Rộn ràng, mùa đặc xá
Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ Công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2-9 ở các trại giam trong toàn quốc nói chung và các đơn vị trại giam trên địa bàn các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng đã hoàn tất. Ngoài hai đơn vị trại tạm giam trực thuộc Công an hai tỉnh này, địa bàn này còn có 3 trại giam của Bộ Công an đóng chân, bao gồm Trại giam số 3 và số 6 (Nghệ An) và Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh), với gần 10.000 phạm nhân đang được cải tạo, giam giữ.
Để chuẩn bị cho đợt đặc xá theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm dân chủ khách quan công bằng, đúng đối tượng, điều kiện quy định, không để sót lọt và tiêu cực xảy ra, ngay khi nhận được Quyết định số 195/QĐ-CTN ngày 24/7/2013 của Chủ tịch nước, hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương và kế hoạch của Bộ Công an về công tác đặc xá cho phạm nhân trong dịp 2-9, đến nay Ban Giám thị các trại giam đã lập kế hoạch thành lập Hội đồng xét đề nghị đặc xá của đơn vị, đồng thời quán triệt cán bộ chiến sỹ trong đơn vị triển khai theo đúng Luật Đặc xá, niêm yết công khai các nội dung liên quan cho tất cả phạm nhân biết, triển khai thực hiện.
Tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, theo Thượng tá Trần Thăng Long, giám thị trại giam thì so với những năm trước, đợt đặc xá này, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, thời gian chuẩn bị cũng gấp gáp song nhờ chủ động trong khâu triển khai nên Ban giám thị đã khắc phục mọi khó khăn, làm việc hết sức tích cực, công tâm để lựa chọn ra những phạm nhân đủ tiêu chuẩn, xứng đáng nhất để đưa vào danh sách đề nghị đặc xá. Kết quả, đợt này trại tạm giam có 35 trường hợp được đề nghị đặc xá và 12 trường hợp giảm án, tha tù trước thời hạn. Nhiều trường hợp trong số này tuy có vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý, như còn chưa hoàn thành về trách nhiệm bồi thường dân sự, án phí hoặc sai sót về mặt thủ tục, nhưng để đảm bảo quyền lợi cho các phạm nhân, Hội đồng đặc xá đơn vị đã cử cán bộ về tận địa phương phối hợp với gia đình để tháo gỡ vướng mắc.
Đó là trường hợp của phạm nhân Cụt Văn Đại (SN 1984), ở Tương Dương, can tội hủy hoại rừng, án 36 tháng, có trách nhiệm bồi thường 7,4 triệu đồng nhưng do gia đình khó khăn, chia làm nhiều đợt nộp tiền nên hóa đơn sai lệch. Cán bộ trại giam đã phải lặn lội hơn 200 km lên huyện miền biên này, phối hợp với thi hành án dân sự Tương Dương để chỉnh sửa. Có trường hợp phạm nhân nghèo quá, không có tiền để nộp các khoản nghĩa vụ án phí, dân sự, cán bộ quản giáo đã phải cho vay để được hưởng quyền lợi đặc xá. Theo Thượng tá Long, sau khi có quyết định chính thức từ Hội đồng đặc xá Trung ương, Ban giám thị sẽ mở lớp tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời phối hợp với Công an tỉnh rà soát danh sách những phạm nhân tại Nghệ An để làm chứng minh thư nhân dân. Đơn vị cũng đã chuẩn bị tư trang cho phạm nhân sau khi ra trại, bao gồm quần áo, dép và kinh phí xăng xe, tiền ăn để họ trở về nhà, bắt đầu làm lại cuộc đời.
Tại Trại giam số 6 (Bộ Công an), đóng tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, cách TP Vinh tầm 70 km, để đảm bảo quyền lợi cho phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá, đồng thời không bỏ lọt đối tượng nằm trong diện theo quy định, ngay sau khi có quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013, Hội đồng đặc xá đơn vị đã triển khai và huy động 196 cán bộ, chiến sỹ cùng tham gia vào hoạt động này.
