Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201303/26670-di-ban-hoa-vi-khong-con-gi-de-mat-392263/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201303/26670-di-ban-hoa-vi-khong-con-gi-de-mat-392263/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đi bán hoa vì “không còn gì để mất” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 09/03/2013, 13:07 [GMT+7]
26670

Đi bán hoa vì “không còn gì để mất”

Nhắc về quá khứ, cô gái ấy khóc. Nước mắt chưa rơi khỏi đôi gò má phớt hồng, cô đã quẹt ngang rồi đột nhiên bật cười. Cô gái bảo: “Em ngu em bị lừa tình, em hám tiền em bán thân. Có gì đâu mà khiến người khác động lòng trắc ẩn”.

Rồi bằng vẻ phớt đời, chất giọng như tự khinh khi cả bản thân, cô gái bắt đầu nghẹn ngào kể về khoảng thời gian tăm tối…

Hy vọng sau khi rời khỏi trung tâm, Mai sẽ vứt bỏ quá khứ tối tăm để làm lại từ đầu.

Trái đắng tình yêu 

Cô là Nguyễn Thị Mai, quê Thanh Hóa, năm nay vừa tròn 25 tuổi. Mai da trắng, môi hồng, mắt buồn thăm thẳm. Có một thời, vẻ đẹp của Mai khiến không biết bao nhiêu đàn ông săn đón, hứa hẹn sẽ đưa Mai ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp. Thế nhưng không một ai từng hứa mà quay lại. Mai chua chát: “Em không còn tin tưởng vào bất kì một gã đàn ông nào nữa”.

Như bao cảnh nghèo khác, Mai sinh ra trong một gia đình đông con, cha mẹ Mai suốt đời chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cả năm trời làm lụng vất vả chỉ một cơn lũ đi qua là càn quét hết bao nhiêu mồ hôi công sức. Thế nên từ đời ông bà, rồi đến đời cha mẹ Mai, căn nhà ấy nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thương cha mẹ, hai chị gái đầu của Mai bỏ quê Nam tiến, những mong đỡ đần được cho gia đình đồng tiền, bát gạo. Đến lượt Mai, 15 tuổi, nghe mọi người vẫn thường kháo nhau về “vùng đất hứa”, Mai xin cha mẹ nghỉ học rồi cũng khăn gói lên đường.

Mai theo chị đến làm công nhân ở Bình Dương. Làm được 3 năm thì chị gái Mai lấy chồng và chuyển lên Sài Gòn sống. Mai cũng theo chị bước chân lên chốn phồn hoa đô hội. Mai xin vào làm nhân viên kiểm kho tại một công ty trên đường Phổ Quang, quận Gò Vấp.

Với ngoại hình ưa nhìn, Mai được biết bao chàng trai phố thị nhòm ngó, trong đó có Nguyễn Thanh Liêm, ở gần phòng trọ của Mai. Liêm quê miền Tây, con trai Tiền Giang trắng trẻo, giọng nói ngọt xớt. Thanh Liêm thường tự hào mình dễ dàng làm rơi rụng tim của nhiều cô gái nhưng với Mai thì khác. Do tủi phận nghèo, Mai chỉ biết lao vào làm việc, hầu như không nghĩ ngợi chuyện yêu đương. Thế nên, Liêm có đẩy đưa mấy lần vẫn không cưa cẩm được Mai.

Nhưng rồi, cô gái thanh tân nhiều mơ mộng lại cảm động trước Liêm chỉ vì một cử chỉ vu vơ. Mùa bão ập đến xứ Thanh, xứ Nghệ, Mai ra trạm điện thoại gọi về thăm hỏi cha mẹ mà nước mắt giọt vắn giọt dài. Sợ mọi người thấy mình khóc, Mai cúi gằm, lầm lũi trở về phòng trọ. Chẳng may, Mai đâm sầm vào một người thanh niên. Ngẩng lên Mai mới biết đó là Liêm, chàng trai hơn mình 5 tuổi vẫn thường buông lời tán tỉnh. Gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt, Mai lúng túng quay đầu.

