục sở thị loại lưỡi câu đó thì ông Lê Văn Tính (58 tuổi) xua tay bảo: "Không có sẵn đâu. Chỉ khi nào biết có người chết đuối cần phải tìm thì chúng tôi lại chế tạo mới. Chỉ cần một cân thép thì thoải mái dùng. Bây giờ chế tạo bằng máy nên nhanh lắm, một loáng là xong". Những lưỡi câu này rất "dính" xác, nếu đã vướng phải là móc chặt lấy quần áo, da thịt người chết. Thế nên thông thường, khi quăng lưới, nếu có xác chết thì kiểu gì cũng "câu" được.
Làng vạn chài Cổ Đô có xấp xỉ một trăm hộ gia đình. Khi được hỏi có khoảng bao nhiêu người trong số ấy làm "nghề câu xác chết" thì ông Tính trả lời luôn rằng: "Đã là dân vạn chài ở đây thì ai ai cũng đều có thể làm việc đó. Hầu hết ai chả một đôi lần một mình hay cùng với những người khác vớt xác người chết".
Hỏi tiếp ông Tính: "Sao kiếm kế sinh nhai bằng nghề sông nước mà lại dám chống lại Hà Bá, mọi người không sợ Hà Bá nổi giận mà bắt sao?". Ông Tính cười lớn nói với chúng tôi: "Tất cả chúng tôi ở đây đều là dân Công giáo. Cứ thấy việc nên làm thì làm thôi chứ tuyệt đối không kiêng kỵ điều gì". Bản thân ông Tính cũng không biết mình là đời thứ bao nhiêu lênh đênh trên sông nước, và đến đời của ông thì có bao nhiêu cái xác được vớt lên.
Làng chài Cổ Đô |
Không biết tự khi nào "câu" xác chết đã trở thành cái "nghiệp" của người dân vạn chài Cổ Đô. Đôi khi là vô tình gặp xác chết trôi nổi trên sông, dân chài vớt lên rồi khâm liệm, sau đó lại nhờ chính quyền liên hệ tìm thân nhân cho người xấu số. Cũng có khi những gia đình có người thân chết đuối chưa tìm được xác, họ tìm đến các bến sông, đến các làng vạn chài để tờ rơi. Dân vạn chài cứ lần theo những gì viết trong tờ rơi mà tìm xác chết. Tìm được thì sẽ tự liên lạc với thân nhân người quá cố. Bao giờ cũng vậy, những gia đình đó luôn có chút công xá cho những người đã lặn lội tìm xác người thân về cho họ.
60 tuổi, cũng là 60 năm ông Lê Văn Hương bập bềnh theo con nước. Những vụ vớt xác người mà ông Hương trực tiếp tham gia ông đã không thể nào nhớ hết. Ông bảo: "Chúng tôi làm việc này trước hết là vì cái tâm chứ chả phải vì một chút thù lao của gia đình người ta. Nói thật có những trường hợp vì mong mỏi tìm được xác người thân đã sẵn sàng trả công cho chúng tôi 1 triệu/ngày nhưng lòng nào chúng tôi lấy thế hả anh chị. Họ mất người đã đau xót lắm rồi, mình đâu thể đục nước béo cò thất đức như thế được".
Sinh ra và lớn lên ở làng chài Cổ Đô, trong đời mình ông Hương đã từng chứng kiến biết bao vụ chết đuối vì trượt chân, đắm đò. Thế nhưng có những vụ quá đỗi thương tâm thì dù nó đã xảy ra cách đây hàng vài chục năm ông vẫn nhớ như in.
Ông Hương kể lại: "Năm 1989, ở xã Phú Cường đã xảy ra một vụ đắm thuyền làm 20 người thiệt mạng. Đa số họ đều bị dòng nước chảy xiết của sông Đà cuốn đi mất. Chính quyền xã đã huy động toàn bộ lực lượng là dân vạn chài tham gia vào cuộc tìm kiếm xác những người xấu số. Những tấm lưới chuyên dụng, những chiếc lưỡi câu đặc biệt được mang ra tận dụng tối đa. Do bề mặt sông quá rộng cộng với số lượng người chết quá lớn nên những người dân vạn chài đã nghĩ ra cách nối các tấm lưới của các hộ gia đình vào với nhau. Với tấm lưới khổng lồ và những chiếc lưỡi câu tua tủa, chỉ trong một thời gian ngắn những xác người chết đuối được tìm thấy đủ".
Những chuyện tang thương và cái tâm của người "câu" xác chết
Ông Hương chia sẻ: "Chết đuối ở khúc sông này nhiều lắm. Tất nhiên không phải chỉ ở điểm này mà ở nhiều điểm khác trôi dạt xuống. Nhất là vào mùa hè, các cháu được nghỉ học rủ nhau ra tắm sông nên sảy chân và chết đuối rất nhiều. Mới năm ngoái, có ba cháu ở Tản Hồng cũng bị ngã và chết ở đây. Vụ đó tôi không tham gia vớt mà để cho người con rể tôi đi với những người làng. Cuối cùng cũng vớt được xác các cháu ở cách xa đến 15km".