Nụ cười trở lại khi thấy tên trong danh sách đặc xá 2013. |
Tính đến ngày 6/8/2013, Trại giam số 6 có 3.838 phạm nhân đang thụ án tại 4 phân trại, để chọn ra được 292 phạm nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong tổng số này, đơn vị đã làm việc vất vả bất kể ngày đêm, cơ sở vật chất phục vụ cho việc sàng lọc và phân loại hồ sơ không đủ, anh em cán bộ phải kê bàn ghế ra tận hành lang, chong đèn để kịp tiến độ công việc.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ cho biết, trong tổng số 292 trường hợp đủ tiêu chuẩn được đề nghị Hội đồng đặc xá Trung ương xem xét đặc xá, mức án trên 15 năm có 2 trường hợp và 3 trường hợp là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Các loại tội danh có tỷ lệ được đề nghị đặc xá cao là cố ý gây thương tích, cướp tài sản không sử dụng vũ khí và mua bán trái phép chất ma túy nhưng không nghiện ngập. Cũng tại Trại giam số 6, trước ngày công bố quyết định đặc xá, đơn vị đã tiến hành tổ chức lớp học nhằm giáo dục cho phạm nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc những kiến thức cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, Luật Đặc xá và các kỹ năng sống khác sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Công tác chuẩn bị cho lễ Công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2-9 ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) đã hoàn tất. Đơn vị đã tổ chức cho cán bộ quản giáo chủ trì họp đội phạm nhân mình phụ trách, thảo luận kỹ các điều kiện, tiêu chuẩn được đặc xá. Trên cơ sở đó, tập thể đội phạm nhân lựa chọn, bình xét những phạm nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và tiến hành bỏ phiếu kín bầu chọn người được đề nghị xét đặc xá.
Đại tá Lê Phi Liên, Giám thị, Chủ tịch Hội đồng xét đề nghị đặc xá của Trại giam Xuân Hà cho biết, song song với công tác xét đặc xá, cán bộ quản giáo của Trại giam còn phải làm công tác động viên tư tưởng đối với số phạm nhân không đủ điều kiện để họ yên tâm cải tạo. Đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi thông thường, số phạm nhân này có tư tưởng chán nản, bi quan. Nhằm động viên tinh thần phạm nhân, Ban giám thị đã có nhiều hoạt động như dạy văn hóa cho phạm nhân mù chữ, tổ chức học tập quy chế cho phạm nhân mới vào trại. Để làm tốt công tác quản lý, giam giữ gần 1.500 phạm nhân đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội đang thụ án tại đây, ngoài công tác dạy nghề, tạo việc làm, trại giam Xuân Hà còn tổ chức thành công các phong trào thi đua như tổ chức cuộc thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”.
Xác định được ý nghĩa nhân văn cao cả của công tác đặc xá, các cán bộ quản giáo Trại giam Xuân Hà đã nỗ lực hết mình để góp phần vào việc giáo dục cải tạo những người đã lầm đường, lạc lối. Bằng tâm, trí và lực, cán bộ chiến sỹ Trại giam Xuân Hà đang góp phần mang lại cuộc sống mới cho những con người đã một thời lầm lỗi, nay nhận chân được giá trị thực của cuộc sống và đang bước những bước đầu tiên trở lại trường đời. Không chỉ cán bộ trại giam mà phạm nhân những ngày này cũng rất tất bật, họ đang mải miết cắt tỉa lại vườn hoa, chỉnh sửa lối vào khuôn viên trại, sơn sửa diện mạo cổng chính cho sáng bóng hơn. Đội văn nghệ phạm nhân luyện tập ngày đêm, để cốt làm sao có được tiết mục hoàn hảo nhất chúc mừng những người được trở về sớm với cộng đồng. Không khí ở các trại giam những ngày này, chẳng khác nào ngày hội thực sự.
Cảm xúc trước ngày về
Trong tổng số 292 trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn được Hội đồng đặc xá đơn vị đề nghị đặc xá tại Trại giam số 6 dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, chúng tôi đã gặp phạm nhân Nguyễn Quốc Việt (SN 1996), quê ở tỉnh Hà Nam, đang thụ án 36 tháng tù về tội cướp tài sản tại đội 49, phân trại K1, công việc làm mi mắt giả. Việt là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em, bố mẹ làm nông. Học đến lớp 7 thì bỏ ngang, Nguyễn Quốc Việt xin đi làm công nhân cho nhà máy tại khu công nghiệp gần nhà, thuộc xã An Đỗ, huyện Bình Lục.