Bỗng Liêm giằng cô lại, lặng lẽ nhét vào tay Mai gói khăn giấy. Và ánh mắt dịu dàng pha lẫn chút âu lo của Liêm trong lần tình cờ ấy cứ ám ảnh lấy Mai. Bắt đầu từ những lần trộm liếc nhìn, những nụ cười đầy bối rối, Liêm biết cô bé mới lớn đã dành tình cảm cho mình. Liêm liền tấn công, Mai e lệ gật đầu ưng thuận. Nhưng cô gái trẻ nào biết, mình đã lầm trao tình cho kẻ sở khanh. Trong một lần đi chơi về khuya, Liêm đã dụ dỗ Mai ở cùng mình và cô gái mới vừa tròn 18 tuổi lần đầu tiên run rẩy trao thân cho người đàn ông mình tin tưởng. 

Sau lần “hái trái cấm”, Liêm lơ Mai hẳn. Nhận ra được sự khác lạ ở Liêm, Mai tìm gặp anh để hỏi chuyện, nhưng Liêm kiên quyết không gặp. Mai đau buồn, khóc lóc vật vã vì không biết mình đã làm gì sai. Cho đến khi vợ sắp cưới của Liêm từ quê lên rồi trọ lại phòng của Liêm hằng tuần liền thì cô mới nhận ra sự thật ê chề.

Mất đi đời con gái vì một gã sở khanh, Mai đã từng nghĩ đến việc tự tử. Nhưng mỗi khi nhớ về khuôn mặt cha mẹ già khắc khổ hằng ngày, hằng giờ trông ngóng con, Mai lại không dám. Thời gian này, ở quê bão lại nổi, mùa màng thất bát, cha mẹ Mai ở quê lâm vào cảnh vô cùng khốn khó.

“Nghèo còn gặp cái eo”, công ty Mai đang làm việc cũng thua lỗ rồi quyết định giải thể, Mai thất nghiệp. Trong cơn túng bấn thì người chị đồng hương cùng phòng trọ ngọt nhạt rủ Mai đi làm tiếp viên quán hớt tóc thanh nữ. Mai kể: “Chị ấy nói em chỉ cần gội đầu, mát –xa cho khách sẽ có rất nhiều tiền. Đâu phải làm gái đâu mà em phải sợ. Đang lúc khốn khó, lại sắp tết nên em tặc lưỡi gật đầu. Vả lại lúc đó em chỉ nghĩ có chị ấy cùng làm, chắc là không đến nỗi, nào ngờ…”.

Sa chân

Người chị cùng phòng dắt Mai đến gặp bà chủ quán hớt tóc thanh nữ. Bà ta nhìn một lượt từ đầu đến chân Mai ra chiều rất đắc ý rồi trao đổi sơ qua công việc và tiền lương. Nơi Mai làm mang tiếng là tiệm hớt tóc nhưng chỉ kê đôi ba chiếc ghế và vài dụng cụ sơ sài, Mai đâu có biết “thiên đường” thật sự nằm bên trong. Đó là một dãy phòng dài, được ngăn mỗi khoảng bé xíu, cỡ 2 mét vuông, đủ để đặt một chiếc giường, loại giường để khách nằm gội đầu.

Đi làm ngày đầu tiên, Mai mới biết ở đây, thực chất là một tụ điểm chuyên mát xa kích dục và phục vụ khách “tới bến” ngay trong những căn phòng nhỏ xíu ấy. Mai toan nghỉ việc, nhưng bà chủ lại lời ngon tiếng ngọt bảo Mai rằng, nếu Mai không thích, thì chỉ cần mát xa cho khách là đủ, không cần “phục vụ khoản ấy”. Sở dĩ bà chủ tìm đủ mọi cách giữ Mai lại, vì vẻ ngoài xinh đẹp của Mai chính là “con át chủ bài” hút khách đến tiệm.

Ngày thứ 2 đi làm, Mai bị khách sàm sỡ, cô cương quyết không chịu thì gã đàn ông trung niên nhìn Mai cười hềnh hệch rồi không hiểu sao boa cho Mai rất hậu. Đợt ấy, Mai rất hận đàn ông. Nghĩ mình đã hoen ố, đã không còn gì để mất, Mai mặc nhiên để cho những gã đàn ông hám của lạ sờ soạng, ôm ấp. Những đồng tiền kiếm ra dễ dàng làm cho Mai mờ mắt.

