Tuổi thơ bất hạnh
Căn nhà cấp 4 ẩm thấp mà chị ở, nằm lọt thỏm trong một ngõ hẹp. Bên trong chừng 6 mét vuông trống huếch chẳng có thứ gì đáng giá, "gia tài" chị vẻn vẹn mỗi chiếc xe đạp hoen gỉ dựng ở góc nhà. Khi được hỏi chuyện, chị Thành khẽ nép mình trên chiếc ghế 4 chân siêu vẹo: "Lên mười tuổi bỗng nhiên trên trán tôi xuất hiện một cục thịt nhỏ, mới đầu chỉ có cảm giác ngứa ngáy, về sau nó to ra như quả trứng".
Biết là mình đã mắc bệnh lạ nhưng vì gia đình không có tiền chữa chạy nên chị đành cam tâm sống chung cùng bệnh tật. Bạn bè cùng trang lứa trở nên xa lánh không muốn tiếp xúc với chị. "Lúc đó tôi buồn lắm chú à, thú thật trong nhà cũng chẳng có thứ gì đáng giá bán được cho tôi đi chữa bệnh. Cho đến khi tôi được 14 tuổi thì cục u trên trán đã to phình ra như cái bát". Chị Thành rớm rớm nước mắt.
Cha chị là ông Lê Văn Nhân và mẹ là bà Vũ Thị Kinh sinh được 4 cô con gái, chị là con út, gốc quê ở huyện Thọ Xuân. Vì cuộc sống khó khăn nên gia đình chị phải chuyển lên miền sơn cước của huyện Thạch Thành định cư. "Vào thời gian đó bố tôi dựng một túp lều tạm bợ dưới chân núi đá thuộc xã Thành Trực. Lúc này nhà tôi nghèo lắm, bố tôi phải vác đá thuê cho người ta quần quật từ sáng đến tối. Còn mẹ tôi tối ngày làm thuê làm mướn, cực nhọc vất vả mà đến bữa ăn cũng chỉ mỗi người được hai bát cháo loãng sống qua ngày", chị Thành rầu rĩ kể lại.
Vì khối u, lại bị bạn bè chế giễu, nên cố gắng lắm chị cũng chỉ học được hết lớp 3 rồi phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm lụng. Cuộc sống cơ cực bần hàn, ông Nhân khi đang vác đá do làm việc quá sức nên bị nôn ra máu. Về sau ông đổ bệnh lao lực nằm yên một chỗ. Vì nhà nghèo không có tiền thuốc thang nên ông qua đời để lại gánh nặng cho mẹ con chị.
Thời gian lặng lẽ trôi, người mẹ trẻ cùng 4 đứa con sống trong cảnh bữa no bữa đói trong ngôi nhà tranh dột nát. Được hai năm sau vì hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình chị lại một lần nữa chuyển về xã Thành Minh kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng ở nơi "chân trời mới" này, cuộc sống của gia đình chị cũng chẳng khá hơn. Bà Kinh phải lên đồi chặt nứa đem về sắp lại thành bó gánh bộ ra tận chợ Phà bên bờ sông Bưởi đổi lấy củ khoai, củ sắn sống qua ngày.
Mẹ chị lao động cực nhọc lại thêm gánh nặng nuôi con, nên sức khỏe ngày một suy kiệt so với tuổi đời. Một hôm bà cơm đùm cơm nắm cùng chị trèo lên đồi chặt nứa, nhưng chẳng may bà bị trượt chân ngã, đầu va vào vách đá lịm đi, may mắn có đứa con đi cùng phát hiện sớm. Về sau do ảnh hưởng vết thương nên bà Kinh bị mất trí, đầu óc đờ đẫn, ngớ ngẩn rồi lâm bệnh qua đời khi chị mới 14 tuổi. Mấy chị em nượng tựa vào nhau làm thuê kiếm miếng ăn qua ngày, rồi các chị cũng lần lượt theo về nhà chồng để lại chị bơ vơ trong ngôi nhà tranh vách đất.
Vượt lên số phận
Chị Lê Thị Thành với khuôn mặt "quái dị" vì u bã đậu. |
Tủi phận, bỏ qua sự mặc cảm dị nghị của người đời, chị quyết vào Sài Gòn đi làm thuê với ước mơ kiếm được ít tiền chữa bệnh và nuôi hy vọng có một người đàn ông để nương tựa. Vào đến quận 10, lúc đó còn ít tuổi chị phải xin rửa bát cho một quán ăn. Nhưng vì bệnh tật nên cũng chỉ làm ở quán một thời gian thì bà chủ đuổi đi.