Ngày 18/5/2012, Việt nghe theo lời rủ rê cùng chúng bạn thực hiện vụ cướp tài sản của một đồng nghiệp, chiến lợi phẩm thu được chỉ là 200 nghìn đồng nhưng cái giá phải trả thì quá đắt, Việt lĩnh án 36 tháng tù. Ngày 29/1/2013, Nguyễn Quốc Việt được chuyển đến Trại giam số 6, lao động ở đội mi mắt giả. Phạm nhân này hồn nhiên cho biết, chỉ đến khi bị bắt, em mới biết hành động của mình là phạm pháp. Sau khi vào trại giam, được cán bộ quản giáo và Ban giám thị quan tâm, giúp đỡ, bản thân đã nhận chân được rất nhiều điều. Khi nghe tin mình có tên trong danh sách đề nghị đặc xá, Việt vui sướng đến trào nước mắt. Chỉ ít ngày nữa thôi, khi được trở về với xã hội, nhất định em sẽ sống xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng mà cán bộ quản giáo đã dành cho trong những tháng ngày khoác áo sọc dọc.
Ngày về không lạc lối (Ảnh tư liệu cũ). |
Một trường hợp khác, phạm nhân Nhâm Thị Bình (SN 1972) ở phường Đông Vĩnh (TP Vinh). Phạm nhân Bình đã có thời gian 10 năm 6 tháng ở trại giam, đã được giảm án 5 lần. Cách đây hơn 10 năm về trước, vào ngày 27/3/2003, Nhâm Thị Bình bị bắt vì can tội mua bán trái phép chất ma túy, án tù 15 năm. Thời điểm sa chân vào tù tội, Bình đã có tất cả, một người chồng là giáo viên cấp 2, hai đứa con đủ nếp đủ tẻ. Con gái đầu 12 tuổi, còn cậu con trai 2 tuổi. Cuộc sống đủ đầy, không phải bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền. Ấy vậy nhưng, lóa mắt vì viễn cảnh phù du được vẽ ra bởi những kẻ lười lao động nhưng lại thích thụ hưởng, Bình lập bập đi buôn ma túy. Kể về quá trình sa ngã của mình, phạm nhân Bình cho biết, do quá trình làm ăn buôn bán quen biết nhiều, bị bạn xấu rủ rê nên đã tham gia. Sau vài chuyến nhỏ lẻ trót lọt, thấy béo bở, càng dấn thân. Lần cuối vận chuyển số lượng là một bánh heroin. Bình bị bắt tại gia, theo lời khai của đồng bọn.
Vào trại, Nhâm Thị Bình đã mất tất cả, người chồng li dị ngay sau đó, con gái lớn 12 tuổi, phải bỏ học giữa chừng, hiện chỉ còn đứa con thứ 2 đang học phổ thông là niềm an ủi duy nhất. Được sự quan tâm, động viên của cán bộ quản giáo rất nhiều, Bình mới lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. “Lúc mới nhập trại, cháu bị trầm cảm, mất thăng bằng ghê gớm. Đặc biệt là từ sau khi chồng đâm đơn li dị. May mà có cán bộ tốt, nếu không đời cháu rồi sẽ chẳng biết đi về đâu”, lời phạm nhân Bình.