Ông Hương kể rằng năm 1997, ông đã cùng người con rể của mình tham gia tìm kiếm xác của một bé trai hơn mười tuổi. Năm đó mùa lũ, cháu ngồi trên một chiếc thuyền cóc để đi hái rau muống. Chẳng may nước to, sóng lớn nên thuyền bị chìm. Sau đó gia đình đã đến nhờ ông vớt xác. "Hôm đó chúng tôi đi rất mông lung vì ở trên tràn rau muống thì không thể thả câu được. Tôi phán đoán chỗ nào thì con rể tôi mò chỗ đó. Lúc đó tôi may mắn thế nào lại vớ được cái cọc che dài chừng 3, 4 mét, tôi vừa chọc vừa thăm dò, cuối cùng cũng tìm thấy. Làm nghề này nếu không có kinh nghiệm thì rất khó, có những người cũng dùng cọc để dò nhưng sẽ không biết đâu là người, đâu là những đồ vật khác riêng dân sông nước chúng tôi thì ai cũng biết. Nếu chọc vào một vật gì đó mà thấy người mình tự nhiên giật bắn thì chắc chắn đã chạm phải xác người" - ông Hương chia sẻ.
Ngồi bên cạnh, ông Tính cũng nói thêm vào: "Chẳng hạn nếu chọc vào một bao tải thì độ dài chỉ khoảng một mét trở lại nhưng người thì dài hơn. Đầu nhỏ, dò xuống dưới thân sẽ mềm và xuống dưới mông thì còn mềm nữa. Nếu người chết vẫn còn quần áo trên người thì chỉ cần thả móc câu là sẽ móc được luôn".
Nhưng không phải công việc "câu xác chết" lúc nào cũng gặp thuận lợi. Bởi vì nếu chẳng may khúc sông đó lại có những kè đá thì bất kể lưỡi câu nào thả xuống cũng vô ích vì bị mắc vào các mỏm đá. Mới đây nhất có trường hợp một người phụ nữ 36 tuổi quê ở Minh Nông, Phú Thọ tự tử. Anh em vạn chài đã lùng sục khắp các khúc sông đúng 3 đêm nhưng không thấy. Đến ngày thứ 4 cái xác đó tự nổi và trôi dạt vào một khúc sông ở địa bàn Vân Sa, sau đó có người phát hiện ra.
Gắn với cái "nghiệp" vớt xác này đã nhiều năm, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ: "Theo lẽ thông thường thì với người chết đuối nếu không vớt được xác ngay thì sau ba ngày sẽ tự nổi. Nhưng cũng có những ca phải mấy tháng sau mới tìm thấy xác. Những trường hợp như thế đều là bị cát lấp". Có một điều lạ là, với những xác chết bị cát vùi thì kể cả sau nhiều tháng khi nổi lên thi thể vẫn còn tươi nguyên, trắng xóa như bọt nước và không bị trương phình. Nhưng chỉ cần vớt lên trên bờ đặt chừng 15 phút là bốc mùi hôi thối.
Ông Hương nhớ một trường hợp chết đuối cách đây hơn mười năm ở Bất Bạt: "Thương tâm lắm cô chú ạ. Gia đình đó hiếm muộn, cầu tự mãi mới được một mụn con giai. Thế mà thế nào gia đình sơ ý để nó theo các anh ra sông tắm rồi chết đuối. Xót con quá, gia đình ấy đã phát tờ rơi nói là nếu ai vớt được xác con của họ thì sẽ hậu tạ hẳn 20 triệu. Nhà người ta mất người đau xót thế chúng tôi nỡ lòng nào, khi tìm được xác cháu thì cũng chỉ xin nhận một chút tiền gọi là tiền xăng dầu thôi".
Cũng chính ông Hương, cách đây 2 năm đã cùng nhiều người vạn chài tham gia vớt xác một cháu bé 9 tuổi đi ăn cưới cùng bố ở Tân Đức. Trong lúc bố đang làm giúp đám cưới thì con lẻn ra bờ sông chơi. Chẳng may trượt chân ngã rồi mất xác luôn. Ông Hương và những người khác tìm kiếm ròng rã suốt 15 ngày nhưng vô vọng đành thôi. Gia đình đứa trẻ xấu số đã mất bao nhiêu tiền để thuê cô đồng bà cốt, nhà ngoại cảm để tìm xác con. Họ cứ chỉ chỗ nào ông Hương cùng mọi người lại bỏ neo quăng lưới chỗ đó nhưng không có kết quả. Khoảng 3 tháng sau, trong một lần đi thuyền đánh cá, ông Hương đã nhìn thấy cái xác ấy nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ông hô hoán mọi người ra kéo xác vào bờ khâm liệm rồi liên lạc với gia đình xuống đưa xác con về.
Giống như ông Hương, nhiều người ở làng chài Cổ Đô đã không thể nhớ nổi trong cuộc đời mình đã vớt bao nhiêu xác người xấu số. Họ làm việc này không phải để được trả ơn mà đơn giản là làm phúc giúp đời…
.