Cô tự biết rằng càng chiều khách, càng ngả ngớn thì tiền kiếm được càng nhiều. Những va chạm xác thịt càng ngày càng đi xa hơn. Cũng là lúc, Mai nhận ra số tiền boa mình kiếm được chẳng thấm là bao so với các nhân viên chịu “tới bến”. Ý nghĩ không còn gì để mất, chẳng còn gì để gìn giữ và cơn hận người đàn ông đã hại đời mình bùng lên, Mai sa chân vào vũng bùn nhơ nhớp.

Mỗi ngày tiếp khách, Mai thu nhập trung bình từ 700 – 1 triệu đồng. Mai tính, chỉ làm đến khi nào đủ vốn làm ăn nhỏ sẽ hoàn lương, sẽ rời xa chốn tối tăm u ám này. Nhưng rồi số tiền ấy cứ tiêu dần vào quần áo, son phấn, mỹ phẩm để kéo lại nhan sắc sau những cuộc “ong bướm” thâu đêm, chưa kể phải nộp lại cho bảo kê, chủ chứa tiền hoa hồng… nên mơ ước hoàn lương của Mai cứ mãi là mơ ước.

Một ngày cuối năm 2010, trong một đợt truy quét, Mai bị bắt quả tang đang bán dâm cho khách và được đưa lên Trung tâm giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa. Cùng bị bắt với Mai có khá nhiều chị em đồng hương. Lúc này, những người cha mẹ tảo tần ở quê nhà mới biết đồng tiền con gái họ vẫn đều đều gửi về xuất phát do đâu.

Về phần gia đình Mai, cha cô nghe tin liền lên cơn đột qụy, tuy chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề. Mẹ Mai không nói tiếng nào, suốt ngày ra ngẩn vào ngơ như người mất hồn.

Kể đến đây, Mai cắn chặt môi, gạt ngang nước mắt rồi lại cười: “Lúc em làm gái, có rất nhiều tên đàn ông hứa hẹn sẽ đưa em ra khỏi nơi này, em nghe và tin. Nhưng một lần, hai lần, rồi ba lần, sau khi “bướm chán ong chường” những kẻ đó đều cao chạy xa bay. Có chăng chỉ là lường gạt một con cave để được những lần ái ân miễn phí”, giọng Mai chua chát đến cùng cực.

Nhưng khi nhắc về cha mẹ, Mai không còn giữ nụ cười đắng đót ấy nữa, cô òa khóc như trẻ con: “Thuở ấy, dấn thân vào nghề “làm gái” quả thật chỉ vì em đau đớn, suy sụp sau lần bị gã sở khanh lường gạt. Trong đầu cứ nghĩ “không còn gì để mất”, em sẽ chơi đùa cho những gã ấy phải khổ sở vì mình. Nhưng em sai rồi, họ chỉ coi em như trò chơi, chơi chán lại đi, chỉ có cha mẹ em, người thân em là khổ thôi. Em sai quá, chỉ vì em không biết gìn giữ bản thân mà cha em ra nông nỗi này, mẹ em đau khổ triền miên. Em phải làm gì để chuộc lỗi đây, hả chị?”.

Một lúc sau, cô gái mới kìm nén được cơn xúc động. Mai nhìn tôi, khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt: “Nghĩ cũng may mắn, trung tâm này đã cho em một cái nghề, cho em có đủ thời gian để thức tỉnh. Nhưng không biết sau này về quê, cha mẹ có nhận nhìn em không nữa. Em sợ bà con làng xóm sẽ điều tiếng, nên chắc em chỉ về thăm cha mẹ rồi lại đi”.

Nói đến đây Mai im lặng, có lẽ Mai đang nhớ cha mẹ, nhớ về những tháng ngày nghèo khó mà bình yên, thanh thản. 25 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp, quãng đường phía trước của Mai còn rất dài và thênh thang.

Đã từng sắc nước hương trời, con mắt có đuôi, môi cười lúng liếng, đã từng ong vờn bướm lượn, bao nhiêu gã tình si thầm nguyện nâng đỡ gót chân… Nhưng rủi may phận người đã đẩy họ sa chân vào con đường mưu sinh lấm lem, hoen ố. Và rồi họ được đưa vào đây, để học một cái nghề khác hơn nghề “buôn hương bán phấn”.

Mỗi người là mỗi số phận éo le, cảnh đời bi đát. Trò chuyện với họ, khi thì giận, khi lại rất thương. Chuyện được ghi tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa, Bình Phước.

 

Nguồn: CSTC
.