Cảm xúc trước ngày về, phạm nhân Bình chia sẻ, suốt một tuần nay khi biết tin mình nằm trong danh sách được đặc xá, tâm trạng chị vui buồn đan xen. Phần vì mừng bởi được trở về cuộc sống tự do, phần hồi hộp chẳng biết mọi người sẽ đón nhận mình như thế nào, và chặng đường phía trước sẽ ra sao. Phạm nhân này cũng không ngần ngại “khoe”, con gái đầu của thị, năm nay 22 tuổi, đã lấy chồng và sinh cháu đầu lòng. 10 năm không có bàn tay chăm sóc của mẹ, giữa chốn đô thị nhưng cháu vẫn giữ nếp gia phong, thực sự Bình rất cảm kích. Hôm cưới, hai vợ chồng có lên thăm, động viên và mong bà về sớm để ẵm bồng cháu ngoại. Chỉ chừng ấy thôi, Nhâm Thị Bình đã vui sướng hết sức. Ngày về, dẫu còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng rồi, người đàn bà này quả quyết, dù khó khăn, vất vả đến đâu, nhất định bản thân sẽ không lặp lại sai lầm từ quá khứ. Sau hơn 10 năm ở tù, bài học lớn nhất mà người phụ nữ này nhận ra, ấy là không đánh đổi tương lai bởi những năm tháng tù đày vì đồng tiền không hợp pháp.
Hoàn lương nhờ đặc xá
Bệnh cạnh những công việc tất bật chuẩn bị cho ngày lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, có thêm phần việc mà các đơn vị trại giam không thể không thực hiện, dù rằng không làm việc này thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự kiện trọng đại này, nhưng nó sẽ làm giảm đi sự long trọng và ý nghĩa vốn có. Ấy là sàng lọc danh sách những “cựu” phạm nhân đã từng được đặc xá, nay trở về cộng đồng trở thành những tấm gương lao động sản xuất giỏi, những ông chủ nhỏ giúp ích cho cuộc sống thêm tươi đẹp trở lại trại giam để nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, động viên những phạm nhân sắp được đặc xá làm lại cuộc đời, không giẫm lên lối mòn đã cũ của ngày quá khứ.
Chuyện về sự kiên trì hoàn lương, phấn đấu trở thành ông chủ nhỏ rồi quay lại dang tay cứu giúp những người đã từng lầm lỡ như mình của “cựu: phạm nhân Phạm Thiết Tưởng (SN 1976) ở khối 2, thị trấn Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là một trong rất nhiều tấm gương sáng như vậy. Anh Phạm Thiết Tưởng sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết cấp 3, Tưởng dạt nhà vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề công nhân giày da. Được một thời gian ngắn, thất nghiệp nên thất thểu về lại cố hương, vô công rồi nghề sinh đàn đúm bạn bè và bập vào ma túy lúc nào không hay.
Để có tiền phục vụ những trò tiêu khiển, Tưởng cùng đồng bọn từ trộm cắp đến cướp tài sản của người dân trên địa bàn. Từ một thanh niên hiền lành, nàng tiên nâu đã cướp đi sự cù mì trong con người anh, biến Tưởng thành kẻ ma mãnh, liều lĩnh, sẵn sàng đâm chém để có tiền chích thuốc. Trong một vụ hỗn chiến, đã bị bắt và kết án tù, thụ án tại Trại giam số 6 đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An). Trong trại giam, sau 2 lần được giảm án, Phạm Thiết Tưởng đã được ra tù trước thời hạn vào dịp đặc xá năm 2008.
Trở về địa phương ở Quỳ Hợp, anh ki cóp tiền bạc và sau khi học nghề sửa chữa xe ôtô, anh trở về mở một gara trên địa bàn thị trấn. Thấm thía những lỗi lầm của ngày xưa cũ, Tưởng một mặt đoạn tuyệt với ma túy, mặt khác khi thấy những thanh niên dặt dẹo trên địa bàn, anh đã ra tay nghĩa hiệp, nhận đưa về xưởng quản lý và tạo công ăn việc làm. Ngoài ra, một số người sau mãn hạn tù trở về địa phương cũng được anh nhận vào làm, tiền công trả sòng phẳng vào đầu tháng. Chẳng mấy chốc, quy mô lẫn tiếng thơm về Tưởng vang xa, mọi người tìm đến để sửa chữa khi xe cộ có vấn đề. Đến nay, gara của anh là một trong những cơ sở lớn nhất ở phố huyện Quỳ Hợp, với lượng công nhân từ 10 – 15 người, thu nhập bình quân của nhân công luôn đạt trên 3 triệu đồng mỗi tháng.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Thế Sơn (SN 1971) ở phường Cửa Nam, TP Vinh (Nghệ An). Vốn là một người giỏi, có nghĩa khí nhưng Sơn sống bất cần. Và chính tính cách ấy đã khiến anh gần như quăng quật cả quãng đời trai trẻ của mình vào tù tội, ma túy và những trầm thăng của giang hồ. 19 tuổi, Sơn đã là tay anh chị cướp giật, đâm thuê, chém mướn. Đến lúc bị bắt tại Hà Nội vì tội cướp giật tài sản, Sơn đã là nô lệ của nàng tiên nâu. Vào tù ra tội đến 2 lần, anh mới sực tỉnh và quyết tâm làm lại từ đầu.