Sau khi mổ được khối u, chị vô cùng sung sướng và tiếp tục với nghề bán vé số. Song cuộc sống ở Sài Gòn lúc đó rất khó khăn, chật vật nên đồng tiền của chị kiếm được cũng càng ngày càng ít. Chị lại xách ba lô từ Sài Gòn ngược ra Hà Nội bán tăm và bông tai kiếm tiền, hy vọng vào tương lai phía trước sẽ mỉm cười.
Trong một buổi chiều đi rao bán, chẳng may vì trời mưa nên chị trú ở một quán cóc ven đường. Tình cờ chị được một người đàn ông mua tăm làm quen chuyện trò cùng đồng cảm với hoàn cảnh của chị. Mưa càng lúc càng to, câu chuyện càng làm cho con người gần lại hơn. Thấy tôi ướt lạnh co ro, ông ấy thương mới đưa tôi về phòng. "Cũng chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà ngay cái hôm mưa gió sấm sét ấy, và đúng tối hôm đó tôi đã trao cả đời con gái cho ông ta". Chị Thành thú thật.
Sau đó ông xin số điện thoại, và thường xuyên qua lại giúp đỡ chị những lúc khó khăn. Người đàn ông đó là anh Vương Văn T., 42 tuổi, quê ở Thạch Thất (Hà Nội). Được một năm thì anh theo chị về Thanh Hóa ở. Khi đứa con trai kết quả của tình yêu ra đời cũng là lúc anh bỏ rơi mẹ con chị với lý do chua chát "Thực sự anh không thể mang em về được, anh phải đi tìm tương lai của anh".
Mẹ con chị Thành trước ngôi nhà cấp 4. |
Ngậm ngùi để chồng đi tìm hạnh phúc mới, chị ở lại nuôi con một mình trong ngôi nhà thiếu vắng hơi ấm của người đàn ông trụ cột. Đứa con trai chào đời được chị đặt tên theo họ mẹ là Lê Thành Đạt. Cháu năm nay đã 3 tuổi và đang học mẫu giáo.
Những khi trái gió trở trời khối u trên trán lại nổi lên thành cục đau nhức tê buốt mà chẳng biết kêu than cùng ai. Chị nằm chỉ biết ôm chặt lấy đứa con thơ, nước mắt chị lăn dài rơi xuống gò má ướt thẫm. Trong suy nghĩ, người đàn bà ấy lại nhớ về những tháng ngày nghiệt ngã sống chung cùng bệnh tật, rồi chẳng may chị qua đời đứa con sẽ nương nhờ cùng ai.
Bà Nguyễn Thị Thu (hàng xóm) cho biết: Gia đình chị Thành là hộ nghèo trong xóm, nhà không có một tấc đất cắm dùi, côi cút có hai mẹ con lay lắt. Suốt ngày chị phải đi làm thuê làm mướn quần quật mà vẫn không đủ ăn. Chúng tôi thương hoàn cảnh nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều, thỉnh thoảng những lúc chị đau ốm tôi cũng có qua lại thăm nom động viên.
Ông Trương Văn Long, Phó Chủ tịch xã Thành Minh cho biết: "Hoàn cảnh của hai mẹ con chị Thành rất khó khăn, năm 2008, chính quyền xã và bà con đã giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng căn nhà cấp 4 hai gian để giúp chị thoát khỏi cảnh lều tranh vách đất".
Mỗi tháng chị chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp bệnh tật 180 nghìn đồng, tuy nhiên với số tiền đó là quá ít ỏi không đủ để mẹ con chị trang trải cho cuộc sống tối thiểu. Nhưng niềm an ủi duy nhất của chị lúc này là có được đứa con trai. Đó chính là động lực để chị Thành luôn cố gắng sống tiếp với quãng đời còn lại cùng với mong ước sau này cháu Đạt lớn lên học giỏi, thành tài để giúp đỡ mẹ những lúc khó khăn.
Chúng tôi chia tay chị khi mẹ con chị lụi hụi chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc. Trong lòng tôi cứ day dứt cảm thương về số phận người đàn bà u bướu khốn khổ ở một vùng quê thanh bình, yên ắng giàu nghị lực ấy. Hi vọng vào một tương lai không xa, gia cảnh của chị Thành sẽ sáng sủa hơn