Diễn tập văn nghệ chuẩn bị cho ngày công bố Quyết định đặc xá. |
Đến nay, ngoài việc là ông chủ của Công ty Cổ phần Du lịch Ánh Sáng Vàng ở TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Sơn còn tốt nghiệp 2 trường đại học, vừa hoàn thành xong khóa học Luật sư. Sơn cũng mở cơ sở rửa xe Hướng Thiện, để giúp những người mãn hạn tù trên chính mảnh đất Cửa Nam quê hương anh có công ăn việc làm, không tái phạm sai lầm quá khứ. Ngoài việc là khách mời danh dự trong các sự kiện trọng đại của trại giam, hằng năm Nguyễn Thế Sơn còn được ban giám thị mời về nói chuyện với phạm nhân, giúp họ nhận ra chân giá trị thực của cuộc sống cũng như nhận thấy được quả ngọt sau sự nỗ lực của bản thân mỗi người.
Ngày về không bơ vơ
Trước ngày Công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, tại Trại giam số 6 Bộ Công an thường diễn ra Hội nghị gia đình phạm nhân rất ý nghĩa và sâu sắc. Đơn vị tổ chức Hội nghị này, không đơn thuần chỉ là giao lưu, gặp gỡ, trao đổi giữa người thân với phạm nhân mà hơn thế nữa, Ban giám thị trại giam còn mời các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia để giới thiệu việc làm cho các phạm nhân được đặc xá lần này. Sau quãng thời gian dài sống cách biệt với thế giới bên ngoài, phạm nhân khi về với xã hội nếu không được nâng đỡ sẽ dễ dàng sa ngã, đi lại vết mòn đã cũ. Vậy nên, việc các doanh nghiệp nhận những phận người này vào làm việc chính là một việc làm nhân văn sâu sắc, cũng là mô hình cần nhân rộng ra toàn quốc.
Bên cạnh những việc làm thiết thực đó, nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện tính nhân văn cũng được Ban giám thị các trại giam thực hiện để động viên anh em phạm nhân sớm hòa nhập cộng đồng. Trung tá Trần Quốc Tuấn, Cán bộ Đội giáo dục, Chủ nhiệm lớp tái hòa nhập cộng đồng Trại giam số 3 cho biết thêm, để giúp phạm nhân hoàn lương, ngoài những việc làm nhằm hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng như mở các lớp học trang bị kiến thức về các Luật Giao thông, Luật Cư trú, cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS và tác hại của ma túy, đơn vị còn chú trọng quan tâm đến đời sống của phạm nhân, từ nơi ăn chốn ở đến công tác khám chữa bệnh, học văn hoá và học nghề. Cùng với đó, ngoài việc hỗ trợ kinh phí khi các phạm nhân trở về nhà theo quy định của nhà nước, Trại giam số 3 còn có một chính sách riêng cho các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ thêm quần áo và một số vật dụng khác.
Không giống với bất kỳ sự trở về nào khác, con đường về lại với cộng đồng của những phạm nhân được đặc xá lần này đang thênh thang rộng mở và mang nhiều cảm xúc. Hơn bao giờ hết, họ đang cần một sự nâng đỡ, một nẻo về để không lạc lối. Tất cả các phạm nhân được đề nghị đặc xá là những mảnh đời khác nhau, số phận cũng không giống nhau nhưng đều có chung một khao khát phục thiện và ước mơ cháy bỏng về hành trang đúng lối cho ngày trở lại.